Vì sao người Mỹ thống trị giải Nobel Kinh tế

Kể từ khi Giải Nobel Kinh tế được trao lần đầu vào năm 1969 đến nay, khoảng 80 % số người nhận giải là công dân Mỹ. Tại sao lại như vậy?

Giải Nobel Kinh tế đầu tiên được trao cho Ragnar Frisch, nhà kinh tế học người Na Uy, và Jan Tinbergen, người Hà Lan. Sau đó là một loạt nhà kinh tế học danh tiếng người Mỹ, thi thoảng xen kẽ vài nhà kinh tế học người châu Âu hay châu Á. Trong số 27 nhà kinh tế học được giải thưởng Nobel Kinh tế gần đây thì 26 người làm công tác giảng dạy tại các trường đại học Mỹ. “Vật lạ” điểm xuyết vào danh sách các nhà kinh tế học được giải Nobel là ông Christopher Pissarides (2010), chuyên gia về tăng trưởng và thị trường lao động người Anh gốc Hy Lạp. Giải thưởng Nobel Kinh tế duy nhất dành cho chuyên gia kinh tế Đức đã được trao cách đây gần 20 năm cho nhà lý thuyết trò chơi Reinhard Selten.

Tại sao các nhà kinh tế học Mỹ lại có địa vị thống soái tại giải Nobel Kinh tế? Nguyên nhân là ý nghĩa của các môn khoa học xã hội như kinh tế học ở Mỹ lớn hơn nhiều so với ở châu Âu. Vì vậy số tiền đầu tư cho nghiên cứu cũng lớn hơn. “Nếu người châu Âu không trang bị tốt hơn cho việc giảng dạy và nghiên cứu về kinh tế quốc dân thì sẽ không thể thay đổi sự thống trị của Mỹ trong nhiều chục năm tới”, nhà kinh tế học Rüdiger Bachmann ở Aachen (Đức), người nhiều năm làm công tác nghiên cứu và giảng dạy tại Mỹ, đã lên tiếng chỉ trích hồi năm ngoái. Sau ý kiến này ít lâu thì giải Nobel đã rơi vào tay hai chuyên gia Mỹ Alvin Roth và Lloyd Shapley.

Các trường đại học Đức đặc biệt chú trọng các ngành kỹ thuật và khoa học tự nhiên. Trong khi ngành kinh tế quốc dân ở nhiều nơi lại bị đối xử như “con ghẻ”.

Trước khi giải Nobel Kinh tế năm nay được công bố, cũng có người dự đoán ông Ernst Fehr, giáo sư về kinh tế vi mô và nghiên cứu kinh tế thực nghiệm tại Đại học tổng hợp Zürich, sẽ đoạt giải.

Nhà khoa học người Áo này là nhà kinh tế học được trích dẫn nhiều nhất trong khối nói tiếng Đức và là người đi tiên phong về kinh tế học hành vi, khi phân tích về hành vi kinh tế ông còn vận dụng cả kiến thức của các bộ môn khoa học lân cận như tâm lý học và sinh vật học. Với các thí nghiệm trong phòng và nghiên cứu thực địa ông đã chứng minh, rằng giả định về hành vi hợp lý của con người dựa phần lớn trên cơ sở các lý thuyết về kinh tế, ông cho rằng nhận định này là không có cơ sở. Fehr cho rằng các yếu tố như sự công bằng, lòng vị tha và sự tương hỗ (có đi có lại) có vai trò quan trọng trong quá trình ra quyết định về kinh tế.

Tuy nhiên, kết quả mà Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển vừa công bố ngày 14/10 lại tiếp tục khẳng định sự thống trị của các nhà kinh tế học người Mỹ ở giải Nobel Kinh tế.

Xuân Hoài dịch theo “Tuần kinh tế” (Đức)

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)