Vietnam Silicon Valley sẽ trở thành đề án cấp quốc gia
 Ngày 13/8, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hội thảo: “Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo” nhằm góp ý đưa Vietnam Silicon Valley thành đề án cấp Quốc gia trình Chính phủ sắp tới.
Bà Thạch Lê Anh, chủ nhiệm đề án Vietnam Silicon Valley (VSV) cho biết, 9 doanh nghiệp tham gia khóa đầu tiên của dự án đều đã được định giá cao hơn từ 5-10 lần so với dự kiến. Bà cũng tiết lộ, đã có doanh nhân đề nghị mua lại toàn bộ cổ phần của bà trong 9 công ty với giá 350.000 USD (gấp 3.5 lần của bà lúc đầu). Phạm Kim Hùng, CEO của TechElite (một trong 9 doanh nghiệp tốt nghiệp khóa I của VSV) cho biết, nhờ VSV, đã có ba nhà đầu tư thiên thần góp vốn trong vòng gọi Seri A của TechElite. Hiện nay, Tech Elite đang được định giá là 1.8 triệu USD và tập trung xây dựng các giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp. BigTime.vn (sản phẩm đầu tiên của TechElite được phát triển trong thời gian tham gia VSV), nền tảng giúp các doanh nghiệp tổ chức, quản lý và bán vé sự kiện nhanh nhất đang kinh doanh rất tốt. Anh cho biết, tháng 9 tới, TechElite sẽ cho ra mắt nền tảng Worktime Enterprise 2.0 hỗ trợ việc tương tác trong doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Nhóm điều hành VSV, bên cạnh xây dựng VSV thành một tổ chức thúc đẩy doanh nghiệp, còn muốn tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp với mạng lưới các nhà đầu tư, nhà cố vấn trên nhiều lĩnh vực…để hỗ trợ cho các startups. Chia sẻ tham vọng này, Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN cho rằng, thay vì rót tiền ngân sách để đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp và các cá nhân khởi nghiệp tiềm năng như trước kia theo kiểu xin-cho, cần tập trung vào đào tạo (ngoại ngữ, kỹ năng pitching, kỹ năng quản lý…) và hỗ trợ bằng cách tạo ra mạng lưới chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm. Bên cạnh đó, không phải chỉ dừng lại ở một VSV mà phải tạo ra một mạng lưới tổ chức thúc đẩy doanh nghiệp tương tự với sự tham gia của các trường Đại học, Viện nghiên cứu…, trên nhiều lĩnh vực KH&CN.
Chị Trần Thị Thu Hương, thành viên Ban chỉ đạo IPP (Dự án Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan) cho biết, để trình đề án VSV lên Chính phủ, ban soạn thảo đề án cần những góp ý về mặt chính sách để thảo gỡ những khó khăn về định chế tài chính, thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp, cho các nhà đầu tư, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và tạo ra xu hướng, văn hóa thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chấp nhận rủi ro, thất bại trong kinh doanh.
Kết thúc buổi Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, hôm qua (ngày 12/8), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi trò chuyện với đại diện các startups ở Việt Nam và ghi lại những khó khăn, vướng mắc về chính sách mà họ gặp phải, trong đó nổi bật là những vướng mắc về tài chính và thuế. Điều này hứa hẹn sự cam kết của chính phủ đối với việc hỗ trợ và phát triển khởi nghiệp.