Vì sao Israel có nền công nghệ xử lý nước hàng đầu thế giới?

Tuy Israel nằm trên vùng đất rất khô hạn nhưng vẫn có đủ nước cho sản xuất nhờ vào nền công nghệ xử lý nước đầy sáng tạo. Tại sao quốc gia nhỏ bé này lại đạt nhiều thành tựu về công nghệ quản lý, tái chế nước như vậy?

Nhà máy tách muối ở Ashkelon, Israel.

Tại cuộc gặp gỡ của các chuyên gia về nước thải ở Hội chợ thương mại về công nghệ môi trường (IFAT), München, Đức, có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp Israel. Những năm gần đây, quốc gia này đã đi tiên phong về quản lý nước và là tấm gương cho nhiều nước khác noi theo.

Có khoảng 3.000 đơn vị từ nhiều ngành khác nhau như kinh tế nước, kinh tế chất thải và kinh tế nguyên liệu trên khắp thế giới tham gia hội chợ này để giới thiệu về các giải pháp về chu trình nguyên liệu bền vững. Trong số này có ba doanh nghiệp chuyên về truy tìm rò rỉ đường ống nước, lọc nước thải và quản lý tài nguyên nước đến từ Israel. Họ được rất nhiều đơn vị khác tại hội chợ quan tâm, tìm hiểu, trao đổi về công nghệ. Tại sao quốc gia này lại đạt nhiều thành tựu về công nghệ quản lý, tái chế nước như vậy?

Quay trở lại lịch sử đất nước này, cách đây trên 130 năm, những người Do Thái đầu tiên đã đặt chân trên rẻo đất giữa vùng Địa trung hải và Jordan, khi đó vùng đất này ít người, ít mầu xanh và rất ít nước. Còn ngày nay, đồng ruộng trải rộng trên vùng đất này. Bình quân đầu người, mỗi người dân Israel chỉ có khoảng 233 m3 nước từ nguồn nước tái sinh trong khi bình quân đầu người trên thế giới là 6000m3. Tuy nhiên cái khó không bó cái khôn, chính trong khốn khó đã nẩy ra sự sáng tạo. Nhất là từ cuối những năm 1990, Israel bị tác động bởi một vụ hạn hán nặng nề kéo dài. Trước tình hình đó, nhà nước Israel đề ra ba chiến lược lớn để chống lại tình trạng khan hiếm nước:

Thứ nhất: tiết kiệm – Tưới nước nhỏ giọt trong nông nghiệp

Trong canh tác nông nghiệp ở Israel, người ta sử dụng máy tính để điều khiển hệ thống tưới nước nhỏ giọt thay vì tưới phun đại trà, nước được đưa đến từng cây trồng, do đó giảm tối đa sự thất thoát. Rất nhiều nước đã học tập kinh nghiệm này và nhập khẩu hệ thống tưới nước nhỏ giọt của Israel.

Ngoài ra, để hạn chế sự thất thoát nước trong toàn bộ đường ống cấp nước, chỉ trong 10 năm, nhà nước Isareal chi khoảng 116 triệu Euro để củng cố hệ thống đường ông cấp nước trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, Israel mở một chiến dịch tuyên truyền rộng rãi về tiết kiệm nước, kết quả là chương trình này đã giúp tiết kiệm được 20% lượng nước sinh hoạt. Hiện nay Israel đứng hàng thứ sáu trên thế giới về tiết kiệm nước tính theo đầu người.

Thứ hai: khử mặn bằng phương pháp thẩm thấu ngược

Chỉ tiết kiệm không không đủ. Từ cuối thế kỷ trước, Israel đã đầu tư nhiều cho công nghệ khử mặn để biến nước biển thành nước ngọt. Trên toàn Israel có năm cơ sở khử mặn lớn và hàng chục cơ sở sản xuất nước lợ. Các hệ thống khổng lồ khử muối trong nước biển áp dụng công nghệ thẩm thấu ngược. Nước được bơm với  áp lực lớn qua các màng bán thấm để lọc. Hiện tại nước biển đã khử muối đáp ứng khoảng 30% tổng nhu cầu về nước ở Israel; nước này dự kiến đến năm 2050 tỷ lệ này sẽ tăng tới 70%.

Thứ ba: Xử lý nước thải

Israel là quốc gia đứng đầu thế giới về tái chế nước thải để tái sử dụng với 75% nước thải được sử dụng lại (xếp hạng thứ hai là Tây ban nha.) Nước tái chế được sử dụng chủ yếu trong nông nghiệp. Nhờ đó, Israel có đủ nước cho sản xuất nông nghiệp, thậm chí có thể xuất khẩu nhiều nông sản.

Theo chiến lược trên của Israel thì số tiền đầu tư cải tạo toàn bộ hệ thống nước đến năm 2050 sẽ lên tới khoảng 206 tỷ Schekel (tương đương 48 tỷ Euro). Tuy nhiên, nhà nước Israel sẽ không thực hiện đại công trình này một mình mà thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân trong cả nước cùng gánh vác bằng cách góp vốn và công nghệ.

Xuân Hoài lược dịch theo Tuần kinh tế Đức.

Nguồn: http://www.wiwo.de/technologie/green/living/recycling-vorbild-israel-vom-wuestenland-zum-wasserweltmeister/13674614.html

Tác giả

(Visited 45 times, 1 visits today)