We Love Reading: hình dung về một nền giáo dục kiểu mới
Chúng ta phải định hình giáo dục như một quá trình liên tục, toàn diện, và không bao giờ kết thúc.
GS Rana Dajani, nhà sáng lập và điều hành dự án We Love Reading
Trong thế giới ngày nay, chúng ta dần nhận ra rằng việc học không chỉ gói gọn trong hệ thống lớp học. Ví dụ, các nhà giáo dục đã hình thành hướng nghiên cứu về giai đoạn phát triển tuổi ấu thơ nhằm đồng hành cùng trẻ trong những năm tháng trước khi các em chập chững bước vào lớp một. Việc tham gia các chương trình mùa hè giúp củng cố kiến thức và kỹ năng mà trẻ đã tích lũy được trong năm học. Gần đây, các nhà giáo dục đã đề xuất khái niệm “học tập suốt đời” để mô tả quá trình học tập vượt ra ngoài hệ thống giáo dục chính quy. Chúng tôi nhận thấy rằng mọi người không còn hình dung về giáo dục như một thứ gắn chặt với tòa nhà trường học, và nó cũng chưa bao giờ thực sự là như thế. Với sự xuất hiện của Internet, điều này lại càng trở nên đúng đắn hơn bao giờ hết. Trẻ em bắt đầu hoài nghi về lợi ích của việc đi học, khi mà dường như tất cả lượng kiến thức chúng cần đều sẽ hiện lên thông qua một cú nhấp chuột. Chúng ta cũng không được gạt các cộng đồng yếu thế và dễ bị tổn thương như người tị nạn chiến tranh hoặc thiên tai sang bên lề, những người không được hưởng một cơ chế giáo dục toàn vẹn.
Giờ đây, khi đại dịch xảy đến, kéo theo đó là hậu quả của giãn cách xã hội và đóng cửa trường học, việc học không còn có thể diễn ra như trước, bất kể bạn là ai và hoàn cảnh kinh tế xã hội như thế nào. Chúng ta đang được trao cơ hội để hình dung về một nền giáo dục kiểu mới.
Chúng ta cần phải định hình giáo dục như một quá trình liên tục, toàn diện, và không bao giờ kết thúc. Chúng ta luôn là một phần của cộng đồng, chứ không phải là một cá nhân riêng lẻ, do đó chúng ta cần tiếp cận giáo dục theo hướng gắn kết. Khi giải quyết tình trạng nghèo đói, chúng ta không nên giải quyết ở cấp độ của một cá nhân. Không ai nghèo đói một mình, cá nhân là một phần của gia đình. Vì vậy, chúng ta cần phải giải quyết nghèo đói ở cấp độ gia đình. Martin Burt đã đề xuất ý tưởng này nhằm giúp giải quyết tình trạng đói nghèo một cách toàn diện hơn. Tương tự, không thể được giải quyết những vấn đề của giáo dục ở cấp độ cá nhân. Mỗi người trong cộng đồng đều là một mắt xích trong tiến trình giáo dục.
Tất cả các dạng kiến thức đều có liên quan và tất cả các phương pháp chia sẻ kiến thức cũng vậy. Gần đây, Munir Fasheh, một nhà giáo dục người Palestine, đồng thời là nhà sáng lập của diễn đàn giáo dục Ả Rập tại Đại học Harvard đã đặt câu hỏi về lợi ích của việc dạy toán và lợi ích của giáo dục đại học, khi ông so sánh một sinh viên tốt nghiệp đại học với mẹ của ông – một thợ may, khi mà cách bà hiểu về toán học, cũng như kỹ năng vận dụng toán học vào đời sống của bà đều tốt hơn hẳn.
Nhìn về quá khứ, chúng ta có thể tìm thấy những bài học từ thời xa xưa, về cách mà ông cha ta đã tích lũy tri thức. Chẳng hạn, vào thời kỳ hoàng kim của nền văn minh Ả Rập, những thành tựu khoa học được tạo ra phần lớn thông qua quá trình học nghề.
Kelly Lambert, giáo sư Đại học Richmond đã chia sẻ kết quả nghiên cứu mới nhất của mình trong bài nói chuyện ở sự kiện TEDxBermuda. Nghiên cứu chỉ ra rằng trong quá trình tiến hóa, bộ não của chúng ta đã hình thành nên những phần chịu trách nhiệm cho việc vận động. Tuy nhiên, chúng ta đang dịch chuyển nhanh chóng từ lối sống năng động sang lối sống ít vận động, ngồi yên một chỗ. Điều này tác động lớn đến sức khỏe tinh thần của chúng ta, vì chúng ta hầu hết đều không sử dụng phần não bộ phụ trách các cơ chuyển động. Tương tự, Matthew Crawford, trong cuốn sách Shop Class As Soulcraft: An Inquiry Into the Value of Work của mình đã thảo luận về cách mà hệ thống giáo dục không còn đưa những kỹ năng như hàn chì, đóng mộc… vào chương trình giảng dạy.
Làm thế nào để áp dụng hợp lý những điều này vào việc thiết kế trải nghiệm học tập?
Hãy đến với một trường hợp tiêu biểu: Chương trình We Love Reading.
We Love Reading (WLR) là ví dụ cho thấy một hình thức mới trong việc định nghĩa lại giáo dục. WLR áp dụng phương thức tiếp cận toàn diện ở cấp độ cộng đồng. WLR dựa trên nền tảng là sự tương tác giữa con người, và nhằm mục đích mang lại động lực học tập, trang bị cho trẻ kỹ năng và kiến thức để trở thành một người học tập suốt đời. Họ không vạch ra một con đường cụ thể nào. Mỗi người sẽ có một con đường học tập khác nhau. Thông qua hoạt động đọc sách giải trí, WLR thay đổi tư duy của mọi người, tạo ra những người có thể thay đổi xã hội, những người học lâu dài – có thể định hình lại thế giới của họ. WLR nuôi dưỡng tình yêu đọc sách, vượt ra ngoài phạm vi của hệ thống giáo dục chính quy, đi sâu vào tâm lý và trải nghiệm hằng ngày của con trẻ. Các trung tâm WLR tiếp cận và xây dựng năng lực theo hướng bền vững.
Chúng tôi nuôi dưỡng một tình yêu sâu sắc với việc đọc thông qua thực hành đọc to cho trẻ em. WLR triển khai các hoạt động này nhằm mục đích thúc đẩy tình yêu đọc sách ở trẻ, để từ đó giúp trẻ có được niềm ham mê học hỏi, nhằm mở khóa sự kỳ diệu ẩn sâu bên trong những cuốn sách. Và suy cho cùng, là vượt qua những rào cản ngăn các em học tập lâu dài. Động lực nội tại này sẽ giúp các em tìm kiếm cơ hội học tập dù cho phải đối mặt với những khó khăn: đổi chỗ ở liên tục, là lao động trẻ em và thiếu hệ thống giáo dục tại chỗ. WLR giúp các em nhận ra rằng mình có quyền được mơ ước, tưởng tượng về một tương lai khác, và thậm chí là trao cho các em một cuộc đời khác, giúp các em trở thành những người học suốt đời.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thực hành đọc to giúp một đứa trẻ yêu thích việc đọc, và xa hơn là yêu thích việc học. Với một điều dưỡng viên, việc đọc to còn có điểm tích cực là tăng sự tương tác giữa người với người, thúc đẩy khả năng phục hồi và giảm căng thẳng ở cả trẻ em và người lớn. WLR tổ chức những buổi tập huấn cho các tình nguyện viên địa phương, để họ thành thục kỹ năng đọc to cho trẻ em từ 0-12 tuổi – bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, trong một không gian công cộng – nội dung của các cuốn sách mang màu sắc văn hóa địa phương. Những đứa trẻ mang sách về nhà để đọc cùng với anh chị em và bạn bè của mình trong một khoảng thời gian nhất định. Bằng cách nuôi dưỡng tình yêu đọc thông qua trải nghiệm cá nhân ngay từ khi còn nhỏ, WLR tác động đến sự điều tiết cảm xúc, chức năng hành động, kỹ năng đọc viết và trạng thái tâm lý xã hội. WLR trao cho người tị nạn (phụ nữ chiếm 95%) cơ hội trở thành nhà lãnh đạo, bằng cách để họ dẫn dắt các phiên đọc to trong cộng đồng địa phương của mình. WLR khuyến khích cả trẻ em và người lớn theo đuổi việc học với tư tưởng vì họ thực sự “muốn” chứ không phải vì họ “buộc phải làm”, từ đó thúc đẩy hình thành chủ kiến và sự trách nhiệm ở họ.
Asma, một người tị nạn Syria, đồng thời là đại sứ We Love Reading, đang đọc sách cho trẻ em. Ảnh: Abdallah Dabu Dayak.
Thêm vào đó, 75% tình nguyện viên cho biết họ nhận thấy sự thay đổi tích cực trong hành vi và thái độ của trẻ sau khi tham gia các buổi học, trong đó hầu hết cho rằng trẻ trở nên ít hung hăng hơn, điềm tĩnh và kỷ luật hơn, cũng như bớt nhút nhát và sợ hãi. Các tình nguyện viên cũng nêu ra những lợi ích đối với bản thân, bao gồm: tăng cường sự tự tin, củng cố tính cách, hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc đọc sách, khả năng giao tiếp với trẻ em và khả năng hỗ trợ trẻ về mặt tâm lý.
Gần đây, chúng tôi đã hoàn thành một nghiên cứu trên trẻ em Jordan từ 6-8 tuổi. Tổng số mẫu là 69 trẻ em tham gia WLR. Ở cả thời điểm ban đầu và 3 tháng sau WLR, chúng tôi đã sử dụng Danh sách Kiểm tra Hành vi Trẻ em Achenbach (CBCL) để đánh giá khả năng vận hành não bộ của trẻ. Nghiên cứu sơ bộ của chúng tôi, cho thấy WLR có tác động tích cực đến việc thực hành đọc sách trong nhà. Chúng tôi cũng có cơ hội quan sát tác động của WLR đối với sức khỏe tinh thần. Dữ liệu sơ bộ của chúng tôi cho thấy mức độ căng thẳng của trẻ đã giảm từ lúc chưa tham gia cho đến 3 tháng sau khi tham gia. Danh sách CBCL cho thấy WLR đã giúp giảm thiểu các chứng như lo âu, trầm cảm ở trẻ.
WLR phát triển dựa trên các giá trị phổ quát và cơ bản, điều này giúp chương trình có thể áp dụng linh hoạt ở mức độ toàn cầu, có khả năng thích ứng với bất kỳ nền văn hóa hoặc bối cảnh xã hội nào. WLR đã phát triển một giải pháp kỹ thuật số trên nền tảng ứng dụng di động để đào tạo, giám sát và đánh giá, cũng như kết nối các tình nguyện viên tị nạn trên toàn thế giới. Được hỗ trợ từ một nghiên cứu khoa học, đặt con người ở vị trí trung tâm, WLR là một chương trình ý nghĩa, có thể nhân rộng và phát triển theo hướng bền vững. Phong trào xã hội này là một ví dụ điển hình về hiệu ứng cánh bướm, bắt đầu ở Jordan hơn 10 năm trước, dần lan rộng tới 55 quốc gia, và tác động đến cuộc sống của hàng triệu người.
WLR thành công vì nó phát triển dựa trên sự gắn kết vô hình nhưng mạnh mẽ của các cộng đồng. WLR là một chương trình đơn giản nhưng hiệu quả, thu hút những đối tượng phù hợp, nó phụ thuộc vào mạng lưới thanh thiếu niên và phụ nữ – từ đó hình thành nên một phong trào thay đổi xã hội thông qua việc đọc. Trong các tình huống khẩn cấp, ví dụ Covid-19, rất khó để thiết lập một hệ thống giáo dục mới đáp ứng đầy đủ độ an toàn, tính thực tiễn, chi phí, tính bền vững và nhân viên có trình độ. Do đó, trẻ em buộc phải nghỉ học vô thời hạn. Lượng người tị nạn nhân lên gấp bội. Và WLR xuất hiện, cho phép họ triển khai chương trình mọi lúc mọi nơi.
WLR triển khai có hiệu quả vì người dân địa phương có thể đọc to cho con trẻ bằng tiếng mẹ đẻ của mình, từ đó duy trì văn hóa địa phương. Đây là một chương trình vận hành bởi tình nguyện viên, và đọc là một hoạt động suốt đời, vậy nên chi phí để triển khai rất thấp và chắc chắn sẽ bền vững về lâu dài. WLR giúp hàng trăm phụ nữ địa phương được thỏa thích sáng tạo. Các tổ chức cần hệ thống phân cấp nhưng các phong trào cần động cơ hợp lý, chia sẻ hệ giá trị chung, mục tiêu chung để gắn kết mọi người lại với nhau. Mỗi người đều có thể điều chỉnh hoạt động sao cho phù hợp với văn hóa và nhu cầu của họ, trong khi vẫn duy trì bản chất của mô hình.
Chúng ta không thể tập huấn cho tất cả các bậc cha mẹ kỹ năng đọc to và cách thể hiện niềm đam mê đọc sách. Nhưng chúng ta có thể tập huấn mỗi khu phố một người. Thế hệ trẻ em tới đây rồi sẽ lớn lên và nuôi dưỡng trong mình niềm đam mê đọc sách, trở thành những người có thể thay đổi hệ thống từ bên trong. Thông qua chương trình này, chúng tôi trang bị cho họ những công cụ để giải quyết các thách thức hiện tại và những thách trong tương lai mà chúng ta không thể lường trước được.
Chương trình được xây dựng dựa trên nghiên cứu khoa học đáng tin cậy, và được các nhà nghiên cứu tại các tổ chức giáo dục đại học hàng đầu, bao gồm Đại học Brown, Đại học Harvard, Đại học Yale, Đại học New York và Đại học Chicago tiến hành đánh giá. Chúng tôi hợp tác rộng rãi với các trường đại học và các nhà nghiên cứu để kiểm tra mô hình của mình, từ đó có được những điều chỉnh hợp lý. Chương trình đã được các tổ chức trên khắp thế giới vinh danh nhờ những cống hiến trong việc nâng cao chất lượng sống cho trẻ em, người tị nạn, xóa mù chữ, cải thiện sức khỏe tinh thần, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Có thể kể đến: Giải thưởng Diễn đàn Khoa học, Công nghệ và Sáng tạo của Liên Hợp Quốc (2019), Giải thưởng Hội đồng Xóa mù chữ Thế giới (2018), Giải thưởng Doanh nhân Xã hội Quỹ Jacobs (2018), Giải thưởng Xóa mù chữ của UNESCO (2017), Giải thưởng Giáo dục Đột phá của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (2017), Giải thưởng Ảnh hưởng Quỹ STARS (dành cho các tổ chức đạt thành tích xuất sắc trong việc cung cấp dịch vụ cho trẻ em) (2015), Giải thưởng IDEO.org cho Chương trình Giáo dục Tị nạn (2015) và một số giải thưởng khác.
Tiến sĩ Dajani là người đã vận hành và phát triển WLR. Thông qua quá trình thử – sai (trong khoảng ba năm), lấy con người làm trung tâm, cô đã có thể đơn giản hóa mô hình nhất có thể nhưng vẫn giữ được nó hoạt động hiệu quả. Hiện chương trình vẫn tiếp tục phát triển nhờ sự phản hồi từ các tình nguyện viên địa phương.
Chúng tôi đã mở rộng chương trình đến 55 quốc gia trên thế giới, tập huấn hơn 4400 tình nguyện viên đọc to cho trẻ em và tiếp cận hơn 498.000 trẻ em trên toàn thế giới. Chúng tôi đang tiến hành nhiều dự án nghiên cứu nhằm tiếp tục chứng minh giá trị của mình trên nhiều lĩnh vực, bao gồm trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, hỗ trợ phục hồi chấn thương ở trẻ em, dịch vụ tị nạn và kinh doanh xã hội.
WLR đã đến Việt Nam
Bắt đầu từ một buổi trò chuyện Skype với TS Rana Dajani, một nhóm các nhà tâm lý học và giáo dục Việt Nam tại Pháp đã bày tỏ sự phấn khích của mình trong việc hỗ trợ WLR triển khai chương trình tại Việt Nam.
Hương Đặng, một nhà giáo dục Việt Nam tại Pháp, cho biết: “Trẻ em Việt Nam rất thông minh và khao khát học hỏi, nhưng không ai hướng dẫn chúng cách tiếp cận tri thức. Tôi muốn phát triển kỹ năng đọc sách cho trẻ em, và tôi tin rằng WLR sẽ mang lại những thay đổi đáng kể cho trẻ em Việt Nam”. Là cựu thành viên của Ban điều hành Khoa Giáo dục thuộc Đại học Quốc gia Việt Nam, bà Hương là người có nhiều kinh nghiệm làm việc trong các dự án liên quan đến trẻ em và giáo dục. Bà đã nghe về WLR khi chương trình được UNESCO trao Giải thưởng Xóa mù chữ vào năm 2017. Bà đã liên hệ TS Rana Dajani, và chỉ vài tháng sau đó, WLR đã bắt đầu triển khai chương trình tại Việt Nam. Lấy cảm hứng từ phong trào xã hội toàn cầu này, Reading Vietnam đã được thành lập vào cuối năm 2017.
Buổi đọc sách cho trẻ em của chương trình Reading Vietnam ở Phố sách Hà Nội vào năm 2018. Ảnh: Chí Tuệ | Tuổi Trẻ
Các chuyên gia giáo dục Việt Nam đã nghiên cứu để mô hình chi phí thấp này có thể thích nghi với điều kiện văn hóa xã hội ở Việt Nam. Sau giai đoạn thử nghiệm, Reading Vietnam (RVN) đã chính thức ra mắt tại Hà Nội. Các nhà giáo dục và chuyên gia có trình độ đã tổ chức tập huấn cho những tình nguyện viên. Những tình nguyện viên này sẽ trở thành đại sứ đọc sách, phụ trách tổ chức các buổi đọc to cho nhóm trẻ nhỏ trong khu phố của mình. Họ cam kết tổ chức đọc một lần một tuần, và cung cấp sách cho các em đọc tại nhà, rồi một tuần sau đó các em nhỏ sẽ tiếp tục trao đổi sách với nhau.
Đến nay, WLR Việt Nam đã tập huấn khoảng 600 người, trong đó, 180 đại sứ của WLR đã đọc sách cho 5000 trẻ em tại 38 tỉnh thành của Việt Nam. Việt Nam là một trong số nhiều quốc gia đã áp dụng thành công Chương trình WLR. Chúng tôi không muốn mở văn phòng đại diện ở mọi quốc gia, thay vào đó, chúng tôi hỗ trợ các tổ chức để họ triển khai chương trình. Mô hình này là một cách phát triển bền vững vì nó thuộc sở hữu cộng đồng. Mô hình sử dụng và tận dụng các nguồn lực địa phương, ứng dụng di động sẽ đảm bảo chất lượng và khả năng phát triển bền vững thông qua một cộng đồng ảo đầy gắn kết, các hình thức đào tạo trực tuyến và sách số hóa thì đảm bảo khả năng tiếp cận tri thức. WLR là một ví dụ tiêu biểu cho lý thuyết hỗn loạn: khi một con bướm vỗ cánh ở Trung Quốc, sẽ có một cơn bão ở Đại Tây Dương. WLR bắt đầu ở Jordan và đã lan rộng khắp thế giới. Mỗi người bắt đầu nó đều là một chú bướm, và chúng ta đang cùng nhau thay đổi tư duy, góp phần tạo nên những đứa trẻ có thể thay đổi cả thế giới.
Anh Thư dịch