Việt Nam có thể phải nhập khẩu quá nửa năng lượng vào năm 2035
Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam năm 2017 dự báo, tỉ trọng năng lượng nhập khẩu trên tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp của Việt Nam sẽ tăng lên 37,5% vào năm 2025 và 58,5% vào năm 2035.
Nhiên liệu hóa thạch sẽ vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong ngành năng lượng. Ảnh: Nhà máy nhiệt điện than Mông Dương. Nguồn: Báo Quảng Ninh.
Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam năm 2017 (Báo cáo) do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam thực hiện và công bố ngày 20/9 tại Hà Nội.
Báo cáo được thực hiện với mục đích phân tích các yếu tố đầu vào cho việc xây dựng quy hoạch phát triển năng lượng để đưa ra các định hướng tổng quan cho phát triển ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng trên cơ sở xác định các nguồn năng lượng tiềm năng và tối ưu hóa chi phí trong khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng sơ cấp và năng lượng cuối cùng cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trung hạn và dài hạn của Việt Nam.
Báo cáo đặc biệt chú trọng đến khả năng tích hợp nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) vào lưới điện quốc gia trong tương lai với các phân tích về cơ hội và thách thức trong triển vọng phát triển ngành và đưa ra các kịch bản và biện pháp giải quyết.
Vẫn tiếp tục phụ thuộc vào điện than
Theo Báo cáo, nhu cầu năng lượng của Việt Nam ngày càng lớn, đến năm 2035, tổng nhu cầu năng lượng sẽ tăng gấp gần 2,5 lần so với năm 2015. Mức tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải (chiếm tỷ trọng 27,5%) được dự báo sẽ gia tăng nhanh nhất (5,7%/năm), lĩnh vực công nghiệp (chiếm tỷ trọng 45,3%) có tốc độ tăng 5,0%/năm trong giai đoạn 2016-2035.
Mặc dù ngày càng “khát” năng lượng nhưng nguồn cung năng lượng của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và về cơ bản vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lượng hóa thạch. Vì tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm sinh khối và thủy điện đã có chiều hướng giảm, từ chỗ chiếm 53% tổng cung năng lượng sơ cấp vào năm 2000 tới mức chỉ còn 24% vào năm 2015. Trong cùng giai đoạn đó, tỉ trọng của than trong tổng nguồn cung đã tăng từ 15% lên 35%. Xu hướng này dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong tương lai do nguồn cung năng lượng từ thủy điện và sinh khối trong nước không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng. Các nhà máy điện đóng vai trò chủ yếu trong tiêu thụ than, sau đó là đến các ngành xi măng, phân bón, hóa chất và các hộ tiêu thụ khác. Tổng tiêu thụ than trong nước năm 2015 khoảng 43,8 triệu tấn, trong đó các nhà máy điện chiếm 23,5 triệu tấn.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam từ một nước xuất khẩu năng lượng đang trở thành nước nhập khẩu ròng về năng lượng. Dự kiến tỉ trọng của năng lượng nhập khẩu trên tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp sẽ tăng lên 37,5% vào năm 2025 và 58,5% vào năm 2035. Sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến an ninh nguồn cung năng lượng và sự phụ thuộc của Việt Nam vào nhiên liệu nhập khẩu, đặc biệt là than. Tuy nhiên, có thể hạn chế sự phụ thuộc này bằng cách tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng và khai thác các nguồn năng lượng tái tạo trong nước.
Tiềm năng tiết kiệm năng lượng còn lớn
Báo cáo đánh giá Việt Nam đã có những định hướng rõ nét cho phát triển ngành điện trong những năm tới thông qua Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030 điều chỉnh (QHĐ VII điều chỉnh) và Chiến lược phát triển Năng lượng tái tạo. Báo cáo dự đoán, khoảng 25% công suất nguồn điện ở Việt Nam sẽ được cung cấp từ năng lượng tái tạo (còn trong Chiến lược phát triển NLTT đến 2030, tầm nhìn đến 2050 theo quyết định 2068/QD-TTg đã đặt ra tỷ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc đạt khoảng 32% vào năm 2030 và khoảng 43% vào năm 2050).
Để đảm bảo các mục tiêu giảm phát thải CO2 đồng thời giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, Báo cáo khuyến nghị Việt Nam áp dụng giá phát thải CO2. Biện pháp này sẽ tạo động lực khuyến khích đầu tư thêm công suất phát điện từ khí thiên nhiên và các dạng năng lượng tái tạo, thông qua đó có thể đạt được các mục tiêu của chiến lược phát triển năng lượng tái tạo với mức chi phí tăng thêm thấp so với kịch bản phát triển bình thường, trong khả năng đáp ứng của nền kinh tế.
Ngoài ra, Báo cáo cũng đưa ra đánh giá khá lạc quan về tiềm năng tiết kiệm điện năng – được xác định ở mức 17% vào năm 2030 – bằng cách cải tiến công nghệ và áp dụng các giải pháp quản lý tài nguyên hiệu quả hơn, với điều kiện khung chính sách về sử dụng năng lượng phải được củng cố.