Từ khởi nguồn đến khởi nghiệp: Đổi mới sáng tạo vi mô và vĩ mô
Các nhà khoa học và nhà quản lý khoa học có lẽ đều có cách nhìn giống nhau: Đổi mới sáng tạo là con đường sống của KHCN. Mong sao những cố gắng ở tầm vi mô đó sẽ được cộng hưởng với sự đổi mới sáng tạo hết sức cần thiết ở tầm vĩ mô, tức là ở tầm quốc gia, cũng coi đổi mới sáng tạo (innovation) là sự sống còn của đất nước.
PGS. TS Nguyễn Thị Hòe và cộng sự tại công ty Sơn KOVA trao đổi ý tưởng về sản phẩm.
Ngày trước tôi có dịp làm việc ở phòng thí nghiệm của giáo sư Inoue (Tokyo Institute of Technology – TIT), một trong số nhà khoa học làm ra máy photocopy đầu tiên của Nhật Bản và từng đến thăm Việt Nam vào giữa những năm 1980. Khi nói chuyện thân tình, giáo sư kể rằng từ những năm 1945-1950, phòng thí nghiệm và điều kiện làm việc ở Nhật Bản còn tệ hơn Việt Nam những năm 1980 rất nhiều. Lúc bấy giờ, tôi còn nhớ giáo sư Inoue đã cho tôi bí quyết: phải nắm lấy bằng được công nghệ tốt, chiếm giữ được know-how thì mới có thể vượt lên được. Giáo sư nói: “Các nước phát triển có thể bán hoặc chuyển giao mọi thứ, nhưng đừng bao giờ hy vọng họ chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ tiên tiến, công nghệ cao. Chỉ có tìm mọi cách để giành lấy mà thôi!”. Ngẫm lại, quả thật chí lý. Người Nhật đã đi đầu trong việc áp dụng bí quyết này. Triều Tiên và Hàn Quốc cũng làm được như vậy, Đài Loan không thua kém và Trung Quốc đang làm rất tốt. Mới đây một người bạn trong ban lãnh đạo của Qualcomm (Mỹ) đã kể cho tôi biết rằng hiện Trung Quốc đã chủ động được công nghệ chips thế hệ 14 Nano, và những CPU cho di động tối tân nhất của Qualcomm như họ chips di động Snapdragon thì Trung Quốc cũng đã chủ động được. (Tất nhiên, đó là ví dụ về công nghệ hiện đại nhất thế giới thôi, còn các công nghệ hiện đại cũ như hạt nhân, vệ tinh, viễn thông, máy tính, xe hơi, gang thép, kim loại, hóa chất, cơ khí tự động hóa v.v… thì họ đã làm chủ được hết rồi). Nên nhớ không nước nào cần quá 30 năm với một xuất phát điểm không khác mấy với Việt Nam.
Từ 30 năm trước, FDI vào Việt Nam, đầu tiên là các nhà buôn nhỏ, nhưng rồi các đại gia công nghệ cũng đã vào với vốn đầu tư hàng trăm tỷ, nhưng tại sao công nghệ của họ không thể lan tỏa cho Việt Nam. Khác hẳn với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ở đấy họ lấy việc học hỏi và làm chủ công nghệ làm một trong những mục tiêu chủ yếu trong thu hút đầu tư nước ngoài, kết quả là họ có nội lực để phát triển. Quả thật là phải cay đắng nhận ra rằng phần lớn các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa của Việt Nam chăm lo đi buôn hàng hóa, nhà đất, vì “đánh quả”, chộp giật dễ ăn hơn là làm công nghệ.
Chuyển giao công nghệ cho ai?
Mấy anh bạn tiến sĩ ở Viện Hàn lâm của tôi những năm đầu 1990 không đủ sống, bỏ Viện đi làm thuê cho liên doanh nước ngoài về chế tạo cáp mạng và cáp viễn thông. Chỉ sau hơn chục năm, họ đã tách khỏi liên doanh, thành lập những công ty riêng để sản xuất cáp hiện đại chất lượng cao cho xuất khẩu và nội địa. Đó là thí dụ rất hiếm hoi về học tập làm chủ công nghệ, nhưng có lẽ tỷ lệ chỉ dưới một phần vạn!
Nếu đổ tội cho những doanh nhân, những nhà KHCN và sinh viên là tội đồ của đổi mới sáng tạo thì cũng không sai nhưng oan và rất không công bằng. Họ chỉ là những thực thể ở mức vi mô. Làm sao họ có thể mạnh mẽ đổi mới sáng tạo khi mà ở tầm vĩ mô là một việc làm ngược lại!
Vào giữa những năm 2000, giới KHCN đã cùng Tia Sáng đề xuất với nhà nước rất chi tiết nhiều vấn đề về sự cần thiết của việc xây dựng chính sách thúc đẩy DN Khởi nguồn (spin off) và Khởi nghiệp (start-up). Đó là vấn đề đổi mới sáng tạo ở tầm vĩ mô. Hãy xem lại tóm tắt của Tia Sáng về mô hình này1:
DN spin-off là một bộ phận hữu cơ của cơ sở nghiên cứu (viện hay trường đại học, của cá nhân độc lập, hay của doanh nghiệp lớn) nhưng hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Song “hàm lượng chất xám” chính là điều kiện tiên quyết của DN spin-off và khiến nó khác biệt với các DN khoa học khác.
DN Khởi nguồn là một khối gắn kết cố định phòng thí nghiệm – nhà nghiên cứu sáng tạo – nhà sản xuất, nó vừa tạo quyền chủ động cho nhà sáng tạo, vừa giúp nhanh chóng đưa sản phẩm công nghệ cao ra thị trường. Ngoài spin-off, còn một loại hình DN khoa học nữa là DN start-up (hay “DN khởi nghiệp”). Nhưng khác với DN spin-off, DN start-up không nhất thiết phải gắn với cơ sở nghiên cứu. Công nghệ của DN start-up không nhất thiết phải là công nghệ cao, kết quả nghiên cứu cũng có thể lấy từ nơi khác đến. Trong các DN khoa học, có thể có hàng trăm ngàn DN start-up, nhưng chỉ rất ít trong đó là DN spin-off. Những doanh nghiệp trưởng thành từ Khởi nguồn là những hạt giống của công nghệ nội tại, thường rất bền vững. Các doanh nghiệp Khởi nghiệp là nơi để hấp thụ và lan tỏa công nghệ từ mọi nguồn trên thế giới, đều là nền móng cho sự phát triển vượt bậc của đất nước (xem sơ đồ trên).
Mười lăm năm đã qua, gần đây mới thấy chính phủ kiến tạo chính thức để tâm tới xây dựng và hỗ trợ DN khởi nghiệp2. Nhưng đến nay (11/2017) chỉ mới có dự thảo cho phép thành lập DN (chắc là Spin-off) trong trường đại học3.
Đó cũng có thể coi là sự đổi mới sáng tạo trong tầm mức vĩ mô, dẫu có chậm, rất chậm, nhưng còn hơn không!
Nếu các nhà làm chính sách KHCN của Việt Nam có tầm nhìn đổi mới sáng tạo hơn thì họ sẽ rất nhanh nhạy với sự phát triển của thực tế. Không cần nhìn đâu xa, chỉ ở trong nước thôi đã có những thí dụ rất đáng nêu. Về DN khởi nguồn có thể lấy ví dụ như BKAV được xây dựng nên từ những sáng tạo của Nguyễn Tử Quảng từ lúc còn là sinh viên ĐHBK, MISA với sản phẩm nổi tiếng về phần mềm quản lý doanh nghiệp là xuất xứ từ những thành quả của nhóm Lữ Thành Long và cộng sự ở Viện CNTT. Sơn KOVA là thành quả của GS Nguyễn Thị Hòe (giải thưởng Kovalevskaia). Họ đều từ Khởi nguồn đến Khởi nghiệp và nay đều điều hành những DN lớn, công nghệ cao độc quyền, phát triển bền vững. Tiếc thay số này rất ít, chỉ đủ để chứng minh không phải người Việt Nam không thể làm được. Những DN lớn khác (như FPT), mệnh danh là anh cả (theo doanh số), được o bế trong làng công nghệ, điểm danh lại thì chẳng nắm giữ công nghệ và sản phẩm nào có tên tuổi cả. Thậm chí còn được thị trường chứng khoán xếp vào hạng DN mua bán thiết bị và dịch vụ. Thế thì công nghệ của các công ty FDI không thể được các công ty Việt Nam hấp thụ và lan tỏa là điều dễ hiểu.
Nhìn ra nước ngoài thì những tấm gương như Microsoft, Google, Facebook… không phải là ít để học tập nhưng khó theo được. Vậy chỉ xin kể một chuyện nhỏ mà tôi đã trực tiếp trải nghiệm. Thời gian vào giữa thập kỷ 1980, A.Forchel và tôi làm việc cùng nhau ở Stuttgart, Đức rồi cả hai sang Mỹ, tôi về lại Việt Nam. Afred Forchel sau đó được bổ nhiệm làm giáo sư Vật lý kỹ thuật ở Đại học Wuerzburg vào thập kỷ 1990. A.Forchel rời Stuttgart sang trường mới, được giao xây dựng phòng thí nghiệm (PTN) NanoLab, lúc đó là hiện đại, vào loại đắt tiền nhất châu Âu. Năm 1996, Đại học Wuerzburg mời tôi với tư cách là Visiting Professor, sang Wuerzburg làm trong nhóm của GS A. Forchel ở PTN mới xây xong. Lúc đó, cả thế giới đang sôi sục về việc tìm cách chế tạo ra Diode phát quang và Diode Laser màu xanh dương cho đến tử ngoại, trên nền tảng vật liệu GaN. Cuộc cạnh tranh giữa các nước lúc đó thật là khốc liệt. Trong nội bộ nước Đức, nhóm chúng tôi chạy đua với nhóm Siemens4. Ngoài nước thì cạnh tranh với nhóm của Shuchi Nakamura ở công ty Nichia – Nhật Bản. Chúng tôi được đầu tư khủng và làm việc cũng khủng khiếp luôn. Một cậu trong nhóm tôi thậm chí đã ngất xỉu trong phòng thí nghiệm. Nhóm chúng tôi chọn phương pháp MBE (Molecular Beam Epitaxie) còn nhóm Nakamura dùng phương pháp MOCVD (Metal Organic CVD) rẻ hơn và dễ sản xuất đại trà hơn. Cuối cùng thì trong lĩnh vực GaN-LED, nhóm Nakamura đã thắng (và được trao giải thưởng Nobel 2014). Tiện đây, cũng xin kể thêm chuyện Nakamura đã thắng về LED xanh dương, giúp cho Nichia, một công ty bé tí tẹo lúc đó, trở thành một đại công ty, giàu vô kể. Tiếc thay, vì Nichia đã gần như “quỵt” tiền sáng chế của Nakamura, nên năm 2000 ông ta bỏ sang Santa Barbara và nhập quốc tịch Mỹ. Nước Mỹ được tiếng ẵm giải thưởng Nobel là nhờ ăn theo chuyện này. Sau này, Nakamura kiện ngược Nichia. Vụ kiện gây chấn động giới KHCN thế giới. Cuối cùng nhà khoa học chiến thắng, năm 2008 Cty Nichia phải trả cho Nakamura một khoản tiền lớn. Đúng là vấn đề phân chia lợi ích của sáng tạo không đơn giản.
Nhóm Forchel tuy thua về LED-GaN nhưng nhờ kiên trì phát triển phương pháp MBE lại thẳng tiến trong lĩnh vực Laser giếng lượng tử (Quantum Well Laser) giải phổ từ tử ngoại, tím, xanh, cho đến hồng ngoại gần và xa, đứng đầu thế giới. Trên cơ sở đó giáo sư A. Forchel đã lập một công ty Khởi nguồn, lúc đó tôi đã về Việt Nam rồi. Năm 2014 gặp lại nhau, GS A. Forchel, từ mấy năm nay là chủ tịch của Đại học Wuerzburg, một trường đại học lớn, nổi tiếng, sở hữu đến 14 giải Nobel và giải Nobel đầu tiên của thế giới đã được trao cho A. Roentghen cũng của trường đại học này. Tôi đã hỏi A. Forchel:
– Cái GmbH (công ty TNHH theo tiếng Đức) ngày ấy cậu lập ra bây giờ còn sống không?
– Còn sống chứ, chẳng những sống mà bây giờ phát triển lên rất lớn.
– Cậu vẫn làm chủ nó à?
– Tất nhiên, nhưng bây giờ chỉ một phần thôi. Có người chuyên nghiệp đảm nhiệm điều hành hằng ngày rồi, không như ngày mới lập nữa. Bây giờ nó là công ty NanoPlus nổi tiếng lắm, cậu không biết à.
– NanoPlus5, tất nhiên là mình biết, chuyên về NIR Turnable Laser chứ gì. Cái Laser đó lắp trên tàu thám hiểm sao Hỏa Curiosity của NASA. Nhưng mình không ngờ đó là sản phẩm của công ty Spin-off bé tẹo của cậu ngày trước. Nó vẫn nằm trong Phòng thí nghiệm NanoLab của chúng ta dạo làm Molecular Beam Epitaxie cho GaN chứ?
– Ồ không, bây giờ NanoPlus có hai nhà máy lớn với gần trăm kỹ sư rồi. Từ năm 2001, hai năm sau khi thành lập, và bán được khá nhiều sản phẩm Laser đơn mode (single mode laser) giải sóng 1,3 đến 1,6 micrometer thì chúng mình cho NanoPlus ra ở riêng, xây nhà máy mới ở Gerbrunn gần PTN NanoLab của chúng ta ở Würzburg đó. Năm 2009 mở nhà máy lớn thứ hai ở thành phố Meiningen. NanoPlus ngày nay là nhà cung cấp hàng đầu thế giới về mọi loại Laser hồng ngoại từ hồng ngoại gần, trung đến hồng ngoại xa (0,76-14 Micrometer).
– GuentherTraenkler (là một bạn cùng nhóm chúng tôi ở Stuttgart, nay là Viện trưởng Viện nghiên cứu Ferdinand-Braun, Berlin) có kể với mình rằng ở Berlin lúc đầu khi có chủ trương lập các công ty Start-up ở viện nghiên cứu thì cũng có gặp ý kiến phản bác. Một vài công ty cho rằng Viện đã lấy tiền đóng thuế (có phần tiền của công ty họ đóng) để nghiên cứu, nay nhà khoa học của Viện lại lập công ty riêng để cạnh tranh với họ là không công bằng. Cậu có gặp ý kiến phản bác đó không?
– Nếu mà nhà khoa học như chúng ta chỉ làm ra sản phẩm kém sáng tạo, hoặc sản phẩm cũ mà xã hội đã làm tốt rồi thì tất nhiên ý kiến phản bác đó là đúng. Với tư cách nhà khoa học chân chính, chúng ta phải làm ra sản phẩm sáng tạo mới và như vậy thì ai mà phản đối.
Chúng tôi là chiến hữu làm việc với nhau từ thuở trẻ tuổi hàn vi, kéo mãi cho đến khi hói tóc, bạc đầu, nên câu chuyện không có màu mè, khách sáo gì. Tôi chúc mừng bạn và cũng chẳng quá buồn cho mình và nước mình khi so sánh với bạn và nước bạn vì chưng hoàn cảnh và con người nước Đức khác Việt Nam một trời một vực.
Tôi nghĩ rằng không khéo thì mình sẽ thua kém cả Campuchia, Myanmar… trong một tương lai gần, nếu không có sự đổi mới sáng tạo mạnh mẽ ngay từ hôm nay.
—
1http://tiasang.com.vn/-khoa-hoc-cong-nghe/doanh-nghiep-trong-phong-thi-nghiem-1144
2http://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/34993002-ha-noi-ho-tro-doanh-nghiep-khoi-nghiep.html
3https://www.tienphong.vn/giao-duc/truong-dai-hoc-duoc-thanh-lap-doanh-nghiep-1211602.tpo
4 “Photoluminescence study of InGaN films and InGaN/GaN quantum wells produced by molecular beam epitaxy” A. Bazhenov, TX. Hoai, J. Muller, M. Lipinski, A. Forchel Defect Recognition And Image Processing In Semiconductors 1997 The Institute Of Physics Conference S, 160, 363-366, (1998)”
5https://nanoplus.com/