Viện Toán học duy trì đặc sản và tạo ra đặc sản mới
Sinh ra trong bối cảnh chiến tranh đặc biệt thiếu thốn, nguồn lực rất ít ỏi nhưng ngay từ buổi đầu thành lập, các nhà khoa học đặt nền móng cho Viện Toán học (thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã mang tham vọng xây dựng một trung tâm toán học theo chuẩn mực quốc tế, với yêu cầu phải có công bố quốc tế và xây dựng được nhóm nghiên cứu mạnh có bản sắc riêng.
Các nhà Toán học lãnh đạo Viện Toán học qua các thế hệ (từ phải sang): Các giáo sư nguyên Viện trưởng: GS Phạm Hữu Sách, GS Hà Huy Khoái, GS Ngô Việt Trung, GS Lê Tuấn Hoa và Viện trưởng đương nhiệm GS Phùng Hồ Hải.
Cho đến nay, Viện Toán học vẫn luôn là một trung tâm hàng đầu về Toán học ở Việt Nam và thông qua Viện Toán học mà thế giới biết đến hình ảnh của Toán học Việt Nam. Không chỉ có những tên tuổi được giới Toán học quốc tế biết tới như GS Lê Văn Thiêm, GS Hoàng Tụy, nhiều nhà khoa học ở Viện Toán đã tham gia ban biên tập tạp chí quốc tế uy tín như GS Trương Xuân Đức Hà, GS Đinh Nho Hào, GS Hoàng Xuân Phú, GS Nguyễn Khoa Sơn, GS Nguyễn Đông Yên…
Nhờ định hướng đúng đắn đó, từ năm 1970 đến nay, Viện Toán học đã công bố tới hơn 3500 công trình khoa học, trung bình mỗi năm có khoảng 70 công bố và đại đa số là công bố quốc tế. Viện Toán cũng là nơi tiên phong trong công bố ở các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus. Các công bố trong danh mục tạp chí ISI có uy tín của Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED) trong thời gian đầu của Viện Toán chiếm tới gần 50% tổng số công bố của các nhà Toán học trong nước. Không dừng lại ở số lượng, mà Viện Toán học tập trung “lấy chất lượng làm tiêu chí” và kể từ những năm 2000 trở lại đây Viện chú trọng hơn vào công bố trên các tạp chí có uy tín top đầu. Những năm gần đây, cũng chính Viện Toán học là đơn vị có công bố đầu tiên, hoàn toàn là nội lực của nhà nghiên cứu trong nước, trên tạp chí top của ngành như Inventiones Mathematicae (GS Ngô Việt Trung và TS Nguyễn Đăng Hợp).
Sau nửa thế kỷ giữ vững vị trí đầu đàn của toán học Việt Nam, bước vào chặng đường mới, Viện Toán học xác định “nhiệm vụ của mình là nghiên cứu xuất sắc và đào tạo xuất sắc, để trở thành viện nghiên cứu có đẳng cấp quốc tế”, theo chia sẻ của GS.TS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập.
Đồng ý với hướng đi tiếp nối truyền thống đó, GS Phạm Hữu Sách, nguyên Viện trưởng Viện Toán học bổ sung thêm một việc quan trọng nữa là nên “nghĩ tới việc xây dựng một trường phái”. Theo GS Phạm Hữu Sách, để làm được điều đó thì các nhà khoa học của Viện “nên nghĩ tới đặc sản của Viện toán, là cái để mọi người có thể phân biệt viện này với viện khác”. Bằng kinh nghiệm quản lý Viện Toán học (Viện trưởng giai đoạn 1990-1995 và là Viện phó một thập kỷ trước đó), và vẫn miệt mài nghiên cứu, công bố cho đến hiện nay, GS Phạm Hữu Sách cho biết, để tạo đặc sản cần dựa trên các bài công bố cũng như các công trình nghiên cứu được làm dài hơi trong nhiều năm, được giới học thuật quan tâm thảo luận, phát triển. Ông lưu ý điều này vì hiện nay Viện Toán học nói riêng và nền toán học Việt Nam nói chung “đã có đặc sản lý thuyết tối ưu toàn cục (của GS Hoàng Tụy)”, nhưng vẫn còn câu hỏi bỏ ngỏ là ai theo đuổi lý thuyết này. “Trong nước và Viện Toán cũng không ai theo. Ta có nên buông xuôi đặc sản này không? Tất nhiên [để theo đuổi được lý thuyết này cũng như xây dựng trường phái] cũng phụ thuộc vào nhiều điều kiện về nguồn lực nhưng tôi nghĩ là ta nên duy trì đặc sản này, và tạo ra đặc sản khác nữa”, GS Phạm Hữu Sách nói.
Trước đây, Viện Toán học và giới nghiên cứu khoa học cơ bản ở Việt Nam nói chung gặp phải nhiều khó khăn, không sống được bằng nghề trong một thời gian dài. Nhưng trong thời gian gần đây, Bộ KH&CN đã đã rất nỗ lực trong việc xây dựng các cơ chế tài chính hợp lý, dần phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, ví dụ như Quỹ NAFOSTED, theo TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN. Sau đó, Bộ KH&CN cũng đã xây dựng giải thưởng dành riêng để động viên các nhà khoa học nghiên cứu cơ bản như giải Tạ Quang Bửu. “Điều đó nói lên sự tôn trọng, sự ngưỡng mộ của chúng tôi, những người làm quản lý đối với các nhà nghiên cứu khoa học”, TS Nguyễn Quân nói.