Văn hóa an toàn trong công nghiệp

Với những ngành công nghiệp này, việc xây dựng nên một hệ thống quản lí an toàn (safety management system) là điều bắt buộc. Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần cứng, cần phải có phần mềm để đảm bảo những phần cứng đó hoạt động hiệu quả: đó chính là văn hóa an toàn trong vận hành.

Những ngành công nghiệp như hàng không, hóa dầu, khai thác thăm dò dầu khí, điện hạt nhân đều có một đặc điểm chung là tiểm ẩn những nguy cơ rủi ro rất cao. Những tai nạn liên tiếp với tần suất tương đối thường xuyên trong những ngành công nghiệp này là những ví dụ cụ thể: tai nạn nhà máy lọc dầu của BP ở Texas năm 2005, vụ nổ và tràn dầu ở vịnh Mexico năm 2010, tai nạn nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, tai nạn ở cụm nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản năm 2011 và những tai nạn hàng không trên thế giới. Đó là những tai nạn tương đối điển hình, xen vào đó là hàng trăm tai nạn, sự cố nhỏ hơn không được thông tin rộng rãi.

Với những ngành công nghiệp này, việc xây dựng nên một hệ thống quản lí an toàn (safety management system) là điều bắt buộc. Một số thành phần chính của một hệ thống như vậy đã được đề cập trong bài viết của tác giả trên tạp chí Tia Sáng tháng 2 năm 2011. Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần cứng, cần phải có phần mềm để đảm bảo những phần cứng đó hoạt động hiệu quả: đó chính là văn hóa an toàn trong vận hành. Bài viết này nhằm chia sẻ những kinh nghiệm thực tế của tác giả trong quá trình xây dựng văn hóa an toàn trong vận hành đối chiếu những nghiên cứu của James Reasons là người tiên phong trong việc phân tích các tai nạn gây ra bởi lỗi hệ thống.

Văn hóa an toàn của một công ty là sự kết hợp của văn hóa của từng cá nhân và văn hóa của công ty. Văn hóa an toàn của cá nhân chính là cách cư xử, suy nghĩ, hành động của mỗi cá nhân liên quan đến vấn đề an toàn. Chẳng hạn như nhận thức của nhân viên vận hành là cần phải mang đủ quần áo bảo hộ khi đi vào khu vực sản xuất của nhà máy. Song song với đó là văn hóa của chính công ty như một thực thể, đó là cách xử lí, hành động của công ty được thể hiện bằng những quy trình, quy định trong các vấn đề liên quan đến vấn đề an toàn. Ví dụ như những quy định yêu cầu nhân viên phải đảm bảo đủ các thiết bị bảo hộ trước khi đi vào khu vực sản xuất.

Các cấp độ của văn hóa an toàn

Văn hóa an toàn của công ty có thể chia theo các mức độ sau:

Kém: Đó là những công ty mà trách nhiệm về an toàn không rõ ràng, an toàn chỉ tồn tại về mặt hình thức. Các quy định về an toàn không được phổ biến và làm theo, những người có trách nhiệm nói một đằng làm một nẻo, những vi phạm về an toàn xảy ra hoặc là bị trừng phạt hoặc là che giấu mà không được báo cáo cho các bên liên quan
Thụ động: theo thuật ngữ của Việt Nam là mất bò mới lo làm chuồng, là văn hóa an toàn ở cấp độ cao hơn một chút. Chỉ sau khi xảy ra sự cố mới tiến hành khắc phục những khiếm khuyết và lỗ hổng trong vấn đề an toàn ở mức cục bộ chứ không giải quyết vấn đề ở mức độ cao hơn là lỗi hệ thống.

Tích cực: văn hóa an toàn ăn sâu vào trong hoạt động của công ty. Công ty có một hệ thống quản lí an toàn được áp dụng một cách tích cực trong các hoạt động hằng ngày, lực lượng lao động và quản lí có hiểu biết sâu sắc về an toàn công nghệ và an toàn cá nhân. Mỗi một hành động của mỗi cá nhân và của công ty đều có dấu ấn của văn hóa an toàn Ví dụ, nhà máy chấp nhận rủi ro mất sàn lượng khi tiến hành thử các van đóng khẩn cấp an toàn theo định kì bảo dưỡng.

Xây dựng nên một nền văn hóa tích cực là điều chúng ta phải hướng đến.

Xây dựng văn hóa an toàn

Như đã trình bày ở trên, để xây dựng nên một nền văn hóa an toàn, cần phải quan tâm và chú trọng đến xây dựng nên văn hóa an toàn của mỗi cá nhân và văn hóa của cả công ty. Văn hóa an toàn của mỗi cá nhân chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố: từ nghề nghiệp, quốc gia, vùng miền, gia đình v.v. Trong phạm vi nghề nghiệp văn hóa an toàn cá nhân được củng cố trước hết bới những chính sách về an toàn chung của công ty, yêu cầu về ứng xử an toàn đối với mỗi thành viên, những chiến dịch, chương trình đào tạo an toàn, và một phần ảnh hưởng rất lớn từ cách ứng xử của những người có trách nhiệm đối với vấn đề an toàn. Như nhiều nhà xã hội học đã phân tích, văn hóa của mỗi con người chịu ảnh hưởng từ rất nhiều yếu tố, nó được hình thành trong một quá trình rất dài nên để thay đổi không phải là một điều dễ dàng có thể làm trong ngày một ngày hai, văn hóa an toàn là một phần trong tổng thể chung của văn hóa nên cũng không là ngoại lệ. Việt Nam trong giai đoạn phát triển rất đặc thù này có những đặc điểm riêng về văn hóa nói chung và văn hóa an toàn nói riêng v.v…

Văn hóa công ty là cách ứng xử, là những điều khoản, hướng dẫn và yêu cầu của một tổ chức, ngược lại có thể xây dựng, thay đổi trong một thời gian ngắn, nếu được vận dụng một cách hợp lí, có thể khắc phục được những khiếm khuyết trong văn hóa an toàn của mỗi cá nhân vốn đã chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ ngoài xã hội, cộng đồng. Phần tiếp theo của bài viết sẽ đi sâu hơn vào việc xây dựng nên văn hóa an toàn của công ty

Các nhân tố chính của một nền văn hóa an toàn:

Báo cáo những sự cố, những điều kiện thiếu an toàn (Reporting culture)

Một hệ thống báo cáo hiệu quả là điều kiện tiên quyết để xây dựng nên một nền văn hóa an toàn. Mục đích của báo cáo là để ghi nhận sau đó tìm hiểu nguyên nhân của sự cố và có các biện pháp khắc phục để tránh sự lặp lại. Với các tình trạng không an toàn, là để ngăn ngừa sớm sự phát sinh tai nạn v.v.

Ví dụ cụ thể là khi nhân viên vận hành thấy dấu hiệu rò rỉ của khí, ga v.v mà không kịp thời báo cáo để khắc phục thì có thể dẫn đến tai nạn cháy nổ lớn hơn nhiều.

Văn hóa báo cáo an toàn chỉ có thể được hình thành nếu có một hệ thống hướng dẫn cụ thể về báo cáo sự cố. Hệ thống này quy định cụ thể những loại sự cố nào cần phải báo cáo, ai là người chịu trách nhiệm báo cáo, ai là người quyết định phải điều tra thêm để tìm hiểu nguyên nhân trực tiếp cũng như hệ thống, một hệ thống biểu mẫu trên giấy hoặc điện tử mà mọi người có thể sử dụng để báo cáo. Ví dụ các sự cố phải báo cáo như: tai nạn, các điều kiện thiếu an toàn, các lỗi đã xảy ra trong quá trình vận hành, tình trạng các thiết bị an toàn, sự cố tràn dầu hoặc hóa chất, người bị thương nhẹ v.v.

Văn hóa công bằng (Just culture)

Một nền văn hóa công bằng là yếu tố thứ hai và là thành phần hỗ trợ quan trọng của yếu tố thứ nhất. Những lối ứng xử chấp nhận và không chấp nhận được phân biệt rạch ròi bởi từng cá nhân và những người quản lí. Ví dụ những vi phạm về an toàn mà không phải do lỗi cố ý của mỗi cá nhân thì những người có liên quan sẽ không phải chịu những trách nhiệm cá nhân, với những lỗi cố ý thì các biện pháp trừng phạt mới được áp dụng. Đồng thời có những biện pháp khuyến khích và khen thưởng những nhân viên tham gia tích cực vào việc báo cáo và điều tra sự cố cũng như các điều kiện làm việc nguy hiểm. Nếu những đóng góp tích cực không được ghi nhận thì rất có thể lần sau những sự việc tương tự sẽ không bao giờ được báo cáo lên. Một ví dụ cụ thể là nếu một người nhân viên vận hành báo cáo về một sơ suất trong quá trình làm việc mà có thể dẫn tới điều kiện làm việc không an toàn thì người nhân viên đó không bị trừng phạt mà còn có thể được khen thưởng vì thái độ trung thực.

Văn hóa học hỏi (Learning culture)

Học hỏi từ những kinh nghiệm của chính bản thân mình và kinh nghiêm đã xảy ra từ những nới khác. Đã có nhiều tai nạn xảy ra với những nguyên nhân gần giống nhau nên cần phải tiếp thu những bài học từ những sự cố xảy ra ngay tại nhà máy và những nơi khác. Sau khi những nguyên nhân của sự cố đã được phát hiện, các bài học phải được chia sẻ và nhân rộng không những trong phạm vi nhà máy mà còn với những nhà máy khác tương tự. Khái niệm học hỏi cũng bao gồm cả học hỏi những kinh nghiệm tích cực, áp dụng “best practices” vào quá trình vận hành nhà máy của mình.

Trên đây là những yếu tố cần của một nền văn hóa an toàn nhưng điều đủ là những yếu tố sau:

1. Cam kết của những người lãnh đạo, là những người có trách nhiệm cao nhất đối với nhà máy. Khi có những cam kết này mới có thể cung cấp nguồn lực và phương tiện cũng như kinh phí để xây dựng nên văn hóa toàn. Một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng chính là người đứng đầu sẽ là tấm gương về cách ứng xử trong vấn để an toàn cho toàn bộ công ty. Mọi khẩu hiệu sẽ trở nên sáo rỗng và mất sự thuyết phục nếu bản thân người lãnh đạo không cam kết thực sự với vấn đề an toàn. Sự cam kết này phải được truyền tải từ cấp cao nhất cho đến các những người quản lí ở nhà máy.

2. Kiến thức về an toàn: cam kết không là không đủ mà người lãnh đạo phải có những hiểu biết nhất định về vấn đề an toàn vì điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc ra quyết đinh mà ảnh hưởng của nó đến vấn đề an toàn sẽ rất lớn ví dụ như việc phân bổ nhân lực, cơ cấu tổ chức, kinh phí hàng năm v.v.. Kèm theo là một đội ngũ những chuyên gia về an toàn vận hành, những người sẽ có tiếng nói quan trọng trong quá trình vận hành cũng như sẽ tư vấn cho ban lãnh đạo về những chính sách, chương trình an toàn.

Tai nạn ở nhà máy lọc dầu của BP ở Texas năm 2005 là một ví dụ cụ thể cho thấy khi thiếu những điều kiện cần và đủ như trên, thảm họa sẽ có khả năng xảy ra rất lớn. Có nhiều nguyên nhân trực tiếp về mặt thiết bị, con người và quy trình đã dẫn đến thảm họa nhưng khi phân tích sâu hơn thì gốc rễ là sự thiếu hiểu biết sâu sắc về vấn đề an toàn của những người có trách nhiệm ở cấp độ tập đoàn. Điều này đã dẫn đến khiếm khuyết rất lớn về văn hóa an toàn công nghệ, về đánh giá sai mức độ an toàn của nhà máy. Trong suốt một thời gian dài, những thành tích của an toàn cá nhân cũng được hiểu như là thành tích của an toàn vận hành.

Với thực tiễn ở Việt Nam hiện nay ảnh hưởng của văn hóa xã hội lên mỗi cá nhân còn nhiều tiêu cực: sự trung thực, tinh thần cống hiến v.v, xây dựng văn hóa an toàn cho công ty là điều cần thiết phải làm.

Một nền văn hóa an toàn cao là điều không thể thiếu được trong quá trình vận hành của các nhà máy tiềm ẩn khả năng rủi ro cao như nhà máy lọc dầu, nhà máy điện hạt nhân, hàng không. Bài viết này hy vọng đóng góp thêm một phần hiểu biết của tác giả trong quá trình vận hành với những người có trách nhiệm để cùng nhau xây dựng nên một nền văn hóa an toàn cho các nhà máy ở Việt Nam.

 

 

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)