Vì sao có doanh nghiệp?

Với việc tìm được lời giải cho câu hỏi mà lý thuyết kinh tế tân cổ điển không trả lời được một cách trôi chảy, nhà kinh tế Ronald Coase đã được tặng giải thưởng Nobel năm 1991. Ông vừa mừng sinh nhật lần thứ 100 của mình.


Mở rộng ngôi nhà lý luận về kinh tế học

Tại sao lại có doanh nghiệp? Trước Coase không có một nhà kinh tế học nào nêu câu hỏi dường như đơn giản này. Với lý thuyết tân cổ điển người ta khó có thể giải thích thỏa đáng về sự tồn tại của doanh nghiệp. Nếu mọi giao dịch trên thị trường đều diễn ra hoàn toàn có hiệu quả thì nhẽ ra một doanh nghiệp có thể mua mọi tiền dịch vụ từ một nhà cung cấp tự do. Như vậy khỏi cần tuyển nhân viên cố định. Thí dụ thay vì phải tuyển một nữ thư ký khi cần người ta có thể thuê một nhân công đánh máy giá rẻ để giao việc.

Nhưng Ronald Coase, khi còn là một giảng viên trẻ làm việc tại London School of Economics, đã phát hiện: ngay cả khi sử dụng công cụ thị trường thì doanh nghiệp cũng phải tốn tiền (và thời gian). Khi xúc tiến, thương thảo và thực hiện một giao dịch sẽ hình thành cái gọi là phí giao dịch (Transaktionskosten). Vì thế đối với các loại công việc thường hay diễn ra và đòi hỏi phải thực hiện một cách chu đáo, tin cậy thì về lâu dài sẽ thuận lợi hơn nếu doanh nghiệp ký hợp đồng với nhân viên. Những doanh nghiệp bố trí theo đẳng cấp sẽ tiết kiệm được chi phí cọ sát diễn ra trong quá trình mua dịch vụ này trên thị trường. Đồng thời Coase cũng phản bác nỗi lo ngại của một số nhà kinh tế cảnh báo về việc các doanh nghiệp sẽ tăng trưởng vô hạn độ và trở thành các tập đoàn khổng lồ và độc quyền. Ngay trong nội bộ các hãng cũng hình thành chi phí giao dịch do quan liêu và từ đó hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp.

Ronald Coase vừa qua lễ mừng sinh nhật lần thứ 100 của mình. Ông là một con người giản dị, khiêm nhường nhưng có ảnh hưởng rất lớn trong ngành khoa học kinh tế. Với lý thuyết về phí giao dịch mà ông viết năm 1937 dưới dạng một tiểu luận mang tên “The Nature of the Firm”, ông đã mở rộng mạnh mẽ ngôi nhà lý luận về kinh tế học và chuẩn bị về lâu dài cho cái nền của cái gọi là thể chế kinh tế mới. Thoạt đầu bài tiểu luận này hầu như ít được chú ý, mãi hàng thập niên sau đó các nhà kinh tế học mới nhận thức được ý nghĩa của bài tiểu luận đó và năm 1991 Coase mới được tôn vinh bằng giải thưởng Nobel.

Ông vươn lên đỉnh cao về học thuật trong một gia đình hết sức bình dân. Coase, sinh ngày 29/12/1910 ở Willesden ngoại ô London trong một gia đình không liên quan gì đến học vấn (cả bố lẫn mẹ không ai theo học quá tuổi 12), ông là người đầu tiên trong gia đình học đến cấp ba, sau học hóa ở bậc đại học. Tuy nhiên ông cảm thấy môn hóa học quá toán học nên chuyển sang học kinh tế và trọng tâm là kinh tế doanh nghiệp. Trong những năm 1931 và 1932 ông sang Mỹ và trong thời gian này ông tìm hiểu thực tế ở một loạt doanh nghiệp. Việc tham quan tại chỗ đã đưa ông tới suy nghĩ về lý thuyết đối với phí giao dịch. Trước đó các nhà kinh tế học vẫn coi các doanh nghiệp như “black box” , nơi chuyển đầu vào thành đầu ra; nhờ Coase người ta bắt đầu nghiên cứu một cách hệ thống cấu trúc tổ chức của doanh nghiệp. Ngày nay Internet làm giảm nhiều phí giao dịch vì vậy dẫn đến thay đổi hình thức doanh nghiệp.

Mở đường cho việc kinh doanh chứng chỉ khí thải

Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Coase chuyển tới Hoa Kỳ. Tại đây năm 1961 ông tiếp tục đưa ra lý thuyết thứ hai có tính đột phá và gây nhiều tranh cãi trong một luận đề mang tên “The Problem of Social Cost”. Trong luận đề này Coase chỉ ra rằng, đối với vấn đề hiệu ứng ngoại – thí dụ việc một nhà máy gây ô nhiễm đối với một dòng sông – thì không thể chỉ dựa vào giải pháp điều tiết thông thường theo cách của Arthur Cecil Pigou. Yếu tố quyết định là phải làm rõ quyền sở hữu. Sau đó tiến hành thương lượng tự do giữa một bên là kẻ gây hại và một bên là người bị hại để từ đó tìm ra giải pháp xử lý mang lại lợi ích tối đa cho toàn xã hội. Ý tưởng buôn bán chứng chỉ khí thải xuất phát từ quan niệm cơ bản này. Một điều quan trọng cần nhấn mạnh khi đề cập đến Coase, một người có tư tưởng tự do, để giải quyết được các vấn đề không nhất thiết cần phải có sự tham gia của Nhà nước. Nhiều khi sự phối hợp tự do, phi tập trung lại mang lại hiệu quả lớn hơn.


Ý tưởng buôn bán chứng chỉ khí thải xuất phát từ luận đề mang tên “The Problem of Social Cost” của Ronald Coase

Cách tiếp cận này đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc thảo luận về phi tập trung hóa. Từ năm 1964 đến 1984 Coase giảng dạy tại Đại học Luật ở Chicago, ông đã mở rộng lĩnh vực khoa học kinh tế và đề cập cả tới khoa học pháp lý. Trong môn nghiên cứu hẹp của mình, khoa học kinh tế, ông không phải là người lúc nào cũng dễ dàng tiếp cận; dường như ngày nay môn khoa học này đối với ông đã trở nên quá toán học và xa rời thực tế . Giờ đây tuy tuổi cao, Coase vẫn hoạt động tích cực trong lĩnh vực nghiên cứu. Đầu năm tới cuốn sách mới của ông mang tựa đề “How China became Capitalist” dự kiến sẽ được xuất bản.

Xuân Hoài  dịch   Theo F.A.Z

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)