Ứng xử với mặt bằng giá thời lạm phát

Không cường điệu một chút nào nếu cho rằng người tiêu dùng Việt Nam đã không còn cơ hội để quay trở lại và tận hưởng mặt bằng giá thấp đã hình thành từ đầu năm 2007 trở về trước. Vấn đề quan trọng hiện nay là phải nhanh chóng tư duy lại và có phương thức ứng xử phù hợp với mặt bằng giá cả mới để bảo đảm sự vận hành thông suốt của guồng máy kinh tế - xã hội vốn đã và đang diễn ra vô cùng sôi động.

Trước hết, cần có quan niệm đúng về mặt bằng giá cả thời lạm phát cao tại Việt Nam. Giá cả tăng không hoàn toàn bởi yếu tố lạm phát mà còn do năng lực tự điều chỉnh nhằm đạt đến sự cân bằng nội tại của một nền kinh tế mới nổi trên đà phát triển. Đây không phải là hệ quả bất ngờ mà là hiện tượng tất yếu sẽ diễn ra trong bối cảnh nước ta đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu, sự hợp tác và cạnh tranh toàn cầu cũng như tác động của những nhân tố rủi ro mang tầm quốc tế diễn ra ngày càng gay gắt và khó lường.Vấn đề có tính quy luật là, trình độ kinh tế và mức thu nhập bình quân GDP đầu người càng tăng thì mặt bằng giá cả sẽ nâng lên theo tương ứng, đặc biệt là giá cả các sản phẩm thuộc diện thiết yếu và dịch vụ cao cấp. Điều này là dễ hiểu bởi vì nhu cầu tiêu dùng lúc này sẽ đi dần vào khuynh hướng đa dạng hóa cộng với đòi hỏi yêu cầu chất lượng ngày càng cao, khắt khe hơn. Mặt bằng giá cả mới đang hình thành sẽ trở thành một trong những động lực kiến tạo nên phong cách sống mới, với những quan niệm, cấp độ, và hệ thống thước đo riêng về mức sống thời hiện đại hóa, trong đó bao hàm một loạt các tiêu chí có liên quan mật thiết với nhau như : Trình độ giáo dục, kỹ năng chuyên môn, vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng dịch vụ y tế, tiện nghi môi trường sống  . . . Dưới tác động của mặt bằng giá mới đang hình thành, đã đến lúc người tiêu dùng Việt Nam cần từ bỏ dần tâm lý  “rẻ rúng” mỗi khi nói về giá cả những mặt hàng nông sản thiết yếu, và trong tương lai không xa sẽ đến ngày không còn ai dám xem thường và đánh đồng “ nắm gạo, nhúm rau, quả ớt, củ khoai, con cá . . .” với giá cả rẻ mạt. Thay vào đó người tiêu dùng sẽ chấp nhận thanh toán với giá cao hơn nhiều lần so với trước đây nhưng đi đôi với những yêu cầu khắt khe hơn về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Thực tế này đến lượt nó lại chính là cơ hội lớn cho những người nông dân “tay lấm chân bùn, một nắng hai sương” của chúng ta, là động lực để nông dân yên tâm và tận tâm hơn khi sản xuất ra sản phẩm cung cấp cho thị trường theo hướng: Sạch, an toàn, giá cả hợp lý. Thông qua đó góp phần gia tăng uy tín thương hiệu nông sản và thu nhập cho chính bản thân họ, đồng thời thúc đẩy sự hình thành trên quy mô lớn “thị trường nông sản sạch” vốn dĩ rất ì ạch khó phát triển trong thời gian qua chủ yếu do không vượt qua được cửa ải tâm lý “thích của rẻ, mặc dù của ôi” của một bộ phận lớn người tiêu dùng.

Vấn đề tiếp theo không kém phần quan trọng, đó là phải chấp nhận “ chung sống hòa bình ” với mặt bằng giá cả mới, từng bước làm chủ nó với những kỹ năng dự báo và quản trị điều hành kinh tế vĩ mô thực sự có căn cứ, hiệu quả. Theo phản ứng tự nhiên, để cân bằng và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong phạm vi mặt bằng giá mới, mọi chủ thể trong nền kinh tế phải vận động theo hướng tìm kiếm tăng thu nhập hoặc giảm chi phí bằng nhiều cách khác nhau. Trong điều kiện như vậy, Nhà nước có nhiệm vụ vô cùng quan trọng là bảo đảm duy trì một hành lang pháp lý minh bạch và công bằng, tạo mọi điều kiện hợp pháp để các chủ thể kinh doanh tự do cạnh tranh đạt đến nhằm bình ổn giá cả thị trường. Thay vì ban hành mệnh lệnh hành chính hoặc thực hiên chính sách bao cấp, ưu đãi độc quyền cho một số doanh nghiệp hoặc lĩnh vực nào đó thì Nhà nước nên chuyển mạnh sang sử dụng lực đẩy của quan hệ cung – cầu thị trường để tác động đến các quyết định lựa chọn và phân bổ thu nhập theo quy luật giá cả đã hình thành. Bài học về giá cước viễn thông là một thí dụ hết sức sinh động trong thời gian vừa qua, trong khi mọi thứ dường như đều tăng giá hoặc lợi dụng tình cảnh “đục nước béo cò” để tăng giá theo kiểu “té nước theo mưa”, thì riêng cước viễn thông liên tục thực hiện khuyến mãi giảm giá nhờ vào chính sách khuyến khích cạnh tranh rất hiệu quả trong lĩnh vực này, đem lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng.
Một nội dung cực kỳ quan trọng khác trong quản trị vĩ mô là điều hành chặt chẽ các cân đối lớn trong nền kinh tế như: Sản xuất và tiêu dùng – Cung cầu tiền tệ và hàng hóa, Xuất nhập khẩu, Thu chi ngân sách. Đây là yếu tố then chốt giúp duy trì ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, không để mặt bằng giá cả thoát ly khỏi tầm kiểm soát. Trong giai đoạn quá độ từ mặt bằng giá cả cũ chuyển sang mặt bằng giá cả mới, cần lưu ý các lực lượng dễ bị ảnh hưởng và tổn thương nhất đó là nhóm người có thu nhập thấp, người làm công ăn lương, hưu trí, các tầng lớp nghèo trong xã hội . . . Đòi hỏi Nhà nước phải có những thay đổi cơ bản về quan điểm tiếp cận cũng như cách thức giải quyết tình trạng bất bình đẳng đang có nguy cơ phát sinh ngày càng lớn giữa người giàu và nghèo, giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa người may mắn và bất hạnh . . . Hiện nay, để thực hiện chính sách an sinh xã hội chống lạm phát, Nhà nước đang thực hiện một số chính sách trợ giá, trợ phí . . . cho một số đối tượng như : Hỗ trợ chi phí xăng dầu cho ngư dân, cấp phát chi phí thắp sáng cho đồng bào miền núi, phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người nghèo . . . Những việc này tuy rất cần thiết nhưng chưa phải là những giải pháp căn cơ, khó tránh hiện tượng làm theo phong trào, theo kiểu phát chẩn . . . Có nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại cho tương lai đất nước chúng ta nếu mai đây một khi nguồn lực dầu thô và tài nguyên thiên nhiên không tái tạo được bị khai thác cạn kiệt, hoặc khi dự trữ lương thực của quốc gia gặp sự cố thiếu hụt . . . thì kịch bản đối phó với thảm họa xảy ra là như thế nào ? Đây quả là một bài toán hết sức cân não cho một đất nước có gần 100 triệu sinh mệnh nhân dân. Chính vì vậy, một giải pháp an sinh xã hội tốt phải là giải pháp hội đủ hai yếu tố : (1) Có nguồn lực bền vững, có khả năng tái tạo để duy trì sự hỗ trợ lâu dài – (2) Khuyến khích người được hỗ trợ sử dụng nguồn lực an sinh một cách tiết kiệm và có hiệu quả. Theo hướng đó, Nhà nước cần thiết phải có cơ chế khuyến khích tiến trình đa dạng hóa mạnh mẽ các loại hình quỹ bảo hiểm có liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội, kể cả áp dụng bảo hiểm bắt buộc, như : Bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm sức khỏe cộng đồng, bảo hiểm rủi ro tai nạn nghề nghiệp, bảo hiểm nhà ở . . . Kiên quyết chỉ đạo làm thí điểm đi đến triển khai đại trà mô hình Công ty cổ phần bảo hiểm rủi ro trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn – nông dân, và Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ chủ lực trong tư cách là chủ thể góp cổ phần chi phối, tạo nền tảng để xây dựng chính sách tam nông bền vững, nâng cao mức sống mọi mặt cho nông dân, phát huy vị thế chủ đạo của kinh tế nông nghiệp trong sự nghiệp xây dựng và ổn định đất nước. Sử dụng có hiệu quả các công cụ tài chính như : Miễn giảm thuế, hoàn thuế, trợ cấp trực tiếp hoặc gián tiếp để hỗ trợ cho một số các ngành kinh tế có tầm quan trọng chiến lược để sớm thích nghi, chuyển đổi theo hướng “ thị trường hóa các yếu tố đầu vào – đầu ra ”, giúp doanh nghiệp chủ động “ xử lý hộp đen ” phù hợp với sự thay đổi của mặt bằng giá cả mới đang hình thành, vừa chống tư tưởng bao cấp dựa dẫm vào Nhà nước, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn. Ngay từ bây giờ phải hình thành cơ chế tái phân phối nguồn lực tài chính quốc gia ở cấp vĩ mô theo định hướng ưu tiên trích lập bắt buộc một phần lợi tức từ những ngành có lợi nhuận cao để chuyển sang đầu tư cho cơ sở hạ tầng và nhân lực trong lĩnh vực tam nông, đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục, khoa học kỹ thuật… Phấn đấu trong vòng 15 – 20 năm đến phải đặt ra mục tiêu thực hiện bằng được việc xây dựng xong các nền tảng cơ bản để chuyển hướng mạnh sang nền kinh tế tri thức. Thiết nghĩ, đây là lẽ sống, là con đường tồn tại và phát triển, là cách thức thể hiện ý chí bản lĩnh kiên cường của dân tộc Việt trong thời đại hội nhập quá nhiều thách thức và cạm bẫy như hiện nay.

Tâm Dân

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)