Vinacomin: Dừng bôxit thiệt hại sẽ rất lớn

Theo lãnh đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), sau khi xem xét đánh giá nếu dừng dự án bauxite thiệt hại là rất lớn.

Tại buổi họp báo của Vinacomin, ông Nguyễn Tiến Chỉnh, Trưởng ban Khoa học công nghệ và Chiến lược phát triển của Vinacomin cho biết, Vinacomin từng xem xét tính toán việc dừng dự án bôxit, tuy nhiên đã không dám dừng bởi thiệt hại rất lớn.

Về phía doanh nghiệp, Vinacomin đang như “ngồi trên đống lửa” do tiền đã đầu tư vào dự án và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về hiệu quả của dự án trước Đảng và Nhà nước. Vinacomin đã tính toán, xem xét và khẳng định, tiếp tục làm sẽ tốt hơn so với việc dừng dự án.

Đại diện của Vinacomin thừa nhận, trong quá trình thực hiện dự án, do kinh tế thế giới suy thoái ảnh hưởng xấu tới thị trường tài chính Việt Nam và đầu tư bảo vệ môi trường đã tác động làm thay đổi tiến độ và hiệu quả kinh tế của 2 dự án so với ban đầu. Theo ông Chỉnh, dự kiến trong 3 -5 năm đầu cả hai dự án này phải chấp nhận lỗ vì phải gánh chi phí khấu hao cao. Thời gian hoàn vốn của hai dự án là từ 12 – 13 năm.

Trong chiến lược phát triển kinh tế Tây Nguyên có nói về phát triển alumin. Khi đưa hai dự án này vào, Tây Nguyên sẽ phát triển công nghiệp phụ trợ. Dự án đóng góp thuế phí cho ngân sách chung khoảng 400 tỷ mỗi năm.

Theo báo cáo của Vinacomin về tình hình thực hiện 2 dự án bauxit-alumin thử nghiệm tại Tây Nguyên, tổ hợp bôxit nhôm Lâm Đồng công tác xây dựng cơ bản mở đã hoàn thành, đến nay đã khai thác trên 1,6 triệu tấn quặng bauxite, sản xuất được trên 265.000 tấn quặng tinh bôxit. Về giá trị thực hiện đầu tư, tính đến tháng 4/2013 tổng giá trị đã thực hiện của toàn bộ dự án ước đạt 11.612 tỷ đồng, tổng giá trị giải ngân đạt khoảng 11.125 tỷ đồng.

Đối với dự án Alumin Nhân Cơ – Đăk Nông, trong quá trình san gạt mặt bằng các hạng mục công trình của dự án khu công nghiệp Nhân cơ, đã tận thu được khối lượng trên 1,5 triệu tấn quặng bôxit nguyên khai, để phục vụ công tác chạy thử của nhà máy tuyển quặng và nhà máy alumin của dự án. Nhà máy alumin Nhân Cơ đang tiến hành lắp đặt thiết bị dự kiến hoàn thành và có sản phẩm vào giữa 2014. Tổng giá trị đã thực hiện của toàn bộ dư án đạt khoảng 6.836 tỷ đồng.

Hiện tại, Vinacomin đã ký hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm với công ty của Nhật Bản và Trung Quốc. Thời gian tới đơn vị này tiếp tục đàm phán với các đối tác để ký hợp đồng khi nhà máy đi vào hoạt động thương mại. Theo đánh giá của Vinacomin việc tiêu thụ sản phẩm của 2 dự án này là hoàn toàn khả thi. Vinacomin đã bán cho 8 khách hàng, trong đó có 6 khách hàng trong nước được 5.200 tấn alumin và 8.670 tấn hydrat và 2 khách hàng nước ngoài dự kiến tháng 3 là 15.100 tấn alumin.

Về công nghệ, hai nhà máy sử dụng công nghệ sản xuất alumin bằng phương pháp thủy nhiệt (BE) và là công nghệ tiên tiến, đang phổ biến trên thế giới.

Liên quan tới những tác động về môi trường, ông Chỉnh khẳng định, nếu nói về môi trường chung thì “chỉ có lợi cho môi trường chứ không gây hại. Ông Chỉnh giải thích: “Công nghệ ở đây rất đơn giản, phần đất alumin trở lại cho phát triển cây trồng, khi ta lấy phần quặng này đi, sau đó phục hồi, trồng cây chỉ có tốt hơn. Còn đối với nhà máy tuyển, chúng ta không thải ra gì ảnh hưởng tới môi trường”.

Trước những nghi ngại về vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary, ông Chính cũng cho biết thêm, công nghệ thải bùn đỏ cho nhà máy Tân Rai cung cấp thải khô. Theo thiết kế trong quá trình trao đổi ngược, bùn đỏ được xử lý, có các thiết bị cô đặc, lắng lọc, làm đặc đạt 46,5%, tiêu chuẩn chỉ là 45%, và thải ra khu chứa bùn đỏ, khoảng 10-12 ngày sau thì bùn khô tự nhiên, thậm chí người dân có thể đi lại trên bùn.

Duy Anh

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)