Vải dệt từ chất dẻo làm mát cơ thể
Các nhà nghiên cứu tại trường ĐH học Standford đã tìm ra một loại vải mới từ chất dẻo có khả năng làm mát cơ thể, nhờ vậy có thể giúp con người tiết kiệm điện năng.
Các nhà nghiên cứu đã tạo ra vật liệu làm từ chất dẻo với giá thành thấp có thể trở thành chất liệu chính cho quần áo làm mát cơ thể người mặc.
Loại vải mới được phát triển từ chất dẻo có hai ưu điểm lớn là giá thành thấp và giúp cơ thể giải phóng nhiệt theo cách mới. Các nhà nghiên cứu cho biết, giống như việc đổ mồ hôi là một cách làm mát của cơ thể, quần áo được may bằng loại vải đặc biệt này có thể giúp giảm thân nhiệt người mặc, do đó điều hòa nhiệt độ chạy có thể với công suất thấp hơn bình thường nhưng vẫn đảm bảo cho người mặc mát mẻ.
Theo các nhà nghiên cứu, hệ thống sưởi ấm và làm mát không gian tiêu tốn tới 12,3% tổng mức tiêu thụ năng lượng ở Hoa Kỳ. Hiện những nỗ lực giảm bớt việc sử dụng năng lượng của Mỹ đều tập trung vào cải thiện khả năng cách nhiệt của các tòa nhà và cho phép kiểm soát nhiệt độ một cách “thông minh”. Tuy nhiên, các kĩ sư nghiên cứu về “kiểm soát nhiệt độ ở mỗi cá nhân” nhận thấy việc sưởi ấm hoặc làm mát chỉ cho một cơ thể – thay vì làm mát cả một tòa nhà – sẽ đem lại hiệu quả cao hơn nhiều.
“Nếu tập trung làm mát cơ thể một người thay vì cả tòa nhà thì lượng điện năng tiết kiệm được sẽ cao hơn”, Yi Cui, phó giáo sư chuyên ngành Khoa học vật liệu và kĩ thuật, Khoa Lượng tử ánh sáng (Đại học Standford), một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết.
Cũng như những loại vải thông thường, loại vải mới cho phép mồ hôi bốc hơi, tuy nhiên, cơ chế làm mát của nó hoàn toàn khác: nhiệt trong cơ thể phát ra như tia hồng ngoại để có thể xuyên qua lớp vải này. “40 đến 60% nhiệt trong cơ thể chúng ta tỏa như bức xạ hồng ngoại khi chúng ta ngồi trong một văn phòng”, Shanhui Fan, giáo sư ngành Kĩ thuật điện tại Đại học Stanford, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết. “Nhưng cho đến nay, có quá ít hay gần như không có nghiên cứu nào về việc thiết kế các đặc tính bức xạ nhiệt của vải dệt”. Ông là chuyên gia trong lĩnh vực lượng tử ánh sáng với các nghiên cứu về ánh sáng vô hình và hữu hình.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng nanoporous polyethylene (nanoPE), một chất liệu nhựa dẻo sẵn có với các vi lỗ có đường kính từ 50 đến 1.000 nanomet hay được dùng trong pin nhiên liệu để ngăn sự phóng điện. Trong những cuộc thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách giải phóng sóng hồng ngoại qua vi lỗ của nanoPE với kết quả đạt 96%, trong khi tỉ lệ này ở vải bông chỉ là 1,5%. Nếu được dệt thành quần áo, chất liệu nanoPE này có thể khiến cho người mặc cảm thấy mát hơn 4 độ F so với mặc quần áo làm từ sợi bông.
Các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu về chất liệu mới này với việc bổ sung thêm màu sắc, tối ưu kết cấu bề mặt và những đặc tính cần thiết khác để nó giống với các loại vải thông thường hơn.
Vũ Thanh Nhàn lược dịch
Nguồn: http://www.livescience.com/56620-plastic-based-textile-keeps-you-cool.html