Thị trường lao động Việt Nam: Tỷ lệ nữ cao hơn trung bình toàn cầu và khu vực
Tuy nhiên, phân tích vị thế việc làm cho thấy những bất lợi đáng kể của phụ nữ, theo Báo cáo Giới và thị trường lao động ở Việt Nam (Báo cáo phân tích dựa trên số liệu Điều tra Lao động - Việc làm) của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Theo báo cáo, tỷ lệ tham gia thị trường lao động (TTLĐ) của phụ nữ Việt Nam ở mức cao đáng kể. Năm 2019, 70,9% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động (LLLĐ). Tỷ lệ toàn cầu là 47,2%, và tỷ lệ ở Châu Á – Thái Bình Dương thậm chí còn thấp hơn, ở mức 43,9%.
Tuy nhiên, vẫn có sự chênh lệch giới trong tỷ lệ tham gia LLLĐ ở Việt Nam dù hẹp hơn so với mức trung bình của khu vực và toàn cầu. Tỷ lệ phụ nữ tham gia LLLĐ thấp hơn nam giới và lý do đằng sau sự chênh lệch này có thể là do sự phân bổ gánh nặng công việc gia đình không đồng đều. Điều tra Lao động – Việc làm năm 2018 cho thấy 47,5% phụ nữ lựa chọn không tham gia các hoạt động kinh tế là vì ‘lý do cá nhân’ hoặc ‘liên quan đến gia đình’. Trong khi đó, chỉ có 18,9% nam giới không tham gia hoạt động kinh tế đưa ra các lý do này. Đồng thời, mặc dù có tỷ lệ tham gia TTLĐ cao nhưng phụ nữ Việt Nam vẫn phải đối mặt với bất bình đẳng về cơ hội tham gia vào hoạt động kinh tế so với nam giới.
Ở TTLĐ của Việt Nam trước COVID-19, không có sự chênh lệch đáng kể về giới tính trong tỷ lệ thất nghiệp. Phát hiện này rất quan trọng vì nó góp phần hoàn thiện bức tranh về tỷ lệ tham gia LLLĐ. Ở Việt Nam phụ nữ gia nhập LLLĐ khá thuận lợi so với các nước khác (mặc dù không thuận lợi như nam giới). Tuy nhiên, LLLĐ bao gồm hai nhóm trong độ tuổi lao động: người có việc làm và người thất nghiệp. Điều quan trọng ở đây là phải tìm hiểu xem có bất kỳ mối liên hệ mang tính hệ thống giữa giới tính và xác suất thất nghiệp hay không. Trước năm 2019, ghi nhận tỷ lệ phụ nữ thất nghiệp thấp và cũng không có xu hướng rõ rệt nào về chênh lệch giới trong tỷ lệ thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của nữ cao hơn tỷ lệ của nam trong một số năm và thấp hơn ở những năm khác, nhưng chênh lệch cũng không lớn.
Để đánh giá chính xác hiện trạng lao động của nữ giới, Báo cáo còn phân tích tình hình phụ nữ tham gia thị trường lao động phi chính thức. Nền kinh tế phi chính thức đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo khả năng tiếp cận các cơ hội tạo thu nhập cho phụ nữ và nam giới, góp phần vào mức độ hoạt động kinh tế cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp. Nhưng lao động phi chính thức phải đối mặt với tình trạng nghèo đói và rủi ro nghề nghiệp lớn. Ở Việt Nam, nam giới có xu hướng làm việc phi chính thức nhiều hơn nữ giới (tỷ lệ làm việc phi chính thức năm 2019 là 67,2% ở nữ và 78,9% ở nam). Tuy nhiên, phụ nữ lại chiếm đa số trong nhóm lao động phi chính thức đặc biệt thiệt thòi.
Phân tích vị thế việc làm cho thấy những bất lợi đáng kể của phụ nữ. Chẳng hạn, địa vị của lao động làm công ăn lương thường tương quan với mức độ ổn định của công việc do sự gắn bó với người sử dụng lao động. 43,1% phụ nữ có việc làm là lao động làm công ăn lương, so với 51,4% nam giới. Mặt khác, lao động tự làm và lao động gia đình phải đối mặt với rủi ro kinh tế lớn hơn. Lao động tự làm là những người nắm giữ một công việc tự mình tạo ra và không có nhân viên. Thu nhập của họ phụ thuộc trực tiếp vào lợi nhuận do đơn vị kinh tế của chính họ tạo ra. Hơn 92% lao động tự làm ở Việt Nam không được tiếp cận dịch vụ bảo trợ xã hội. Họ không nhận được các khoản thanh toán thường xuyên cho công việc mà họ đã thực hiện, và theo định nghĩa họ chính là lao động phi chính thức.
Gộp chung lại, hai nhóm lao động này cấu thành nhóm việc làm dễ bị tổn thương. Rõ ràng là phụ nữ đối mặt với khả năng làm việc dễ bị tổn thương cao hơn nam giới. Nếu phân tích riêng 2 nhóm việc làm dễ bị tổn thương, có thể nhận thấy rằng lao động tự làm ở nam giới và nữ giới của Việt Nam là tương đương nhau. Tuy nhiên, phụ nữ có nguy cơ trở thành lao động gia đình cao hơn gấp đôi so với nam giới. Năm 2019, 65,8% lao động gia đình ở Việt Nam là phụ nữ. Họ chiếm gần ¼ (24,1%) việc làm của phụ nữ nông thôn, so với chỉ 1/10 (10,7%) việc làm của nam giới nông thôn.
Xét trung bình, phụ nữ ở Việt Nam có mức thu nhập thấp hơn so với nam giới. Nguyên tắc trả lương bình đẳng cho công việc có giá trị như nhau là một khía cạnh quan trọng của bình đẳng trong thế giới việc làm. Năm 2019, chênh lệch thu nhập theo giới tính tính theo phương pháp trung bình trọng số dựa trên tiền lương hàng tháng là 13,7%. Đây là mức chênh lệch tương đối thấp so với con số toàn cầu mới nhất (20,5%). Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là: Thứ nhất, chênh lệch tiền lương của Việt Nam, sau xu hướng giảm dần cho đến năm 2015, đã tăng trung bình 1,2 điểm phần trăm mỗi năm trong giai đoạn 2016 – 2018, trước khi giảm vào năm 2019. Thứ hai, việc phân tổ chênh lệch thu nhập theo giới tính tổng thể dựa trên mức lương hàng tháng theo nghề nghiệp cho thấy những lĩnh vực bất lợi của phụ nữ vượt ra ngoài thang đo của chỉ số quốc gia.
Để có một bức tranh toàn diện hơn về chênh lệch tiền lương trên cơ sở giới, cũng cần phải phân tích thu nhập của lao động tự làm. Nhóm này phức tạp hơn nhiều, và nó bao gồm cả lao động dễ bị tổn thương. Chính vì vậy, đây cũng là nhóm chiếm phần nhiều LLLĐ của Việt Nam. Có chênh lệch về thu nhập giữa phụ nữ và nam giới tự làm ở Việt Nam, đặc biệt là trong những nghề gắn với trình độ học vấn thấp. Điều thú vị là khi phụ nữ điều hành doanh nghiệp của chính họ với tư cách là người quản lý, thì mức thu nhập, lại cho thấy ưu thế hơn so với nam giới.
(Visited 211 times, 1 visits today)