Vỡ mộng về điện-biển giá rẻ?
Những nhà máy điện gió khổng lồ ở biển Bắc và biển Đông (Nord- und Ostsee) tới đây sẽ đóng vai trò chủ lực trong  việc cung cấp điện.  Nhưng việc triển khai công nghệ - Offshore đang gặp trục trặc và giá thành năng lượng xanh này đắt hơn nhiều so với dự tính. Phải chăng giấc mộng về các nhà máy điện rẻ tiền ngoài biển khơi của Đức đã tiêu tan?
Việc cộng các con số trên giấy thì khá đơn giản nhưng làm thế nào để đạt được những con số này trong thực tế thì cho đến lúc này khó có ai trả lời được. Nhưng có một điều mà giờ đây người ta có thể khẳng định là nếu việc mở rộng các cơ sở Offshore tiến triển với tốc độ rùa bò như hiện nay thì đến năm 2030 số lượng tháp điện gió đưa vào hoạt động ở vùng biển Bắc và biển Đông sẽ thấp hơn nhiều so với kế hoạch. Mới đây Đức đã đưa hai nhà máy điện gió thí điểm vào vận hành với tổng công suất 150 MW, thấp hơn nhiều so với dự kiến ban đầu. Điều này tác động không nhỏ vào niềm tin đối với trụ cột quan trọng nhất về tương lai năng lượng xanh của nước Đức.
Một công trình nghiên cứu của các chuyên gia năng lượng Bremen thuộc wind: research thậm chí còn đi đến nhận định: Kế hoạch điện gió của Chính phủ chỉ có thể thực hiện được khi người đóng thuế và người mua điện sẵn sàng mở rộng hơn nữa túi tiền của mình. Theo các chuyên gia chỉ đến lúc đó năng lượng gió sản xuất trên biển cả mới có thể thay thế năng lượng nguyên tử và trở thành một trong những trụ cột năng lượng điện quan trọng của nước Đức.
Các nhà phân tích của wind: research đã xem xét kỹ thực trạng và tiến độ của trên 30 dự án nhà máy điện gió trên biển đã được phê duyệt. Kết quả: nếu tình hình xây dựng tiến triển như hiện nay thì đến năm 2030 kế hoạch sản xuất điện gió trên biển sẽ thiếu hụt 10.000 Megawatt, tương đương với sản lượng điện của 10 nhà máy nhiệt điện chạy than cỡ lớn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Ở một số dự án thiếu tàu thủy chuyên dụng để vận chuyển cánh quạt gió cỡ lớn ra biển. Ở một số dự án khác lại gặp khó khăn vì doanh nghiệp phân phối điện từ chối hòa mạng lưới điện của các nhà sản xuất điện gió. Trong khi đó một số doanh nghiệp cung cấp điện lại thiếu lực lượng lao động chuyên môn để vận hành. Nhưng theo nhận định của các chuyên gia thuộc wind:research thì khó khăn lớn nhất của các dự án điện gió trên biển của Đức là thiếu vốn. Để thực hiện kế hoạch xây dựng các nhà máy điện gió trên biển từ nay đến 2030 nước Đức thiếu một khoản đầu tư khoảng 100 tỷ Euro.
Để xây dựng một cơ sở điện gió với 80 máy và có công suất 400 Megawatt cần khoảng l1,4 tỷ Euro. Thông thường hai phần ba khoản tài chính này là tiền đầu tư từ bên ngoài. Nếu các ngân hàng chấp nhận tham gia đầu tư thì do nhiều yếu tố rủi ro, họ cũng chỉ đóng góp khoảng 50 triệu. Vì thế để huy động được 930 triệu Euro từ vốn bên ngoài thì phải có sự tham gia của khoảng 20 ngân hàng. Đây là một vấn đề cực kỳ khó khăn.
Vấn đề sẽ khác đi nếu các doanh nghiệp cung cấp điện cỡ lớn của Đức như RWE, E.On, Vattenfall hay EnBW đứng ra xây dựng các nhà máy điện trên biển. Nhưng việc quyết định đầu tư vào các nhà máy điện thông thường hay vào các dự án năng lượng sạch lại lệ thuộc vào suất lợi tức mà các nhà máy đó đem lại. Với các dự án Offshore của Đức thì lợi suất chỉ đạt từ 4 đến 7%, không đủ sức thu hút các nhà đầu tư.
Kết quả là các tập đoàn năng lượng và các nhà đầu tư quốc tế thiên về đầu tư vào các nhà máy điện gió của Anh quốc. Các dự án điện gió của Anh có mức độ rủi ro thấp hơn, chi phí xây dựng cũng thấp hơn vì các nhà máy điện gió của Anh tương đối gần bờ hơn. Do đó lợi suất cao hơn, các công ty điều hành thu được nhiều tiền hơn so với các dự án của Đức, thường là 2 Cent cho một Kilowatt giờ.
Để tránh sự phản đối của dư luận vì tiếng ồn và làm xấu cảnh quan, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch vv… các nhà máy điện gió của Đức bị “đày” ra ngoài biển khơi xa xôi , có khi cách đất liền đến 45 phút bay, làm cho chi phí đầu tư xây dựng, chi phí vận hành cũng như chi phí truyền tải rất tốn kém, thuộc diện đắt nhất thế giới.
Các chuyên gia Đức đã đánh giá thấp yếu tố thời tiết ở biển Bắc. Nhiều khi người ta phải ngừng việc xây dựng nhiều ngày vì lý do biển động mạnh, gió quá lớn vv…Việc vận chuyển, lắp đặt những thiết bị siêu trường, siêu trọng trên biển cả là một thách thức lớn đối với các chuyên gia lắp đặt thiết bị. Để khắc phục tình trạng chậm tiến độ người ta buộc phải huy động thêm tàu thủy chuyên dụng, điều này đội giá thành đầu tư từ 1,5 tỷ lên 1,7 tỷ Euro.
Chính vì vậy quan niệm của chính giới về điện gió trên biển giá rẻ là thiếu cơ sở.
Giờ đây những người ủng hộ xây dựng các nhà máy điện gió ngoài biển khơi đề nghị Nhà nước hỗ trợ trong việc xây dựng hạ tầng cơ sở tại bến cảng, hỗ trợ việc sản xuất, vận chuyển những thiết bị siêu trường siêu trọng và hỗ trợ trong việc bảo lãnh cho các khoản tài chính lớn phục vụ xây dựng, lắp đặt các nhà máy điện gió. Điều quan trọng nhất hiện nay là việc Nhà nước chấp thuận cho vay 5 tỷ Euro để xây dựng 10 nhà máy điện gió trên biển. Những biện pháp này sẽ tạo sinh lực cho điện gió ngoài khơi ở Đức.
Tuy nhiên Hermann Albers, chủ tịch Hiệp hội năng lượng gió của Đức (BWE), không tán thành các biện pháp trên, ông kiến nghị Nhà nước xây dựng các nhà máy điện gió trên đất liền, cụ thể là ở miền Nam nước Đức. Theo nghiên cứu của Viện Fraunhofer về năng lượng gió và công nghệ hệ thống năng lượng (IWES) thì việc xây dựng các nhà máy điện gió trên đất liền giảm được một nửa chi phí. Nếu xây dựng các cơ sở điện gió trên khoảng 2% diện tích nước Đức thì hằng năm tạo ra 390 Terawatt giờ, đáp ứng khoảng 65 % nhu cầu về điện của Đức.
Theo Alberts thì nếu trong tương lai xây dựng nhiều tháp điện gió gần các trung tâm tiêu thụ ở miền Tây và miền Nam nước Đức thì giảm được chi phí đầu tư mở rộng mạng lưới điện làm cho điện gió còn thấp hơn nữa.
XUÂN HOÀI theo Wiwo