Vẽ bản đồ người cổ đại rời châu Phi 50.000 năm trước
Khoảng 55.000-50.000 năm trước, người cổ đại tổ tiên của chúng ta ngày nay rời châu Phi và bắt đầu chuyến đi khắp thế giới. Sau khi nhanh chóng băng qua lục địa Á-Âu và Đông Nam Á, họ đã đi qua các đảo của Indonesia, và cuối cùng đến tận lục địa Sahul (Úc và New Guinea ngày nay). Mới đây các nhà khoa học đã đưa ra bản đồ hành trình dịch chuyển và những lần tương tác với những nhóm người cổ đại khác (như Denisovan, Neandertal và cả các nhóm khác chưa được đặt tên), mới được công bố trên kỷ yếu của Viện hàn lâm khoa học Mỹ.
Điểm đáng chú ý là, trong hành trình ấy tổ tiên của người hiện đại ngày nay đã gặp gỡ và trộn lẫn gene với một số nhánh người cổ xưa khác, bao gồm người Neandertal, người Denisovan và một số nhóm người khác mà hiện tại chưa xác định rõ tên. Dấu vết của những tương tác này vẫn được thể hiện trong bộ gene của chúng ta. Ví dụ, tất cả các quần thể người hiện đại không phải người châu Phi đều có khoảng 2% gốc gác từ Neandertal.
Một trong tương tác đầu tiên đã diễn ra trên đường đi qua miền Nam châu Á. Nhóm người cổ xưa có tương tác (với Homo sapience) không phải là người Neandertals hay người Denisovans, mà là một nhóm tương tự – nhưng hiện chưa được xác định tên.
Bản đồ hành trình dịch chuyển của một nhóm người khoảng 55.000-50.000 năm trước, trong đó có tổ tiên của chúng ta ngày nay, rời châu Phi và những lần tương tác với những nhóm người cổ đại khác, mới được công bố trên kỷ yếu của Viện hàn lâm khoa học Mỹ.
Các dấu vết di truyền của nhóm cổ xưa này có thể được tìm thấy từ các quần thể hiện đại ở Punjab và Bengal đến tận New Guinea và Úc. Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng sự kiện tương tác và có hòa huyết, trộn lẫn gene này (được đánh số 1 trên bản đồ) có thể đã diễn ra ở đâu đó phía bắc Ấn Độ.
Tổ tiên của người hiện đại sau đó dường như đã tách ra khi họ di chuyển khắp châu Á, với một nhóm phân tán về phía bắc vào lục địa châu Á, nơi họ gặp và trộn lẫn với một nhóm người Denisova ở khu vực đánh dấu 2 trên bản đồ – dãy núi Altai (một dãy núi ở trung tâm châu Á, nằm trên khu vực biên giới Nga, Trung Quốc, Mông Cổ và Kazakhstan, và là thượng nguồn của các con sông lớn như Irtysh, Obi và Enisei – ND).
Đảo Đông Nam Á: nhiều nhánh người cổ cư ngụ
Một nhánh khác trong dòng di chuyển này hướng về phía nam xuống Bán đảo Malaysia và vào khu vực Đảo Đông Nam Á (ISEA), nơi một bất ngờ lớn đang chờ đợi – khu vực này thực ra vốn đã đông đúc, bao gồm các loài hoàn toàn khác nhau mà đến giờ giới khoa còn chưa chắc chắn nguồn gốc và tên gọi. Các hóa thạch tìm thấy gần đây, cho thấy họ hàng của Homo erectus (người thẳng đứng – có hóa thạch phổ biến trên Java, Indonesia) đã tồn tại ở Philippines và người Homo flores (còn được biết đến với tên gọi là người “hobbits”) đã ở đây cho đến khoảng 52.000 năm trước.
Nhóm người hiện đại trước khi đến đây đã gặp gỡ và tương tác với một họ hàng xa của người Denisovans, điều này được phát hiện nhờ vào một tín hiệu để lại trong bộ gene của người Australo-Papuans và một số quần thể ISEA. Mà những tín hiệu này rất khác với sự kiện pha trộn ở số 2 trên bản đồ thuộc khu vực Đông Á nói trên, người Denisovan ở đây lại tách biệt về mặt di truyền với người Denisovan ở Altai vào khoảng 280.000 năm trước. Sự kiện trộn này dường như đã diễn ra ở đâu đó quanh miền nam Malaysia/ Borneo (được đánh dấu 3 trên bản đồ).
Trong khi di chuyển qua ISEA, nhóm người hiện đại dường như đã gặp và tương tác với hai nhóm người cổ xưa hơn. Những dấu vết của cư dân săn bắn hái lượm ở Philippines cho thấy có sự tương tác với người Denisovan (được đánh dấu 4 trên bản đồ), sau khi họ tách khỏi nhóm chính đã di chuyển qua ISEA.
Tương tự, một nghiên cứu di truyền về Homo flores cho thấy DNA của họ không phải của người Homo erectus và cũng không phải là Neandertal hay Denisovan mà thực sự là một nhóm khác hiện chưa được biết đến (đánh dấu 5 trên bản đồ).
Như vậy, nghiên cứu di truyền khác nhau trong khu vực này cho chúng ta biết là tổ tiên của người hiện đại dường như đã gặp và tương tác với bốn họ người (hominin) khác nhau, trong ít nhất sáu thời điểm. Và tất cả những cuộc gặp gỡ này đã xảy ra trong một khoảng thời gian rất ngắn khi rời khỏi Châu Phi ở thời điểm 50.000 – 55.000 năm trước và đến Úc và New Guinea nhiều nhất là khoảng 5.000 năm sau đó. Đáng chú ý, không có lần tương tác nào trong số này dường như có liên quan đến như Homo luzonensis và Homo flores.
Khu vực ISEA rõ ràng là một nơi cư trú đông đúc vào khoảng 50.000 năm trước, với nhiều nhóm người cổ xưa khác nhau trên nhiều hòn đảo khác nhau. Nhưng ngay sau đó chỉ có một nhóm sống sót: chúng ta.
Hoàng Nam lược dịch