Văn hóa tín dụng

Thị trường tài chính nếu thiếu thông tin thì sẽ dẫn tới chậm trễ trong việc lưu chuyển vốn, và thậm chí tệ hơn, có thể phân phối vốn tới những nơi nguy cơ rủi ro, đổ bể cao. Điều đó nhanh chóng thể hiện ra qua hiện trạng một nền kinh tế. Chẳng hạn như vốn không rót tới tay người sản xuất, thay vào đó tập trung quá mức ở các khoản đầu tư mang tính chộp giật như chứng khoán và bất động sản. Những điều này gây ra sự bất ổn cùng với tốc độ phát triển ỳ ạch. Vậy thì làm thế nào để có được thông tin chính xác, minh bạch, nhanh chóng để giúp thị trường tài chính hoạt động hiệu quả? Câu trả lời là, cần phát triển văn hóa tín dụng

Khi một nền kinh tế phát triển tới một mức độ ổn định nhất định thì văn hóa tín dụng ra đời. Khi đó người mua và người bán không còn nhất thiết phải trao đổi theo cách tiền trao, cháo múc ngay trong một tức khắc nữa. Người mua có thể nhận sản phẩm và trả dần cho người bán theo một lãi suất mà hai bên có thể cùng chấp nhận được. Điều này tăng mức độ linh hoạt cho việc lưu chuyển đồng tiền. Nó cũng làm tăng mức độ thỏa mãn cho mọi đối tác liên can. Người mua có thể được sử dụng ngay sản phẩm thay vì phải dành dụm đủ tiền. Người bán có thể bán được ngay sản phẩm, và được đền bù sự rủi ro qua lãi suất.
Trong quá trình trao đổi tín dụng, nếu giữa người bán và người mua thiếu thông tin thì mức độ rủi ro đối với người bán sẽ lớn hơn. Khi đó người bán sẽ đòi hỏi một lãi suất cao, hoặc đòi hỏi một khoản đặt cọc hay thế chấp nhiều hơn. Như vậy thì tuy đã có sự trao đổi tín dụng giúp đồng tiền luân chuyển linh hoạt hơn, nhưng ma sát vẫn còn quá lớn. Để giúp bôi trơn, người bán cần được cung cấp thêm thông tin về người mua. Hiện nay, ở các nước có thị trường tài chính phát triển, mức độ khả tín khi chi trả các khoản tín dụng của mỗi cá nhân trong quá khứ đều được ghi lại và thông báo cho người bán mỗi khi tiến hành một cuộc thương thảo mới. Thông tin này được gọi là điểm tín dụng (credit score). Cái lợi trước mắt của tiến trình này là giúp cho người bán nắm bắt thêm một thông tin cốt lõi để đánh giá mức độ rủi ro, qua đó giúp cho quá trình trao đổi tín dụng diễn ra chính xác, nhanh chóng, và công bằng hơn. Cái lợi tổng thể là nó giúp cho đồng tiền lưu chuyển một cách hiệu quả hơn. Nhưng một cái lợi rất đáng kể nữa là sự đóng góp vào tiến trình phát triển xã hội.
Bề ngoài thì văn hóa tín dụng ở các nước phát triển khiến cho tất cả mọi người đều biến thành con nợ. Nhưng thực chất thì đó là tự họ lựa chọn như vậy. Đơn giản vì điều ấy tốt hơn là tự mình xoay xở gom góp từng đồng vốn một. Mặt khác, thị trường tín dụng là một công cụ biểu tượng cho sự khả tín. Người nghèo đi vay đã đành. Người giàu cũng đi vay. Họ vay từ nhà băng, hay các công ty tài chính mà mức độ khả tín đã được công nhận rộng rãi. Đơn giản vì những người được trả tiền cũng muốn được chi trả bởi những đối tượng có uy tín này. Bởi vậy, văn hóa tín dụng là liều thuốc tích cực chống lại những cuộc rửa tiền. Dù không thể ngăn cản tuyệt đối sự lưu chuyển của những đồng tiền do các hoạt động phạm pháp, nhưng dù sao cũng là một rào cản đáng kể đầu tiên.
Nhìn trên diện rộng hơn, văn hóa tín dụng buộc từng cá nhân phải chú trọng tới hồ sơ tín dụng của mình. Mỗi lần thất tín sẽ gây khó khăn hơn cho lần trao đổi tín dụng tiếp theo. Người có hồ sơ tín dụng tốt sẽ được ưu đãi khi vay để mua nhà, xe cộ, hay bất cứ khoản tiêu pha quan trọng nào. Vì vậy, tín nghĩa không còn là khái niệm mang thuần túy giá trị tinh thần, mà thực chất đi liền vào khúc ruột của mỗi cá thể trong xã hội. Nên coi đây là một bước tiến của xã hội văn minh. Sự khả tín một mặt mang lại lợi ích thiết thực. Mặt khác nó khuyến khích con người nỗ lực hơn trong lao động để có thể duy trì các khoản chi trả đều đặn. Tất nhiên, điều này không xâm phạm tới quyền tự do lựa chọn của cá nhân. Mỗi cá nhân đều có quyền lựa chọn một hồ sơ tín dụng riêng và hưởng quyền lợi gắn liền một cách công bằng với hồ sơ này.
Văn hóa tín dụng không thể được hiểu như cây đũa thần giúp thị trường tài chính trở nên hoàn hảo. Những nước có văn hóa tín dụng phát triển hàng trăm năm vẫn vấp phải sự bất ổn. Cuộc khủng hoảng của thị trường tài chính subprime ở Mỹ hiện nay cho thấy rằng dưới sức ép cạnh tranh và tìm kiếm lợi nhuận, các công ty tài chính vẫn nhắm mắt dấn thân vào những lựa chọn rủi ro. Nói cách khác, thông tin về hồ sơ tín dụng cá nhân là công cụ hữu ích để các đối tượng cho vay suy xét, nhưng nó vẫn là một thứ thông tin không hoàn hảo. Và trên hết, thông tin chỉ là công cụ. Sử dụng công cụ ấy hiệu quả đến đâu là tùy thuộc ở con người.
Dù không dễ dàng để tới được sự hoàn hảo nhưng việc hình thành và liên tục cải thiện văn hóa tín dụng là bước phát triển không thể thiếu cả trên khía cạnh kinh tế lẫn chính trị và xã hội. Một xã hội mà số đông cá thể có thói quen duy trì sự khả tín là một xã hội đang phát triển tiến bộ. Hồ sơ tín dụng là một công cụ giúp cho đồng tiền lưu chuyển chính xác và minh bạch hơn. Nó giúp đem lại sự ổn định và công bằng cho hoàn cảnh tài chính của mỗi cá nhân. Đó là nhu cầu tất yếu của nền kinh tế cũng như của xã hội trong quá trình tiến hóa. Và ngược lại, khi nhu cầu ổn định và công bằng về tài chính được đáp ứng, thì đó là nền tảng để tiếp tục nảy sinh những nhu cầu tiến bộ khác.  

Phạm Trần Lê

Tác giả

(Visited 16 times, 1 visits today)