Từ lý thuyết trò chơi đến giải quyết khủng hoảng của 7 nhà kinh tế đoạt giải Nobel

Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ ngày càng có chiều hướng xấu hơn, cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra, tờ báo Newsweek đã mời một số nhà kinh tế đoạt giải Nobel đưa ra đề xuất giải quyết khủng hoảng từ lý thuyết trò chơi để tư vấn cho Tổng thống sắp đắc cử. Ngài Clive W.J. Granger, Nobel Kinh tế năm 2003, hiện đang là giáo sư trường Đại học Califonia, San Diego đã đưa ra nhận định: “Hầu hết các cuộc khủng hoảng kinh tế đều được giải quyết thông qua sự thay đổi quan điểm và thái độ của những chủ thể chính như nhà đầu tư, nhà đầu cơ”. Sự thay đổi quan trọng thường nhạy cảm và đi kèm với một ý tưởng mới nhưng nó sẽ được chấp nhận bởi một cuộc chơi mới được ra đời.

Thay đổi cuộc chơi
Lý thuyết trò chơi là một nhánh của Toán học ứng dụng, nghiên cứu các tình huống chiến thuật trong đó các đối thủ lựa chọn các hành động khác nhau để cố gắng làm tối đa kết quả nhận được.
Trong lý thuyết trò chơi có năm yếu tố cơ sở: người chơi ( Players); giá trị gia tăng (Added values ); quy tắc (Rules); chiến thuật (Tacties); phạm vi (Scope), 5 yếu tố đó hợp thành PARTS như là các thành phần của cuộc chơi.
Kinh doanh không giống các trò chơi khác ở chỗ nó cho phép có nhiều hơn một người thắng cuộc. Tuy nhiên kinh doanh còn khác ở một điểm hết sức cơ bản nữa, đó là: Trò chơi kinh doanh không bao giờ đứng yên. Các yếu tố trong trò chơi đều liên tục thay đổi và không bao giờ có gì là cố định ở đây cả. Tất cả mọi người đều có thể tự do thay đổi trò chơi kinh doanh sao cho có lợi nhất cho mình và dĩ nhiên họ luôn tìm cách làm điều đó.
Vì sao phải thay đổi trò chơi? Mặc dù, có thể chơi rất xuất sắc nhưng bạn có thể vẫn ở trong tình trạng xấu. Bạn phải thay đổi nó. Thậm trí một trò chơi đã hay đối với bạn vẫn có thể còn hay hơn nữa. Thành công sẽ đến từ sự tích cực định hình trò chơi bạn đang chơi, từ việc tạo ra trò chơi bạn muốn, chứ không phải chơi trò chơi bạn tìm được. 
 Cần phải thay đổi trò chơi thế nào ? Để thay đổi trò chơi, bạn chỉ cần thay đổi 5 yếu tố cơ bản – thay đổi PARTS. Mỗi yếu tố cấu thành đều là một công cụ đắc lực để chuyển trò chơi này sang trò chơi khác. Chính việc làm thay đổi trò chơi là lợi thế khiến lý thuyết trò chơi tìm thấy những cơ hội lớn nhất cho mình.

Eric Maskin

Paul Krugman

 Joseph E.Stiglitz

 

 
Người chơi (Players)
Khoảng hơn 10 năm trước, các ngân hàng đầu tư đã phát triển rất nhanh khi họ tạo ra cuộc chơi có tên “chứng khoán hoá”, mà sau này là một trong những tác nhân chính gây khủng hoảng tài chính-tín dụng Mỹ và thế giới 2007-2008. Phần lớn các nhà kinh tế đoạt giải Nobel đều đề xuất tái cấu trúc lại lĩnh vực tài chính theo hướng thay đổi cơ cấu chủ sở hữu và kiểm soát chặt chẽ hơn. Hai ngân hàng đầu tư lớn nhất Mỹ còn sót lại sau hàng loạt vụ mua bán sáp nhập do khủng hoảng là Goldman Sachs và Morgan Stanley đã nộp đơn xin chuyển đổi mô hình. Có lẽ những người chơi mới sẽ nhập cuộc. Theo quan điểm của Eric Maskin, người được giải Nobel năm 2007, ông mong muốn Tổng thống mới của Mỹ phân biệt rõ thị trường nào cần sự can thiệp của Chính phủ và thị trường nào không cần. “Rất nhiều thị trường hoạt động hiệu quả mà không cần hoạt cần ít sự can thiệp từ bên ngoài nhưng những thị trường khác, đặc biệt những thị trường có nhiều yếu tố ngoại vi, sự can thiệp của Chính phủ là cần thiết”, ông viết.

Giá trị gia tăng (Added-value)
Một trong ba đề xuất ngắn gọn của Paul Krugman, giáo sư kinh tế học trường Đại học Princeton, người mới được bầu chọn cho giải Nobel Kinh tế 2008, là cải cách hệ thống y tế nhằm hỗ trợ nạn thất nghiệp ngày càng gia tăng. Đi xa hơn một chút, Joseph E. Stiglitz, giáo sư trường Đại học Columbia, người được giải Nobel năm 2001 khuyến cáo: “Tuy nhiên, để phục hồi chúng ta phải cần hành động nhiều hơn”. Theo ông, Chính phủ nên đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và công nghệ mới giúp người dân bớt lệ thuộc vào năng lượng truyền thống. Chính phủ cũng nên cắt giảm chi tiêu quân sự và cải cách hệ thống y tế, một trong hai nguồn lực bị lãng phí nhất của kinh tế Mỹ hiện nay.       

Quy tắc chơi (Rules)
Hầu hết các nhà kinh tế đều kiến nghị Tổng thống sắp đắc cử và Chính phủ nên nhanh chóng thay đổi, ban hành nhiều quy định mới liên quan đến lĩnh vực tài chính.  Paul Krugman, cho rằng chính phủ phải nhanh chóng ban hành các quy định mới, trong đó có các tổ chức tài chính cần cứu trợ cũng phải được quản lý, giám sát như các ngân hàng. Còn Joseph E. Stiglitz, cho rằng nước Mỹ cần có một khung pháp lý mới, khung pháp lý không chỉ ngăn ngừa rủi ro từ các khoản cho vay xấu mà còn ngăn ngừa rủi ro từ các Tổng thống không hiểu vai trò của hệ thống pháp lý đối với một nền kinh tế hiện đại.
Đối với Edward C.Prescott, cựu cố vấn tiền tệ cao cấp của Cục dự trữ liên bang tại Minneapolis, người được giải Nobel năm 2004, ứng cử viên Tổng thống của đảng nào sắp đắc cử nhiệm kỳ tới đều không quan trọng, vấn đề là ông ta phải làm một điều gì đó trong bối cảnh hiện tại. Nhưng ông cũng cảnh báo Tổng thống mới với những thay đổi đáng kể, cuộc chơi có thể có những kết quả xấu, không phải là tối ưu. Vì vậy, gợi ý thay đổi quy tắc chơi có thể tạo ra tác động và tình huống mới cần phải được xem xét, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng.

A.Michael Spence
Clive W.J. Granger
Edward C.Prescott
Edmund Phelps

Chiến thuật (Tactics)
Mặc dù, các khoản cứu trợ đảm bảo thanh khoản của hệ thống tài chính đã được Mỹ và các nước trên thế giới lần lượt triển khai nhưng việc khai thông dòng chảy tín dụng, kích cầu giống như kế hoạch giải cứu thị trường của Chính phủ Anh gần đây cũng được các nhà kinh tế đề cập, đánh giá cao trong bản đề xuất. Giảm thuế cho người nghèo hay tăng thuế đối với những người có thu nhập cao hiện có thể là những yếu tố quan trọng trong các cuộc bầu cử và là nhân tố kinh tế quyết định ở những nước phát triển nhưng lúc này người dân cần niềm tin hơn bất cứ lúc nào khác. 
Việc khôi phục niềm tin vào Chính phủ, vào thị trường cũng đặc biệt được các nhà kinh tế quan tâm. Theo Edmund Phelps, nhà kinh tế đoạt giải Nobel năm 2006 với công trình sự đánh đổi của các chủ thể kinh tế, quy chế lương thưởng cho tổng giám đốc phải được luật pháp quy định chặt chẽ và cổ đông phải có tiếng nói nhất định của mình. Có lẽ trường hợp của Richard Fuld, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Lehman Brothers cùng ban lãnh đạo cao cấp, sự liên đới của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm chưa kể những ảnh hưởng tiêu cực của kế hoạch cứu trợ trọn gói trị giá 700 tỷ USD đã gây xáo trộn xã hội, xói mòn niềm tin của đại bộ phận dân chúng Mỹ.

Phạm vi (Scope)
Sáng ngày 2/10, kế hoạch cứu trợ trọn gói 700 tỷ USD của bộ tài chính Mỹ được Thượng viện Mỹ thông qua. Ngày 4/10, tại dinh Tổng thống Pháp ở Paris, lãnh đạo bốn nền kinh tế lớn ở châu Âu đã nhóm họp bàn kế hoạch chống khủng hoảng. Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương nhóm 7 cường quốc công nghiệp (G-7) hôm 10/10 đã nhất trí đưa ra một bản kế hoạch 5 điểm về việc cùng nhau đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính đang ngày càng lan rộng và trở nên nghiêm trọng hơn. Ngày 13/10 Chính phủ các nước châu Âu đồng loạt công bố kế hoạch cứu nguy hệ thống tài chính với tổng số tiền trên 1000 tỷ USD. Bộ trưởng tài chính của các nước G-7, G-20 (nhóm các nước đang phát triển) cùng các chuyên gia thượng thặng của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã nhóm họp tại Washington tìm cách đối phó khủng hoảng trên phương diện toàn cầu. Giờ đây, phạm vi của cuộc chơi không còn mang tính cục bộ địa lý.     
A. Michael Spence, giáo sư danh dự trường kinh doanh thuộc Đại học Stanford, giải Nobel Kinh tế năm 2001 kiến nghị Tổng thống cân nhắc một chính sách mới, phối hợp với chính sách của những nền kinh tế khác nhằm đảm bảo sự dịch chuyển dòng vốn một cách an toàn nhất.  
Hiện nay, theo điều tra nghiên cứu có trên 89% dân số Mỹ cho rằng nền kinh tế nước nhà cần có sự dịch chuyển cơ bản. Liệu John McCain hay Barack Obama, bằng những kế hoạch đầy tham vọng của mình sẽ tìm được điểm dịch chuyển mới?

Tác giả

(Visited 15 times, 1 visits today)