Up-Inns: Mô hình hỗ trợ dịch vụ du lịch trong thế kỷ mới
Du lịch - nền công nghiệp không khói đang ngày càng phát triển ở nhiều nơi trong những năm qua. Việt Nam sở hữu những vẻ đẹp hùng vĩ do thiên nhiên ban tặng, với khí hậu nhiệt đới 4 mùa, nền văn hóa và ẩm thực đa dạng - phong phú. Đây thực sự là một lợi thế để ngành du lịch Việt Nam phát triển. Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Du lịch, 4 tháng đầu năm 2018 lượng khách quốc tế ước tính đạt 5.547.314 lượt, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2017. Còn tính chung cả năm 2017, lượng khách quốc tế đạt 12.922.151 lượt, tăng 29,1% so với năm 2016.
Dù vậy, ngành du lịch vẫn đang đối mặt với một thực tế: Ở đâu có du lịch, ở đó có “chặt chém”, từ giá taxi, quán ăn, khách sạn… khiến khách du lịch thường gặp phải những trải nghiệm không tốt. Vì thế, nhằm giúp du khách an tâm khi tìm kiếm khách sạn một cách dễ dàng, từ năm 2016, Võ Lê Ngọc Diệp – cô gái 8X đến từ Nha Trang đã khởi nghiệp với dự án Up Inns – giải pháp tìm kiếm và đặt phòng tiết kiệm trên 2 nền tảng web và thiết bị di động.
Con đường khởi nghiệp chông gai
Tò mò hỏi ý nghĩa của cái tên Up Inns, Ngọc Diệp cho biết cô đã mất 1 tháng suy nghĩ để tìm tên phù hợp với ý tưởng. Theo Ngọc Diệp, “Up” có nghĩa là đi lên, nâng cấp và Inns là phòng trọ nhỏ. Ý tưởng của Diệp là khởi đầu từ phòng trọ nhỏ và nâng cấp lên cho nhiều dịch vụ kèm theo.
Quá trình tiếp cận, Diệp nhận thấy du lịch là thị trường mở nhưng cũng không dễ dàng như nhiều người nghĩ, nhất là hiểu “bên trong” người dùng, nghĩa là phải mất thời gian để hiểu vì sao người dùng này lại theo xu hướng này mà lại không theo xu hướng kia hay tại sao bị thu hút bởi sản phẩm này mà không phải sản phẩm khác….
Với sự nhạy bén với các cơ hội và khả năng quản trị rủi nhờ kinh nghiệm 12 năm trong lĩnh vực bảo hiểm tại một Tập đoàn đa quốc gia, Ngọc Diệp đã vô cùng lạc quan khi bắt đầu khởi nghiệp, nhưng khi bắt tay vào thực tế cô mới cảm nhận được sự phức tạp của thị trường du lịch. Với đối tượng mục tiêu – những phòng trọ nhỏ, nơi các chủ khách sạn theo hộ gia đình với số phòng chỉ có từ 5-10 phòng, ý tưởng hoạt động nhờ CNTT là điều gì đó rất xa xỉ, chưa nói đến hệ thống hóa. Bởi vậy, khi tiếp cận, Diệp đã bị nhiều chủ khách sạn từ chối, nhất là khi bắt gặp các câu hỏi liên quan như: khách sạn có lâu chưa, hiện có trung bình bao nhiều khách dùng thường xuyên… Tuy nhiên, nhờ cách thuyết phục khéo léo – tự nhận mình là người bán hàng giúp các khách sạn, mang thêm nguồn khách đến cho họ, không ít khach sạn đã ủng hộ, chào đón Diệp.
Để đảm bảo chất lượng của các khách sạn hợp tác với Up Inns, Diệp đã trực tiếp đến khách sạn để trải nghiệm dịch vụ: “Để kiểm tra chất lượng các khách sạn, bọn mình đến khách sạn với tư cách một người khách để đặt phòng. Sau đó sẽ chụp ảnh, quay phim với lý do sẽ quay lại hoặc giới thiệu bạn bè nếu khách sạn thực sự tốt”. Và để cập nhật tình trạng của khách sạn thường xuyên, Ngọc Diệp đã sử dụng hai cách phản hồi: (1) Sau khi sử dụng, khách đặt phòng sẽ đánh giá khách sạn theo mức từ 1 đến 5; (2) Nếu khách sạn có quá nhiều mức thấp thì sẽ cho nhân viên đến kiểm tra xem phản hồi của khách có đúng thực tế, trường hợp sau kiểm tra và nhắc nhở nếu khách sạn không cải thiện sẽ bị “out” ra khỏi hệ thống.
Những trái ngọt đầu tiên
Nhờ cách tiếp cận mới, chỉ sau 6 tháng loay hoay tìm phương hướng và cách làm phù hợp, Ngọc Diệp và các cộng sự đã xây dựng hoàn chỉnh mô hình quản trị tinh gọn và chiến lược kinh doanh, đánh giá chất lượng sản phẩm cho người dùng một cách tối ưu để tiếp cận khách hàng hiệu quả. Sau 1 năm hoạt động, hơn 2.000 lượt đặt phòng trên Up Inns với 300 khách sạn tham gia, trên 12.000 lượt ủng hộ yêu thích trên facebook cho thấy mức độ hài lòng của khách hàng, cũng như sự hưởng ứng tham gia của các khách sạn. Tỷ lệ quay lại sử dụng sản phẩm lên đến 90%.
Theo báo cáo chỉ số khởi nghiệp Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, tình hình khởi nghiệp kinh doanh của người Việt Nam đang có xu hướng tích cực. Một trong những tín hiệu tốt là tỷ lệ phụ nữ khởi nghiệp năm 2017 cao hơn 4% so với 5 năm trước. Thống kê cho thấy, các dịch vụ do phụ nữ triển khai thường thành công cao hơn 30% so với nam giới (xét theo các tiêu chí đạt được mục tiêu tài chính đề ra). Còn với vấn đề kêu gọi vốn với giá trị đạt được, tỷ lệ thành công của phụ nữ là 13% và nam giới là 10%. Với những lợi thế phụ nữ có được, ngày càng có nhiều chị em, trong đó có Võ Lê Ngọc Diệp sẵn sàng bước ra ngoài vòng “an toàn” để thách thức bản thân và thực hiện những ước mơ của mình.
Khởi nghiệp ở tuổi 30 – Ngọc Diệp không chỉ mang theo ước vọng của bản thân mà hành trình của cô còn là sự tin tưởng, ủng hộ của những người thân yêu nhất.
Khởi nghiệp không phải là câu chuyện đơn giản và đối với phụ nữ lại càng khó khăn hơn nếu không có được sự hỗ trợ của người thân, đặc biệt là khi quan điểm của xã hội về phụ nữ Việt Nam còn khắt khe. Tuy nhiên, Ngọc Diệp khá may mắn khi có được hậu phương vững chắc từ bố mẹ và chồng để cô có thể tập trung toàn bộ năng lượng cho dự án. Đó là động lực để cô gái 8X có thể theo đuổi đam mê và đi đến thành công.
Chia sẻ với những bạn trẻ đang có ý định khởi nghiệp, Ngọc Diệp đã dành một số lời khuyên từ kinh nghiệm của bản thân: “Các bạn trẻ hãy lắng nghe ý kiến của mọi người, từ đó chọn lọc, đánh giá các ý kiến để tìm ra giải pháp khôn ngoan cho mình. Sẽ có những thời điểm bạn cảm thấy đuối sức và gần như muốn đầu hàng vì bế tắc trong nguồn tài chính, nguồn nhân lực hạn hẹp, tiếp cận thị trường… Cách giải quyết hiệu quả nhất trong các tình huống đó là thật bình tĩnh, tỉnh táo để nhìn mọi việc ở hướng tích cực và cần có một niềm tin đủ lớn đối với bản thân, bạn sẽ tìm ra giải pháp phù hợp nhất.