Văn hóa hay khoa học ?

Khi thảo luận về đổi mới sáng tạo (ĐMST), một trong những câu hỏi đầu tiên cần phải đặt ra, đó là: ĐMST là quá trình mang tính văn hóa hay khoa học?

Các diễn giả trong các khóa đào tạo về ĐMST, các nhà làm chính sách, các chuyên viên dự án, thường có khuynh hướng coi ĐMST là một quy trình quản trị mang tính khoa học, có thể bắt chước được. Điều này không chỉ dừng ở cấp độ doanh nghiệp, mà còn ở cấp quốc gia. Bằng chứng là rất nhiều nước ở  châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã dành nhiều công sức cho việc bàn thảo và xây dựng các thung lũng silicon ở nước mình. Ngay cả các nước châu Phi cũng nhập cuộc với trào lưu xây dựng Thung lũng Silicon. Nhưng tất cả đều không đạt được kết quả như mong đợi.

Trào lưu này cũng lan rộng sang các mô hình khác như Công viên khoa học, Thành phố khoa học, Khu công nghệ cao, Trung tâm xuất sắc, Vườn ươm doanh nghiệp… Chẳng hạn, Singapore cũng đã từng có chương trình phát triển ngành y sinh để trở thành một vườn ươm công nghệ y sinh của thế giới, một dạng thung lũng silicon chuyên về y sinh và dược phẩm. Việt Nam cũng đã có hai khu công nghệ cao ở Hà Nội và TP. HCM. Một loạt các trung tâm xuất sắc ở các tỉnh thành cũng đã từng được bàn bạc để xây dựng. Tất cả đều là sự bắt chước các mô hình đã thành công, chủ yếu từ các nước Âu – Mỹ.

Dù được đầu tư lớn, nhưng sự thất bại của các khu công nghệ cao, công viên khoa học, thành phố khoa học, vườn ươm doanh nghiệp và các thung lũng đủ loại… ở các nước đi sau, trong đó có Việt Nam, là một thực tế.

Các khu công nghệ cao cóp nhặt các mô hình ngoại lai được coi là thành công, con số này rất ít, đều tập hợp được người ở các mô hình gốc, hoặc ít nhất cũng từ các nước có các mô hình đó, đến tổ chức và làm việc. Điều này ngụ ý rằng, chính văn hóa tổ chức và làm việc mà những người này mang lại mới là yếu tố quyết định thành công, chứ không phải là đầu tư hay cơ sở vật chất hay quyết định chính trị của cơ quan chủ quản.

Yếu tố văn hóa này nằm trọn vẹn trong đội ngũ nhân sự, hay còn gọi khác đi là yếu tố con người. Chỉ khi nào có con người thấm đẫm tinh thần ĐMST thì các hoạt động có tính ĐMST mới có thể triển khai và thành công.

Mặt khác, việc bắt chước không thành công các mô hình này còn do sự thất bại trong việc nhân rộng hoạt động ĐMST bởi ĐMST không đơn thuần là một quy trình có thể bắt chước được thông qua đào tạo. Ngay cả trong trường hợp xây dựng được quy trình để quản trị các hoạt động ĐMST thì quy trình đó phải kích hoạt được các ý tưởng sáng tạo và đủ mở để chứa đựng chúng, thay vì tập trung quản lý các ý tưởng này. Nói cách khác, quy trình đó phải là một quy trình kích hoạt và khuyến khích văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa dân chủ trong làm việc, văn hóa hợp lực, văn hóa tự do khám phá và thử nghiệm… chứ không phải là quy trình quản trị nặng tính kỹ thuật.

Như vậy, ĐMST có bản chất là các hoạt động mang tính văn hóa, chứ không phải là các hoạt động có tính khoa học, quản trị hay kỹ thuật đơn thuần.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)