Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam: Tăng số lượng bằng sở hữu trí tuệ
Không chỉ tăng hơn 40% so với năm 2022 về số lượng bằng độc quyền phát minh sáng chế và độc quyền giải pháp hữu ích, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (VAST) còn có ba bằng độc quyền sáng chế quốc tế, theo thông tin từ lễ tổng kết hoạt động năm 2023 của Viện.
So với mọi năm, số lượng bằng sở hữu trí tuệ của VAST tăng trưởng mạnh. Về tổng số, Viện đã được cấp 76 bằng độc quyền phát minh sáng chế và độc quyền giải pháp hữu ích. Có thể lý giải sự tăng trưởng này là trong những năm qua, VAST đã khuyến khích các nhà nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp hay địa phương. Trước sự thúc đẩy này của các nhà quản lý, nhiều nhà nghiên cứu và viện nghiên cứu đã có nhiều nỗ lực làm chủ được nhiều công nghệ tiên tiến và ứng dụng thành công vào thực tiễn tại các địa phương. Tiêu biểu trong số này là Viện Khoa học Vật liệu và Viện Kỹ thuật Nhiệt đới đã thành công trong việc làm chủ công nghệ sơn chống cháy và sơn phản xạ nhiệt, trong đó, sản phẩm sơn phản xạ nhiệt Mặt trời đã được phía Công ty SuzukaFine – một trong năm công ty lớn nhất về sơn của Nhật Bản – thử nghiệm và đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn Nhật Bản JIS K 5675.
Mặc dù quan tâm đến hướng hoàn thiện công nghệ và chuyển giao công nghệ nhưng VAST vẫn duy trì được vị trí của mình, một trong những tổ chức hàng đầu về nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam. Năm 2023, VAST vẫn tiếp tục ghi dấu ấn về số lượng công bố, đi kèm với tăng trưởng về chất lượng. Các nhà khoa học của VAST đã công bố hơn 2.200 bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín chuyên ngành trong và ngoài nước, trong đó gần 80% trên các tạp chí quốc tế. Với kết quả này, VAST tiếp tục duy trì được tỷ lệ công bố quốc tế là 1,9 công trình / 1 tiến sỹ / 1 năm. “Việc duy trì được tỷ lệ này trong ba năm gần đây chứng tỏ khả năng công bố của VAST đã đến mức độ bão hòa và tương đương với tỷ lệ công bố của các tổ chức nghiên cứu, trường đại học uy tín tại các nước phát triển trên thế giới”, báo cáo cho biết.
Theo báo cáo này, chất lượng công trình công bố của VAST tiếp tục được duy trì ở mức cao. Số lượng công bố trên các tạp chí quốc tế có chất lượng cao (các công trình thuộc danh mục tạp chí Q1, Q2 theo SCImago, hoặc có chỉ số IF ≥ 1 theo Web of Science, Citescore ≥ 2 theo Scopus) đạt 79% tổng số công trình công bố quốc tế, tăng hơn 3% so với năm trước. Trong đó, Viện Khoa học Vật liệu đứng đầu về số lượng công bố quốc tế chất lượng cao trong năm 2023.
“Học qua hành”, việc đảm bảo chất lượng nghiên cứu và phát triển công nghệ ở VAST đã góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo. Các nhà khoa học của Viện hiện đang hướng dẫn hơn 500 nghiên cứu sinh và trong năm 2023 đã có 55 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sỹ và đạt tiêu chí mỗi nghiên cứu sinh có ít nhất một công trình công bố quốc tế uy tín. Đặc biệt, trường Đại học KH&CN Hà Nội (USTH) đã được Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) chứng nhận đạt chuẩn kiểm định châu Âu; văn bằng và các tín chỉ của Trường được công nhận tương đương với các trường đại học Pháp và châu Âu.
Các hoạt động KH&CN trong năm 2023 của Viện cũng đạt kết quả tốt như việc vận hành ổn định và hiệu quả hệ thống vệ tinh VNREDSat-1 trên quỹ đạo để cung cấp ảnh viễn thám, góp phần tích cực vào các hoạt động nghiên cứu KH&CN vũ trụ. Ngoài ra, hoạt động của mạng lưới trạm quan sát động đất phục vụ báo tin động đất và cảnh báo sóng thần năm 2023 của Viện đã ghi nhận được 343 trận động đất có độ lớn dao động trong khoảng từ 2.5 đến 5.4 độ theo thang Mô men trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam. □
Bài đăng Tia Sáng số 1/2024