Từ nguồn mở đến sáng tạo mở

Việc sử dụng nguồn mở xây dựng thành công mô hình Chính quyền điện tử ở Đà Nẵng mới đây cho thấy một trong nhiều khả năng khai thác nguồn mở để có những sáng tạo mở ở Việt Nam.

Tại Đà Nẵng, mỗi công dân đều có một tài khoản trên Cổng Thông tin Dịch vụ Công. Khi đăng nhập tài khoản đó, họ có thể tương tác với các cơ quan trong chính quyền thành phố. Đặc biệt, khi làm thủ tục với một cơ quan thì tất cả những thông tin đăng kí đều được các cơ quan khác ghi nhận. Vì thế, người dân chỉ phải thực hiện mỗi thủ tục một lần mà không phải lặp lại khi tới làm việc với cơ quan khác. Đó là chưa kể, người dân hoàn toàn có thể thực hiện các thủ tục giấy tờ, nhận kết quả và trả phí dịch vụ ngay tại nhà thông qua Internet.

Hệ thống tiện lợi được gọi là “Chính quyền điện tử” (E-Government) ấy lần đầu tiên đã được áp dụng thành công toàn diện cho một địa phương ở Việt Nam. Chỉ trong vòng hai năm, Đà Nẵng đã triển khai được hơn 300 dịch vụ công trực tuyến mới ở mức 3, 4 (cho phép giao dịch, trả phí dịch vụ qua mạng), bổ sung vào con số 180 vốn từng được coi là kỷ lục của Việt Nam trong năm năm qua. Theo anh Nguyễn Thế Trung, Tổng Giám đốc Công ty DTT, một trong những công ty thiết kế giải pháp Chính quyền điện tử cho Đà Nẵng, trên thế giới cũng ít thành phố nào làm được điều đó trong thời gian ngắn như vậy. Đầu tháng Tám vừa qua, tại cuộc họp triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu mô hình này để nhân rộng. “Đáng nói hơn nữa là chúng tôi sẽ công bố mã nguồn và cách làm mô hình này lên mạng,” anh Trung cho biết. Ngày 29/8 mới đây, Đà Nẵng đã tuyên bố chia sẻ miễn phí nền tảng Chính quyền điện tử cho các địa phương tại địa chỉ www.openegovplatform.org.

Chính quyền điện tử ở Đà Nẵng được xây dựng và cải tiến dựa trên tích hợp 10 phần mềm nguồn mở. Nhờ sử dụng nguồn mở nên thay vì phải chi 13 triệu USD, bằng giá của nền tảng Chính quyền điện tử gốc tại Hàn Quốc, Đà Nẵng chỉ phải bỏ ra 630.000 USD – chưa đến 1/20 con số đã nêu – để xây dựng hệ thống của mình.

Nguồn mở (open source) xuất hiện và lan rộng ở Mỹ vào giữa những năm 1990. Khái niệm nguồn mở không chỉ đóng hẹp trong lĩnh vực phần mềm mà mở rộng trong cả lĩnh vực phần cứng. Cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có thể sử dụng toàn bộ hoặc một phần sản phẩm đó để biến đổi, xây dựng thành sản phẩm khác phù hợp với yêu cầu và mục đích của mình với điều kiện phải ghi rõ nguồn. Khác với mô hình nguồn đóng, sản phẩm thuộc toàn quyền sở hữu của một công ty, tập đoàn và mã nguồn của nó được giữ bí mật thì với mô hình nguồn mở, sản phẩm không chỉ được chia sẻ miễn phí mà quan trọng hơn, nó liên tục được khắc phục, đóng góp, phát triển, và nâng cấp bởi cộng đồng.

Hiện nay, nguồn mở đã lan rộng tới mọi lĩnh vực của công nghệ thông tin và phổ biến tới mức, những đoạn mã trong phần mềm nguồn mở được sử dụng trong các sản phẩm của những công ty, tập đoàn công nghệ lớn mà không ghi rõ nguồn cũng chẳng vấp phải sự phản đối nào. Hệ điều hành Linux được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới cho máy tính bàn, nền tảng game và các servers là một trong những ví dụ nổi bật cho sự thành công của phần mềm nguồn mở. Android, hệ điều hành phổ biến nhất trên các smartphone và máy tính bảng hiện nay, cũng được xây dựng từ một thành phần của hệ điều hành Linux.

Chính quyền điện tử không phải là lĩnh vực duy nhất mà DTT thực hiện dựa trên nguồn mở. Công ty này còn sử dụng nguồn mở trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh và giáo dục.

“Từ ghế đẩu đến ghế sofa”

Nguồn mở chỉ là một trường hợp đặc biệt của khái niệm rộng lớn hơn là “Sáng tạo mở” (Open Innovation). Nếu nguồn mở chỉ áp dụng cho phạm vi công nghệ thông tin thì sáng tạo mở là khái niệm dùng cho mọi lĩnh vực, để chỉ những mô hình mà ở đó, cộng đồng cùng phát triển và nâng cấp một sản phẩm. 

Anh Đỗ Hoài Nam, người có kinh nghiệm hơn 10 năm ở Sillicon Valley, là cựu CEO của Emotiv Systems, một công ty tiên phong trong lĩnh vực neuro-technology (tạm dịch là công nghệ đọc não) trên thế giới với sản phẩm EPOC, có khả năng đọc sóng não, từng được đạo diễn James Cameron sử dụng để đo phản ứng khán giả khi xem Avatar, đã ví von sáng tạo mở như một quá trình cải tiến cái ghế. “Khi người đầu tiên nghĩ ra cách đóng bốn cái chân vào một tấm gỗ, chúng ta có một vật dụng để ngồi, tạm gọi là cái ghế đẩu. Sau đó, người thứ hai  đóng thêm một tấm gỗ tạo chỗ dựa lưng thì thành ghế dựa. Rồi người thứ ba lại đóng thêm chỗ để tay, tạo ra ghế sofa,… Mỗi sáng tạo đều rất khác nhau, phục vụ nhiều trường hợp khác nhau và đều quan trọng cho cuộc sống như nhau, tuy nhiên, người tạo ra ghế sofa không nhất thiết phải đi từ đầu mà có thể sử dụng các sáng tạo của hai người trước. Đấy là sức mạnh của sáng tạo mở.”

Còn anh Nguyễn Thế Trung thì cho rằng, “Sáng tạo mở là một sự dấn thân, bạn phải tham gia một cộng đồng sáng tạo mở rồi cùng làm với họ. Sau đó, bạn tích hợp những sản phẩm nguồn mở, tạo ra một giải pháp cho Việt Nam. Cuối cùng, bạn lại chia sẻ sản phẩm của mình cho mọi người, để rồi họ tiếp tục cải tiến nó tốt hơn.” 

Công ty tham gia xây dựng Chính quyền điện tử hoàn toàn có thể giữ “bí quyết” cho riêng mình. Tuy nhiên, họ lựa chọn chia sẻ miễn phí toàn bộ mã nguồn và cách làm để tất cả các tỉnh khác, với khả năng tài chính thấp hơn Đà Nẵng, có thể thuê các công ty cải biến và áp dụng sao cho phù hợp với điều kiện và đặc thù của địa phương. Mỗi tỉnh hiện nay cần cung cấp khoảng 1.500 dịch vụ công; ngoài ra, tại Trung ương, nhiều Bộ, ngành như Bộ Y tế, Bộ Giao thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch cũng cần khoảng vài trăm dịch vụ công khác.

“Một sáng tạo mở như vậy, nếu thành công sẽ đem lại hiệu quả rất lớn. Đó không phải là phát kiến mới chưa bao giờ có trên thế giới. Chẳng qua, chưa có ai làm điều đó ở Việt Nam. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng, chẳng riêng gì trong lĩnh vực Chính quyền điện tử, chúng ta nên có tư duy như vậy ở nhiều mảng khác nhau. Chúng ta nên có Giáo dục mở, Văn hóa mở, Tri thức mở, thậm chí cả những thiết kế của máy cày, máy bừa cũng mở,” anh Trung chia sẻ.

“Hiểu người khổng lồ”

“99% mọi người sẽ nghĩ rằng, làm nguồn mở là không sáng tạo, nhưng hiểu được khối lượng thông tin đồ sộ để có thể cải tiến phù hợp với đời sống của mình là sáng tạo chứ! Sáng tạo đi vào cuộc sống thì lại càng quý,” anh Trung nói. Anh đặc biệt nhấn mạnh sáng tạo mở như một mô thức hợp lí cho những người khởi nghiệp Việt Nam. “Đó [sáng tạo mở] là con đường nhanh nhất để đuổi kịp những sáng tạo của thế giới.” Tuy nhiên, anh cũng cho rằng, Việt Nam vẫn đang đứng ngoài dòng chảy chung ấy của thế giới. Theo anh, điểm yếu của các công ty khởi nghiệp Việt Nam là “chúng ta muốn làm mọi thứ từ đầu. Nó cũng giống như từ việc khai thác thiết kế mở của xe Matiz, chúng ta có thể cải tiến thành xe Mercedes hay Audi nhờ sáng tạo mở, nhưng thay vì thế, chúng ta lại đi làm lại một cái bánh xe.”

Trở lại với người kể câu chuyện về “ghế đẩu”, “ghế dựa”, “ghế sofa”, anh Đỗ Hoài Nam cũng đồng tình với ý kiến trên của anh Nguyễn Thế Trung. “Có rất nhiều nguồn mở trên thế giới hướng đến việc giải quyết rất nhiều lĩnh vực, tạo ra các nền tảng cơ sở để mọi người có công cụ để sáng tạo. Để sáng tạo hay thay đổi cách làm truyền thống của một ngành nào đó không có nghĩa là phải làm lại mọi thứ từ đầu […] Tôi nghĩ, điều anh Trung muốn nói đó là, khi có ý tưởng hãy nghiên cứu và thực hiện trước trên các platform mở, vì chúng ta sẽ tận dụng được nhiều “ghế đẩu” và “ghế dựa” hơn trong quá trình sáng tạo ra cái “sofa”. Thêm vào đó, gần như cái gì chúng ta cần cũng đều có những cộng đồng mở cả rồi, nếu không thì từng thành phần trong hệ thống chúng ta đang muốn tạo ra cũng có những cộng đồng mở. Chúng ta có thể bắt đầu từ đó và nên tận dụng những nguồn kiến thức đó.”

Về lĩnh vực nông nghiệp cao, anh Thế Trung cho biết: “Đó là một lĩnh vực đáng kể nhất, sắp tốn tiền nhất của Việt Nam mà chẳng ai để ý cả.” DTT có thể cung cấp các thiết bị quản lý các trang trại dựa trên phần mềm và phần cứng nguồn mở với giá rẻ hơn nhiều so với công nghệ nguồn đóng mà những người trồng hoa ở Đà Lạt phải mua từ các công ty của Nhật và Israel do họ không phải trả tiền cho các kĩ sư từ nước ngoài tới Việt Nam để sửa chữa. Với lĩnh vực giáo dục, nhờ sử dụng các phần mềm và phần cứng nguồn mở, DTT có thể sản xuất những bộ đồ chơi cho phép người chơi chế tạo ra các thiết bị thông minh với giá chỉ bằng 1/10 so với bộ chế tạo robot nhập khẩu tương tự của Lego. Thiết bị này là một phần quan trọng để dạy trẻ em về tư duy máy tính (Computational thinking – tư duy trừu tượng hóa các vấn đề theo cách máy tính có thể giải quyết được) theo chương trình giáo dục STEM (Science, Technology, Engineering, Math) của đại học Carnegie Mellon.

Với độ phủ sóng mạnh mẽ, sáng tạo mở đưa những công nghệ đắt đỏ tới gần người tiêu dùng. “Tôi có thể lấy ví dụ như thế này, cách đây 10 năm, gần như không nhà đầu tư nào dám đầu tư vào kinh doanh công nghệ phần cứng, lí do là cần ít nhất 10 triệu USD để ra được một sản phẩm. Nhưng chỉ trong năm vừa qua, tất cả các công ty hot nhất Sillicon Valley đều là các công ty khởi nghiệp với hướng tập trung lớn vào kinh doanh phần cứng. Đó là bởi vì, trong vòng 10 năm, sáng tạo mở đã giúp các công ty khởi nghiệp làm phần cứng chỉ với giá bằng 1/5,” anh Nam cho biết.

Tuy nhiên, áp dụng sáng tạo mở không hề đơn giản. Sáng tạo mở đồng nghĩa với việc tìm ra giải pháp cho mình giữa một khối lượng giải pháp hoặc gợi ý đồ sộ của hàng nghìn cộng đồng mà nếu không biết rõ mình muốn gì và cần gì thì sẽ dễ dàng bị nhấn chìm trong dòng thác của thông tin. Theo anh Nam, người sáng tạo trước hết phải là người có kiến thức. “Muốn làm sofa thì phải biết người ta đã làm ghế đẩu và ghế dựa rồi. Đây là điều tôi luôn nhấn mạnh. Những đột phá, ý tưởng bắt đầu bằng kiến thức chứ không phải bắt đầu bằng việc ngồi chém gió hoặc ngồi nghĩ ra cái mới. Thế nên muốn áp dụng tốt sáng tạo mở ở Việt Nam thì đòi hỏi các bạn phải có nhiều kiến thức hơn nữa, dành nhiều thời gian nghiên cứu hơn nữa,” anh Nam nói. Cùng nhấn mạnh ý đó, anh Trung nói: “Muốn đứng trên vai người khổng lồ, trước hết phải hiểu người khổng lồ đã.”

Sáng tạo mở là khái niệm được Henry Chesbrough (hiện là Giám đốc trung tâm Sáng tạo mở tại Trường Kinh tế Hass, Đại học Berkerly) đưa ra trong tác phẩm “Open Innovation: The New Imperative for Creating And Profiting from Technology” xuất bản năm 2003. Trong đó, ông định nghĩa sáng tạo mở là việc huy động kiến thức bên trong và bên ngoài để thúc đẩy đột phá nội tại đồng thời mở rộng các thị trường cho các nguồn lực bên ngoài có thể sử dụng các phát minh. Sáng tạo mở là một mô thức chỉ ra rằng các công ty có thể và nên biết sử dụng những ý tưởng từ nội và ngoại lực, con đường hướng nội và hướng ngoại để tìm kiếm thị trường cũng như để cải tiến công nghệ của mình. ​
Những công ty lớn trên thế giới như Google, SamSung, Microsoft… tìm kiếm và hỗ trợ các công ty khởi nghiệp nhỏ bằng các khóa tăng tốc và chương trình hỗ trợ khởi nghiệp để những công ty khởi nghiệp ấy có thể xây dựng những ứng dụng, phần mềm hấp dẫn chạy trên các chương trình và thiết bị của họ. Bởi họ hiểu rằng, trong lĩnh vực công nghệ hiện nay, chính các công ty khởi nghiệp mới là nơi sản sinh ra các games và ứng dụng mang tính “hiện tượng”. Đó chính là ví dụ về việc sử dụng Sáng tạo mở.

 

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)