Vai trò của công suất thặng dư trong sự phát triển công nghiệp Thụy Điển
LTS. Khi đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, chúng ta luôn kỳ vọng rằng đây là một cơ hội để Việt Nam có thể bước lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, đó cũng là một thách thức rất lớn. Bằng chứng thực tiễn cho thấy nhiều quốc gia đã không thể vượt qua những thách thức nên phải gánh chịu những tác động tiêu cực từ việc mở cửa nền kinh tế của mình, trong khi một số nước đã tận dụng được những cơ hội quý báu để trở thành các cường quốc. Thụy Điển là một trong số đó. Kinh nghiệm thành công của nước bắc Âu này có thể là một bài học quý cho Việt Nam. Với mục tiêu cung cấp thêm thông tin về con đường dẫn đến thành công một trong những quốc gia được xem là có đời sống xã hội lý tưởng nhất thế giới. Tia Sáng xin giới thiệu loạt bài viết về “Vai trò của công suất thặng dư trong việc đạt được và duy trì thành công: Bằng chứng từ sự phát triển công nghiệp Thụy Điển” của giáo sư Ari Kokko thuộc Trường Kinh tế Stockholm, một trong những học giả nổi tiếng về thương mại quốc tế và chính sách công nghiệp. Ông cũng là người đã có nhiều năm gắn bó với Việt Nam và có nhiều nghiên cứu về quá trình chuyển dịch ở các các nền kinh tế chuyển đổi.
Điều gì giải thích cho quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng đến thế khi mà chỉ trong một vài thập niên ở nửa sau thế kỷ 19, Thụy Điển đã chuyển biến từ một nền kinh tế nông nghiệp chủ yếu và phát triển yếu kém thành một nền kinh tế công nghiệp dẫn đầu trong một số lĩnh vực phát triển công nghệ? Thứ hai, làm thế nào một số ngành công nghiệp thâm dụng nguyên liệu thô đi tiên phong trong quá trình công nghiệp hóa – cụ thể là ngành giấy và bột giấy – lại có thể duy trì được vị thế dẫn đầu mãi cho đến ngày nay, bất chấp những thay đổi to lớn về công nghệ, thị trường và điều kiện cạnh tranh.
Yếu tố dẫn đến thành công
Thử thách về phát triển chung qui là sự dịch chuyển cơ bản trong cơ cấu sản xuất của Thụy Điển, từ một nền kinh tế nông nghiệp sang một nền kinh tế công nghiệp. Sự chuyển dịch này đã được xử lý thành công vì đặc điểm của những điều kiện sẵn có trước cú đột phá công nghiệp là thặng dư công suất về chất lượng và tính tinh vi của các thể chế và nguồn vốn nhân lực. Xã hội Thụy Điển đã bắt đầu hiện đại hóa trong một vài lĩnh vực từ trước khi xảy ra cách mạng công nghiệp, và những thay đổi trong nông nghiệp, khoa học, giáo dục và thể chế tạo nên một nền tảng vững chắc cho sự phát triển theo sau.
Hoàng hậu Thụy Điển thăm nhà máy rượu ‘Absolut’ |
Để duy trì mức sống trong bối cảnh như khi vừa mới bắt đầu thì không cần thiết phải có những cải thiện nêu trên. Tuy nhiên, khi quá trình công nghiệp hóa được châm ngòi bởi các phát minh đổi mới kỹ thuật từ nước ngoài và nhu cầu tăng mạnh của các nơi khác ở châu Âu đối với nguyên liệu thô, thì Thụy Điển ở vào vị thế vững vàng để khai thác các cơ hội mới.
Người ta có thể cho rằng thặng dư công suất là điều kiện tiên quyết để thành công, vì các biến cố cụ thể cuối cùng châm ngòi cho sự cất cánh công nghiệp là không thể dự đoán được. Thụy Điển có thể sử dụng kinh nghiệm của các nền kinh tế tiên tiến hơn như sự dẫn dắt chỉ đạo cho việc hiện đại hóa các thể chế, luật pháp, và kỹ năng kỹ thuật. Gương điển hình ban đầu để so sánh và noi theo là quan trọng, vì nó mang lại một công cụ để quyết định xem nên đầu tư nguồn lực khan hiếm sẵn có vào đâu để phát triển công suất.
Ngược lại, tình trạng ưu việt bền vững của ngành lâm nghiệp phụ thuộc vào các cuộc cải cách thể chế và đầu tư tri thức thuộc loại khác. Ở đây, thử thách không phải là sự dịch chuyển cơ bản trong mô hình sản xuất, mà đúng hơn là những thay đổi liên tục và tăng dần trong điều kiện cạnh tranh.
Người ta có thể nhận ra những thử thách chính của ngành và triển khai các giải pháp về thể chế hoạch định theo những thử thách cụ thể này. Trong môi trường có thể dự đoán được nhiều hơn này, ngành lâm nghiệp có thể tập trung đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng nhất đối với sức cạnh tranh mà cụ thể là giáo dục, và nghiên cứu và phát triển (R&D). Tuy nhiên, một mức độ công suất dư thừa nào đó (xét theo năng lực) vẫn cần thiết. Để duy trì vị thế dẫn đầu, công nghiệp Thụy Điển cần nhiều tri thức hơn so với các nước khác để phản ứng nhanh hơn trước điều kiện thị trường thay đổi.
Đâu là sự khác biệt?
Một số bài học liên quan đến sự khác biệt giữa hai trường hợp thảo luận nêu trên, sự thặng dư công suất cũng như tầm quan trọng giáo dục và nghiên cứu phát triển được rút ra dưới đây.
Trường hợp thứ nhất, thặng dư công suất liên quan đến sự dịch chuyển mô hình cơ bản, trong đó Thụy Điển tiến một bước đi dứt khóat trong sự phát triển từ một nền kinh tế nông nghiệp sang một nền kinh tế công nghiệp. Không thể dự đoán ngành cụ thể nào hay hoạt động cụ thể nào sẽ mang lại sức đẩy chính để thay đổi, nhưng sự chuyển đổi đã thành công vì công suất thặng dư đã được tạo ra trong nhiều lĩnh vực.
Trong nhà máy ô tô Volvo ở Goteborg. |
Có lẽ câu hỏi khó nhất nảy sinh trong trường hợp này là làm thế nào các nước khác (hay các công ty riêng lẻ) có thể chuẩn bị sẵn sàng trước một biến cố tương tự. Câu trả lời thường là xây dựng công suất thặng dư trong nguồn vốn nhân lực và vốn xã hội, nhưng cũng nên lưu ý rằng công suất này có một chi phí hiển nhiên xét theo tính hiệu quả tĩnh.
Những nước giàu hơn thường được chuẩn bị tốt hơn trước những tình huống bất ngờ. Về một nhận định có tính thực hành hơn, có lẽ người ta có lý do để tập trung một cách hệ thống hơn vào việc so sánh và noi theo các chuẩn mực công nghệ và giải pháp thể chế, để nhận diện các cách tiếp cận hiệu quả khác nhau trước những thử thách phổ biến. Trong khi không một chiến lược hiện hữu nào có thể phù hợp hoàn hảo với những tình huống mới hình thành bởi sự đổi mới triệt để, rõ ràng là những quốc gia hay những doanh nghiệp quen thuộc với một số chiến lược khác nhau sẽ có những lợi thế rõ rệt trong việc điều chỉnh trước tình hình mới.
Trường hợp thứ hai, tầm quan trọng giáo dục và nghiên cứu phát triển tập trung vào các yếu tố xác định sự tăng trưởng bền vững trong ngành lâm nghiệp Thụy Điển. Công suất thặng dư ít nhiều là cần thiết để duy trì lợi thế cạnh tranh của ngành, nhưng người ta có thể biết trước công suất này cần thiết trong những lĩnh vực nào. Vì thế, đầu tư tri thức có thể được tập trung và phối hợp để khai thác lợi thế kinh tế theo qui mô và tối đa hóa hiệu quả đầu tư. Các chiến lược nghiên cứu phát triển của nhiều ngành trưởng thành có thể đi theo một phương thức tương tự.
Tuy nhiên, liệu việc tập trung có đáng mong đợi trong dài hạn hay không phụ thuộc vào việc người ta có thể dự đoán được sự phát triển công nghệ và thị trường đến mức nào. Điều này liên quan mật thiết với thế lưỡng nan của Schumpeterian về hiệu quả tĩnh so với hiệu quả động (Rosenberg 1994, chương 3; Schumpeterian 1943).
Phần lớn các thảo luận chính sách về việc chọn lựa giữa một bên là cạnh tranh và hiệu quả tĩnh với một bên là sự tập trung thị trường và hiệu quả động, người ta tập trung chú ý vào việc giảm chi phí có thể đạt được thông qua đầu tư nghiên cứu phát triển gia tăng. Chi phí càng giảm nhiều thì tổn thất phúc lợi người tiêu dùng do để cho (hay thậm chí khuyến khích) cơ cấu thị trường độc quyền nhóm sẽ càng ít đi.
Một yếu tố khác mà người ta nên xem xét trong việc hoạch định chính sách: mức độ dự đoán được phát triển công nghệ. Khi các điều kiện cạnh tranh tương lai xem ra khó mà dự đoán được – ví dụ khi công nghệ tương đối non trẻ hay thường xuyên phải thay đổi – việc tập trung quyền lực ra quyết định kinh tế và các nỗ lực R&D xem ra sẽ rủi ro nhiều hơn.
Thay vì thế, trong những trường hợp này, chính sách phù hợp hơn là khuyến khích nhiều chiến lược nghiên cứu phong phú, tăng khả năng có một vài chiến lược trong số đó sẽ thành công (Campbell 2004)*.
Có một nhận xét về nhu cầu nghiên cứu sâu xa hơn cũng phù hợp ở đây. Trong trường hợp Thụy Điển, lực đẩy để nâng cao hệ thống phát minh đổi mới xuất phát từ những thay đổi chính sách: một hiến pháp mới vào đầu thế kỷ 19 đã lát đường cho các tư tưởng tự do mới và cải cách thể chế. Người ta không rõ có phải những thay đổi về mục tiêu chính trị như thế là cần thiết để kích hoạt sự tích luỹ công suất dư thừa ở mức độ vĩ mô hay không: phân tích các trường hợp thành công khác có thể sẽ giúp chúng ta hiểu biết thêm.
Ngụ ý cho những nước đi sau
Việc tìm hiểu thêm những trường hợp mà có công suất thặng dư nhưng không dẫn đến thành công như Thụy Điển cũng rất bổ ích. Ứng với vai trò của cơ hội và tình trạng bấp bênh không chắc chắn trong quá trình phát triển, có thể có những ví dụ về những quốc gia và những ngành không sử dụng được công suất thặng dư của họ: những yếu tố nào ngăn cản việc đạt được những thành quả vững chắc?
Nghiên cứu về các nền kinh tế chuyển đổi có thể đặc biệt thú vị nhìn từ góc độ này. Các nền kinh tế mệnh lệnh đẩy mạnh những thể chế – cả chính thức và phi chính thức – khác với các nền kinh tế thị trường. Trong quá trình chuyển đổi, nhiều nước phải phấn đấu để củng cố những thể chế thị trường còn yếu kém hay thiếu sót.
Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực, các nền kinh tế chuyển đổi có thể có công suất nhiều hơn so với mức cần thiết, ứng với những thử thách hiện nay. Điều gì phân biệt giữa công suất dư thừa hữu ích và công suất dư thừa vô ích? Cuối cùng, các nghiên cứu ở cấp độ công ty và ngành về những thay đổi của các mô hình kỹ thuật – hay những trường hợp phi tuyến tính trong phát triển kỹ thuật – sẽ hết sức thú vị để tìm hiểu về các chiến lược và các đặc điểm công ty nào có liên quan đến thành công. Những phát hiện từ tình huống nghiên cứu của Thụy Điển thảo luận trong bài viết này cho thấy vai trò quan trọng của thặng dư công suất.
—————-
*Trong tư liệu kinh doanh, có một số thảo luận về nhu cầu đạt được công suất dư thừa trong điều kiện không chắc chắn.
(Xem tiếp kỳ sau: Đột phá kỹ thuật)