Xe tự lái được lập trình để bảo vệ ai?
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một số cuộc khảo sát lấy ý kiến người dân xung quanh vấn đề lập trình xe tự lái có nên mạo hiểm tính mạng người ngồi trên xe để cứu số đông người đi đường? Bảo vệ số đông người đi đường?
Robot Taxi (Taxi tự lái) – được kì vọng sẽ phục vụ du khách đến Nhật Bản vào Olympic 2020 Nguồn ảnh: caradvice.com.au
Hiện nay, xe tự lái (autonomous vehicles) đã không còn là khái niệm xa lạ, với nhiều hãng xe lớn đang cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường trong tương lai. Ước tính đến năm 2020, cả thế giới sẽ có khoảng 10 triệu chiếc.
Tuy nhiên, ngay cả khi xe tự lái được trang bị nhiều công nghệ để đối phó với các tình huống bất ngờ có thể xảy ra, tai nạn vẫn có thể xảy ra với những nguyên nhân khách quan khác nhau. Đây là một ví dụ điển hình: Một chiếc xe tự lái chở hành khách A đang đi trên đường, phía trước có một xe tải, bên phải là một người đi xe máy và bên trái là một xe ô tô cỡ lớn. Bất ngờ những thùng hàng trên chiếc xe tải rơi xuống. Trong trường hợp không kịp dừng lại, xe sẽ tiếp tục đi thẳng làm A gặp tai nạn nghiêm trọng; hay rẽ phải với khả năng làm người đi xe máy thương vong nhưng A sẽ được an toàn; hay rẽ trái vào xe ô tô với xác suất cả hai xe đều bị thiệt hại ít nhiều? Đối với một chiếc xe bình thường, phản ứng của người lái xe là hoàn toàn ngẫu nhiên và không đoán định được. Tuy nhiên với xe tự lái, những phản ứng này hoàn toàn có thể được lập trình trước. Lúc đó, vấn đề đạo đức được đưa ra và chúng ta phải đối mặt với những sự lựa chọn không hề dễ dàng.
Trong một khảo sát mới đây trên Science, các nhà nghiên cứu không tập trung vào việc xe tự lái cần được lập trình như thế nào khi phải đối mặt với những sự lựa chọn khó khăn, mà thay vào đó, thực hiện các cuộc khảo sát online lấy ý kiến của người tham gia giao thông. Những người này đều là công dân Mĩ và có hiểu biết nhất định về công nghệ. Một tình huống giả định được đặt ra: khi bất ngờ có (một số lượng nhất định) người đi bộ băng ngang qua xe và xe không kịp dừng lại, xe sẽ tiếp tục đi thẳng gây ra tai nạn cho người đi bộ, hay sẽ rẽ chệch hướng đâm vào tường và mạo hiểm tính mạng của người ngồi trên xe?
Hơn ¾ số người được hỏi cho biết, xe tự lái nên mạo hiểm mạng sống của một người ngồi trên xe nếu số lượng người đi bộ cần được bảo vệ lên đến 10 người. Họ cũng đồng ý rằng, chiếc xe cần được lập trình theo nguyên tắc bảo vệ số lượng người càng nhiều càng tốt, bất chấp việc đó có nguy hiểm đến tính mạng của người ngồi trong xe hay không. Nhiều người vẫn giữ quan điểm này ngay cả khi người ngồi trong xe là bản thân họ hoặc một người thân trong gia đình.
Tuy nhiên khi được hỏi liệu họ có sẵn lòng mua một chiếc xe được kiểm soát bởi thuật toán giảm thiểu số người bị nạn hay không, họ lại bày tỏ mong muốn mua một chiếc xe đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Ai quyết định các nguyên tắc lập trình?
Một vấn đề khác được đặt ra là: Ai sẽ là người quyết định các nguyên tắc lập trình? Nhà sản xuất hay chính phủ? Trước khi tiến hành các cuộc điều tra, các nhà nghiên cứu đặt giả thiết cách tốt nhất để đảm bảo giao thông an toàn là dựa vào những quy định của chính phủ. Tuy nhiên, kết quả từ cuộc điều tra lại cho thấy hầu hết mọi người phản đối ý kiến này. Nếu các nhà sản xuất buộc phải lập trình xe tự lái theo nguyên tắc giảm thiểu tối đa người bị nạn theo quy định của chính phủ, phần lớn những người được hỏi đều cho biết họ thà mua một chiếc xe bình thường còn hơn.
Nghiên cứu trên Science cho rằng có hai khả năng xảy ra. Trường hợp thứ nhất là trên thị trường bày bán các loại xe được lập trình theo cả hai cách: hoặc bảo vệ người sử dụng xe hoặc giảm thiểu số người bị nạn. Trong trường hợp này, những xe lập trình theo cách bảo vệ người sử dụng sẽ được tiêu thụ nhiều hơn, và các nhà sản xuất rất có thể sẽ lập trình theo cách này để tăng doanh số bán hàng. Hậu quả là xe có thể gây nên những vụ tai nạn với thương vong lớn. Trong trường hợp thứ hai, các xe sẽ được lập trình theo nguyên tắc đảm bảo an toàn cho số đông theo quy định của chính phủ. Tuy nhiên, tình hình vẫn sẽ không sáng sủa hơn. Việc các nhà sản xuất bị buộc phải tuân theo quy định của chính phủ sẽ làm giảm một lượng lớn người mua xe tự lái, dẫn đến việc có nhiều tài xế trên đường, và vì vậy tăng nguy cơ tai nạn do lỗi của người cầm lái.
Alan Winfield thuộc phòng thí nghiệm Bristol Robotics (Anh) cho biết, nghiên cứu đã cho chúng ta thấy một điều không hề mới: lợi ích cá nhân luôn được quan tâm nhiều hơn lợi ích cộng đồng. Ông phát biểu: “Người ta chỉ chấp nhận xe tự lái mạo hiểm tính mạng của thiểu số để đảm bảo an toàn của số đông khi họ không nằm trong thiểu số đó”.
Vi Thị Hương Thơm tổng hợp
Nguồn
https://www.theguardian.com/science/2016/jun/23/will-your-driverless-car-be-willing-to-kill-you-to-save-the-lives-of-others
http://science.sciencemag.org/content/352/6293/1573
http://www.businessinsider.com/report-10-million-self-driving-cars-will-be-on-the-road-by-2020-2015-5-6
http://ed.ted.com/lessons/the-ethical-dilemma-of-self-driving-cars-patrick-lin