Từ Silicon Valley đến VSV

 Bài viết này nhằm đưa ra thực trạng thương mại hóa công nghệ của Việt Nam và tổng kết kinh nghiệm của thế giới

Thương mại hóa công nghệ của Việt Nam

Thị trường KH&CN là một phương thức thương mại hóa các thành tựu KH&CN, thúc đẩy gắn kết KH&CN với sản xuất. Theo định nghĩa rộng, thị trường KH&CN là tổng hòa các mối quan hệ trao đổi mua bán, môi giới, giám định, thưởng phạt, khiếu kiện giữa các bên giao dịch. Nói đến thị trường, cơ bản phải bàn đến “Cung và Cầu”, môi trường pháp lý và xã hội để Cung và Cầu có thể quan hệ, giao tiếp, trao đổi với nhau.

Ở nước ta chưa hình thành hệ thống tổ chức thị trường KH&CN hoạt động theo đúng ý nghĩa của nó là có cơ quan quản lý, có trật tự, trên cơ sở luật pháp mà mới chỉ có các tổ chức có hoạt động liên quan đến môi giới, chuyển giao công nghệ (các trung tâm chuyển giao công nghệ, liên hiệp khoa học – sản xuất…). Đồng thời cũng chưa hình thành hệ thống cơ quan chỉ đạo, quản lý nghiệp vụ, tổ chức trung gian từ trung ương đến các địa phương, ngành – những yếu tố cấu thành khung tổ chức của thị trường KH&CN.

Chúng ta cũng đã tổ chức các hội chợ triển lãm sản phẩm sản xuất trong nước, tham gia một số hội chợ thương mại quốc tế, tuy nhiên, các hội chợ này chưa phải là hội chợ giao dịch mua bán công nghệ giữa bên bán và bên mua mà chỉ mang nặng tính trưng bày kết quả hoạt động KH&CN để động viên, khen thưởng, không phải nhằm mục tiêu chuẩn hóa thành sản phẩm hàng hóa công nghệ để có thể giao dịch và mua bán.
Vấn đề sở hữu trí tuệ cũng là một yếu tố quan trọng hình thành nên thị trường KH&CN, nơi những sáng tạo phát minh được thương mại hóa. Nhận thức của xã hội về sở hữu trí tuệ còn rất thấp so với đòi hỏi cấp bách của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế thế giới hiện nay. Một khía cạnh quan trọng trong thực thi pháp chế sở hữu trí tuệ là quyền tài sản trí tuệ, không có trong truyền thống ở Việt Nam, hơn nữa chúng ta chưa có cơ chế gắn kết, ràng buộc lợi ích của người sáng tạo, người áp dụng thành quả sáng tạo và lợi ích toàn xã hội.

Các doanh nghiệp là đối tượng chính của “Cầu” trong thị trường thì vẫn chưa bị thúc ép tới chân tường để phải tìm đến KH&CN, tìm đến những giải pháp giải quyết triệt để; thay vào đó các doanh nghiệp có thể tìm được các biện pháp đơn giản hơn như giãn nợ, xóa nợ… mà vẫn ung dung tồn tại và “phát triển”. Hiện nay, đối với doanh nghiệp Việt Nam, đại đa số hoạt động theo mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh phí hạn hẹp, không có đủ cơ sở hạ tầng nghiên cứu, đặc biệt là không có sức sáng tạo mang tầm cạnh tranh quốc gia.

Đổi mới công nghệ gặp không ít khó khăn do mức độ cạnh tranh chưa thật sự cao vì đang còn quá nhiều dáng dấp của bao cấp và kiểu làm ăn chộp giật, đánh quả nên thực sự khó cho những doanh nghiệp muốn kinh doanh chân chính dựa trên đổi mới công nghệ. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn bị hạn chế về kết nối với giới khoa học, công nghệ và thị trường quốc tế, cơ chế chính sách vẫn còn bất cập nên họ chưa thực sự yên tâm để đầu tư dài hạn cho công nghệ. Do vậy, cần có những chính sách mang tính chất có hệ thống và đủ mạnh.

Bên cạnh đó, nói về “Cung” của thị trường KH&CN, chúng ta có một đội ngũ cán bộ KH&CN không nhỏ, một hệ thống tổ chức KH&CN về mọi lĩnh vực khoa học, một hệ thống các chương trình, đề tài nghiên cứu KH&CN các cấp… Nhưng kết quả nghiên cứu của ta, phần lớn vẫn “trằn trọc” trên bàn các nhà khoa học và tỷ lệ kết quả trở thành hàng hóa, trở thành thành phẩm mang tên Việt Nam, công nghệ Việt Nam, sức mạnh kinh tế của Việt Nam vẫn là con số quá nhỏ.

Bộ KH&CN đã có nhiều nỗ lực theo định hướng một cách đúng đắn, song vấn đề là cần có sự đồng bộ từ phía các Bộ ngành khác. Nếu chưa nhìn ra được vai trò của các doanh nghiệp KH&CN, chưa có giải pháp hữu hiệu thì các doanh nghiệp này sẽ vẫn phát triển song ở mức độ thấp mang tính chất tự phát và manh mún. Điều này sẽ cản trở sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam cũng như hạn chế mức độ hội nhập của đất nước.

Kinh nghiệm thương mại hoá công nghệ trên thế giới  
 

Các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, hay Israel chính là điển hình của sự thành công nhờ chú trọng phát triển KH&CN.

Lấy ví dụ nước Mỹ, ai cũng biết đây được coi là một cái nôi của ngành tài chính trên thế giới, là nơi các doanh nghiệp đầy tài năng và sáng tạo bắt đầu khởi nghiệp, và cũng là nơi đầu tiên đánh giá đúng tầm quan trọng của việc phát triển KH&CN cho thương mại và cho kinh tế với huyền thoại Thung lũng Silicon. Đây là một thị trường nơi các công nghệ mới được triển khai bởi các start up có khả năng tăng trưởng đột biến và được tài trợ bởi các nhà đầu tư mạo hiểm. “Silicon Valley” từ Cali đã bành trướng mạnh mẽ ở New York, nay được gọi là Silicon City.

Hoạt động thúc đẩy kinh doanh (BA) cho các doanh nghiệp khởi nghiệp là phát minh mới nhất về kỹ thuật kinh doanh của Mỹ để phát triển kinh tế, BA đã được Nhà Trắng áp dụng trong năm 2013 và đã đầu tư với số vốn $2 tỷ nhằm mục đích đột phá sự bế tắc về công nghệ sản xuất và tạo môi trường phát triển công nghệ và DN mới ở nước Mỹ.

Như vậy sự khác biệt giữa TMH CN truyền thống với TMH CN theo kiểu Silicon Valley là sự tham gia của các nhà đầu tư từ khi còn là ý tưởng công nghệ, vùng ứng dụng này trước kia chủ yếu là của các Viện, trường, nay có sự tham gia của các cựu CEO – các nhà đầu tư rủi ro trong BA và các sinh viên đầy nhiệt huyết để thu hút các nhà đầu tư mạo hiểm. Mục đích tạo ra các công nghệ mới và các Start up có tốc độ tăng trưởng phi mã.

Theo Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm Quốc gia (NVCA) – Mỹ, năm 2011 có 842 công ty đầu tư mạo hiểm quản lí số tiền 195.9 tỷ đô-la Mỹ, tạo ra lợi nhuận tương đương 21% GDP của Mỹ; cứ 1 tỷ đầu tư mạo hiểm tạo ra 100 tỷ cho GDP phát triển nền kinh tế Mỹ. Đầu tư mạo hiểm vào các start up ước tính tạo ra 11.9 triệu việc làm tại Mỹ.
Trong 4 thập kỷ qua, đầu tư mạo hiểm tại Mỹ tạo ra nhiều sản phẩm đột phá và thay đổi thế giới, từ Internet đến email, iPhone và GPS mà chưa có một quốc gia nào đến gần được với thành công này của họ.

Thêm một ví dụ nữa cho việc phát triển KH&CN là Hàn Quốc, ai cũng biết Hàn Quốc hiện nay nổi tiếng với “Thành phố khoa học Daedok” tại Daejon với hơn 200 viện nghiên cứu, nhiều trường ĐH hàng đầu về KH&KT và là thành phố công nghệ của Hàn Quốc. Daedeok Innopolis hỗ trợ tương tác năng động giữa các đối tượng sáng tạo để tạo ra văn hóa phối hợp giữa các ngành, học viện và các viện nghiên cứu. Cho phép các tổ chức thực hiện giao dịch một cách thuận tiện và an toàn bằng cung cấp dịch vụ kết nối kinh doanh. Xây dựng một chương trình ươm tạo chuyên sâu được viết bởi các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau bao gồm: pháp luật, bằng sáng chế, kế toán tài chính. Daedeok Innopolis cũng thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới, chuyển giao công nghệ cao tới các doanh nghiệp trung bình và lớn. Đồng thời cung cấp hỗ trợ cho thương mại hóa công nghệ quản lý kinh doanh đào tạo.

Một nước đông dân và bị coi là kém phát triển như Ấn độ mà Chính phủ Ấn Độ cũng đã xây dựng một mô hình phát triển kinh tế đột phá bằng “cuộc cách mạng chất xám” dựa trên chính sức mạnh nguồn nhân lực, qua đó khai phá “mỏ vàng” từ ngành kinh tế công nghệ thông tin đầy hứa hẹn. Chính quyền thành phố Bangalore theo đó đã thành lập các khu vực đặc biệt như “Thành phố Điện Tử” (Electronic City) là nơi tập trung các hãng công nghệ cao đặt nền móng cho một Thung lũng Silicon hàng đầu thế giới ngày nay. Bangalore được coi như là “thủ đô công nghệ” – một trung tâm công nghệ thông tin và công nghiệp phần mềm của Ấn Độ được cả thế giới ca ngợi là “Thung lũng Silicon” đứng thứ hai trên thế giới (sau Thung lũng Silicon ở Mỹ). Tự hào là ngôi nhà của nhiều công ty đa quốc gia và công ty Ấn Độ, Bangalore hiện có khoảng 250 công ty đa quốc gia công nghệ cao và 1.500 công ty phần mềm đóng đô với những “ông lớn” như IBM, Microsoft, Intel, HP, EMC, Google, Trilogy, Cisco, Dell, Yahoo, NetApp, Covansys, Sun, Adobe… Đến Bangalore, người ta sẽ nói nhiều đến Infosys và Wipro – được xem như hai cơ sở công nghệ thông tin (CNTT) hàng đầu Ấn Độ và cũng đã trở thành những cái tên đứng đầu thế giới.

VSV sẽ hoạt động như thế nào?

Đầu tiên, xét đến môi trường pháp lý cho thị trường KH&CN: Nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc phát triển thị trường KH&CN, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp quy, nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường cho các tổ chức, cá nhân hoạt động được thuận lợi trong lĩnh vực này. Những văn bản pháp quy không chỉ tạo ra một hành lang pháp lý tương đối ổn định để các tổ chức, cá nhân có thể hoạt động được bình đẳng, lành mạnh trong thị trường KH&CN mà nó còn thể hiện đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ trong việc phát triển thị trường này. Tuy vẫn còn nhiều hạn chế nhưng chúng ta cũng đã có một môi trường khá thuận lợi cho phát triển thị trường KH&CN, điều này được thể hiện trong các văn bản sau:

•    Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập;
•    Quyết định 1244/QĐ-TTg ngày 25/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu giai đoạn 2011-2015;
•    Quyết định 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020;
•    Quyết định 1342/QĐ-TTg ngày 5/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia;
•    Quyết định 592/QĐ-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Trong tương lai, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thu hút vốn đầu tư mạo hiểm từ giai đoạn ý tưởng, phải xây dựng được một hệ sinh thái bao gồm start – up, hệ thống BA, vốn mạo hiểm và trong tương lai, nguồn vốn tư nhân phải nắm vai trò chủ đạo và định hướng thị trường công nghệ.

Thương mại hóa công nghệ – mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam bao gồm 5 bước:
1.    Bắt đầu từ nhà khoa học hay doanh nghiệp (Cả hai sẽ gọi tắt là DN) đã có sẵn sản phẩm nhưng gặp bế tắc, không phát triển được.
2.    Hoàn thiện sản phẩm cho thích hợp với thị trường, có tiềm năng lớn mạnh, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
3.    Tạo lập mô hình kinh doanh và chiến lược khả thi, thích ứng để thực hiện mô hình.
4.    DN có khả năng để thực hiện chiến lược theo mô hình kinh doanh
5.    Trở thành các doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp (start-ups) có khả năng tăng trưởng lớn mạnh, có khả năng thu hút vốn đầu tư mạo hiểm.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)