Vũng Tàu – Hình mẫu về hệ sinh thái ĐMST kinh tế biển?
Câu chuyện về Vũng Tàu có thể vừa là nguồn cảm hứng vừa là bài học với những tỉnh đang có tham vọng và tinh thần dấn thân trong nền kinh tế biển.
Trong nhiều năm hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực kinh tế biển, chúng tôi nhận thấy rằng mỗi tỉnh ven biển Việt Nam đều mang trong mình một lợi thế riêng, nhưng không phải nơi nào cũng tìm được đặc trưng của mình, định vị được bản thân trong hệ sinh thái biển của cả nước. Kể cả khi đã tìm được, làm sao để áp dụng công nghệ nhằm tô đậm thêm bản sắc đó cũng là bài toán thách thức với nhiều nơi. Giữa bối cảnh đó, chúng tôi cảm thấy Vũng Tàu là một ví dụ điển hình về việc tìm được thế mạnh của mình, nỗ lực mài giũa thế mạnh đó và thực sự xây dựng được một hệ sinh thái biển với các nhân tố cởi mở, năng động và tương hỗ lẫn nhau, dù mọi thứ vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Câu chuyện về Vũng Tàu dưới đây có thể vừa là nguồn cảm hứng vừa là bài học với những tỉnh đang có tham vọng và tinh thần dấn thân trong nền kinh tế biển.
Định vị từ thế mạnh địa phương đến hệ sinh thái đổi mới sáng tạo sôi động
Vũng Tàu tự định vị mình là trung tâm khai thác thủy hải sản lớn nhất Việt Nam và họ đang tìm cách chuyển mình từ một ngư trường truyền thống sang một điểm hội tụ và phát triển các giải pháp đổi mới sáng tạo xoay quanh nghề cá, từ hệ thống cảng biển hiện đại, năng lực logistics vượt trội, cho đến các sản phẩm hỗ trợ tàu thuyền, đánh bắt và chế biến thủy sản…Họ đã dần hình thành một hệ sinh thái nghề cá hiện đại, đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế biển quốc gia và có vị thế trong khu vực ASEAN.
Điểm tựa của định vị này đến từ hạ tầng vững mạnh mà Vũng Tàu đã có từ trước đó, không chỉ gồm hệ thống cảng và ngư trường mà còn cả nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm và nhiệt huyết với nghề. Nhưng quan trọng hơn, tỉnh này tiếp tục duy trì được vị thế này bằng một văn hóa trân trọng và cởi mở với các giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực thế mạnh của mình. Tỉnh này hằng năm đều tổ chức các cuộc thi đổi mới sáng tạo nghề cá để thu hút các tài năng và ý tưởng sáng tạo từ khắp cả nước, đặc biệt là từ các tỉnh ven biển. Ví dụ, các startup từ Kiên Giang, Cà Mau đã tìm đến Vũng Tàu để trình bày và thử nghiệm các giải pháp mới, từ công nghệ đánh bắt thân thiện với môi trường đến các thiết bị nuôi trồng thủy sản thông minh. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không chỉ là nơi đón nhận các sáng kiến, mà còn tạo điều kiện để ươm tạo, thử nghiệm và phát triển các giải pháp ngay tại địa phương. Những cơ sở hạ tầng tiên tiến và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền địa phương đã biến nơi đây thành một “phòng thí nghiệm sống” cho các ý tưởng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nghề cá.
Nhưng bên ngoài nhân tố startup, quan trọng hơn là hệ sinh thái kinh tế biển của tỉnh này có sự tham gia mạnh mẽ từ các doanh nghiệp lớn. Họ có một tư duy mở, tìm kiếm và sẵn sàng đầu tư, ứng dụng những giải pháp sáng tạo của các doanh nghiệp startup, bất kể ở trong hay ngoài tỉnh. Chính những tour tham quan trong khuôn khổ các cuộc thi đổi mới sáng tạo là do họ tài trợ và dẫn dắt: Họ đưa những nhà khởi nghiệp tới những nơi “có vấn đề”, đặt ra những bài toán hóc búa mà tỉnh đang gặp phải với hy vọng tìm được giải pháp.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với những cơ sở hạ tầng tiên tiến và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền địa phương đã biến nơi đây thành một “phòng thí nghiệm sống” cho các ý tưởng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nghề cá.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp, như Basea Food và tàu cá “Ngọc Quỳnh” (tàu cá từng nổi tiếng trên truyền thông vì trúng được đàn cá cờ khủng tại vùng biển Trường Sa năm 2018), đã phát triển thành những hình mẫu thành công, không chỉ khẳng định vai trò của Vũng Tàu mà còn lan tỏa ảnh hưởng tích cực ra toàn khu vực miền Nam. Cũng từ những thế hệ doanh nhân này, Vũng Tàu đã có những startup công nghệ cao như SDVICO của doanh nhân trẻ Trần Thái Sơn. Từ những giải pháp hữu ích ban đầu là công nghệ lọc nước mặn ra thành nước dùng được cho các tàu cá, SDVICO đã lấy nghề cá làm trọng tâm cho các công nghệ mới của mình. Từ một công nghệ ban đầu, SDVICO đã phát triển ra các hướng công nghệ mới và mở rộng thị trường ra ngoài mảng ngư nghiệp với sản phẩm phụ gia dầu nhớt.
Thách thức và tiềm năng chưa khai phá
Dù đã đạt được những bước tiến quan trọng, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nghề cá tại Vũng Tàu vẫn còn nhiều khoảng trống chưa được khai thác triệt để, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ số, liên kết vùng và quốc tế, cùng việc khai thác giá trị văn hóa bản địa còn nhiều hạn chế.
Ứng dụng công nghệ số là xu hướng tất yếu trong việc nâng cao hiệu quả và giá trị ngành nghề cá. Tuy nhiên, Vũng Tàu vẫn thiếu sự đầu tư mạnh mẽ vào các giải pháp hiện đại như quản lý ngư trường dựa trên dữ liệu lớn (big data), công nghệ truy xuất nguồn gốc số hóa, hay sử dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Những công nghệ này không chỉ giúp bảo vệ nguồn tài nguyên biển mà còn nâng cao giá trị sản phẩm, tạo sức cạnh tranh lớn hơn khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, mặc dù đã thu hút được một số tài năng từ các địa phương khác, Vũng Tàu vẫn chưa có một mạng lưới liên kết đồng bộ với 28 tỉnh ven biển của Việt Nam. Những tỉnh như Kiên Giang và Cà Mau tập trung vào khai thác và nuôi trồng thủy sản, trong khi Khánh Hòa và Bình Thuận chú trọng vào phát triển công nghệ sinh học và năng lượng tái tạo để hỗ trợ chế biến giá trị gia tăng. Vũng Tàu có thể kết nối với họ theo cách nào? Một hệ thống kết nối chặt chẽ, trong đó mỗi địa phương phát huy thế mạnh riêng như khai thác, chế biến, logistics hay thương mại, sẽ không chỉ tăng cường tính chuyên môn hóa mà còn giảm thiểu cạnh tranh không cần thiết, tạo ra một chuỗi giá trị nghề cá hoàn chỉnh và hiệu quả hơn.
Ở quy mô quốc tế, việc kết nối của Vũng Tàu với các tổ chức khu vực như SEAFDEC hay các sáng kiến hợp tác ASEAN vẫn còn khá yếu. Điều này khiến địa phương chưa tận dụng được cơ hội học hỏi và ứng dụng các công nghệ tiên tiến từ các quốc gia có ngành nghề cá phát triển như Thái Lan, Indonesia hay Nhật Bản.
Ngoài ra, nghề cá ở Vũng Tàu không chỉ có giá trị kinh tế mà còn mang đậm nét văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, những giá trị bản địa này vẫn chưa được khai thác triệt để để tạo ra các sản phẩm du lịch trải nghiệm độc đáo. Việc tổ chức các tour du lịch nghề cá, từ tham gia đánh bắt hải sản cùng ngư dân đến tìm hiểu quy trình chế biến truyền thống, không chỉ gia tăng giá trị cho ngành du lịch và ẩm thực mà còn làm nổi bật bản sắc văn hóa của địa phương.
Hướng đi cho một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện
Để khai thác hết tiềm năng, Vũng Tàu cần tập trung đầu tư vào các giải pháp chiến lược nhằm xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện. Trước hết, việc phát triển hạ tầng công nghệ số là một trong những yếu tố tiên quyết. Điều này bao gồm đầu tư vào các nền tảng số hóa cho ngành nghề cá, từ quản lý khai thác bền vững đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Song song với đó, Vũng Tàu cần tăng cường liên kết vùng và quốc tế. Thiết lập một mạng lưới kết nối chặt chẽ với 28 tỉnh ven biển và các tổ chức khu vực như SEAFDEC sẽ giúp địa phương tối ưu hóa chuỗi giá trị, đồng thời tạo ra cơ hội học hỏi và hợp tác về công nghệ, chính sách và kinh nghiệm quản lý nguồn lực.
Thúc đẩy văn hóa đổi mới sáng tạo mở cũng là một trong những hướng đi quan trọng. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc tạo ra các chương trình hợp tác giữa doanh nghiệp địa phương và các startup từ các tỉnh thành khác, tận dụng nguồn lực và tri thức đa dạng để phát triển các giải pháp mới.
Cuối cùng, việc xây dựng các sản phẩm du lịch nghề cá độc đáo bằng cách kết hợp văn hóa bản địa với công nghệ hiện đại sẽ không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh Vũng Tàu mà còn gia tăng giá trị kinh tế cho ngành du lịch và ẩm thực địa phương.
Khởi nghiệp nghề cá tại Vũng Tàu không chỉ là câu chuyện về đổi mới sáng tạo của một địa phương mà còn là bức tranh lớn hơn về sự kết nối, hợp tác và sáng tạo trong nền kinh tế biển quốc gia. Việc định vị từ thế mạnh sẵn có, thu hút tài năng và nguồn lực, đồng thời mở rộng hợp tác với khu vực và quốc tế sẽ giúp Vũng Tàu không chỉ duy trì vị thế mà còn vươn mình trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, bền vững và giàu bản sắc trong khu vực ASEAN.
Hành trình này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, chiến lược dài hạn và sự đồng lòng của tất cả các bên liên quan, để Vũng Tàu thực sự trở thành hình mẫu cho đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực kinh tế biển của Việt Nam.□
Bài đăng Tia Sáng số 24/2024