Xây dựng trung tâm R&D bằng niềm tin
Sự hình thành và phát triển của Trung tâm R&D Chiếu sáng Rạng Đông là kết quả của lòng tin giữa doanh nghiệp và nhà khoa học.
Thông thường, các trung tâm nghiên cứu trong doanh nghiệp được thành lập theo hai cách. Cách thứ nhất là doanh nghiệp nhập ngoại các máy móc, thiết bị thí nghiệm và thuê chuyên gia nước ngoài đào tạo đội ngũ chuyên làm R&D cơ hữu trong nước. Cách thứ hai là cách mà đa số doanh nghiệp ở Việt Nam đang thực hiện, đó là “tự làm lấy”. Sự hạn chế của các doanh nghiệp tự xây dựng trung tâm R&D là thường thiếu nền tảng KH&CN, chậm cập nhật thông tin, thành tựu đổi mới công nghệ, thiếu sự tham gia tư vấn chuyên môn của những người am hiểu công nghệ và điều kiện sản xuất của Việt Nam.
Đi tìm tiếng nói chung
Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đi theo hướng hoàn toàn khác. Họ dành hơn năm năm “làm quen” với các nhà khoa học rồi mới thành lập trung tâm vào năm 2011. Ban đầu, để triển khai Thỏa thuận Hợp tác giữa Viện KH&CN Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và Rạng Đông, Chủ tịch Viện lúc bấy giờ, GS. Đặng Vũ Minh, đã tạo điều kiện và khuyến khích một số cán bộ khoa học có chuyên môn thích hợp của các viện nghiên cứu chuyên ngành tới giúp Rạng Đông đưa KH&CN vào sản xuất, hỗ trợ cán bộ kỹ thuật, kỹ sư trong Công ty giải quyết, tiếp cận các vấn đề kỹ thuật công nghệ một cách khoa học thay vì làm bằng kinh nghiệm như trước kia (chứ chưa tham vọng áp dụng các kết quả nghiên cứu tại viện vào sản xuất ngay). PGS.TS. Đỗ Xuân Thành coi đây là “bước khởi động” và đóng một vai trò quan trọng trong con đường hình thành Trung tâm R&D Chiếu sáng sau này vì “chúng tôi gặp nhau và tìm ra tiếng nói chung. Đó là khi phía doanh nghiệp “lớn lên”, có đủ trình độ tiếp nhận KH&CN và các nhà khoa học cũng nắm được thực tiễn để biết mình phải làm những gì”.
Với xuất phát điểm như vậy, bộ máy của Trung tâm R&D Chiếu sáng Rạng Đông khá đặc biệt. Cán bộ của Rạng Đông chỉ chiếm khoảng một nửa nhân lực trong Trung tâm, gồm các vị trí quản lý và các cán bộ kỹ thuật ưu tú được lấy từ các xưởng lên. Những thành viên còn lại, chiếm đa số là các chuyên gia đến từ các viện, trường đại học, còn được gọi là cộng tác viên, gắn kết với Rạng Đông theo từng nhiệm vụ và dự án cụ thể.
Khi sản phẩm Led chiếm tỷ trọng đáng kể trong doanh số bán hàng của Rạng Đông vào năm 2020, sẽ mở ra “khoảng trống sáng tạo” to lớn cho Trung tâm R&D Chiếu sáng Rạng Đông, bắt đầu từ khâu thiết kế mô phỏng đến làm chủ quy trình sản xuất, chế tạo sản phẩm. |
Rạng Đông thu hút đội ngũ cộng tác viên bằng nhiều phương thức và lợi thế. Đội ngũ cộng tác viên có thể được hình thành bằng việc ký thỏa thuận hợp tác dài hạn, hoặc ngắn hạn giữa Rạng Đông và một đơn vị nghiên cứu. Chẳng hạn, liên kết dài hạn giữa Rạng Đông và Đại học Bách khoa, cụ thể là Viện Tiên tiến KH&CN (AIST) cùng thực hiện hướng nghiên cứu về vật liệu quang – điện tử hay hợp tác ngắn hạn giữa Rạng Đông và Học viện Nông nghiệp, cụ thể là Viện Sinh học Nông nghiệp, để nghiên cứu dòng sản phẩm chiếu sáng phục vụ nông nghiệp công nghệ cao. Cộng tác viên cũng có thể đến Trung tâm R&D của Rạng Đông với tư cách cá nhân. Bên cạnh đó, dù là cộng tác viên toàn thời gian hay bán thời gian, họ đều không phải tới công ty thường xuyên mà chỉ cần họp một-hai tuần một lần. Nhờ vậy, Rạng Đông vừa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao (kể cả khi họ đang đương nhiệm tại một đơn vị công lập) vừa tận dụng được các trang thiết bị hiện đại trong các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia để tạo ra công nghệ mới ứng dụng vào sản xuất.
Đầu tư cho tương lai
PGS.TS. Đỗ Xuân Thành từng phát biểu trên Tia Sáng rằng: “Doanh nghiệp cần kiên nhẫn, không nên đòi hỏi đạt được thành quả ngay từ công việc nghiên cứu của nhà khoa học. Tuy nhiên, để có được sự kiên nhẫn đó, doanh nghiệp cần phải có niềm tin vào nhà khoa học”.
Đó gọi là sự đầu tư cho tương lai, bởi có những sản phẩm rất hiệu quả nhưng thị trường chưa đón nhận ngay. Một trong những nhóm sản phẩm rất tiềm năng của Rạng Đông là các loại đèn huỳnh quang, đèn compact chuyên dụng phục vụ chiếu sáng nhân tạo cho nông nghiệp công nghệ cao. Lợi thế lớn của Rạng Đông để có thể cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập tương tự là tạo ra sản phẩm chuyên dụng phù hợp với trình độ canh tác và điều kiện sử dụng thực tiễn ở Việt Nam nhờ kết hợp đội ngũ chuyên gia về quang – điện tử, nông nghiệp, sinh học và cả những người nông dân giàu kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu tạo ra sản phẩm. Rạng Đông đã đưa ra thị trường đèn huỳnh quang và huỳnh quang compact trong phòng nuôi cấy mô, điều khiển ra hoa trái vụ cho cây thanh long và hoa cúc, chứng minh được hiệu quả và tiết kiệm điện năng so với các thiết bị hiện dùng. PGS.TS. Đỗ Xuân Thành chia sẻ rằng, sự đầu tư vào lĩnh vực này chưa đem lại lợi nhuận ngay cho công ty nhưng sản phẩm chiếu sáng chuyên dụng cho nông nghiệp công nghệ cao vẫn là hướng phát triển chiến lược của Rạng Đông vì trong tương lai, hướng sản xuất theo quy mô lớn của nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam sẽ phát triển rất mạnh mẽ. Khi đó, các sản phẩm chiếu sáng chuyên dụng sẽ có thể bứt phá, mang lại doanh thu cao cho Công ty.
Sự đầu tư cho tương lai còn thể hiện ở việc Công ty mạnh dạn đầu tư lớn để phát triển những sản phẩm mới. Led là một ví dụ. Thị trường Led trên thế giới đang phát triển nhanh chóng và rất sôi động, trong khi đó các doanh nghiệp trong nước đa số chỉ lắp ráp, gia công còn việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm chiếu sáng dùng Led rất hạn chế. Tại Trung tâm R&D Chiếu sáng Rạng Đông việc nghiên cứu và phát triển đèn LED được tiến hành một cách bài bản, bắt đầu từ khâu thiết kế mô phỏng, tiến tới làm chủ công nghệ từ khâu thiết kế đến quy trình sản xuất, chế tạo sản phẩm. Quá trình này sẽ diễn ra rất nhanh khi sản phẩm Led chiếm tỷ trọng đáng kể trong doanh số bán hàng của Rạng Đông vào năm 2020, mở ra “khoảng trống sáng tạo” to lớn cho Trung tâm R&D Chiếu sáng Rạng Đông để tạo ra những sản phẩm khác biệt, giá thành hợp lí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.