Xa mà ngay bên ta

Những ghi chép của tôi trong bảy ngày của một chuyến đi công tác không thể gọi gì khác hơn là những thứ tản mạn. Tản mạn về một thứ tuy rất xa, rất lớn mà ngay ở bên ta. May ra gợi suy được gì cho hiện tại và tương lai.

Trivandrum, bang Kerala, Ấn Độ, ngày thứ hai …
Cuộc hội thảo đang đi vào giai đoạn cuối. Các chương trình nghiên cứu về xóa đói giảm nghèo của 6 nước đang phát triển (3 ở Châu Á: Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam; 3 ở Châu Phi: Ai Cập, Tanzania, Uganda) tập hợp tại bang Kerala, một bang nghèo nhất của Ấn Độ để bàn về các nghiên cứu của mình, cả về nội dung và phương pháp luận. Chủ đề sôi động nhất là làm thế nào người dân nghèo của nhiều nước trên thế giới có thể tồn tại được trong bối cảnh mà một tấn thóc, hoặc hàng trăm nải chuối, mớ rau chỉ bán được có tí tiền, sau bao nhiêu thời gian đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Sản xuất nông nghiệp chắc chả còn cơ tồn tại vững chắc trong thời đại này, khi một năm thì hết mưa lại bão, hết hạn lại cháy, rồi sâu bệnh. Mà sản xuất ra xong đã chắc gì xuất khẩu được, cho dù bán với giá rẻ mạt. Xuất khẩu tôm mà dính tí kháng sinh vào coi như vứt, các nhà gác cổng Mỹ và Châu Âu sẽ đổ ngay xuống biển, hoặc nhà xuất khẩu lại phải mất tiền để chở đi chỗ khác mà hủy.
Các vấn đề nan giải không chỉ dừng ở sản xuất nông nghiêp, nó lan sang cả xã hội nông thôn, thôi thì đủ loại vấn đề: chiến tranh xuất phát từ bộ lạc đánh nhau, rồi các chính sách đòi đất của điền chủ da trắng chia lại cho dân nghèo da đen ở Zimbawe, rồi chính quyền huyện (gọi là Panchayat ở Ấn Độ) dung túng cho cán bộ xã ức hiếp dân (có nơi bồi thường việc cán bộ xã hiếp vợ của dân bằng 500 Rupi, tương đương với 200 nghìn đồng Việt Nam), hàng loạt trẻ em gái ở nông thôn bỏ học, kéo nhau về các thành phố lớn như Bombay, Dehli, Kalkuta để tìm việc, thực chất là đi vào nhà chứa, v.v. và v.v.
Nông dân bây giờ khổ thật. Trong cảnh khốn khó này, có một số học giả thậm chí đành đề cao chủ trương duy trì kiểu sống theo bộ lạc và coi sự tác động của chính quyền, của phát triển kinh tế bên ngoài vào các loại xã hội truyền thống là có hại.
Một số học giả vẫn cho rằng chẳng có con đường nào khác, ít nhất là trong nhiều năm sắp tới đa số dân trên thế giới vẫn phải tiếp tục duy trì sản xuất nông nghiệp, nhưng với cái giá nào? Tác động của toàn cầu hóa sẽ là như thế nào với sản xuất và sản phẩm nông nghiệp, với sự phát triển của xã hội nông thôn? Không thấy ai bàn nhiều đến công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn cả. Thật là lạ. Xem ra Việt Nam vẫn còn tìm cách bươn chải, thoát ra khỏi cái cảnh này, tuy rằng chẳng dễ tí nào.

Bombay, Ấn Độ, ngày thứ tư …
Sân bay quốc tế
Sân bay nội địa khá trật tự, có vẻ vắng vẻ một cách khác thường so với một nước có khoảng 1 tỷ dân. Nhưng sự thanh bình và dễ chịu này đã nhanh chóng nhường chỗ cho sự bực bội tăng dần lên. Thứ nhất, sau khi cho khách ngồi yên vị trong chiếc xe chuyển khách từ sân bay nội địa sang sân bay quốc tế, lái xe biến mất. Gần một tiếng sau, họ quay lại và chờ đón thêm khách của các chuyến sau. Cung cách “đầy xe mới đi”, chứ không phải theo lịch giờ đã định, có lẽ không chỉ là của riêng Việt Nam. Tôi còn nhớ có thời kỳ, có nơi rạp chiếu phim đầy rạp mới chiếu. Đành tự an ủi, đây không phải là Charles de Gaule, Paris, nơi các xe chuyển khách cứ chạy vòng quanh, không cần biết có ai ở trong hay không.
Khi tôi bắt đầu thở phào nhẹ nhõm khi xe chuyển bánh thì 3 phút sau, nó lại dừng lại để xếp hàng lấy xăng. Khoảng hơn một chục người, trong đó có cả 2 lái xe, xúm vào bàn thảo, xem xét và trao đổi các loại giấy tờ, tiền nong, chỉ chỗ nọ, chạy sang chỗ kia trước khi có thể mở máy bơm xăng vào xe. Tại sao họ lại không thể lấy xăng trong khi chờ đợi lấy khách đến cả tiếng đồng hồ nhỉ. Chẳng lẽ đây cũng là một cách tạo công ăn việc làm cho gần một tỷ dân. Sau khoảng nửa tiếng nữa thì xe cũng chuyển bánh được đi về sân bay quốc tế.
Sân bay quốc tế Bombay trông khá khang trang, rộng rãi, cửa kính sáng loáng. Nhưng chỉ có thể ra vào bằng đúng một cửa duy nhất, có lính gác cầm súng lăm lăm, các loại cửa khác, vốn được thiết kế cho ra vào tự động, mở ra bằng cảm ứng đều được đóng kín mít, không dùng được. Nếu họ mở ra thì sao nhỉ? Có lẽ dân quá đông, sẽ tràn khắp nơi và không quản lý (bảo vệ) nổi? Một xã hội 1 tỷ dân cộng với những vấn đề của nền an ninh phải đối chọi với khủng bố và nguy cơ chiến tranh hạt nhân với Pakistan ư? Nhưng Trung Quốc còn hơn một tỷ dân thì sao? Liệu có cảnh này không?
Rẽ vào quán ăn mua một cốc nước, tôi phải chờ mất nửa tiếng nữa. Cũng là cái hay vì có thời gian thư giãn, ngắm nhìn máy bay lên xuống, khoảng nửa tiếng một chuyến, nhộn nhịp hơn Nội Bài hoặc Tân Sơn Nhất nhiều. Nếu so với tốc độ chào hàng bia, mực, đậu phụ và lạc rang ở quán Lan Chín hay Hải Xồm ở phố Tăng Bạt Hổ, các dịch vụ ở đây chạy dài. Họ chậm và nhỏ nhẹ hơn nhiều. Không có lôi kéo tay cầm xe máy, không có hò hét, không quát tháo. Nhưng đúng là họ phục vụ chậm, quá chậm. Cũng không rõ thế nào thì hơn, tùy theo ý thích của từng người.
Tôi nhớ lại hôm trước phải nghỉ lại đêm vì chuyển máy bay tại một khách sạn ở Dehli, Thủ đô Ấn Độ. Tùng, một nhân viên trong cơ quan đang được biệt phái làm việc tại một tổ chức của Liên hợp quốc, ra đón chúng tôi đã phải thốt lên: “Dịch vụ kiểu này mà cũng xuất khẩu được 8 tỷ đô la phần mềm một năm đấy”. Quả thật, cả cơ sở vật chất và dịch vụ khách sạn của Ấn Độ không thể so với Hilton Nhà hát lớn hay Sofitel Plaza ở Hồ Tây. ở đây lấy đâu ra những bóng áo dài thướt tha đầy quyến rũ của các cô gái Việt Nam. Lấy đâu ra những nụ cười mê hồn, lấy đâu ra sự chiều khách vừa nhanh vừa nhiều của nhân viên. Vậy mà họ vẫn xuất khẩu được 8 tỷ đô la một năm phần mềm. Cũng không hổ danh đất nước đã nghĩ ra cờ vua. Cái gì chậm cứ chậm, nhưng những gì người Ấn Độ làm được là đáng kính nể.

Havana, Cuba, ngày thứ năm …
Khách sạn Palco


Tác giả đang đứng trước Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Canada

Nâng cấp công nghiệp, hội nhập và đầu tư nước ngoài là chủ đề của một hội thảo do Cuba cùng với Thuỵ Điển tổ chức, có mời nhiều nhà khoa học của các nền kinh tế đang và đã cải cách đến để trình bày kinh nghiệm cho đồng nghiệp Cuba học tập. Kể từ các nhà cải cách theo liệu pháp sốc như Nga, Hungary, cho đến các nhà cải cách theo kiểu đặc biệt mang màu sắc riêng như Trung Quốc đều có mặt. Bên cạnh đó là các học giả nền kinh tế thị trường gần như tuyệt đối như Hoa Kỳ và các nhà kinh tế thị trường mang màu sắc xã hội và nhân văn hơn như Thuỵ Điển. Các cuộc thảo luận đều xoay quanh làm sao Cuba có thể học được cái gì đó. Kể ra cũng khó thật. Cuba đâu phải Nga, Hungary, cũng chẳng phải Trung Quốc hay Việt Nam. Càng không phải Hoa Kỳ hay Thuỵ Điển. ấy vậy mà vẫn phải học, phải chắt lọc kinh nghiệm của người khác. Nhưng Việt Nam mình cũng đã từng phân vân, đã học, đã rút kinh nghiệm và đã thay đổi.
Cái chính là hình như không phải ai cũng muốn học. Bên cạnh đa số đại biểu thích thú khi nghe kinh nghiệm của Trung Quốc, hay Việt Nam, có một số người dường như hơi phân vân, thậm chí lo lắng. Liệu khuyến khích tư nhân phát triển doanh nghiệp có mất chủ nghĩa xã hội không, liệu đầu tư nước ngoài vào có bóc lột nhân dân không, và còn nhiều câu hỏi khác nữa. Tưởng chừng xã hội này chỉ muốn đứng một mình, ngoài những gì cả thế giới đang bàn đến. Mà có lẽ cũng vì cấm vận kinh tế mà đất nước này đã phải trải qua dài hơn ai hết.

Varadero, ngày thứ sáu …
Sau hai ngày hội thảo căng thẳng, tất cả đại biểu dự hội thảo được tổ chức cho đi nghỉ ở Varadero, một khu nghỉ mát nổi tiếng trên bờ biển khá xinh đẹp, kiểu như Nha Trang hay Phan Thiết của ta. Sau khoảng 2 tiếng đồng hồ đi cùng nhau trên một chuyến xe buýt giành cho du lịch quốc tế, chúng tôi đến thành phố du lịch. Đủ loại khách sạn nổi tiếng có mặt ở đây, Sofitel, Melia… như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, hơn cả thế, khách sạn rất lớn, hoành tráng, nối tiếp nhau xếp hàng dài trên vài cây số bờ biển. Sau khi tập hợp tại một khách sạn khá tốt, cỡ vừa kiểu như khách sạn Hòa Bình, mọi chuyện bắt đầu. Chúng tôi được thông báo là sẽ phải đi chọn khách sạn khác, vì các đại biểu trong nước (chính là ban tổ chức hội nghị, cơ quan chủ trì, v.v) người Cuba không được ở trong khách sạn này, vốn chỉ giành cho người nước ngoài, và thanh toán bằng ngoại tệ. Cả đoàn lại phải lên xe, đi tìm một khách sạn khác phù hợp hơn, ít sao hơn, cỡ nhỏ hơn và dành cho tất cả mọi người (tôi đã tưởng như vậy). Khoảng 10 phút sau, loanh quanh chúng tôi đã đến một khách sạn khác, người Cuba đầy trong khách sạn, tiếng Tây Ban Nha nghe ròn rã, rào rào. Trẻ em chạy rầm rập. Chả khác gì một nhà nghỉ ở Bãi Cháy đầy người Hà Nội xuống nghỉ cuối tuần. Ở đây chắc vui lắm đây, tôi đã khấp khởi. Sự phấn khích của tôi không kéo dài được lâu. Chúng tôi, những đại biểu nước ngoài, sau khi chờ đợi khoảng 30 phút lại được lệnh lên xe, quay trở lại khách sạn đầu. Một lý do đơn giản, người nước ngoài không được ở trong khách sạn chỉ giành cho người trong nước, không thanh toán bằng tiền ngoại tệ. Vắn tắt lại là người nước ngoài không thể ở chung cùng một khách sạn với người trong nước. Tất cả đã được lên kế hoạch, không có chỗ cho sự linh hoạt nào. Các đồng nghiệp Cuba có vẻ áy náy, thậm chí hơi ưu phiền khi việc này diễn ra. Các đại biểu đến từ các nước Âu, Mỹ thì tỏ vẻ kinh ngạc. Riêng tôi thấy mình như quay về Hà Nội những năm 70, thậm chí 80, không hề ngạc nhiên. Chỉ là một cảm giác khó tả. Và hơn thế là một cái thở phào. Dân ta, nước ta mà không có đổi mới, khéo vẫn còn thế này, hoặc không được như vậy. Thật khó mà tưởng tượng như bây giờ người mình phải vào khách sạn Kim Liên mà ở, còn đồng nghiệp nước ngoài thì ở khách sạn Dân Chủ, không vì nguyên nhân thiếu kinh phí.
Đã tưởng là sẽ khó tìm thấy được một dấu hiệu của kinh tế thế giới, của tinh thần làm ăn doanh nghiệp ngoài nhà nước ở đây. Tôi lại nhầm. Ngay xế trước cửa khách sạn chúng tôi ở, có một hàng cho thuê xe máy, của tư nhân, Khoảng 4-5 chiếc xe loại như Vespa cỡ nhỏ. Khách không cần để lại giấy tờ gì, kể cả tiền đặt cọc. Chỉ cần ghi nhận, nói khách sạn mình ở và lấy xe đi, xăng anh tự đổ, khi về thanh toán, 2 đô la một giờ. Một mình một xe, tôi rong ruổi suốt bán đảo Varadero dài khoảng 5 cây số, chạy dọc theo con đường trục của các khách sạn quốc tế lớn. Trời nắng, nóng, lác đác thỉnh thoảng mới gặp một cái xe đi ngược chiều. Một vài quán nhỏ bán nước giải khát, bán ảnh du lịch hoặc bản đồ. Ngay cả một xã hội tưởng chừng như cứng rắn như Cuba cũng bắt đầu thay đổi và hội nhập. Tác động của toàn cầu hóa đến hệ thống xã hội và từng người dân tuy chưa thấy mạnh mẽ, nhưng đã len lỏi khắp nơi. Bên cạnh khu vực kinh tế nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân đã xuất hiện. Nền kinh tế này thừa đủ tiềm năng cho phát triển, họ đã trở thành một cường quốc du lịch, và sẽ ngày càng mạnh hơn. Nếu tham gia đầy đủ hơn nữa vào hội nhập, vào phát triển kinh tế dân doanh, chắc chắn Cuba không thể không phát triển.
Tiếc một nỗi, công nghệ thông tin dường như dừng lại tại chỗ ở đây, Internet rất chậm, thậm chí hầu như không chạy, ngay cả trong các khách sạn quốc tế. Không phải ai cũng theo được con tầu cao tốc công nghệ thông tin. Công việc chỉ đạo từ xa thông qua mạng chắc “liệt” hẳn cho những ai muốn dùng chính phủ điện tử, vừa đi công tác vừa vận hành công việc ở nhà.


Một cánh đồng chè ở Ấn Độ

Toronto, ngày thứ bảy …
Nói đến công nghệ thông tin, có lẽ Canada là một xã hội gần như dẫn đầu thế giới. Ngoài phố có các quầy có cả màn hình cho người dân tra cứu tất cả các loại thông tin cần thiết. Cơ sở hạ tầng đáng tin cậy, nội dung thông tin phong phú. Tôi vào thư viện của khoa luật trường Đại học Tổng hợp Toronto làm việc với một anh bạn. Tranh thủ lên mạng kiểm tra thư điện tử, bằng cách vào trang chủ của chính cơ quan mình, hết đúng nửa phút. Nếu ngồi ngay tại phòng mình ở tầng hai của cơ quan trên phố Ngô Quyền, để đọc thư được lưu tại máy chủ lưu trữ trên tầng ba, tôi thường mất khoảng 5 phút để vào được nơi lưu giữ thư. Việc gửi một tệp tin từ phòng nọ sang phòng kia đôi khi còn mất nhiều thời gian hơn. Nếu thế thì ngồi ở Toronto cách Hà Nội nửa vòng quả đất để làm việc trên các tệp dữ liệu này, có khác gì ngồi ở ngay chính cơ quan mình, nếu không phải là nhanh hơn? Khoảng cách còn ý nghĩa gì nữa không? Thật là một nghịch lý.
Đặc biệt, sự kết nối bằng công nghệ thông tin đã tạo điều kiện cho các tỉnh có khoảng cách rất xa nhau, với các điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt đều có cơ hội ngang nhau. Ngồi ở Edmonton, thủ phủ tỉnh Alberta với cái lạnh vùng cực và dân cư thưa thớt cũng không thua kém gì như ngồi ở Toronto, một thành phố rất gần Mỹ và như Mỹ.

Ottawa, ngày thứ tám…
Thương mại điện tử cho doanh nghiệp là chủ đề mà tôi tham gia một cuộc tọa đàm với một số tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp của Canada. Cái hay ở đây, thực ra lại không phải là sự phô trương sức mạnh công nghệ thông tin mà một xã hội như Canada có thừa. Cái đáng nói ở đây là các đồng nghiệp nhấn rất mạnh đến sự rộng lớn của đất nước này, và vì vậy khoảng cách rất lớn giữa các điểm dân cư, các thành phố. Phương cách duy nhất để khắc phục khoảng cách là sử dụng công nghệ thông tin, là ứng dụng thương mại điện tử cho cả những tỉnh cách xa thủ đô đến vài ngàn cây số như cực đông. Một dự án của Viện công nghệ thông tin thuộc Hội đồng nghiên cứu Canada (National Research Council Canada, NRC) đang phát triển tại các vùng cực đông xa xôi như Nova Scotia là những ví dụ làm sao công nghệ thông tin có thể giúp cho nông dân, ngư dân tại vùng sâu, vùng xa. Ngồi ở một thị trấn dầu khí vùng New Foundland hay thậm chí một làng chài nhỏ tỉnh New Brunswick, người ta hoàn toàn có thể có giao dịch thưong mại, học hành và tiếp cận các nguồn thông tin như là ngồi ngay giữa thủ đô Ottawa vậy. Thế giới trở nên nhỏ hơn, khoảng cách rút xuống ngắn hơn. Người ta sống được theo tiêu thức thời gian thật (real time), bất chấp múi giờ.

Hà Nội, ngày thứ mười …
Ngồi trên máy bay về nhà, người bên cạnh tôi đang đọc cuốn sách của Stiglitz Toàn cầu hóa và những vấn đề của nó.1 Lật trang báo do hãng hàng không vừa mang lên trước khi cất cánh, trải dài các trang là một loạt tít liên quan đến toàn cầu hóa. Tôi chợt nghĩ, toàn cầu hóa là gì nhỉ. Có lẽ toàn cầu hoá không phải là cái gì trừu tượng mà là việc xảy ra hàng ngày, có tác động vào tất cả mọi loại hình sinh hoạt kinh tế-xã hội trong một bối cảnh thời gian thật, không gian rút ngắn, thu hẹp. Như Friedman đã phải thốt lên “Thế giới đã trở nên phẳng rồi”2. Mọi người, mọi công ty, mọi quốc gia đều có cơ hội tranh đấu trên một mặt phẳng như nhau, không cao, không thấp hơn.
Tuy nhiên cái gì cũng có hai mặt của nó. Toàn cầu hóa chắc chắn không phải liều thuốc tiên, và có cả lợi và hại. Điều quan trọng là không thể để buông trôi, không có hành động hoặc giải pháp gì. Bên cạnh việc khai thác tối đa cái lợi của toàn cầu hóa, việc giảm thiểu những tác động gây thiệt thòi không kém quan trọng. Vấn đề là những nhóm người chịu thiệt sẽ tự phát hành động một cách đơn độc hay được chỉ bảo, hướng dẫn, giúp đỡ và tổ chức hành động. Đây là một cuộc chơi sẽ mang lại những cơ hội khổng lồ cho những ai biết cách khai thác, và sẽ không thương tiếc với những người chậm chân. Thế giới đang chuyển động.
—————-
  Stiglitz, Joseph (2000) Globalization and its discontent.
2 Thomas L. Friedman là một tác giả có nhiều tác phẩm kinh tế-chính trị nổi tiếng như  “Thế giới phẳng” (2005) hoặc “Chiếc Lexus và cây ô liu” (1999) phân tích về toàn cầu hóa, và các vấn đề kinh tế quốc tế.

Trần Ngọc Ca

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)