Vàng đen bốc hỏa… và cuộc tìm kiếm nguyên liệu mới
Đình công, biểu tình, đắp ụ chặn đường, sự “bốc hỏa” của “Vàng đen” làm đời sống của những người nghèo trên khắp hành tinh càng khốn khó hơn, trong khi đó lại mang đến cho các nước vùng Vịnh, chiếm tới 40% nguồn dầu mỏ của thế giới một sức mạnh răn đe lớn lao, thêm vào đó là nguồn tài nguyên quý giá này ngày càng cạn kiệt, khai thác khó khăn… Một cuộc tìm kiếm thêm các dầu mỏ mới, nhất là nguồn nhiên liệu mới của các nhà khoa học và công nghệ bắt đầu sôi động. Đây chính là điều kiện tiên quyết nếu muốn tránh những căng thẳng chính trị và kinh tế trầm trọng trong những năm sắp đến.
Một ngàn tỷ USD. Vâng, các bạn đã nghe nói đến rồi! Kho bạc do các nước sản xuất dầu thu nhập năm 2007 thật khổng lồ. Và còn nữa, năm ngoái, giá dầu thô “chỉ” đạt khoảng 70 USD/thùng! Từ đó, nó đã vượt 140 USD/thùng vào giữa năm 2008, và các Vương quốc dầu lửa chưa bao giờ lại danh giá đến thế. Trong vòng 5 năm, giá vàng đen đã tăng gấp 6 lần, làm nổ tung ngăn kéo két. Chỉ riêng các nước thành viên Hội đồng Hợp tác kinh tế vùng Vịnh (CCG: Arập Xê út, Các Tiểu Vương quốc Arập thống nhất, Bahrain, Cata, Côoét, Oman) năm ngoái đã thu 250 tỷ Euro nhờ xuất khẩu dầu. Arập Xê út vừa chấp nhận mở van thêm một chút. Nhưng đừng tự lừa dối: giá dầu vọt lên hiện nay không phải là kích thích sản xuất tăng lên. Ngược lại, “cách tốt nhất để phát huy lượng dự trữ của họ là sản xuất ít hơn để giữ khả năng ở dưới mức cho phép khi mà dầu thô sẽ còn đắt hơn. Đồng thời đầu tư thích đáng vào sản phẩm của nguồn lợi này trên thị trường tài chính”, nhà kinh tế Frédéric Lasserre, thuộc Ngân hàng Dociétégénérale giải thích như vậy. Với việc gia nhập Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), Angola vừa áp đặt một ngưỡng sản lượng hạn chế. Khó mà nói là họ nhầm lẫn. Bởi đa số các nước sản xuất lần này đã kiên quyết cắt đứt với “rủi ro của mối lợi nhuận từ nguyên liệu này”, theo nhà kinh tế Philippe Chalmin. Không cần nhắc lại những sai lầm của những năm 70, được đánh dấu bởi sự lãng phí, tham nhũng và một chủ nghĩa khoan hòa về tài chính đến thảm hại. Hiện nay, một phần lợi nhuận thu được từ dầu nằm trong các quỹ do nhà nước quản lý, các quỹ chủ quyền được coi như để chuẩn bị cho “hậu dầu lửa”. Từ Na Uy đến Nga, và cả Côoét, các nhà sản xuất chính đã tạo ra các quỹ này. Một lực lượng răn đe tài chính đáng kể. Trong số các nước “ở thế công” nhất, các nước vùng Vịnh, đang bùng nổ kinh tế và tài chính, muốn dễ dàng bước vào toàn cầu hóa. Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu đang ở mức thấp nhất. Các Tiểu Vương quốc mua bán và lợi dụng hưởng chênh lệch. Vốn chủ quyền của AbuDhabi năm ngoái đã chiếm 4,9% của Ngân hàng hàng đầu thế giới Citigroup. Dubai International Capital (DIC), năm ngoái gia nhập EADS, nhằm vào “năm dự án đầu tư lớn ở châu Âu”. Và đó mới chỉ là bắt đầu. “Đây là một cái vòng luẩn quẩn”, Marc Touati, Tổng Giám đốc ủy quyền của quỹ Global Equities, giải thích: Việc dầu tăng giá làm giá cổ phiếu giảm xuống, vì thế lại làm cho giá dầu tăng”. Ông còn lo ngại về hậu quả của việc này: “Từ nay đến 2 hay 3 năm nữa, người ta sẽ phát hiện ra rằng các doanh nghiệp phương Tây lớn nhất sẽ nằm trong tay của các quỹ của A rập Xê út hay Cata”.
Lợi nhuận kỷ lục của các công ty dầu lửa
Năm ngoái, Exxon Mobil thu được 27 tỷ Euro, Shell 18 tỷ, hơn 12 tỷ là của Total. Nếu thêm vào đó lợi nhuận của Chevron của Mỹ, mối lợi thu được của 4 công ty lớn nhất này sẽ vượt quá 65 tỷ Euro năm 2007. Liệu như vậy có hợp lý không? Ứng cử viên đảng Dân chủ của Mỹ Barack Obama cũng nhiều lần nhắc đi nhắc lại trong chiến dịch tranh cử rằng ông ủng hộ việc đánh thuế lợi nhuận của các công ty dầu lửa. Việc kết tội là đúng. Nhưng có chính đáng không khi mà do việc tăng giá sản xuất, trung bình lên đến 15% mỗi năm. Ví dụ: lắp đặt một giàn khoan ngoài khơi ở Angola tốn 2,6 tỷ Euro trong những năm 2003- 2004 nay đã tăng lên gấp đôi. “Lợi nhuận của các công ty thăm dò còn tăng hơn chúng tôi nhiều”, một cán bộ tài chính của Total cho biết.
Một lý lẽ cuối cùng là cần phải đầu tư vào nguồn năng lượng thay thế vì nguồn dự trữ dầu mỏ ngày càng nghèo đi, khai thác khó khăn hơn.
Cơn sốt đầu cơ
Trách nhiệm của “những kẻ đầu tư xấu xa” trong việc dầu tăng giá ra sao? Không thể trả lời một cách nghiêm chỉnh, không ai hiểu vì sao cả, chỉ có một điều chắc chắn: các quỹ đầu cơ cho rằng do thiếu nguồn cung gây ảnh hưởng mạnh đến giá dầu thô. Nhưng hầu hết các chuyên gia không đồng tình với ý kiến này. Sự thực là bao nhiêu triệu thùng dầu được bán mỗi ngày? Không thể đong đếm được. “Đó là cơn sốt của người bệnh chứ không phải chính là bệnh”, Moncef Kaabi, Giám đốc CDC-Ixis khẳng định. Đối với vị chuyên gia dầu lửa này, trái với thời Chiến tranh vùng Vịnh, chính lúc này thế giới đang đối đầu với một cơn sốc cầu chứ không phải một cuộc khủng hoảng cung. Chừng nào cầu còn được nuôi dưỡng bởi “sự điên rồ châu Á và Ấn Độ” thì dầu không có cơ may nào giảm giá lâu dài. Một số ít nhà kinh tế khác lại tin rằng sự tăng vọt này chỉ là nhân tạo, cơ bản là do các nhà đầu tư gây nên, và tin rằng trong trung hạn giá sẽ giảm: Marc Touati cho rằng “không hề thiếu dầu, cung luôn cao hơn cầu. Nguy cơ giảm sản lượng, người ta nói đến đã 30 năm nay. Điều này không hề có cơ sở”. Nhu cầu về dầu thô tăng đều, từ 10 năm nay, với nhịp độ hằng năm là 2%. Và lúc này sản lượng vẫn không giảm dần. Cần có thêm 10 triệu thùng mỗi ngày từ nay đến 2015 để giảm cơn khát dầu thô của hành tinh. Tìm đâu ra? Ở Venezuela, Nigeria, Canada, Iran, Iraq và nhiều nước khác nữa, thị trường tài chính cảm nhận trước những khó khăn.
Đa số các chuyên gia năng lượng thống nhất cho rằng; giá dầu tăng vọt tuy có gây đau đớn nhưng là cách nhắc lại tốt nhất rằng dầu khan hiếm, bẩn, và cần phải sử dụng dè sẻn, và phải phát triển các giải pháp xen kẽ”, Moncef Kaabi nhấn mạnh.
Người ta đã vội quên rằng cách đây 10 năm, dầu rớt giá xuống 10 USD/thùng. Nhưng từ đó đến nay, giá dầu đã tăng lên gấp 13 lần và cuộc chạy đua năng lượng thay thế đang mỗi ngày thêm náo nhiệt.
Tìm kiếm các mỏ dầu mới
Phản đối giá dầu tăng ở Philippines |
Những mỏ lớn nhất, chiếm phần lớn trữ lượng dầu trên thế giới hiện nay, đã được khám phá cách đây hơn 30 năm. Kể từ đó, số lượng mỏ phát hiện được ngày càng khiêm tốn, khiến công tác thăm dò thêm phức tạp.
Nhưng, làm thế nào phát hiện các mỏ chưa tìm thấy?
Phương pháp thứ nhất – phương pháp “thăm dò”: tập hợp tất cả các tài liệu có được về một vùng trầm tích để định vị các khu vực cần khoan và đánh giá trữ lượng dầu ở đó. Công việc lâu dài và tốn kém này do các công ty tiến hành.
Phương pháp thứ hai nhanh chóng hơn và ít tốn kém hơn. Nó dựa trên các phân tích thống kê về các mỏ đã tìm được trước khi tiến hành dự đoán lượng dầu thô còn lại.
Công sức bỏ ra cũng đáng đồng tiền bát gạo: “tiềm năng của các mỏ mới khám phá rất lớn vì hiện nay một vài vùng vẫn chưa hoặc còn ít được khai thác”, Yves Mathieu nhấn mạnh. Đó là các vùng nằm ven Bắc Băng Dương hoặc các khu vực nằm dưới lớp đáy đại dương. Nhờ các phương tiện thăm dò địa chấn mới và phương pháp tạo mô hình các vùng trầm tích để tái tạo lịch sử địa chất và quá trình hình thành dầu mỏ của các khu vực này nên có thể khai thác được các mỏ dầu mới phát hiện. Ở lục địa cũng vậy, hiện nay càng ngày càng tiếp cận được các mỏ nằm sâu trong lòng đất, đến tận hơn 4.500 mét ngay cả khi áp lực và nhiệt độ cao làm nảy sinh những vấn đề mới về kĩ thuật.
Hướng cuối cùng: khai thác tối đa tài nguyên dầu “không thông thường” như dầu nặng và siêu nặng, cát nhựa (tar sands) và dầu đá phiến (shale oil). Tiềm năng của chúng rất đáng kể, ít nhất là 7.000 tỉ thùng tương đương hơn 50% nguồn dầu mỏ thông thường! “Cát nhựa và dầu siêu nặng là dạng Hydrocacbon đặc quánh và dính nên để khai thác được cần làm chúng chảy ra bằng cách bơm hơi nước hoặc dung môi vào”, Manoelle Lepoutre giải thích. “Ngoài ra, phải tinh luyện tại chỗ vì chúng quá dính nên không thể vận chuyển bằng ống dẫn được”. Có khoảng 4.000 tỉ tấn hi-đrô các-bon loại này, trong đó có thể khai thác được ít nhất 600 tỉ thùng dầu thông thường. Một vài mỏ ở Venezuela và Canada đã được khai thác (3% sản lượng thế giới) với chi phí gấp đôi chi phí khai thác dầu thông thường. Tuy nhiên, việc khai thác lại đặt ra nhiều vấn đề về môi trường: lượng khí gây hiệu ứng nhà kính thải ra quá nhiều, cần một lượng nước rất lớn để rút dầu ra và sau đó phải xử lí nước này lại.
Đá phiến chứa khoảng 3.000 tỉ thùng dầu thông thường. Đây không phải dầu ở dạng lỏng mà là đá chứa dầu. Kĩ thuật khai thác loại này gần như khai khác quặng. Ét-tô-ni-a đã sử dụng loại đá này: đốt trực tiếp trong các nhà máy điện. Hoa Kỳ đang nghiên cứu để chiết xuất dầu từ đá này, “nhưng vẫn chưa tìm ra kĩ thuật”, Manoelle Lepoutre nói.
Dầu “công nghệ cao”
“Dầu mỏ có thể bắt đầu thoái trào, không phải do thiếu trữ lượng mà trước hết do thiếu đầu tư tài chính và thiếu nguồn nhân lực có tài cả về số lượng và chất lượng”, kĩ sư Yves Mathieu dự báo. Do vậy, theo ông, cần gấp rút đầu tư trang thiết bị, cải tiến công nghệ và đào tạo bởi một nửa chuyên gia trên thế giới sẽ nghỉ hưu trong mười năm tới. Nếu chi phí đầu tư thăm dò và khai thác một thùng dầu tiềm năng ở biển Bắc và Bắc Mỹ cao (0,25 đến 0,30 USD/thùng) thì chi phí ở Nga và Trung Đông thấp hơn nhiều (khoảng 0,05 USD). “Phải mất 5 đến 10 năm mới đưa một mỏ dầu tìm được vào khai thác và cũng mất chừng ấy thời gian để nghĩ ra, phát triển và sử dụng các phương pháp khai thác hiệu quả hơn. Do vậy, tình hình rất cấp bách”, Yves Mathieu nhấn mạnh. Đồng thời tháng mười một năm ngoái, Cơ quan năng lượng quốc tế IEA khuyến nghị tất cả các nước nhắm đến mục tiêu “phi cacbon hóa” năng lượng vì hai lí do: tạo an toàn cho các nguồn cung ứng năng lượng và giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Vì vậy quan điểm của Olivier Appert, chủ tịch IFP: “vấn đề thiết yếu của việc sản xuất dầu mỏ, tâm điểm của mọi sự chú ý, chỉ là thách thức năng lượng trong tương lai. Làm chủ giai đoạn chuyển tiếp là thử thách lớn nhất trong những năm tới, và để đạt được điều này, nhất thiết phải vừa đảm bảo nguồn cung dầu mỏ vừa đẩy mạnh phát triển các năng lượng thay thế”.
Đây chính là điều kiện tiên quyết nếu muốn tránh những căng thẳng chính trị và kinh tế trầm trọng trong những năm sắp đến.
Theo La Recherche
Dầu sẽ còn chảy thêm bao lâu nữa?
Hai mươi, bốn mươi năm hay lâu hơn nữa? Nếu có vấn đề nào cần áp đặt sự nhất trí thì đó chính là vấn đề này vì các chuyên gia không thống nhất được khối lượng dầu để tính toán. Yves Mathieu, kĩ sư địa chất của Phân khoa Địa lý – Địa hóa học thuộc IFP (cơ quan nghiên cứu và đào tạo về năng lượng, giao thông và môi trường Pháp) giải thích: “Toàn bộ nguồn dầu mỏ trên thế giới ước tính khoảng từ 10.000 đến 12.000 tỉ thùng. Nhưng, với điều kiện kĩ thuật, kinh tế hiện nay và trong tương lai, chỉ có thể khai thác được 30% nguồn tài nguyên này vì một vài mỏ dầu nằm quá sâu chẳng hạn”. 1/3 nguồn dầu có thể khai thác sắp bị rút hết. Do vậy, tối đa chỉ còn khoảng 2.000 tỉ thùng dầu để khai thác. Tuy nhiên, cần phân biệt khái niệm nguồn tài nguyên với cái được các chuyên gia dầu lửa gọi là “trữ lượng”: nó dùng để chỉ các mỏ dầu đang khai thác hoặc sắp khai thác. Xét về trữ lượng, tùy theo nguồn tin các con số thay đổi từ 854 (Hiệp hội quan sát năng lượng – Energy Watch Group) đến 1.370 tỉ thùng (Báo cáo thống kê của BP); phần lớn các ước tính xoay quanh con số 1.100 tỉ thùng tức gần bằng lượng dầu chúng ta đã tiêu thụ đến nay. Và với nhịp độ hiện nay (30 tỉ thùng năm 2006), con người chỉ còn đủ dầu để sử dụng trong 32 đến 42 năm tới. Tại sao các con số ước tính lại chênh nhau đến thế? Thứ nhất, vì 80% mỏ dầu hiện nay nằm trong tay các công ty quốc gia và các công ty này không cần phải cung cấp thông tin để khẳng định xem các con số công bố đúng hay sai. Thứ hai, vì một số ước tính chỉ tính đến các trữ lượng chắc chắn khai thác được, trong khi các ước tính khác tính luôn cả trữ lượng có khả năng hoặc có thể khai thác, vì không thể nào rút toàn bộ dầu trong mỏ. Kĩ sư Yves Mathieu giải thích tiếp: “Với điều kiện hiện nay, nếu chỉ thu được 10% số dầu thì gọi đó là trữ lượng có thể khai thác. Nếu lượng dầu thu được là 50% thì gọi là trữ lượng có khả năng khai thác và nếu lượng dầu thu đươc lên đến 90% thì đó là trữ lượng chắc chắn khai thác được”. Trữ lượng dầu chắc chắn khai thác được tập trung ở một số ít quốc gia, đa phần là thành viên của OPEC. Một nửa lượng dầu ấy nằm trên lãnh thổ bốn nước Trung Đông: A Rập Xê-út (22%), sau đó là Iran, Iraq và Côoét. Các thành viên OPEC khác là các nước sản xuất dầu lớn như Venezuela, Angola, Nigeria. Ngoài ra, Liên Xô cũ, Hoa Kỳ, Canada (tài nguyên dầu không thông thường), Trung Quốc, Brazil, Mêhicô cũng có trữ lượng đáng kể (hơn 10 tỉ thùng mỗi nước).
Triển vọng về nhu cầu năng lượng tại châu Á
Theo dự đoán của Viện kinh tế năng lượng Nhật Bản (IEEJ), nhu cầu năng lượng của thế giới sẽ tăng 1,9%/năm, từ 10,3 nghìn tỷ tấn dầu quy đổi trong năm 2005 lên tới 16,5 nghìn tỷ tấn vào năm 2030, gấp khoảng 1,6 lần và khoảng 80% mức tăng này là từ các nước đang phát triển, chủ yếu là từ châu Á.
Tỷ trọng của các nước đang phát triển về nhu cầu năng lượng sẽ tăng từ 46% trong năm 2005 lên tới 58% trong năm 2030 do dân số tăng vọt và kinh tế phát triển, trong đó các nước châu Á tăng từ 31% năm 2005 lên tới 40% năm 2030. Ngược lại, tỷ trọng của các nước phát triển lại giảm từ 54% xuống còn 42%. Hiện Trung Quốc là nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Vào năm 2030, Trung Quốc sẽ là nước tiêu thụ lớn nhất toàn cầu. Mức tiêu thụ năng lượng của Ấn Độ cũng tăng từ 4% năm 2005 lên tới 7% năm 2030. Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam, cùng với các nước ASEAN khác chỉ chiếm một tỷ lệ phần trăm rất nhỏ trong tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng của châu Á.