Văn hóa và kinh doanh

Hoạt động kinh doanh vốn gắn liền với lợi ích, và lợi ích kinh doanh thường được đồng nhất với lợi nhuận. Phải chăng nguyên nhân của sự khủng hoảng văn hóa kinh doanh hiện nay là ở chỗ lợi nhuận đang được đặt ra như là một mục tiêu duy nhất?

Không ai có thể phủ nhận vấn đề lợi nhuận trong kinh doanh. Vì phủ nhận lợi nhuận là phủ nhận chính bản thân sự kinh doanh. Nhưng kinh doanh còn có những lợi ích khác ngoài lợi nhuận kinh tế. Có lẽ cần bắt đầu bằng việc nghĩ đến điều đó. Và bắt đầu bằng việc đối diện với thực tế như quý vị đã làm khi chỉ ra rằng nền kinh tế thị trường của chúng ta đang rơi vào khủng hoảng nhân văn (ở đây tôi nhắc lại vấn đề được nêu lên trong đề cương hội thảo của quý vị). Tóm lại tôi muốn nhấn mạnh rằng tất cả mọi sự thay đổi đều bắt đầu bằng ý thức của chúng ta về thực tại mà chúng ta đang có và ý thức đặt ra những mục tiêu mới để tạo ra những thực tại mới như chúng ta mong đợi.

Hoạt động kinh doanh có thể đưa lại các lợi ích văn hóa như thế nào? Bỏ qua các vấn đề về kinh tế tri thức, về kinh doanh văn hóa như là một lĩnh vực đặc thù của kinh tế, mà quý vị chắc chắn nắm vững hơn tôi, ở đây tôi muốn nói đến các hiệu ứng văn hóa mà các nhà kinh doanh và các sản phẩm có thể mang lại.

Hãy nhìn phố Hàng Đào, một trong những phố trung tâm nhất của Hà Nội. Nằm ngay cạnh Hồ Gươm, biểu tượng văn hóa của thủ đô. Còn chút gì của văn hóa Việt, còn chút gì của cái bề dày nghìn năm văn hiến gắn với hai chữ Thăng Long còn sót lại ở trên đường phố này? Hoàn toàn không. Du khách đến trung tâm của thủ đô Việt Nam mà tưởng rằng mình đang ở Trung Quốc, và đó không phải là một Trung Quốc của Bắc Kinh hay Thượng Hải, mà là Trung Quốc của những khu vực nghèo nàn. Chính hoạt động kinh doanh trên phố Hàng Đào là nguyên nhân của điều đó. Đây chỉ là một ví dụ để ta thấy rằng kinh doanh và văn hóa gắn bó chặt chẽ với nhau hơn là chúng ta tưởng.

Sự có mặt của hàng hóa kéo theo dấu ấn của những người sản xuất ra chúng. Sự tràn ngập của hàng Trung Quốc hiện nay trên lãnh thổ của chúng ta đang là một nguyên nhân khiến cho bản sắc của chúng ta bị xóa bỏ. Nhất là sự tràn ngập của những vật dụng hàng ngày. Ngạn ngữ của cha ông chẳng phải đã nói: “nước chảy đá mòn”. Sự tiếp xúc thường nhật, ngày này qua ngày khác cuối cùng sẽ khiến cho vật dụng ăn sâu vào tinh thần người sử dụng, khiến cho cuối cùng vật dụng sẽ để lại dấu ấn của nó trong phong cách, lối sống của người sử dụng. Nói một cách văn chương: vật dụng thôn tính chính người sử dụng chúng. Đó chính là giá trị văn hóa của hàng hóa. Hơn tám mươi phần trăm dân số của chúng ta đang sử dụng loại hàng hóa nào? Các nhà văn hóa và các nhà kinh doanh của chúng ta có bao giờ nghĩ đến điều đó? Trong khi chúng ta tìm kiếm thị trường quốc tế (không ai bác bỏ được sự cần thiết của điều này) thì chúng ta lại lãng quên cái thị trường mênh mông trên chính xứ sở mình. Tại sao người Việt không sản xuất hàng hóa cho người Việt? Hãy hình dung viễn cảnh: nếu hàng hóa của chúng ta đáp ứng được nhu cầu sử dụng của dân chúng thì nguồn lợi nhuận mà các doanh nhân Việt Nam thu được sẽ là thế nào? Nó tương đương với nguồn lợi nhuận mà người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc đang lấy về từ Việt Nam hiện nay.

Theo con số mà báo Thanh Niên đưa ra ngày 4/10/2010, chúng ta nhập siêu khoảng 13,5 tỉ USD, trong đó khoảng 80% là nhập siêu từ Trung Quốc. Chỉ riêng rau quả, 8 tháng đầu năm chúng ta đã phải trả cho Trung Quốc 90 triệu USD. Riêng TP Hồ Chí Minh trả 99.679 USD cho tăm tre nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có khả năng tổ chức cho những người thất nghiệp sản xuất những mặt hàng tiêu dùng đơn giản như rau quả, tăm tre, bánh kẹo… không? Liệu chúng ta có thể phát triển ngành công nghiệp phụ trợ không? Với những điều kiện nào? Chắc chắn, để các doanh nhân chúng ta chinh phục được thị trường chúng ta, thì chính phủ phải cương quyết ủng hộ họ bằng các chính sách bảo hộ hàng trong nước một cách hiệu quả và có các chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước. Như là chính phủ các nước khác đã làm để bảo vệ nền sản xuất nội địa của họ. Tuy nhiên, trước tiên bản thân các doanh nhân phải nghĩ đến điều đó. Phương châm của các doanh nhân Trung Quốc là lấy tiền của thiên hạ về cho Trung Quốc chứ không đưa tiền của Trung Quốc ra khỏi lãnh thổ. Đó có thể xem là một thái độ văn hóa trong kinh doanh. Chúng ta đang làm ngược lại, chúng ta đưa đồng Việt Nam sang Trung Quốc quá nhiều. Điều này có thể dẫn tới một lập luận rằng: thái độ văn hóa trong kinh doanh được bắt đầu bằng chính thái độ đối với đồng tiền. Chắc chắn có thể bàn bạc rất nhiều về vấn đề này, ở đây tôi chỉ đề cập tới một điểm: thoát khỏi sự lệ thuộc vào đồng tiền, hay nói cách khác là tạo nên sự độc lập, tự do đối với đồng tiền trong tinh thần.

Có nghịch lý không khi nói rằng nhà kinh doanh có văn hóa không để đồng tiền chi phối mình? Ở đây có lẽ ta có mối quan hệ hai chiều giữa doanh nhân và đồng tiền: bị đồng tiền chi phối và điều khiển đồng tiền. Hiển nhiên, văn hóa trong kinh doanh, hay lợi ích văn hóa mà hoạt động kinh doanh có thể mang lại phụ thuộc vào việc người kinh doanh để cho mình bị đồng tiền điều khiển, hay là có khả năng điều khiển đồng tiền vì những mục đích cao hơn đồng tiền. Khi doanh nhân có khả năng điều khiển đồng tiền thì có thể lúc đó tiền không còn là mục đích nữa mà trở thành phương tiện để nhà kinh doanh hướng tới những mục đích nhân văn. Thuận lý của nghịch lý này sẽ là: khi doanh nhân có khả năng điều khiển đồng tiền anh ta sẽ có khả năng kiếm được tiền nhiều hơn gấp bội. Nếu xem xét mối quan hệ giữa nhà kinh doanh và đồng tiền theo kiểu này, ta cũng có thể đặt vấn đề tương tự khi nhìn nhận mối quan hệ giữa nhà chính trị và quyền lực: sử dụng quyền lực hay để quyền lực sai khiến. Một nhà chính trị bị quyền lực chi phối không những đánh mất khả năng tự chủ của mình mà còn có nguy cơ đánh mất cả khả năng tự chủ của quốc gia. Một nhà chính trị có thể điều khiển và sử dụng quyền lực sẽ có khả năng đưa ra các quyết sách sáng suốt góp phần làm tăng uy danh của cá nhân ông ta và làm tăng sức mạnh cũng như vị thế của dân tộc. Nguyên nhân nào đưa nhà chính trị tới chỗ có khả năng sử dụng quyền lực và đưa nhà kinh doanh tới chỗ có khả năng điều khiển đồng tiền. Căn gốc nằm ở tầm vóc văn hóa, ở nhân cách của các nhân vật đó.

Đến đây tôi muốn chuyển qua một vấn đề khác: vai trò của doanh nhân trong việc phát triển văn hóa. Hiện nay, trong điều kiện thực tế của chúng ta – quý vị hiểu bao nhiều điều tôi muốn gửi gắm trong mấy từ “điều kiện thực tế” này – các nhà kinh doanh có văn hóa là những người có khả năng hơn cả trong việc mở rộng cơ hội văn hóa đến với toàn thể dân chúng của chúng ta. Quý vị hãy hình dung rằng, chúng ta có những trí thức, những người có năng lực để làm công việc phổ biến văn hóa và truyền đạt tri thức, nhưng họ sẽ không thể nào làm được việc đó nếu chỉ đơn độc một mình, bởi vì họ không có phương tiện để in ấn, để công bố những sản phẩm văn hóa. Đương nhiên, nếu các trí thức không làm việc sẽ không có các sản phẩm văn hóa, nhưng nếu các sản phẩm văn hóa không được phổ biến, thì chúng cũng sẽ trở thành vô dụng. Điều này hiển nhiên dẫn tất cả chúng ta đến một nhận thức chung: hơn bao giờ hết, vào thời điểm này, nếu nghĩ đến tương lai và sự phát triển của đất nước, thì các trí thức và doanh nhân cần phải hợp sức lại với nhau. Đương nhiên là không loại trừ việc phải hợp sức với các thành phần khác trong xã hội. Và để có thể hợp sức với nhau, cần phải thống nhất về những nguyên lý căn bản của một xã hội phát triển và có tính nhân bản: đó là một xã hội hùng mạnh về kinh tế, thâm hậu về văn hóa, vững chắc về đạo đức, một xã hội trong đó luật pháp được tôn trọng, một xã hội trong đó mỗi cá nhân đều được tự do phát triển các năng lực của mình và có trách nhiệm với cộng đồng chung, mọi cá nhân đều có cơ hội bình đẳng trước cuộc sống, một xã hội mà mọi sức mạnh tiềm ẩn của nó được khai mở. Khi một nhà kinh doanh góp phần vào công cuộc khai phóng sức mạnh tiềm ẩn của dân tộc, ông ta đã hành động trong tư cách là con người văn hóa.

Tôi xin được gợi lại khát vọng của một nhân vật trong văn học Tây Nguyên, một nhân vật hết sực đặc biệt, tiêu biểu cho tinh thần và sức mạnh của một nền văn hóa đặc biệt trong cộng đồng các dân tộc của chúng ta. Đó là khát vọng chinh phục nữ thần mặt trời của người anh hùng Dăm San. Dăm San chinh phục nữ thần mặt trời với hai mục đích: trở thành tù trưởng giàu mạnh nhất, điều này thể hiện khát vọng tự cường, và có được người người phụ nữ đẹp nhất thế giới, tức là chiếm lĩnh được cái đẹp, điều này thể hiện khát vọng thẩm mỹ của người anh hùng Tây Nguyên. Chúng ta cần có những Dăm Săn của thời hiện đại, những người mang khát vọng đưa đất nước trở nên hùng cường về kinh tế và chói sáng về văn hóa, rực rỡ về nghệ thuật.

* Bài tham dự hội thảo Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.

                               

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)