Vì sao có bức vẽ của Picasso bị rạn nứt?

Một dự án nghiên cứu kéo dài ba năm đã nhìn vào các vật liệu trong bốn bức tranh được họa sĩ Picasso sáng tác trong cùng thời kỳ đã giải thích vì sao trong đó có bức họa lại chóng bị hủy hoại hơn.


“Hombre Sentado” (người đàn ông ngồi) là bức vẽ của Picasso xuất hiện nhiều vết nứt hơn các bức khác. Nguồn: Gasull Fotografia.

Là một người ưa đổi mới, họa sĩ lập thể Pablo Picasso không xa lạ với những vật liệu ngoại lai. Kể từ khi ông qua đời vào năm 1973, các nhà bảo tồn đã phát hiện ra họa sĩ dùng cả sơn tường thông thường để tạo ra hiệu ứng bóng bẩy, rắc mùn cưa vào những bức họa của mình và thường xuyên tái sử dụng những bức vẽ không ưng ý để tiết kiệm tiền mua vật liệu.

Vào giữa tháng 6 và tháng 11/1917, trong giai đoạn cuối của Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Picasso sống tại Barcelona và thường xuyên vẽ trong xưởng của bạn mình là Rafael Martinez Padilla. Ông sử dụng những tấm toan mới được làm từ vải bông (thay vì sử dụng lại những toan, dùng keo có nguồn gốc động vật, màu vẽ được trộn từ dầu hạt lanh, dầu hướng dương, nhựa thông.

Thời kỳ Picasso ở Barcelona ghi dấu một điểm quan trọng trong sự nghiệp của ông. “Được cách biệt khỏi bầu không khí ngột ngạt ở Paris, một thành phố chịu ảnh hưởng của chiến tranh, và khỏi ảnh hưởng của chủ nghĩa Lập thể của chính mình, Picasso có được sự tự do để làm việc, tìm kiếm những hình thức biểu hiện mới”, một thông tin từ Bảo tàng Picasso ở Barcelona cho biết. Đây là thời kỳ ghi dấu sự phát triển mới của họa sĩ với việc sử dụng nhiều chất liệu khác nhau như vải, giấy báo, giấy dán tường để mô tả đề tài tĩnh vật và nhân vật.

Trong thời gian ở Tây Ban Nha, Picasso tham gia vào đoàn Ballets Russes của ông bầu, nhà phê bình nghệ thuật Nga Sergei Diaghilev. Ông giúp Diaghilev thiết kế sáu vở ballet và tạo ra ít nhất bốn bức họa theo phong cách lập thể lấy cảm hứng từ chính các vũ công: Hombre Sentado (Người đàn ông ngồi), Woman on an Armchair (Người phụ nữ trên ghế bành), Man With Fruit Bowl (Người đàn ông với bát hoa quả) và một bức chân dung trừu tượng ca sĩ Tây Ban Nha Blanquita Suárez.

Picasso đã cất các tác phẩm nghệ thuật này trong nhà mình cho đến khi ông trở lại Paris. Vào năm 1970, chúng đã được hậu duệ của ông trao tặng cho Bảo tàng Picasso và ở đó cho đến ngày nay. Đó là điểm khởi đầu cho câu chuyện bảo tồn những kiệt tác của các nhà khoa học đa quốc gia, kéo dài trong vòng ba năm với công bố “Picasso’s 1917 paint materials and their influence on the condition of four paintings” (Các vật liệu vẽ năm 1917 của Picasso và những ảnh hưởng của chúng lên điều kiện của bốn bức họa) trên tạp chí SN Applied Sciences1.

 

Những vết rạn bí ẩn

 

Một thế kỷ đã trôi qua kể từ khi các bức họa này được tạo ra, những biến đổi đầu tiên đã xuất hiện: tác phẩm Hombre sentado dường như lâm vào tình trạng xấu hơn ba bức còn lại. Các chuyên gia đã quan sát vô số điểm tổn thương trên bề mặt bức họa và muốn hiểu sâu hơn về hiện tượng này, ví dụ như hiểu tại sao nhiều bức họa tương tự, vốn được bảo quản trong cùng một điều kiện trong suốt một thế kỷ, lại có những tổn thương khác biệt nhau.

Câu hỏi này đã quy tụ được một nhóm nghiên cứu quốc tế liên ngành cho dự án ProMeSA (nghiên cứu về cơ chế và các đặc tính thứ nguyên của các màng mỏng vẽ thương mại) do Laura Fuster-López, giáo sư bảo tồn tại trường Đại học Bách khoa de València điều phối. “Dự án này tập trung vào việc kết hợp nghiên cứu thành phần phần hóa học và các quá trình phân rã mang tính cơ lý biểu thị đặc điểm của các tác phẩm nghệ thuật hiện đại và đương đại”, Laura Fuster-López nói. “Bởi vì không phải tất cả các vấn đề phát sinh lại cùng có chung một nguyên nhân, và nó khiến các tác phẩm nghệ thuật bị giảm giá trị một cách bí ẩn không ngừng, ngay cả khi các bức họa ấy được đưa vào bảo quản trong môi trường có những điều kiện được kiểm soát. Do đó các nhà nghiên cứu cần hiểu các đặc tính vốn có của vật liệu được các nghệ sĩ sử dụng, có thể là nguyên nhân gốc rễ của việc thiếu bền vững theo thời gian và có giải pháp bảo quản các bộ sưu tập”.

Laura Fuster-López đã mời nhiều đồng nghiệp quốc tế tham gia dự án: các nhà khoa học bảo tồn và khoa học di sản từ trường Đại học Ca’ Foscari Venice, khoa học vật liệu từ trường Đại học Queen Canada, chuyên gia về hủy hoại theo cơ chế (mechanical damage) từ Học viện Nghệ thuật hoàng gia Đan Mạch và các chuyên gia về kỹ thuật đánh giá không phá hủy từ Viện Vật lý ứng dụng Ý ở Florence. Bà muốn thử nghiệm trên nhiều nền tảng kiến thức, khám phá mối tương quan giữa vật liệu do Picasso sử dụng và điều kiện môi trường của nó. Việc áp dụng một cách tiếp cận đa phân tích và sử dụng công nghệ tiên tiến cho phép họ tìm hiểu về từng lớp màu vẽ và thu được thông tin không hiển thị dưới những cặp mắt ‘phàm’.

“Bức Hombre sentado cho thấy các dấu hiệu nứt vỡ trên khắp mọi điểm trên bề mặt bức tranh”, Laura Fuster-López nói với The Art Newspaper. “Nó giống như thể chúng ta nhìn vào lòng một dòng sông cạn, một khi nước đã rút sạch thì để lại những đường rạn và nếp gấp có thể thấy ngay trên bề mặt”.


Kết quả phân tích bốn bức họa của Picasso.

Cho dù tất cả các bức họa đều được bảo quản trong những điều kiện tương đồng thì chỉ có Hombre sentado là bị ảnh hưởng. Sự thật là các vết nứt trải dài khắp bề mặt toan nhưng lại ít xuất hiện ở các phần rìa khung tranh, điều này cho thấy ít có khả năng kết luận đây là hậu quả của môi trường bảo quản. Nếu đúng là như vậy thì câu hỏi thú vị là tạo sao những bức họa khác lại không ở tình trạng này? Một giải thích có thể chấp nhận được là có thể các nguyên liệu mà Picasso sử dụng rất khác nhau và do đó là nguyên nhân khiến bức này bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Đây là điểm mấu chốt để các nhà khoa học tìm hiểu. Trước đây, người ta vẫn có xu hướng suy nghĩ khá hời hợt về các vết rạn và chủ yếu coi đó là kết quả của các phản ứng hóa học bên trong các lớp màu vẽ; tuy nhiên một số khác biệt về mức độ của các vết rạn giữa các màu vẽ khiến người ta phải nghĩ lại. Một mạng lưới vết rạn khắp toàn bộ bức Hombre sentado thể hiện ở mọi màu sắc, cả khu vực gồm màu đen và đỏ. Sự phản hồi của màu đen và màu đỏ trong những bức họa khác không cho thấy những vết rạn tương tự. Điều này cho thấy các lớp màu không chỉ là nguyên nhân duy nhất tạo ra lực ảnh hưởng mà phải có một dạng phá hủy khác là kết quả của sự tương tác giữa màu, nền và mặt toan.

 

Nguyên liệu hé lộ bí mật

 

Francesca Izzo, một chuyên gia về các bức họa thế kỷ 20 và 21 tại Trung tâm KH&CN Bảo tồn di sản văn hóa của trường Đại học Ca’ Foscari Venice, tập trung vào khám phá các lớp màu và lớp nền của các tác phẩm. Theo kết quả phân tích, tất cả các bức họa đều sử dụng một bảng màu tương tự với một vài màu vẽ truyền thống. Hầu hết các khu vực có màu trắng đều được bao phủ bằng chì trắng, màu đen về cơ bản là màu hữu cơ – bao gồm than ngà voi hoặc than xương. Màu xám và be là do Picasso trộn màu trắng, đen và một số màu khác có thể đem lại những màu ấm hơn hoặc lạnh hơn. Màu nâu và đỏ chủ yếu là sắt ô xít và thần sa. Màu vàng và xanh lá là màu chứa crôm, trong một số trường hợp có trộn thêm màu khác. Lớp màu vẽ được Picasso tô rất mỏng, chỉ với một hoặc vài lớp. Điều này khiến các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu kỹ hơn về sự tương tác giữa các màu, có thể là nguyên nhân dẫn đến các vết rạn.

“Kết quả phân tích mà chúng tôi có cho thấy Picasso sử dụng các loại dầu khác nhau để pha màu, chứa cả dầu hạt lanh truyền thống và loại dầu khi khô để lại một lớp màng cứng như dầu hướng dương và dầu hoa rum (hồng hoa)”, Izzo nói. “Hơn nữa, chúng tôi tin là ông đã thử nghiệm việc sử dụng màu bán tổng hợp chưa phổ biến vào năm 1917. Picasso vẽ trên vải bông theo hai lớp nền: đầu tiên là keo động vật và tiếp theo là dầu. Trong cả hai trường hợp, những màu khác nhau được trộn vào như chì trắng, barit, kẽm. Thú vị là chúng tôi thấy sự hiện diện của ‘xà phòng chứa kim loại’ (một loại xà phòng chứa muối kim loại của một a xít béo) – các hợp chất là khởi nguồn của chất liên kết phản ứng với một số ion được màu vẽ giải phóng”. Các nhà khoa học cho rằng, các xà phòng chứa kim loại có thể là nguyên nhân của những tổn hại trên tranh, cả về góc độ thẩm mĩ và độ bền hóa học lẫn độ bền cơ học.

Nhìn sâu vào màu sắc, họ còn thấy thêm một số thú vị khác. Màu đen và đỏ có xu hướng gây ra vết rạn hơn những màu khác của bức họa, không có vết rạn ở vùng xám nhạt và một vài vết ở vùng xám sẫm so với vùng màu đen. Có giả thuyết sớm đặt ra là có thể các màu tương tác với nhau nhưng phân tích quang phổ huỳnh quang tia X cho thấy sự hiện diện của chì trắng ở mọi nơi. Sự phân bố theo không gian của chì cho thấy chỗ nào nồng độ chì lớn thì lớp màu vẽ trở nên cứng và bền hơn, do đó ít bị tổn thương hơn trước các dao động của môi trường.

Điều làm các nhà khoa học đau đầu nhất là bảng màu Picasso sử dụng đều giống nhau ở cả bốn bức tranh. Vậy tại sao Hombre sentado lại dễ bị rạn nứt hơn các bức khác? Có thể là do sự khác biệt về lớp nền và toan vẽ chăng? Các lực do môi trường tạo ra trên mặt toan và lớp keo nền được biết là ảnh hưởng đến các bức họa. Các màng mỏng màu vẽ cũng có ảnh hưởng đến độ rạn ở một số địa điểm của tranh, do đó có thể là các màu vẽ khác nhau có những đặc điểm hóa học và vật lý khác nhau nhưng điều làm Hombre sentado trở nên khác biệt chính là chất liệu toan và keo động vật. Hóa ra, Picasso đã sử dụng một tấm toan bằng sợi bông với một kiểu dệt đan kết các sợi sít hơn cho bức Hombre sentado, sau đó phủ nó bằng một lớp nền dày hơn làm bằng keo động vật. Xu hướng của tấm toan vẽ phủ keo động vật là giãn nở khi không khí có độ ẩm cao hoặc co rút khi ở độ ẩm thấp đã góp phần hình thành sức căng bên trong lớn hơn khi bức họa rơi vào môi trường có độ ẩm dao động ở các mức khác nhau.

Bức Man with a Fruit Bowl không có vết rạn có thể là do sự hiện diện của kẽm ở lớp màu vẽ trên cùng cũng như việc sử dụng tấm toan được dệt thưa hơn và lớp màu vẽ đồng đều.

Bức Woman on an Armchair lại cho thấy một số vết rạn, có thể là do sự hiện diện của carboxylates khiến các lớp màu cứng hơn.

Còn với chân dung Blanquita Suarez, sự hiện diện của một lượng lớn protein trên lớp nền cho thấy có thể nó dễ bị ảnh hưởng bởi độ ẩm. Tuy nhiên vết rạn trên bức này cùng bức Woman on an Armchair lại là kết quả của những tác động liên quan đến công việc bảo tồn trước đó.

 

Gợi ý về bảo tồn tranh

 

Nghiên cứu của các nhà bảo tồn và khoa học vật liệu quốc tế cho thấy có nhiều câu hỏi và ý tưởng mới cho nghiên cứu tiếp theo. Họ vẫn đang cố gắng tìm hiểu tác động từ “sự dịch chuyển” có thể của vật liệu bên trong các lớp sơn dầu và lớp nền. Do đó, họ sẽ tiếp tục hợp tác với Bảo tàng Picasso để nghiên cứu về một số kiệt tác khác của danh họa Tây Ban Nha. Tuy nhiên, Reyes Jiménez de Garnica, người phụ trách Ban Bảo tồn  và phục chế, Bảo tàng Picasso tại Barcelona, cho rằng kết quả nghiên cứu sẽ góp phần hiệu chỉnh lại chiến lược bảo quản và đánh giá điều kiện bảo quản các tác phẩm nghệ thuật (cụ thể là với điều kiện độ ẩm) và sự phơi sáng của nó.

Đây là điều rất quan trọng bởi nhiều bức tranh của Picasso hay của các họa sĩ khác đã được nhiều người trao tặng cho bảo tàng, nghĩa là có thể ở trong những điều kiện bảo quản không được nghiêm ngặt, và điều đó có thể làm ảnh hưởng đến các kiệt tác. Việc các nhà khoa học tham gia vào việc nghiên cứu sẽ giúp các bức họa không bị hủy hoại theo thời gian. Fuster-López hi vọng, những phát hiện của nhóm nghiên cứu sẽ hỗ trợ những nhà bảo tồn khác, “trách nhiệm của chúng tôi là cung cấp cho họ những công cụ tốt và hiểu biết về các vật liệu”.

Một tiềm năng nghiên cứu cho tương lai của họ là các dạng xà phòng kim loại (metal soaps), những hợp chất hình thành khi các a xít béo trong những tác nhân liên kết của màu vẽ phản ứng với chì và kẽm có trong bảng màu. Những điểm bất thường nhỏ xíu ấy mà người ta thường gọi là ‘mụn nghệ thuật” đã xuất hiện trên tranh của Picasso cũng như tranh của nhiều danh họa khác Rembrandt, Georgia O’Keeffe, Piet Mondrian, Vincent van Gogh… đang cần được các nhà bảo tồn xử lý. □

 

Tô Vân tổng hợp

—–

1. https://link.springer.com/article/10.1007/s42452-020-03803-x

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)