Xác định được gene đóng vai trò quan trọng gây trầm cảm
Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Thần kinh học (Journal of Neuroscience) cho thấy, mức độ hoạt động của gene Slc6a15 ở trong các tế bào thần kinh (neuron) có thể làm tăng hoặc giảm tình trạng căng thẳng. Nghiên cứu này có thể dẫn đến những liệu pháp tập trung vào gene Slc6a15 như một hướng mới trong điều trị trầm cảm.
Nghiên cứu này tập trung vào các neuron ở vùng não tưởng thưởng (reward circuit).
Mỗi năm, chứng trầm cảm tác động tới hơn 300 triệu người trên toàn thế giới. Có gần 800.000 người chết vì tự tử hằng năm – là nguyên nhân đứng thứ hai gây tử vong ở độ tuổi từ 15 tới 29. Trên hết, trầm cảm hủy hoại chất lượng sống của hàng chục triệu bệnh nhân và gia đình họ. Mặc dù các yếu tố môi trường đóng vai trò trong nhiều ca trầm cảm, nhưng yếu tố di truyền học cũng vô cùng quan trọng.
Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học ở Đại học Y Maryland (UM SOM) đã xác định chính xác loại gene vừa đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ thần kinh khỏi tình trạng căng thẳng, vừa đẩy nó rơi vào tình trạng lo âu dẫn tới trầm cảm, tùy thuộc vào mức độ hoạt động của nó.
Nghiên cứu nói trên, lần đầu tiên giải thích một cách cụ thể về hoạt động của gene đặc biệt này, được gọi là gene Slc6a15, có mặt trong một loại neuron thần kinh đóng vai trò chính trong chứng trầm cảm. Nghiên cứu này chứng minh được mối quan hệ giữa gene Slc6a15 và chứng trầm cảm ở cả động vật và con người.
“Nghiên cứu của chúng tôi thực sự làm sáng tỏ gene này tác động tới tâm trạngnhư thế nào khi hoạt động ở các mức độ khác nhau”, TS. Mary Kay Lobo thuộc Khoa Giải phẫu học và Sinh học thần kinh, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết. “Nó cho thấy rằng, ở những người có gene này hoạt động ở mức độ khác thường tại một số vùng nhất định của não biến đổi thì nguy cơ mắc chứng trầm cảm và các rối loạn cảm xúc liên quan tới stress cao hơn nhiều.”.
Năm 2006, Lobo và các đồng nghiệp của bà phát hiện ra gene Slc6a15 xuất hiện phổ biến hơn ở một số neuron nhất định trong não và gần đây họ đã chứng minh được rằng những neuron này có vai trò rất quan trọng đối với chứng trầm cảm. Sau khi một số nhà nghiên cứu khác cũng đề cập vai trò của gene Slc6a15 đối với chứng trầm cảm, phòng thí nghiệm của TS. Lobo đã quyết định sẽ nghiên cứu về vai trò của những neuron đặc biệt này. Trong nghiên cứu nói trên, Lobo và các đồng nghiệp đã tập trung vào vùng nhân vòng (nucleus accumbens) ở não bộ. Vùng này đóng vai trò trung tâm trong “vùng tưởng thưởng” của não bộ. Ví dụ, khi bạn ăn một bữa ăn ngon, quan hệ tình dục, uống rượu, hoặc có bất kỳ một trải nghiệm thú vị nào khác, các neuron trong vùng nhân vòng sẽ được “kích hoạt”, tạo ra những cảm giác hưng phấn mong đợi. Với người bị mắc chứng trầm cảm, họ rất khó hoặc không thể cảm nhận bất kỳ sự thích thú nào – triệu chứng này được gọi là anhedonia – trong tiếng Latinh có nghĩa là không có khả năng trải nghiệm niềm vui.
Các nhà nghiên cứu tập trung vào nhóm các neuron ở vùng nhân vòng, được gọi là các neuron D2. Các neuron này phản ứng với chất dẫn truyền thần kinh dopamine, chất đóng vai trò quan trọng trong vùng não tưởng thưởng.
Họ đã nghiên cứu những con chuột có khả năng bị trầm cảm; khi gặp tình huống căng thẳng trong đời sống bầy đàn – như phải tiếp xúc với những con chuột khác lớn và hung hăng hơn – chúng có xu hướng trốn tránh và có hành vi cho thấy biểu hiện của chứng trầm cảm, chẳng hạn như rút lui khỏi đời sống bầy đàn và không còn hứng thú với những loại thức ăn chúng thích nữa. TS. Lobo phát hiện ra rằng, khi những con chuột này rơi vào trạng thái căng thẳng thường xuyên trong quan hệ bầy đàn, mức độ hoạt động của gene Slc6a15 trong các neuron D2 ở vùng nhân vòng giảm đáng kể.
Các nhà nghiên cứu cũng khảo sát những con chuột đã được làm giảm mức độ hoạt động của gene Slc6a15 trong các neuron D2. Khi những con chuột này gặp căng thẳng, chúng cũng thể hiện những dấu hiệu của trầm cảm. Ngược lại, khi các nhà nghiên cứu tăng cường mức độ hoạt động của gene Slc6a15 trong các neuron D2 thì những con chuột lại cho thấy chúng dễ dàng ứng phó và phục hồi khi gặp stress.
Sau đó, Lobo quan sát não bộ của những người có tiền sử trầm cảm nghiêm trọng và những người từng tự sát. Trong vùng nhân vòng của những bộ não này, mức độ hoạt động của gene Slc6a15 đã bị giảm. Điều này cho thấy cùng mối liên hệ giữa gene Slc6a15 với hành vi cả ở chuột và người.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu chưa rõ gene Slc6a15 có cơ chế hoạt động như thế nào. Theo PGS.TS Lobo, có thể nó làm thay đổi nồng độ các chất truyền dẫn thần kinh trong não, một giả thiết đã có bằng chứng từ một số nghiên cứu khác. Bà nói, nghiên cứu của mình cuối cùng có thể dẫn đến những liệu pháp mong đợi, tập trung vào gene Slc6a15 như một hướng mới trong điều trị trầm cảm.
Lê Anh Vũ dịch
Nguồn:
https://www.sciencedaily.com/releases/2017/07/170706114559.htm