Việt Nam trong xu thế tự động hóa và AI: Định vị lại mình

Trước xu hướng tự động hóa (TĐH) và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong vài chục năm tới, Việt Nam sẽ phải định vị lại thế mạnh cạnh tranh của mình thay vì thế mạnh tỉ đô từ “công xưởng sản xuất” gia công giá rẻ như hiện nay, theo TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong (MDRI).

Không phải doanh nghiệp nào của Việt Nam cũng đủ tiềm lực để theo đuổi cuộc cách mạng công nghiệp mới. Khoảng 15% doanh nghiệp dệt may có tổng số vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng sẽ có chuyển đổi, còn lại các doanh nghiệp có vốn dưới 50 tỷ thì không đủ tiềm lực để đầu tư công nghệ 4.0 ít nhất trong 10 năm nữa, theo Nghiên cứu, đánh giá tác động của cuộc CMCN lần thứ 4 đối với ngành Dệt may Việt Nam nhằm đề xuất định hướng chiến lược, chính sách và các giải pháp phát triển trong giai đoạn 2019-2030, thuộc Chương trình KC4.0/19-25. Ảnh: Doanhnhansaigon.

Nhiều người cho rằng cuộc cách mạng tự động hóa, sử dụng AI trong sản xuất quy mô lớn còn lâu mới xảy ra. Anh suy nghĩ gì về điều này?

Bạn đã dùng Chat GPT chưa? Có lẽ bạn nên làm một bài phỏng vấn cùng nội dung này với Chat GPT. Bởi nó có nhiều thông tin, báo cáo mà chính tôi cũng chưa đọc tới. Đương nhiên lúc đầu nó sẽ trả lời câu hỏi của mình khá chung chung, nhưng nếu muốn câu trả lời chi tiết hơn thì chỉ cần tiếp tục hỏi nó cho biết bằng chứng, nói rõ hơn được không. Tôi nghĩ đó sẽ là một bài phỏng vấn hay, cho chúng ta thấy một trợ lý ảo có thể có nhiều thông tin và trả lời lưu loát như con người – điều mà đa phần chúng ta không tin là nó xảy ra vào năm 2023.

Ngay bây giờ, tôi đã nhờ Chat GPT như một trợ lý cá nhân, từ lên lịch trình du lịch, tóm tắt tài liệu, hỗ trợ viết bài phát biểu, nạp thông tin về cuộc phỏng vấn sâu để nó viết thành một đoạn văn ngắn mô tả lại. Thậm chí Chat GPT còn giúp tôi tóm tắt báo cáo dài thành phiên bản ngắn. Sau đó tôi xem để chỉnh sửa lại câu chữ, chi tiết và phân tích thêm. Công việc của tôi nhàn đi rất nhiều, và điều đấy không có nghĩa sản phẩm cuối cùng không phải sản phẩm của mình. Vì thứ nhất là toàn bộ thông tin thu thập, đưa ra nhận định, phân tích, chỉnh sửa vẫn là việc của mình, còn máy hỗ trợ tóm tắt lại; thứ hai là khi mình trả tiền để sử dụng thì chính là thuê một trợ lý ảo hỗ trợ mình làm việc.

Từ những ví dụ đó cho thấy AI không chỉ là câu chuyện viễn tưởng, nó đang bước chân vào từng văn phòng, có thể hỗ trợ, thay thế nhiều việc như lễ tân, trợ lý, mô tả, phân tích đơn giản, viết báo cáo tóm tắt các cuộc họp… tóm lại là các công việc của các nhân viên có trình độ trung cấp. Nếu trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, phần lớn máy móc chỉ hỗ trợ hoặc thay thế được lao động tay chân thì nay công nghệ mới cũng thay thế, hỗ trợ được rất nhiều cho công việc văn phòng có tính chất lặp đi lặp lại, đơn giản.

Thậm chí trong tương lai, các ứng dụng AI như Chat GPT hoặc tương tự có thể trả lời cuộc phỏng vấn này thay tôi.

Làm sao các trợ lý ảo đó có thể trả lời thay cho chuyên gia?

Với những ưu điểm hiện nay của các ứng dụng AI, tôi nghĩ chỉ trong một thời gian ngắn nữa, ứng dụng này hoặc các trợ lý ảo khác có thể hỗ trợ làm cả các phân tích số liệu, theo cách mình nạp bảng dữ liệu vào để AI phân tích tần suất, tương quan hay hồi quy. Thậm chí có thể nó sẽ đưa ra nhận xét, đánh giá, hoặc có thể nghe và tự động gỡ băng cuộc họp, sau đó tóm tắt lại. Vẫn cần người có chuyên môn sâu để biết máy làm có đúng không, phân tích sâu, đưa thêm các điều kiện hoặc dữ liệu… nhưng cơ bản là sẽ giúp giảm được những người làm công việc xử lý dữ liệu.

Có thể thấy rõ điều này ở một chủ đề mà tôi quan tâm là nghiên cứu giảm nghèo ở miền núi Việt Nam. Hiện tại chúng ta chỉ có một phần nhỏ dữ liệu về miền núi chứ không có dữ liệu ở các khu vực khác trên thế giới. Chưa kể ngay ở Việt Nam thì dữ liệu các cuộc khảo sát của chúng tôi cũng còn hạn chế, chỉ tính bằng trăm hoặc nghìn người, không thể có dữ liệu về từng người được. Đó chính là điểm mà các hệ thống học máy sẽ hơn tôi, vì các hệ thống này đang thu thập tất cả dữ liệu của mọi người, các kho tư liệu, các báo cáo đánh giá của chuyên gia ở tất cả các nơi trên thế giới đã được đưa lên internet, và việc thu nhận dữ liệu của nó là vô biên. Từng người bình thường chỉ có trải nghiệm tương tác ít ỏi, với một số người nhất định, và chỉ nhớ đâu đó được khoảng 150 trường hợp, nghĩa là chỉ có trải nghiệm bằng một phần tỷ của các hệ thống học máy đó thôi. Mỗi cá nhân không bao giờ thu thập số liệu được như cách AI đang theo dõi, tương tác với con người hàng ngày trên internet.

Việc tương tác nhiều hơn mang lại lợi thế hơn cho AI khi giải quyết vấn đề như thế nào?

Tôi vừa nói rằng máy có thể làm các báo cáo, tức là những việc tưởng như đặc quyền chỉ có con người, được đào tạo chuyên môn sâu, giàu trải nghiệm mới làm được, thì các hệ thống học máy có thể hỗ trợ hoặc thay thế nhiều. Ví dụ, vẫn cần những người đi thu thập số liệu dưới hiện trường, về những vùng thông tin không có trên internet nhưng những người thu thập và xử lý số liệu trên internet thì chưa chắc còn cần nữa. Với các nghiên cứu định tính thì vẫn cần con người có chuyên môn sâu, có hiểu biết văn hóa xã hội và khả năng tương tác, lắng nghe, quan sát bối cảnh đi thực hiện vì một cái máy hỏi không quan sát được cảm xúc hay bối cảnh. Tuy nhiên, tôi cũng chưa biết được tương tác giữa máy và con người lúc đó như thế nào nên cũng chưa thể biết tương tác giữa máy và con người có khiến người ta trả lời thật hơn hay tương tác giữa người với người khiến người trả lời thật hơn.

Tôi nghĩ là trong tương lai sẽ cần những người thực sự có chuyên môn rất tốt ra lệnh cho máy, hiểu được và phân tích, chỉnh sửa. Ngược lại, sẽ không cần nhiều nhân lực cấp thấp, cấp trung nữa. Tôi lưu ý là chúng ta mới chỉ ở buổi bình minh của trí tuệ nhân tạo mà các hệ thống máy học vẫn đang học từng ngày từng giờ. Chưa kể, khác với quá trình học tập của con người, một con robot, một hệ thống máy học học được điều gì thì sẽ chia sẻ cho một triệu con robot khác rất nhanh chóng.

Một thiết kế của Midjourney khi được yêu cầu (promt) vẽ một cô gái châu Á có vẻ đẹp dịu dàng. 

Vậy xu hướng ứng dụng AI và tự động hóa định hình lại phân công lao động?

Tôi cho rằng, xu thế này sẽ dần dần dẫn tới sự phân loại các nguồn lao động ra thành hai nhóm – nhóm rất ít những con người siêu đẳng có thể thiết kế thế giới, thiết kế robot, các hệ thống máy học và nhóm chỉ biết sử dụng các công cụ này (như cách phân loại của Harari trong cuốn Homo dues vậy). Đó là một hình thức biến đổi xã hội rất khác so với hiện nay. Điều đó sẽ đến sớm thôi, với tiến bộ công nghệ hiện nay có thể là vài chục năm nữa thôi.

Tương lai đó có u ám không?

Không, tôi không nghĩ thế! Vì khi robot và AI làm được rất nhiều việc, nhờ tự động hóa, chi phí sản xuất sẽ rẻ đi nhiều, năng suất tăng lên. Khi xã hội thịnh vượng hơn thì con người được hưởng thụ cuộc sống nhiều hơn vì ít nhất cũng sẽ có nguồn thu nhập tối thiểu. Nhưng điều kiện để có sự thịnh vượng đó thì phải có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tự động hóa, phải có đủ robot, phải có các hệ thống AI hỗ trợ được càng nhiều hoạt động của con người càng tốt.

Việt Nam cũng sẽ được như vậy chứ?

Tôi cho là Việt Nam sẽ vấp phải nhiều khó khăn vì hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang thâm dụng lao động giản đơn. Lao động trung cấp trở xuống trong các ngành sản xuất sản xuất trực tiếp, cơ khí, dệt may, giày da, sẽ bị thất nghiệp rất nhiều, đặc biệt là các công ty FDI đủ khả năng thay thế người lao động bằng robot rất nhanh. Ngay cả ngành nông nghiệp cũng sẽ tự động hóa trên các cánh đồng mẫu lớn dễ dàng. Dẫu sao còn các ngành xây dựng, du lịch, các ngành chăm sóc sức khỏe, dọn dẹp… vẫn cần nhiều lao động, vì tự động hóa trong các ngành này chưa cao.

Trong làn sóng tự động hóa, các nước đang phát triển sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất của robot chứ không phải các nước phát triển vì các nước phát triển đã tự động hóa nhiều năm nay rồi. Mặt khác, cũng do sử dụng ít lao động hơn, chi phí sản xuất giảm đi nên các nước phát triển có thể chủ động sản xuất và không cần đặt nhiều công xưởng ở các nước đang phát triển nữa.

Trước xu hướng đó, chúng ta có lợi thế cạnh tranh nào không?

Hiện Việt Nam đang định vị và vươn lên nhờ thế mạnh cạnh tranh của một công xưởng sản xuất giá rẻ nhưng hoàn toàn có thể định vị khác đi. Trong tương lai, nhiều ngành sản xuất công nghiệp thâm dụng lao động sẽ giảm sử dụng lao động hoặc quay trở về các nước phát triển. Do đó, lợi thế cạnh tranh của mình không chỉ là sản xuất thâm dụng lao động như hiện nay nữa. Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế riêng biệt liên quan đến vị trí địa lý phong cảnh, trải nghiệm thực tế và đa dạng sinh học cần gìn giữ và sau này sẽ đem lại thu nhập không hề nhỏ mà tự động hóa, máy móc không thể làm ra được. Việt Nam nằm trong trong vùng nhiệt đới có biển ấm, đa dạng nguồn gene, đa dạng sinh học nên hoàn toàn có thể định vị là địa chỉ chăm sóc, nghỉ dưỡng trị liệu cho thế giới.

Du lịch và dịch vụ chăm sóc sẽ đóng góp lớn nhất ở Việt Nam nếu chúng ta biết giữ cảnh quan thiên nhiên và hỗ trợ bảo tồn và phát triển thêm các khu vực vùng cao. Khi loài người có cuộc sống thịnh vượng hơn thì sẽ càng đi du lịch nhiều hơn. Khi máy móc giúp thế giới thịnh vượng hơn và điều đó xảy ra trước ở các nước phát triển thì con người sẽ ngày càng có cơ hội hưởng thụ cuộc sống, di chuyển, nghỉ dưỡng, chăm sóc. Việt Nam chưa đạt được đến điều kiện đó nhưng có thể trở thành địa chỉ cho người giàu, từ các nước giàu đến nghỉ dưỡng nhờ vào lợi thế cảnh quan và nguồn nhân lực chăm sóc.

Có vẻ như những gì anh vừa nói hơi xa vời bởi so với bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay – vẫn đang nỗ lực tìm đủ việc cho lao động giản đơn, tìm đơn hàng sản xuất gia công…

Không có gì là xa vời cả. Điều đó phụ thuộc vào việc chúng ta nhìn thấy xu hướng công nghệ ứng dụng vào sản xuất hiện nay và hình dung về thế giới sẽ được định hình như thế nào, từ đó có sự chuẩn bị, chuyển đổi phù hợp. Chúng ta cần xác định đúng mình có năng lực cạnh tranh về sản xuất công nghiệp hay không? Nếu có thì đó là những nhóm ngành cụ thể nào?

Tôi nghĩ là với các ngành có tiềm năng tự động hóa, sử dụng AI, năng lượng tái tạo thì cần tiếp tục được đầu tư. Nhưng cũng chính xu hướng này sẽ khiến chúng ta dư thừa lao động kỹ năng thấp và chỉ khu vực du lịch, nông nghiệp, chăm sóc chưa khai thác hết tiềm năng mới có thể vừa đồng thời hấp thụ nguồn lao động đó vừa đem lại năng lực cạnh tranh khác biệt.

Vấn đề là khi đã xác định được năng lực cạnh tranh rồi thì có đủ sức thu hút nguồn lực từ bên ngoài không? Nếu vẫn làm theo kiểu cũ thì khó thu hút, chúng ta không thể làm du lịch theo như cũ, bào mòn nhiều di sản tự nhiên và văn hóa được mà phải quyết tâm bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản tự nhiên khác biệt. Xu hướng của các khách quốc tế, nhất là nhóm khách giàu có là muốn được trải nghiệm di sản thật sự chứ không phải là thứ giả cổ lòe loẹt. Với những nơi đẹp, giữ được yếu tố văn hóa bản địa như Hội An, Huế, hay những cảnh nguyên sơ như ở Lý Sơn, thì phải nhất quyết giữ vùng lõi di sản, vì đó mới là thế mạnh.

Về nông nghiệp, chúng ta có nhiều lợi thế có thể nhìn thấy ngay trước mắt nhưng chưa tận dụng tốt. Chẳng hạn, Việt Nam đang nắm yết hầu về café của thế giới, vì ở châu Âu, rất khó chịu khi buổi sáng lại thiếu một ly café. Thế tại sao mình phải chấp nhận bán với giá rẻ? Việt Nam hoàn toàn có thể hợp tác với Brazil thành lập hội café, quyết định giá bán, khuyến khích đầu tư công nghệ chế biến… Trước mắt chúng ta đã nhìn thấy thế mạnh rồi nhưng có quyết tâm làm hay không. Hoặc dự báo chỉ trong thế kỷ này, Đồng bằng sông Cửu Long có thể ngập hết, vậy đẩy mạnh các thương hiệu thủy sản, thương hiệu đồ ăn…như thế nào?

Về chăm sóc sức khỏe, chăm sóc người cao tuổi, chúng ta có chính sách thu hút đầu tư để các doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực này không? Chúng ta có nhiều vịnh đẹp có thể làm các khu nghỉ dưỡng nhập khẩu người già về chăm sóc vì xu hướng là dân số đang già hóa nhanh chóng, chăm sóc vài triệu người già có thể đem lại hàng trăm tỉ USD thì sẽ không cần dựa vào các công xưởng sản xuất thâm dụng lao động với giá trị gia tăng thấp. Tại sao cứ phải chỉ tập trung vào sản xuất mà không định vị lại khi thế giới đang thay đổi.

Chúng ta cũng phải bắt tay vào thực hiện ngay, vì các nước xung quanh cũng đã nhận ra vai trò kinh tế, xã hội của việc thu hút và chăm sóc người già và đang chạy đua cạnh tranh. Hầu hết các nước Đông Nam Á đã nghiên cứu quyết định của người nước ngoài khi tìm nơi nghỉ hưu như chất lượng cuộc sống, chi phí sinh hoạt, tiện ích y tế, an ninh, quy định visa, văn hóa và các hoạt động giải trí… từ đó thực hiện retirement visa (visa dưỡng già) thu hút người già giàu có từ các đến ở, nghỉ dưỡng và chi tiêu1.

Nghĩa là Việt Nam hoàn toàn có cơ hội định vị mình khác đi?

Với những thế mạnh độc đáo đó, Việt Nam có thể làm marketing cho thế giới tôi chính là địa chỉ có những khu sinh thái đẹp nhất độc đáo nhất thế giới và chăm sóc tốt nhất thế giới, thức ăn ngon nhất thế giới thay vì cố gắng quảng bá về các ngành sản xuất thâm dụng lao động.

Tôi nghĩ không có gì khó để vượt ra khỏi những vướng mắc hiện tại để nhìn về tương lai cả. Quan trọng là chúng ta cần có tầm nhìn dài hạn và định hình được (projection) thế giới trong tương lai, khi định hình được rồi thì xem Việt Nam đi theo và định vị mình ở đâu trong thế giới đó. Chỉ có như vậy mới đưa ra chiến lược phù hợp. Ít nhất thì tự động hóa không đến trong ngày mai mà cần cả chục năm nữa, chúng ta vẫn còn thời gian chuẩn bị chuyển đổi từ bây giờ. Nếu không nhìn ra thế mạnh cạnh tranh đó thì sẽ bị mắc kẹt vào bẫy thu nhập trung bình. □

Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Thu Quỳnh thực hiện

1 Cư dân các nước giàu ngày càng có nhu cầu nghỉ dưỡng già ở các nước có vùng biển ấm như khu vực Đông Nam Á. Lượng tìm kiếm “retirement visa” trên toàn thế giới mỗi tháng khoảng 100.000 lượt, trong đó từ khóa “Retirement visa Thailand” có lượt tìm kiếm nhiều nhất. Trong khu vực ASEAN, lưu lượng tìm kiếm retirement visa từ cao đến thấp là Thái Lan > Philippine > Indonesia > Malaysia > Campuchia > Vietnam.

Tác giả

(Visited 19 times, 1 visits today)