Vì sao giới trẻ Việt cần học tinh thần “fail fast, fail cheap”?
Ai cũng biết khởi nghiệp gắn liền với rủi ro rất cao, đa số các doanh nhân khởi nghiệp đều gặp thất bại và chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ là thành công. Như vậy, ngày nay khi chúng ta kêu gọi, động viên giới trẻ Việt Nam khởi nghiệp, phải chăng cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang khuyến khích cho sự thất bại?
Điều nghe chừng như vô lý đó, thực ra lại có lý, bởi những kinh nghiệm khởi nghiệp thất bại là vô cùng quý giá, thậm chí thất bại nhiều khi còn cần thiết hơn thành công. Chỉ có thông qua những kinh nghiệm thất bại, lớp trẻ mới thực sự học cách tự đứng trên đôi chân của mình, tự chịu trách nhiệm về những quyết định của mình, và rèn giũa thêm nghị lực, ý chí để tiếp tục đến đích. Đặc biệt, thất bại buộc người ta phải có sự cởi mở, linh hoạt trong tư duy, loại bỏ những gì bất khả thi, không phù hợp với thực tiễn, theo cách nhanh chóng và ít thiệt hại nhất – hay nói theo ngôn ngữ của giới khởi nghiệp là “fail fast, fail cheap”, tạm dịch là thất bại sao cho nhanh nhất và rẻ nhất.
Điều đó thật cần thiết, đặc biệt với lớp trẻ Việt Nam, sản phẩm của một nền giáo dục còn mang nặng tính khoa cử xa rời thực tiễn. Các em đồng thời cũng là sản phẩm của tâm lý cầu an từ các bậc phụ huynh, những người chỉ mong sao con em mình học ra trường có được tấm bằng, rồi bằng cách này hay cách khác “xin” được một công việc ổn định trong một cơ quan, tổ chức nào đấy. Đối với họ, thành công nghĩa là được duy trì, bao bọc trong hệ thống sẵn có, kể cả khi cái hệ thống sẵn có ấy có thể vận hành kém hiệu quả, thậm chí đang mục ruỗng từ bên trong gây lãng phí vô vàn của cải, vật chất của xã hội – và cái lãng phí hơn cả chính là sự chôn vùi tiềm năng sáng tạo của những thanh niên lẽ ra đã có thể cống hiến những giá trị gia tăng lớn hơn nếu họ không lựa chọn sự an thân từ quá sớm.
Nhưng chúng ta không nên trách cứ tâm lý “cầu an” của các bậc phụ huynh ngày nay, những người đã phải trải qua những thập kỷ khó khăn, bấp bênh của đất nước giai đoạn Đổi Mới, chưa kể không ít người trong tư duy còn chịu ảnh hưởng sâu sắc của thời kỳ được nhà nước bao cấp. Càng khó có thể trách họ, khi mà bản thân thể chế của chúng ta vẫn tiếp tục dung dưỡng cho tư duy ấy, với một bộ máy công quyền ngày càng phình to, lượng biên chế ngày càng lớn, và gánh nặng lên ngân sách ngày càng trầm trọng.
Trong một hệ thống như vậy, trái ngược với tư duy thất bại sao cho nhanh chóng nhất và ít tốn kém nhất của những người làm khởi nghiệp, ở đây người ta tìm cách thỏa hiệp, kéo dài sự tồn tại của những “xác sống” là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, bất chấp sự lãng phí các tài nguyên, nguồn lực của đất nước. Có lẽ cũng chính sự thỏa hiệp ấy dẫn tới sự hời hợt, duy ý chí và thiếu trách nhiệm trong việc thông qua các mô hình quản lý, các quyết sách và những dự án kinh tế trọng điểm sai lầm, mà hậu quả là những thiệt hại to lớn đã được thực tế chứng minh.
Xét từ điều kiện thực trạng trên đây của Việt Nam, rõ ràng việc truyền bá, giáo dục tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ là điều vô cùng cần thiết. Điều chúng ta hướng đến không chỉ là yếu tố kinh tế hay công ăn việc làm, mà quan trọng hơn, thế hệ những người chủ mới của đất nước phải là những công dân có tinh thần tự chủ cao, giàu tính năng động, và đầy tinh thần trách nhiệm, những người dám chấp nhận thất bại một cách sòng phẳng, và thông qua thất bại để có sự chuẩn bị cẩn trọng, chu đáo hơn cho những lựa chọn tiếp theo của mình.