Ứng dụng hạt nhân có thể thay đổi phương án điều trị của 40% bệnh nhân

Kỹ thuật chụp cắt lớp phát xạ, một ứng dụng hạt nhân trong y tế đã chẩn đoán chính xác hơn và làm thay đổi phương án điều trị của 40% bệnh nhân ở Mỹ đang được áp dụng tại Việt Nam. Trong công nghiệp, hiện nay Việt Nam có khoảng 1300 nguồn phóng xạ có vai trò hết sức quan trọng trong các hoạt động chiếu xạ công nghiệp, kiểm tra không phá huỷ, địa vật lý giếng khoan…

PGS.TS Lê Ngọc Hà, Chủ nhiệm khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và các nhà nghiên cứu của Vinatom tại hội thảo. Ảnh: Thu Quỳnh

Đó mới chỉ là một vài trong số rất nhiều ví dụ điển hình về vai trò của kỹ thuật hạt nhân trong đời sống được chia sẻ tại hội thảo “Hạt nhân trong đời sống” trong khuôn khổ Ngày hội Hạt nhân & khoa học ngày 18 – 19/5 do Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM), Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga ROSATOM và Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.

Giúp chẩn đoán sớm và chính xác trong y tế

Tại Việt Nam, trái với suy nghĩ thông thường của công chúng vốn rất “ám ảnh” và “sợ” công nghệ hạt nhân, “ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trở nên ngày càng phổ biến và thiết yếu trong nhiều mặt của đời sống, đặc biệt là ứng dụng trong công nghiệp, y tế và trong nông nghiệp”, theo TS. Nguyễn Hào Quang, Phó viện trưởng VINATOM.

Đơn cử, ngành y tế ở Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn nhờ vào quá trình chẩn đoán chính xác khi áp dụng kỹ thuật hạt nhân và ứng dụng trong điều trị xương khớp, nội tiết, viêm nhiễm trùng, thậm chí điều trị cho trẻ em…, theo PGS.TS Lê Ngọc Hà, Chủ nhiệm khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ví dụ, “Y học hạt nhân có thể giúp đánh giá sớm tổn thương ở cơ tim, phân biệt khối u ác tính và lành tính từ rất sớm, bệnh Aizhemer… mà khám lâm sàng và các phương pháp xét nghiệm khác không phát hiện ra. Còn hạt nhân có thể được ví như con dao ở mức tế bào, chỉ tiêu diệt tế bào ác tính mà không làm tổn thương các tế bào lành khác”, PGS.TS Lê Ngọc Hà giải thích.

Một trong những ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào chẩn đoán mới nhất được áp dụng ở Việt Nam là chụp cắt lớp phát xạ (PET/CT), giúp phân biệt được từ rất sớm và chính xác các tổn thương lành tính và ác tính so với CT thông thường. Thậm chí, ở Mỹ, việc sử dụng kỹ thuật chụp cắt lớp phát xạ này làm thay đổi phương án điều trị của 40% bệnh nhân (nếu không sử dụng kỹ thuật này thì có thể điều trị sai hướng), PGS. Hà cho biết thêm.

Ứng dụng hạt nhân dần trở thành “chuyện thường ngày”

Theo TS. Nguyễn Hào Quang, trong công nghiệp, việc sử dụng kỹ thuật hạt nhân đã trở thành “chuyện thường ngày” với những kỹ thuật phổ biến nhất như: kiểm tra không phá huỷ, địa vật lý giếng khoan, chiếu xạ công nghiệp… Ví dụ: Các khu công nghiệp hiện nay đều sử dụng phương pháp kiểm tra không phá huỷ bằng kỹ thuật hạt nhân (dùng nguồn phóng xạ chiếu lên vật liệu giống như chụp ảnh X quang) để kiểm tra chất lượng của các mối hàn nhằm đánh giá mức độ an toàn của các thiết bị công nghiệp; các nhà máy dầu khí sử dụng chất đánh dấu cho phép cung cấp thông tin về sự di chuyển của dòng nước giữa các giếng dầu, nhằm tối đa hoá việc bơm nước và thu hồi dầu…

Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân cũng đem lại những thành tựu lớn trong nông nghiệp như tạo giống lúa đột biến có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng chịu bệnh và xử lý bức xạ giúp bảo quản nông sản sau thu hoạch. Một số giống cây đột biến điển hình như “siêu lúa” NPT4, VN10, Khang dân đột biến…các giống ngô, đậu tương đột biến đã được thương mại hóa, trồng rộng rãi. Thông thường, có tới 30% nông sản sau thu hoạch bị thối, hỏng và quy trình xử lý bức xạ đã giúp kéo dài thời gian bảo quản nông sản để xuất khẩu. Gần đây nhất, kỹ thuật triệt sản vô trùng để kiểm soát một số loại ruồi đục quả đang được các nhà khoa học tại VINATOM và Viện Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) nghiên cứu để chuyển giao cho các vùng chuyên canh lớn như vùng trồng thanh long ở Bình Thuận.

“Chứng sợ phóng xạ” rất phổ biến trong công chúng, nguyên nhân chủ yếu vì họ đã “ám ảnh” trước thông tin về ba vụ nổ nhà máy hạt nhân trên thế giới (Three Mile Island, Mỹ năm 1979, Chernobyl ở Nga năm 1986 và Fukishima ở Nhật Bản năm 2011), “các giai thoại” về phóng xạ cũng như nhiều thước phim phổ biến hình ảnh tiêu cực về năng lượng nguyên tử. Tuy nhiên, trên thực tế năng lượng hạt nhân có mặt trong nhiều lĩnh vực của đời sống, và công chúng thường thiếu kiến thức về vấn đề này, theo ông Arkady Karneev, giám đốc truyền thông Rosatom khu vực châu Á.

 

 

 

 

 

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)