Victoria Tauli-Corpuz: Chiến binh đấu tranh cho quyền của người bản địa

Nhờ những nỗ lực của bà mà cộng đồng quốc tế đã công nhận vai trò của người bản địa trong việc bảo vệ đa dạng sinh học và khí hậu.


Victoria Tauli-Corpuz. Ảnh: Annie Ling/The New York Times/ Redux/eyevine

Khi hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc COP26 bắt đầu tại Glasgow (Vương quốc Anh), một số quốc gia phát triển và hàng chục tổ chức nhân đạo đã bắt tay nhau cam kết  trợ 1,7 tỷ USD để giúp những nhóm người bản địa trên khắp thế giới bảo tồn rừng, bảo vệ đa dạng sinh học và ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu bằng cách giữ carbon trong thực vật và đất.

Đó là một khoảnh khắc quan trọng đối với những nhóm người bản địa, và đằng sau khoảnh khắc này là nhiều thập kỷ làm việc không mệt mỏi của Victoria Tauli-Corpuz, một người gốc Philippines đã từng dành sáu năm làm báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền của người bản địa.

Tauli-Corpuz đã dành nhiều năm đi vòng quanh thế giới để thuyết phục chính phủ các nước, những nhà bảo vệ môi trường và các tổ chức nhân đạo rằng các thổ dân là những người quản lý rừng và các điểm nóng khác của đa dạng sinh học hiệu quả nhất – gần đây nhiều công bố khoa học cũng đã chứng thực điều này. “Thế giới bắt kịp bà ấy và khoa học cũng bắt kịp bà ấy”, David Kaimowitz, một nhà kinh tế tại Tổ chức Nông lương của LHQ ở Rome, nói. Kaimowitz cho biết chỉ trong vòng 5 hoặc 10 năm trở lại đây, các tài liệu khoa học mới cung cấp những dữ liệu cho thấy rằng các vùng đất bản địa đóng vai trò là vùng đệm bảo vệ giúp chống lại những hoạt động có hại cho môi trường như khai thác và phá rừng.

Lớn lên trong một ngôi làng của người Igorot ở vùng núi Philippines – nơi người dân sống trong cảnh không có điện, Tauli-Corpuz đã học được bài học này sớm hơn so với mọi người. Dưới thời cựu tổng thống Ferdinand Marcos, chính quyền đã tìm cách khai thác rừng của người dân và xây dựng một đập thủy điện trên sông của họ vào những năm 1970, bà quyết định tham gia vào nhóm phản đối. “Chúng tôi đã đánh bại kế hoạch xây dựng con đập, và việc khai thác rừng lấy gỗ đã dừng lại”, Tauli-Corpuz, người sáng lập và cũng là giám đốc điều hành của Quỹ Tebtebba ở thành phố Baguio, Philippines, kể.

Bà nhận ra rằng số phận của các dân tộc bản địa và những khu rừng trên thế giới gắn bó chặt chẽ với nhau. Trong suốt 35 năm làm việc tại Liên Hợp Quốc, Tauli-Corpuz đã trở thành một nhà vận động tích cực nhằm phản đối cái mà bà gọi là “bảo tồn theo kiểu pháo đài” – một mô hình cho rằng thiên nhiên chỉ có thể được bảo tồn nếu được ngăn cách với loài người. “Phải thay đổi tư duy bảo tồn, bởi vì những khu rừng chứa nhiều carbon và đa dạng sinh học của Trái đất cũng là nơi sinh sống của các dân tộc bản địa trên thế giới”, bà nhận định. “Mọi người sống trong những khu rừng này, và chúng ta nên hợp tác với họ.” Trong những năm gần đây, nhờ hình ảnh từ vệ tinh, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận tương tự. Giống như các công viên quốc gia và các khu bảo tồn khác, các vùng lãnh thổ của người bản địa ít bị tàn phá, khai thác mỏ và xây đập hơn các vùng đất lân cận.

Bà đã dần hiện thực hóa ý tưởng này. Quyền của người bản địa đã được công nhận trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Đa dạng sinh học vào tháng 10 và nhận được sự chú ý tại đại hội bảo tồn thế giới ở Marseilles, Pháp, vào tháng 9. Các nhóm người bản địa lần đầu tiên tham dự với tư cách là thành viên và thành công kêu gọi chính phủ các nước hướng đến bảo vệ 80% diện tích Amazon vào năm 2025. Và lần đầu tiên, chính phủ các nước và những nhà tài trợ đã tham gia COP26 với các cam kết tài trợ thực sự.

Tinh thần hoạt động xã hội đến với Tauli-Corpuz một cách tự nhiên. Năm 1966, bà giành được suất vào một trường trung học ưu tú ở Manila, và tham gia các cuộc biểu tình phản đối sự tham gia của Philippines vào cuộc chiến tranh lúc bấy giờ đang diễn ra tại Việt Nam. Bà học đại học khi chế độ Marcos tuyên bố thiết quân luật vào năm 1972, và học để trở thành y tá nhằm chuẩn bị cho các cuộc nổi dậy đẫm máu có thể xảy ra. Sau khi tốt nghiệp đại học, bà trở về quê nhà để giúp tổ chức các chương trình y tế cộng đồng, đồng thời thúc đẩy làn sóng phản đối đề xuất xây dựng đập và khai thác gỗ.

Năm 1985, Tauli-Corpuz nhận được lời mời tham gia một hội đồng của Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, khảo sát về quyền của người bản địa. Mất gần một phần tư thế kỷ và nhiều chuyến đi, nhưng Tauli-Corpuz đã tìm thấy ánh sáng trong cuộc hành trình của mình. Vào tháng 9 năm 2007, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại Thành phố New York đã thông qua một tuyên bố mang tính bước ngoặt, lần đầu tiên công nhận các quyền tập thể của những dân tộc Bản địa. Tauli-Corpuz sau đó tiếp tục nỗ lực của mình và giúp đạt được sự công nhận về quyền của người bản địa trong thỏa thuận Paris năm 2015. Tại hội nghị thượng đỉnh COP26, các quyền của người bản địa một lần nữa được công nhận trong một thỏa thuận nhằm điều chỉnh các hợp tác quốc tế và thị trường carbon.

“Trước đây, người bản địa không hề nhận được sự chú ý”, Jennifer Corpuz, một trong bốn người con của Tauli-Corpuz, người đã tiếp bước mẹ mình trong phong trào Quyền của người bản địa, cho biết. Hiện cô đang là luật sư của nhóm vận động phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ, Nia Tero. Corpuz thừa nhận rằng đôi khi cô ấy cũng cảm thấy căng thẳng trước sự kỳ vọng của mọi người, nhưng trên thực tế mẹ của cô thì lại chưa bao giờ tạo áp lực cho cô.

Từ năm 2014 đến năm 2020, với tư cách là báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc, Tauli-Corpuz đã đi khắp thế giới, tổ chức những cuộc gặp gỡ với các cộng đồng bản địa để nói về những thách thức mà họ đang phải đối mặt. Trong một báo cáo quan trọng vào năm 2016, bà đã làm rõ rằng việc thành lập và thực thi các khu bảo tồn thông thường như vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên đã ảnh hưởng như thế nào đến quyền và yêu sách đất đai của các cộng đồng bản địa.

Hiện tại, Tauli-Corpuz vẫn tiếp tục làm việc với các cộng đồng bản địa trên khắp thế giới, giúp họ hiểu được quyền và vai trò của bản thân trên chính vùng đất truyền thống của họ. Bà cũng đang giúp các cộng đồng bản địa củng cố hệ thống quản trị của riêng họ, điều này sẽ giúp họ dễ dàng đề xuất các dự án và tiếp cận các quỹ quốc tế.

“Đó thực sự là việc giúp đỡ những người dân bản địa trao quyền cho chính họ”, bà cho biết, “Hy vọng rằng, chúng tôi có thể tăng cường năng lực của người bản địa để họ có thể làm những gì họ cần làm.”

Hà Trang dịch

Nguồn: Ten people who helped shape science in 2021

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)