Vaccine tương lai có thể bảo vệ miễn dịch lâu dài

Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Y khoa WEHI (Úc) đã phát hiện một phương pháp mới để nâng cao hiệu quả vaccine bằng cách tận dụng một loại tế bào T đặc biệt trong hệ miễn dịch – tế bào CD8+. Nhờ ứng dụng công nghệ vaccine mRNA tiên tiến, họ có thể thúc đẩy sự hình thành các tế bào T CD8+. Những tế bào này có khả năng tự tái tạo mạnh và ghi nhớ mối đe dọa từ virus suốt nhiều năm, thậm chí hàng chục năm.

Tế bào T CD8+ (màu vàng) bên trong các hạch bạch huyết của chuột. Các nhà khoa học đã phát triển một chiến lược để tăng cường các tế bào T CD8+ bằng cách sử dụng công nghệ vaccine mRNA. Ảnh: Viện WEHI

Nghiên cứu đã được thực hiện trên chuột và công bố trên tạp chí Journal of Experimental Medicine vào tháng 3/2025. Theo nhóm tác giả, phương pháp này mở ra một tương lai nơi nhiều bệnh có thể được phòng ngừa và điều trị bằng vaccine, mà không cần tiêm nhắc lại thường xuyên.

Hiện nay, vaccine là một trong những loại thuốc phòng ngừa hiệu quả nhất trong lịch sử y học và vẫn đang cứu sống hàng triệu người mỗi năm. Dù đã đạt được nhiều thành tựu vượt trội, vaccine vẫn chủ yếu dựa vào kháng thể để bảo vệ miễn dịch. Tuy nhiên, kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian, nên ta cần phải tiêm nhắc lại để tăng cường khả năng miễn dịch — như với vaccine phòng COVID-19 hay uốn ván.

Hơn nữa, kháng thể có nhiệm vụ nhận diện và tấn công bề mặt của virus hoặc tế bào ung thư. Khi cấu trúc bề mặt này thay đổi — như ở những virus biến đổi nhanh như cúm và COVID-19 — việc tiêm nhắc lại thường xuyên trở nên cần thiết để đối phó với các biến thể mới đang lưu hành.

Trong nghiên cứu của WEHI, tế bào miễn dịch T CD8+ cho thấy tiềm năng đặc biệt trong việc vượt qua cả hai trở ngại nêu trên. “Từ lâu, chúng tôi đã tin rằng các tế bào miễn dịch ghi nhớ T CD8+ có liên quan đến khả năng bảo vệ lâu dài, và nghiên cứu này lần đầu tiên chứng minh được lợi ích đó,” PGS. Joanna Groom, tác giả chính của nghiên cứu và trưởng bộ phận Miễn dịch học tại Viện WEHI, cho biết.

Giống như loài voi có khả năng ghi nhớ sự kiện lâu dài, các tế bào T CD8+ cũng có khả năng “ghi nhớ” các bệnh nhiễm trùng từng gặp trước đó và phản ứng nhanh chóng với các mối đe dọa.

Các nhà khoa học đã tận dụng phương pháp điều chỉnh miễn dịch để điều hòa phản ứng miễn dịch ở cấp độ tế bào, kết hợp với công nghệ vaccine mRNA nhằm thúc đẩy sự hình thành của những tế bào T CD8+ ở chuột. “Kết quả thực sự đáng chú ý”, PGS. Groom nói, “Phương pháp của chúng tôi có tiềm năng giảm nhu cầu tiêm nhắc lại thường xuyên, đồng thời duy trì khả năng miễn dịch mạnh mẽ và lâu dài.” 

Công nghệ vaccine mRNA gần đây được ứng dụng trong các loại vaccine phòng COVID-19. Với tính linh hoạt cao và khả năng sản xuất nhanh chóng, công nghệ này giúp đối phó kịp thời với các mối đe dọa virus mới và đang phát sinh, từ đó trở thành một công cụ đầy tiềm năng trong phát triển vaccine.

Ngoài bảo vệ chống lại virus, số lượng tế bào T CD8+ tăng lên cũng có liên quan đến việc cải thiện kết quả điều trị ung thư. Benjamin Broomfield, nghiên cứu sinh tiến sĩ và là tác giả thứ nhất của bài báo, giải thích rằng phát hiện này cũng có thể mở đường cho các liệu pháp miễn dịch chống ung thư mới. “Chúng ta biết cơ thể cần những tế bào T để loại bỏ các tế bào ung thư. […] Một loại vaccine điều trị ung thư sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc chơi, và chúng tôi rất lạc quan về hướng đi của nghiên cứu.”

Trang Linh dịch từ Walter and Eliza Hall Institute of Medical Research

Nguồn: https://www.wehi.edu.au/news/vaccines-of-the-future-harnessing-the-immune-system-for-long-lasting-protection/ 

Tác giả

(Visited 26 times, 26 visits today)