2020: Vì một nền giáo dục tốt hơn

Ngày 3 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra sáu nhiệm vụ cấp bách cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, một trong số đó là “chống nạn mù chữ”, bởi “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Ba phần tư thế kỷ sau, nhiệm vụ chấn hưng nền giáo dục nước nhà vẫn còn cả chặng đường dài phía trước. Vì thế, một mùa xuân mới là lúc chúng ta tự hứa với mình rằng: hãy dành mọi nỗ lực cần thiết để cải cách giáo dục vì sự tiến bộ của đất nước.

Giáo dục không phải là nhồi nhét, bắt con trẻ phải học thuộc lòng các luận điểm, nhất là ngày nay Wikipedia hay Google hoàn toàn có thể giúp mọi người dễ dàng tra cứu thông tin. Giáo dục trước hết phải là khuyến khích một thái độ phản biện khách quan trước mọi quan điểm. Cũng giống như các nhà khoa học phải liên tục thách thức các lý thuyết và kiểm chứng chúng trước thực tiễn, chúng ta phải thường xuyên kiểm chứng các hành động của mình bằng lý trí. Sự vâng lời và kỷ luật không thể theo cách mù quáng mà phải mang tính chủ động và có căn cứ xác đáng. 
Bản chất và ý nghĩa tinh thần mới là giá trị cốt lõi chứ không phải câu chữ hay hình thức. Những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh nói và viết vào thời kỳ giữa thế kỷ 20 gắn với bối cảnh Việt Nam vừa trải qua giai đoạn dài bị áp bức bóc lột bởi thực dân Pháp, sau đó là cuộc xâm lược của Pháp và Mỹ. Nhưng giá trị cốt lõi Người để lại không nằm ở câu chữ riêng rẽ cụ thể, mà ở các giá trị phổ quát đã truyền cảm hứng và dẫn dắt Người tới hành động. Đó là các giá trị của trí tuệ và đạo đức, công lý, tình đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau, và nhân ái. Chúng tạo nên nhân phẩm con người. Là những đại lượng bất biến giúp chúng ta tiến bộ – cho dù đáng buồn là còn rất chậm – kiên trì hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn trong suốt hai mươi lăm thế kỷ qua, kể từ thời kỳ của Pericles và Khổng Tử.
Giáo dục giúp chúng ta áp dụng những giá trị đó vào thế giới hiện tại mình đang sống, một thế giới không ngừng biến đổi. Nếu không làm được điều đó, chúng ta sẽ chung sống với những giáo điều là nền tảng cho một xã hội đã thuộc về ngày hôm qua. Không một hệ thống xã hội nào trên thế giới có thể ngủ quên, tự coi mình miễn nhiễm trước nguy cơ trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với những khuôn khổ không ngừng thay đổi, vốn là động lực thúc đẩy sự phát triển của các xã hội loài người.  

Trong thập kỷ 50 của thế kỷ trước, nhiều nhà tư tưởng đã từng phân tích sự phát triển xã hội châu Âu trong vòng một thế kỷ, từ đó khuyến cáo chúng ta về nguy cơ trở thành nô lệ cho một xã hội tiêu thụ. Thông điệp ấy vang vọng mạnh mẽ với những phong trào sinh viên làm rung chuyển châu Âu hồi cuối thập kỷ 1960. Chúng làm ta nhớ lại Juvenal từng phê phán các hoàng đế La Mã ưa vỗ về quần chúng bằng cách thỏa mãn những thị hiếu “panem et circenses”, tương ứng với “bóng đá và cơm gạo” trong các xã hội hiện đại, thay vì chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. 
Thực tế ấy phần nào hiện rõ khi chúng ta nhìn vào màn trình diễn của vị lãnh đạo của cường quốc số một thế giới hiện nay, vốn từng là một gương mặt của một sô truyền hình thực tế. Việc chiếm được lá phiếu của một đám đông ít học luôn dễ hơn giành sự ủng hộ của những người trí thức, những người thường là trở ngại cho quyền lực bởi luôn đòi hỏi sự minh bạch và không chấp nhận một hệ thống chính trị bị chi phối bởi các nhóm lợi ích. 
Những vấn đề nhức nhối của hành tinh ngày hôm nay không còn hoàn toàn giống với của thế kỷ 19, 20. Chúng vừa là các vấn đề tự nhiên, vừa mang tính xã hội. 
Vấn đề tự nhiên là sự bùng nổ dân số và xu thế đô thị hóa gây ra vấn nạn ô nhiễm và buộc con người phải thay đổi cách sử dụng những tài nguyên sống còn như nước, lương thực và năng lượng. Sự suy giảm nguồn nhiên liệu hóa thạch và những biểu hiện ngày càng rõ cho sự giới hạn của tăng trưởng.
Vấn đề xã hội là thế giới đang ngày càng ý thức rõ về sự bất bình đẳng sâu sắc trong việc chia sẻ các nguồn lực của hành tinh, dẫn tới sự di cư hàng loạt từ những nơi thiếu thốn, chính sách đóng cửa của những quốc gia được ưu đãi với sự lên ngôi của chủ nghĩa dân túy ở Châu Âu và Mỹ. Bên cạnh đó là nguy cơ xung đột hạt nhân và nạn khủng bố ở mọi nơi.
Để có cơ hội thành công, chúng ta cần nhận thức đầy đủ những bài học từ quá khứ cũng như thực tiễn của ngày hôm nay: điều đó đòi hỏi những con người được giáo dục và trở thành những công dân có trách nhiệm.
Chúng ta cần lắng nghe những ý kiến ủng hộ sự tiến bộ, nhưng cũng lắng nghe cả những ý kiến ở chiều ngược lại. Cần hiểu những ý tưởng tiến bộ để có thể thúc đẩy chúng, đồng thời hiểu rõ những quan điểm bảo thủ để phản biện chúng. Việc giáo dục phải giúp mọi người có tư duy cởi mở, hướng dẫn họ cách tự độc lập tư duy thay vì áp đặt. Một xu thế đổi mới như vậy cần được thúc đẩy để có thể đưa đất nước thoát khỏi mô hình kinh tế dựa trên lao động giá rẻ và bị khai thác bởi chủ nghĩa kinh tế thực dân kiểu mới. Hãy thúc đẩy sự sáng tạo, xây dựng một môi trường trí tuệ nơi tâm trí con người có thể phát triển cởi mở vì lợi ích tốt nhất của xã hội và đất nước.
Các nhà khoa học chúng ta giữ một vị trí quan trọng đặc biệt đóng góp cho xu thế đổi mới nói trên, bởi những giá trị trụ cột của nó cũng chính là nền tảng cho văn hóa khoa học. Vì thế, chúng ta hãy làm tốt nhất khả năng của mình giúp đổi mới phong cách giáo dục để thích ứng tốt nhất với thế giới mà chúng ta đang sống. □  

 

Thanh Xuân dịch

Tác giả

(Visited 16 times, 1 visits today)