Áp dụng VNEN ở Bắc Giang: Quan trọng nhất là tập huấn
Để áp dụng Mô hình trường học mới (VNEN) tại các trường thí điểm trong dự án VNEN và diện mở rộng, thách thức lớn nhất chính là tập huấn giáo viên chứ không phải các yếu tố cơ sở vật chất, tài chính. Có thể thấy điều đó qua trường hợp các trường tiểu học (TH) ở Bắc Giang.
Một giờ đọc sách tại phòng reading room của trường TH Hoàng Ninh 3: Học sinh tự lựa chọn sách và đọc theo nhóm, sau đó từng nhóm trình bày kết quả nhóm mình thu thập được trước cả lớp.
Một ví dụ thành công nhờ áp dụng VNEN linh hoạt
Bắt đầu bước vào trường TH Tăng Tiến, xã Tăng Tiến, một trong hai trường của huyện Việt Yên và trong số 13 trường của Bắc Giang thí điểm tham gia dự án VNEN kể từ năm học 2013 – 2014, chúng tôi rất ngạc nhiên khi điệu nhạc tiếng Anh vui nhộn được bật, các em học sinh lớp lớn đang đứng trên bậc thềm cao giữa sân trường để sắp xếp cho các khối lớp vào hàng ngũ. Nhún nhảy theo nhạc, các em bắt đầu giờ học thể dục của mình mà không có giáo viên nào hướng dẫn. Hết giờ thể dục, một số em vây quanh hỏi chúng tôi từ đâu tới, giới thiệu về bản thân và ngôi trường bằng … tiếng Anh. Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, cô hiệu trưởng Đinh Thị Soạn giải thích, hai năm nay giáo viên trường Tăng Tiến khá “nhàn” vì học sinh khối lớp 4,5 có thể giúp thầy cô giáo hướng dẫn khối lớp nhỏ hơn tham gia hoạt động ngoại khóa. Còn ở giờ giảng trên lớp, các em cũng đã thể hiện vai trò chủ động của mình.
Tăng Tiến triển khai dự án VNEN trong điều kiện có những yếu tố khá thuận lợi như sĩ số học sinh thường dưới 30 em/ lớp; cơ sở hạ tầng tương đối tốt với các lớp học rộng rãi. Về tài chính, trường được dự án hỗ trợ học liệu gồm sách giáo khoa (SGK) VNEN và các dụng cụ học tập khác. Nhưng quan trọng hơn cả là “Phụ huynh ở đây tin tưởng và gần như ‘giao’ con cho nhà trường. Nếu các thầy cô giáo áp dụng phương pháp mới vào giảng dạy mà vẫn đảm bảo học sinh không bị ‘hổng’ kiến thức thì họ đều đồng tình”, bà Đinh Thị Soạn cho biết.
“Vượt qua” được những trở ngại về cơ sở vật chất và tư tưởng của phụ huynh, thì điểm mấu chốt quyết định tới kết quả thực hiện VNEN ở đây chính là tập huấn và sự “linh hoạt” của giáo viên, lãnh đạo nhà trường. Giáo viên được tập huấn theo hai cấp: trực tiếp trong các đợt tập huấn của Bộ GD&ĐT và gián tiếp do ngành giáo dục ở Bắc Giang tổ chức. Tuy nhiên, các đợt tập huấn mới chỉ trang bị thông tin cơ bản về VNEN và chưa cho phép giáo viên trải nghiệm thực hành dạy cho học sinh, mặt khác, triết lý và phương pháp giáo dục có rất nhiều điểm “ngược” hẳn với mô hình giáo dục truyền thống, nên quá trình thực hiện VNEN rất cần sự linh hoạt điều chỉnh. “Thú thực là chúng tôi rất bỡ ngỡ và xoay như chong chóng”, cô Phan Thị Minh Ngọc, giáo viên lớp hai trường TH Tăng Tiến kể lại về năm đầu tiên dạy theo VNEN. Hàng loạt cuộc thảo luận chuyên môn giữa các tổ bộ môn và giữa toàn thể giáo viên trong nhà trường được thực hiện trong suốt năm đầu tiên để rút kinh nghiệm và điều chỉnh phương thức giảng dạy sao cho phù hợp nhất. Ví dụ, đối với khối lớp hai – khối đầu tiên “chuyển giao” từ phương pháp dạy cũ sang mới, các thầy cô cũng “lồng ghép” cả cách giảng theo phương pháp truyền thống với một số nội dung giảng để đảm bảo học sinh nắm vững những kiến thức, khái niệm mới.
Kết quả đạt được rất khả quan, “giáo viên nhận xét các em được đảm bảo kiến thức và năng động hơn nhiều so với cách dạy học cũ”, bà Đinh Thị Soạn cho biết, trường TH Tăng Tiến đã lên kế hoạch tiếp tục thực hiện mô hình VNEN mà không cần xin bổ sung kinh phí của ngành giáo dục. Mặt khác, toàn bộ SGK VNEN do dự án tài trợ từ ba năm học trước vẫn được giữ lại cho học sinh khóa sau để các em không phải mua sách mới. Trong cuộc thảo luận nhóm với chúng tôi, giáo viên trường Tăng Tiến đều khẳng định mô hình VNEN là hợp lý (tuy nhiên riêng khối lớp 2 là “vất vả” nhất và cần được hướng dẫn chuyên môn nhiều hơn). Các khối lớp đã “vào guồng theo mô hình dạy học mới, nhất là ở các lớp lớn như lớp 3, 4, 5 thì học sinh đã quen tự học nên giảng bài cũng dần ‘nhàn’ hơn”, cô Nguyễn Thị Hậu, giáo viên dạy lớp 5 ở trường TH Tăng Tiến cho biết. “Nếu bây giờ quay lại phương pháp dạy cũ thì tôi và nhiều thầy cô khác ở trường không đồng ý đâu”, cô Hậu cười và nói thêm.
Mấu chốt là tập huấn đầy đủ cho giáo viên
Không có những thuận lợi như TH Tăng Tiến, giáo viên trường TH Hoàng Ninh 3, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, đơn vị áp dụng VNEN trong diện mở rộng1, lại khá e ngại trước cuộc đổi mới giáo dục vì vấp phải không ít thách thức. Trước hết, nhà trường không nhận được sự đồng tình của nhiều phụ huynh khi trường không nhận được hỗ trợ về học liệu, do đó phụ huynh học sinh phải đăng ký mua SGK VNEN với nhiều quyển, giá đắt gần gấp đôi so với SGK hiện hành. Mặt khác, nguồn nhân lực cho thực hiện VNEN chưa được chuẩn bị kỹ càng. Chỉ có một số giáo viên ở trường TH Hoàng Ninh 3 tham gia đầy đủ các đợt tập huấn, còn lại chủ yếu dự giờ mẫu và thảo luận chuyên môn tại trường Tăng Tiến. Sau đó, “đa phần chúng tôi tự ‘tập huấn’ cho nhau là chính”, thầy Thân Đức Hướng, giáo viên trường TH Hoàng Ninh 3 cho biết. Mặt khác, trong kỳ học đầu tiên theo VNEN – giai đoạn chuyển giao giữa mô hình giáo dục cũ và mới, giáo viên trường Hoàng Ninh 3 không linh hoạt mà áp dụng “chặt” nguyên tắc “quan sát và hỗ trợ” học sinh chứ không giảng bài. Hệ quả là “hết học kỳ đầu tiên tôi thấy các em học sút kém hẳn”, chị Hoàng Thị Thuận, giáo viên trường TH Hoàng Ninh 3 nói. Mặc dù đã có điều chỉnh hoạt động dạy và học linh hoạt hơn bằng cách kết hợp với cách giảng truyền thống, nhưng Hoàng Ninh 3 vẫn cảm thấy lúng túng trong việc áp dụng VNEN ở tất cả các khối lớp. Hơn nữa, hai giáo viên chủ chốt được tập huấn đầy đủ về phương pháp dạy học theo mô hình VNEN đều đã chuyển công tác nên trường TH Hoàng Ninh 3 rất thiếu giáo viên am hiểu về phương pháp này.
Vì vậy, trong năm học 2017 – 2018, trường TH Hoàng Ninh 3 sẽ không áp dụng dạy học theo mô hình VNEN ở tất cả các khối lớp mà chỉ áp dụng các thành tố tích cực của VNEN như tạo không gian cho học sinh chủ động thảo luận trong nhiều tiết học, đặc biệt là các tiết thực hành, ngoại khóa.
Một giờ học ở trường TH Hoàng Ninh 3, đơn vị không triển khai mô hình VNEN ở tất cả các khối lớp nhưng vẫn tiếp tục áp dụng các thành tố tích cực của VNEN vào giảng dạy. Trên tường lớp học là các sản phẩm từ hoạt động ngoại khóa theo phương pháp VNEN của học sinh như “Sơ đồ cộng đồng”, bảng “Sản phẩm của em”, bảng theo dõi “tiến độ” của “Đôi bạn cùng tiến”.
Sẽ không quay lại mô hình truyền thống
Trong tháng 8 vừa qua, trước thềm năm học mới, HĐND huyện và UBND huyện Việt Yên đã cùng họp với cán bộ ngành giáo dục huyện để phân tích về mô hình VNEN. “Chúng tôi đã trả lời HĐND huyện là mô hình này mang lại lợi ích rất lớn như sự tự tin, sáng tạo cho học sinh. Nhưng giáo viên thì chắc chắn vất vả hơn trước nhiều. Do đó, chúng tôi cũng để các trường tự chủ động trong việc lựa chọn tiếp tục dạy theo mô hình VNEN ở tất cả các khối lớp, hay chỉ áp dụng các thành tố tích cực vào trong từng hoạt động cụ thể”, ông Trần Văn Huân, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Việt Yên cho biết.
Như vậy, từ trường hợp của hai trường trên có thể thấy rằng tập huấn giáo viên, thảo luận chuyên môn liên tục cũng như áp dụng một cách linh hoạt phương pháp dạy học của mô hình VNEN là một trong những điểm cốt lõi quyết định tới kết quả thực hiện VNEN. Một mô hình giáo dục với triết lý và phương pháp hoàn toàn mới có thể thực hiện tốt trong dự án thí điểm, nhưng trong diện mở rộng sẽ khó có khả năng thành công nếu không có một lộ trình tập huấn (có thực hành giảng dạy cho học sinh) và thảo luận chuyên môn cho giáo viên kỹ lưỡng. Ngoài ra, vấn đề truyền thông cho phụ huynh ở những trường thuộc diện mở rộng cũng cần được chú trọng hơn nữa.
————–
Chú thích
[1] Sau năm đầu đánh giá mô hình VNEN được thực hiện và đem lại kết quả tốt ở các trường trong dự án VNEN, một số trường ở Bắc Giang đăng ký thí điểm dạy VNEN ở một khối lớp để đánh giá điều kiện của trường có phù hợp hay không.