Vấn đề nguồn nước ở Việt Nam: Cần một quy hoạch tổng thể

Mùa mưa đã bắt đầu, thời điểm hạn mặn gay gắt ở đồng bằng Sông Cửu Long đã qua nhưng câu chuyện về tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn của Việt Nam còn rất nhiều vấn đề lâu dài cần xử lý. Tạp chí Tia Sáng đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, xung quanh vấn đề này.


Giáo sư Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam

Xin Giáo sư cho biết một số nhận định tổng quan của mình về tình hình thiếu nước và ngập mặn ở Việt Nam hiện nay.

Thiếu nước và xâm nhập mặn nổi lên ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt vào giai đoạn mùa khô tháng ba và tháng tư vừa qua, đến mức nhà nước phải đề nghị Trung Quốc xả hồ chứa, nhưng thực ra chỉ có hơn 200 triệu m3 nước đi qua ba quốc gia Myanmar, Lào, Campuchia, mà quốc gia nào cũng đang cần nước nên khi về đến Việt Nam thì không còn bao nhiêu. Qua câu chuyện này, có thể thấy khi Việt Nam thiếu nước thì sẽ không biết cầu cứu ở đâu.

Theo tôi, câu hỏi cần đặt ra ở đây là: Việt Nam có đúng là thiếu nước không, và nếu đúng thì thiếu do đâu? Để trả lời cho câu hỏi này, trước tiên chúng ta phải đặt phép tính cụ thể xem Việt Nam có bao nhiêu nước. Chúng ta thường nghe nói rằng Việt Nam có trên 800 tỉ m3 nước, trong đó 500 tỉ m3 từ nước ngoài đổ về và 300 tỉ m3 phát sinh từ các dòng sông trong nội địa. Đây là con số lấy từ một nghiên cứu vào khoảng năm 1990-1992 của Bộ Thủy Lợi trước đây. Từ đó cho đến nay, theo quan sát của tôi, chưa có bộ hay cơ quan nào thực hiện đánh giá lại xem những con số này có đúng hay không. Trong khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể tính ra con số này: với nguồn nước từ nước ngoài đổ về, chúng ta có trạm đo mực nước ở các vùng biên giới; với nguồn nước nội địa, chúng ta có phương pháp tính qua lượng mưa, diện tích trong từng lưu vực nhờ thông số từ các trạm đo mưa. Thậm chí với con số 300 tỉ m3 nước nội địa này, cũng chưa có ai tính ra xem sai số là bao nhiêu.Theo các tài liệu thủy văn của Mỹ, tỉ lệ nước bốc hơi ở một số vùng của Mỹ vào khoảng 30%. Nước ta do nhiệt độ mùa khô cao nên lượng nước bốc hơi, có thể là bốc hơi qua lá, đất hay sông hồ, cũng tương đối nhiều, tôi tạm ước lượng con số này cũng vào khoảng 30%. Như vậy, trong 300 tỉ m3 kia có thể chúng ta chỉ còn lại khoảng 210 tỉ m3 nước.

Hiện chúng ta cũng chưa có con số chính thức về lượng nước ở các sông hồ lớn tại Việt Nam, nhưng theo ước tính của tôi thì con số này là khoảng 40 tỉ m3 nước. Vậy thì 170 tỉ m3 nước còn lại đi đâu? Thực chất là chảy trên sông và đi ra biển. Như vậy, nhìn chung, nguồn nước chủ động của Việt Nam nói chung và đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng là không có mà đều phải lấy từ sông, cũng đồng nghĩa với việc chúng ta dùng các trạm bơm, cống lấy nước, và do đó phải phụ thuộc vào mực nước. Khi mực nước xuống thấp thì sẽ rất khó lấy. Vì thế, chúng ta vẫn chưa rõ trong số 170 tỉ m3 nước kia chúng ta lấy được bao nhiêu để dùng cho xã hội. Phép tính này cần có cơ quan khoa học nghiên cứu.

Chúng ta phải hiểu, trên một dòng sông, con người chỉ được phép sử dụng bao nhiêu lượng nước, còn lại phải có một lưu lượng cho dòng sông sống, đó là lưu lượng tạo lòng, ngoài ra còn phải có lưu lượng sinh thái, lưu lượng đẩy mặn. Ví dụ, sông Hồng lưu lượng đó khoảng trên 800m3/s, còn sông Cửu Long khoảng trên 2000 m3/s. Nếu đối chiếu với số liệu đã được công bố thì sông Hồng về mùa kiệt ở cuối nguồn chỉ còn 700m3/s, còn sông Cửu Long ở hai nhánh chính sông Tiền và sông Hậu tại nơi bắt đầu chảy vào Việt Nam chỉ có 6000m3/s. Như vậy ở sông Hồng về mùa khô, chúng ta còn thiếu 100m3/s để bảo đảm dòng chảy sinh thái và đẩy mặn, có nghĩa sông Hồng đã ở ngưỡng thiếu nước, chứ không phải trong tương lai nữa. Dòng sông về cuối nguồn sẽ ô nhiễm hơn và mặn sẽ đẩy vào sâu hơn. Còn ở sông Cửu Long nếu trừ đi lưu lượng sinh thái và đẩy mặn, thì vẫn còn khoảng 4000m3/s, có nghĩa sông Cửu Long hiện nay chưa đến ngưỡng thiếu nước.

Tiếc rằng, cho đến nay nhà nước chưa có được những con số về nguồn nước mà các vùng được phép sử dụng để làm cơ sở cho mọi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội được ổn định, không bị xáo động lớn khi có sự biến động cực đoan về khí hậu tác động đến một vùng nào đó.

Nhiều người cho rằng tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn là do El Nino và thiên tai. Giáo sư có đồng tình với nhận định đó không?

Đúng là chúng ta vẫn thường nói hạn mặn là do El Nino, do thiên tai, nhưng chúng ta vẫn thiếu cơ sở khoa học để đưa ra kết luận này. Thiên tai phải ứng với tần suất 100 năm. Nhưng cách đây 10 năm lượng nước vẫn nhiều. Theo tiêu chuẩn khoa học, đấy vẫn chưa phải là điểm cần báo động. Khi nhà nước nói ta bị hạn nhưng không nói tần suất này, trong lúc theo đài khí tượng thủy văn cho biết mức độ chưa phải là cao nhất. Vậy tại sao lại hạn? Theo phân tích của tôi: duyên hải miền Trung chịu El Nino kéo dài hơn một năm, mưa ít, lượng bốc hơi nhiều, nên người dân phải xuống tận đáy hồ để lấy nước nhưng vẫn không lấy được,vì nạn phá rừng ở Tây Nguyên cách đây nhiều năm, bây giờ không có nguồn nước ngầm xuống được. Như vậy, thiếu nước này không phải do trời mà do chiến lược phát triển của ta quá ồ ạt, rồi người dân tự phát phá rừng mất thảm thực vật dẫn đến hết nguồn nước ngầm. Đáy hồ không có nước không phải hoàn toàn do thiên tai mà còn có bàn tay phá hoại của con người. Từ lâu tôi đã nói rằng giữa Tây Nguyên và duyên hải miền Trung gắn bó với nhau về nước, nếu rừng Tây Nguyên mất thì duyên hải miền Trung không có nước.

Tại sao đồng bằng Sông Cửu Long mặn xâm nhập sâu? Nước biển dâng mỗi năm 1 mm thì không giá trị. Nhưng cái “chết” là chính sách khuyến khích người dân nuôi trồng thủy sản, quảng canh. Người dân phá rừng ngập mặn để kéo nước mặn vào để nuôi thủy sản, thậm chí những vùng trồng lúa họ bỏ luôn để đưa nước mặn vào – mà cái này được chính quyền địa phương khuyến khích; trong lúc thủy lợi chưa thể tính đến cách xử lý tình thế này. Quản lý nhà nước bị buông lỏng, dẫn đến mất hiệu lực, nên xâm nhập mặn tràn lan là như vậy.

Gần đây, đứng trước thực trạng hạn hán và ngập mặn trên diện rộng, nhiều nhà khoa học cho rằng cần phải chuyển hướng sản xuất nông nghiệp, nhất là giảm bớt diện tích trồng lúa. Nhưng dường như chúng ta chưa có một giải pháp cụ thể nào để giúp người dân thực hiện được việc chuyển đổi này.

Bài toán thiếu nước và xâm nhập mặn phải đi cùng chiến lược phát triển. Tái cấu trúc nông nghiệp thực chất phải dừng phát triển, củng cố lại theo hướng chia vùng: vùng mặn nhiều nuôi trồng thuỷ sản, vùng ít mặn trồng một vụ lúa, một vụ thuỷ sản, còn vùng hoàn toàn không mặn thì trồng lúa. Đấy là cả quy hoạch. Từ quy hoạch, chúng ta mới đưa ra được kế hoạch, rồi xây dựng dự án và đưa vào thực hiện.

Lâu nay trong tái cơ cấu chúng ta nói về chủ trương, lợi, hại, khó khăn, nhưng chưa thấy có bài toán cụ thể như nêu ở trên. Chúng ta cần tính xem nông dân cần gì, nhà nước cần gì? Làm gì để nhà nước bảo vệ được tài nguyên và nhân dân cũng được lợi. Để làm tốt những việc này, một yếu tố hết sức quan trọng là cần có những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nước, lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế, xã hội… tham gia.

Giáo sư có thể nói cụ thể hơn về yếu tố này không?

Để giải quyết bài toán thiếu nước, cần có các chuyên gia, các nhà khoa học có kiến thức và nhiều kinh nghiệm. Mà với thủy lợi thì nghiêng về kinh nghiệm nhiều hơn. Không thể áp dụng nguyên xi những con số, công thức của các nước đưa vào bởi vì địa hình, địa chất, thuỷ văn, khí tượng, thổ nhưỡng, cây trồng, ở Việt Nam khác với các nước khác. Chẳng hạn mưa xuống bao nhiêu thì ngập úng – điều này chỉ Việt Nam mới biết được chứ nước ngoài họ không biết, vì chúng ta là đất vùng nhiệt đới, mà đất ở sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long là đất bồi tích. Ngày xưa Pháp cũng không để lại con số này mà chúng ta phải tự nghiên cứu lấy. Cho nên phải tận dụng nguồn tư liệu cục bộ trong nước và địa phương mới có thể tính được những bài toán cụ thể như thế này. Ví dụ, cần bao nhiêu nước để tưới lúa cho một vùng đất cụ thể, thì phải có người đã từng chỉ đạo trồng lúa trong nhiều năm mới tính được.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)