Viễn cảnh nào cho kinh tế Việt Nam 2012

Năm 2012 đã đến và Rồng sắp tới cửa nhà, mà lòng người còn nặng trĩu lo âu đến nỗi không dám kỳ vọng gì nhiều vào năm của con vật thiêng ấy.

Quả thực di sản cộng dồn từ 4 năm 2008-2011 và những căn bệnh kéo dài của cả hệ thống kinh tế ở nước ta đã và đang bộc phát, cùng đổ gánh nặng của chúng vào năm 2012. Lạm phát cao trong khi tăng trưởng giảm, những bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài, như bội chi ngân sách, nhập siêu cao, nợ công, nợ xấu của doanh nghiệp tăng với tốc độ đáng báo động, tỷ trọng hàng tồn kho không tiêu thụ được và số doanh nghiệp phải đóng cửa lên cao chưa từng có. Đời sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề khi thu nhập thực tế liên tục giảm theo đà vật giá leo thang, khi hàng triệu người lao động mất việc làm, mất nguồn sống hoặc bị giảm đáng kể thu nhập do hàng vạn doanh nghiệp ngừng hoạt động và không biết bao nhiêu doanh nghiệp khác liêu xiêu.

Bốn năm liên tục chèo chống với khó khăn vừa qua còn làm hao hụt đi không ít thành quả của hơn 20 năm cải cách, khi các biện pháp hành chính trở nên phổ biến hơn trong giải quyết các vấn đề kinh tế, khi năng lực thể chế và kỷ cương bị tham nhũng lấn át, khi nguồn lực bị phân bổ méo mó hơn theo sức mạnh tăng lên của các nhóm lợi ích, khi một lượng lớn của cải được tích tụ một cách không chính đáng trong tay số ít người giàu có, quyền uy và gây nên khoảng cách cùng sự bất bình ngày càng lớn trong xã hội, khi văn hóa, đạo đức xuống cấp nghiêm trọng và lòng tin sụt giảm nặng nề.

Nhìn ra thế giới, triển vọng kinh tế nói chung cũng không tốt đẹp gì. Bốn cuộc khủng hoảng tài chính, năng lượng, lương thực, môi trường vẫn đang phủ đám mây u ám lên bầu trời các quốc gia và châu lục, kể cả bốn trụ cột lớn của kinh tế thế giới – Mỹ, EU, Nhật , Trung Quốc. Vòng đàm phán Doha đổ vỡ, xu hướng tự do hóa thương mại bị đẩy lùi trước xu hướng bảo hộ tăng lên trên thực tế ở hầu hết các nền kinh tế. Mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung đổ vỡ hẳn (kể cả ở Cuba, dinh lũy cuối cùng), trong khi các mô hình phát triển như thị trường tự do, thị trường xã hội hay cách thức tăng trưởng dựa trên xuất khẩu, trên dòng vốn FDI đều bị thách thức phải điều chỉnh lại.

Vậy thì liệu có gì để vui không trong năm con Rồng này? Vẫn có chỗ cho niềm tin và hy vọng, điểm tựa trong cuộc sống của mọi người trên Trái đất này.

Trên thế giới, ngay từ đầu năm 2011 mùa xuân Ả Rập đã bừng lên thật đẹp, quét đi những đè nén ngự trị bao năm và tưởng như vĩnh cửu ở một số nước trong khu vực đặc biệt này của thế giới. Con đường của người dân nơi đây đi đến dân chủ, văn minh, thịnh vượng chắc chắn không hề dễ dàng, nhưng đã được mở ra rồi và không thế lực nào có thể chặn lại được nữa. Rồi nhân vật “Người biểu tình” mà tạp chí Times bình chọn cho năm 2011 xuất hiện ở Mỹ, ở Nga, ở một số nước khác, nói lên ý chí và sức mạnh của người dân đòi hỏi và sẵn sàng tham gia thay đổi những trật tự bất công – nguồn gốc của những bất ổn xưa nay trên thế giới – để xây dựng cuộc sống công bằng, bình đẳng hơn cho đông đảo người dân các nước đó. Mặt khác, cả thế giới đang chuyển mạnh sang hướng phát triển mới, phát huy sức sáng tạo bất tận của con người để phát triển khoa học, công nghệ, phát triển kinh tế một cách thân thiện với môi trường, tăng cường sự hợp tác và trách nhiệm chung của mọi quốc gia trong việc bảo vệ cuộc sống an bình lâu dài trên Trái đất. Những điều đó sẽ tạo sức mạnh cho con người vượt qua những trở ngại trước mắt để đi tới tương lai.

Trong nước, năm 2011 cũng cho thấy những điểm sáng giữa muôn trùng khó khăn. Đó là nông nghiệp, cũng với sức dẻo dai đã mấy lần cứu vãn tình hình kinh tế trong các cuộc khủng hoảng những năm trước đây, lại một lần nữa nổi trội với kỷ lục mới về xuất khẩu và xuất siêu để tự khẳng định lại vị thế của mình trong chiến lược phát triển của đất nước, khẳng định lợi thế cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam trong bản đồ nông nghiệp toàn cầu. Đó là các ngành xuất khẩu, với vai trò của dệt may, da giày, thủy sản, nông sản…, những sản phẩm tuy bị chê trách vì không tạo nhiều giá trị gia tăng nhưng vẫn vượt lên hơn hẳn những ngành được đầu tư rất lớn song lại không cạnh tranh được bằng chúng trên thị trường toàn cầu đầy sóng gió.

Về mặt thể chế, năm 2011 cũng để lại hy vọng cho năm 2012 với những bài học và quyết tâm thực hiện tiếp Nghị quyết 11 của Chính phủ về chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và với sự nhất trí cao về thay đổi mô hình tăng trưởng, tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế. Đã thấy rõ đây là những việc phải làm và phải làm sớm, làm mạnh, làm tới nơi tới chốn, nên nếu được có một điều ước thì xin ước rằng những việc này sẽ được thực hiện thực sự nghiêm túc ngay trong năm 2012 để năm Rồng này có thể đánh dấu một bước chuyển tới tương lai tươi sáng cho đất nước ta, dân tộc ta.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)