Ba đặc điểm của kiểm định chất lượng GDĐT Mỹ

Giáo dục đại học Mỹ được thừa nhận rộng rãi là có chất lượng tốt nhất thế giới. Thành công này một phần do Mỹ đã xây dựng được hệ thống kiểm định chất lượng hoàn chỉnh, linh động, hiệu quả, và thực sự hỗ trợ cho cải tiến chất lượng. Bài viết dưới đây sẽ điểm qua một vài đặc điểm chính của hệ thống kiểm định chất lượng tại Mỹ, qua đó rút ra một số khuyến nghị cho Việt Nam.

Phi tập trung hoá (decentralization)

Khác với phần lớn các nước trên thế giới, Chính phủ Liên bang cũng như Chính phủ Bang tại Mỹ không trực tiếp thực hiện công tác kiểm định chất lượng. Hiện nay, trong tổng số 56 tổ chức kiểm định chất lượng tại Mỹ, chỉ có duy nhất một tổ chức tại New York là do Nhà nước thành lập, 55 tổ chức còn lại đều do khu vực tư nhân hoặc hiệp hội nghề nghiệp đảm nhiệm. Thay vào đó, nhà nước chỉ quản phần kiểm soát và công nhận tư cách pháp lý của các tổ chức kiểm định nói trên.

Nhìn lại lịch sử phát triển của nền giáo dục đại học Mỹ, ta có thể lý giải được hiện tượng thú vị này. Cho đến những năm 1950, Chính phủ Liên bang cũng như các Chính phủ Bang tại Mỹ hầu như không kiểm soát hay quản lý các trường đại học. Mặc dù vậy, ngay từ giữa thế kỷ 19, các trường đại học và cao đẳng ở Mỹ đã phát triển nhanh chóng với số lượng bùng nổ. Đến cuối thế kỷ 19, nhu cầu cấp bách nảy sinh là phải có một cơ chế giúp phân định trình độ giữa các bậc học khác nhau, từ trung học, cao đẳng, cho đến đại học. Trong bối cảnh đó, Vùng New England đã đi tiên phong với việc thành lập Hiệp hội các trường Đại học và Trung học vào năm 1885. Cho đến năm 1923, với việc ra đời của Hiệp hội các trường Đại học và Trung học phía Tây, toàn nước Mỹ đã có sáu tổ chức độc lập, hoàn toàn do khu vực tư nhân quản lý và điều hành, chia nhau đảm nhiệm công tác kiểm định chất lượng trong cả nước.

Phải đến năm 1944, khi Mỹ thông qua đạo luật G.I. Bill, và tiếp đến đạo luật Giáo dục quốc phòng quốc gia năm 1952 và đặc biệt là Luật giáo dục đại học 1965, Nhà nước Liên bang mới bắt đầu có những “can thiệp” nhất định đối với lĩnh vực kiểm định chất lượng, mà cụ thể là việc thành lập Uỷ ban tư vấn quốc gia về chất lượng và liêm chính đại học (NACIQI). Uỷ ban này có trách nhiệm công nhận, quản lý và hỗ trợ 56 trung tâm kiểm định chất lượng độc lập trên toàn nước Mỹ (tính đến 2013) và chỉ có những sinh viên học tại các chương trình được kiểm định bởi một trong 56 trung tâm kể trên mới đủ điều kiện nhận trợ cấp hoặc vay vốn của Chính phủ.

Đồng nghiệp đánh giá (peer review)

Mặc dù sau 1965, Nhà nước bắt đầu đã có nhiều “can thiệp” hơn, nguyên tắc đồng nghiệp đánh giá vẫn được duy trì như là một trong những nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất đối với hệ thống kiểm định chất lượng tại Mỹ. 56 tổ chức kiểm định chất lượng, trong thực tế đều do chính các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục đại học uy tín quản lý và điều hành; đánh giá viên thuộc 56 tổ chức nói trên và thậm chí 18 thành viên của NACIQI cũng đều là những người của giới đại học. Việc duy trì nguyên tắc đồng nghiệp đánh giá (chứ không phải do nhà nước hay bất kỳ thành phần nào khác đánh giá) giúp cho việc các quy trình, quy định chi tiết về kiểm định chất lượng thực sự gắn sát và đánh giá “đúng” và “trúng” với thực tế đào tạo tại các trường đại học và cao đẳng trên toàn nước Mỹ.

Cải tiến liên tục (Continuous improvement)

Mục đích cuối cùng và quan trọng nhất của hệ thống kiểm định chất lượng là hỗ trợ cho cải tiến chất lượng tại các chương trình đại học và cao đẳng trên toàn nước Mỹ. Vì vậy, việc vận hành của toàn bộ hệ thống kiểm định chất lượng, từ hoạt động của NACIQI cho đến 56 tổ chức kiểm định chất lượng độc lập đều hướng tới mục tiêu này.

Ví dụ, NACIQI, ngoài chức năng công nhận 56 tổ chức kiểm định chất lượng độc lập, vẫn thường xuyên tổ chức nhiều hội thảo, nghiên cứu về kiểm định chất lượng, qua đó khuyến nghị các giải pháp nâng cao chất lượng trong toàn bộ hệ thống giáo dục đại học nước Mỹ. Một ví dụ khác liên quan đến cơ cấu thành viên của NACIQI: trước 2008, NACIQI có 15 thành viên đều do Bộ Giáo dục Liên bang bổ nhiệm; từ năm 2008, nhằm tránh quyền lực tập trung trong Bộ Giáo dục, Luật sửa đổi về Giáo dục đại học quy định lại theo hướng tán quyền hơn trong đó NACIQI có 18 thành viên, nhưng Bộ Giáo dục chỉ được bổ nhiệm sáu thành viên, 12 thành viên còn lại do Thượng viện và Hạ viện bổ nhiệm.

Nguyên tắc cải tiến liên tục còn được thể hiện trong việc ngày càng có nhiều “sắc thái” hơn trong việc đánh giá kết quả kiểm định chất lượng do 56 tổ chức kiểm định thực hiện. Nếu như trước kia, kết quả đánh giá kiểm định chất lượng chỉ có hai mức “được kiểm định” và “không được kiểm định” thì ngày nay, nhiều mức “trung gian” xuất hiện nhiều hơn “Được kiểm định với một số yêu cầu theo dõi”, “Lưu ý và cảnh báo” hay “thử thách”… Việc có nhiều “sắc thái” này một mặt giúp cho các trường đại học, cao đẳng hoặc các chương trình đào tạo có cơ hội để “sửa sai” (qua đó nâng cao chất lượng đào tạo) trong trường hợp tạm thời chưa thoả mãn các tiêu chí về kiểm định chất lượng theo yêu cầu của các trung tâm kiểm định chất lượng; mặt khác giúp không dẫn đến quá nhiều “xáo trộn” bởi một khi một chương trình bị đóng dấu “không được kiểm định” hoặc “kiểm định hết hiệu lực” thì gần như chắc chắn chương trình đó sẽ bị đóng cửa bởi sẽ không có sinh viên nào chịu đăng ký vào học chương trình không được kiểm định, và vì vậy, không đủ điều kiện để nhận trợ cấp hoặc tham gia chương trình vay vốn từ chính phủ.

Một vài khuyến nghị cho Việt Nam

Hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo đại học và cao đẳng mới chỉ bắt đầu xuất hiện trong thực tiễn chính sách ở Việt Nam trong vòng 10 năm trở lại đây. Thừa hưởng di sản từ nền quản lý “tập trung hoá” cao với việc Nhà nước vẫn là nguồn cung cấp tài chính lớn nhất cho giáo dục đại học, chúng ta khó có thể mong đợi khu vực tư nhân ở Việt Nam có thể sớm tự xây dựng được một hệ thống kiểm định chất lượng tương đối hoàn chỉnh như Mỹ đã làm được từ đầu thế kỷ 20. Nói cách khác, việc “can thiệp”, thậm chí là “can thiệp” sâu của Nhà nước đối với kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cần thiết. Tuy vậy, việc “can thiệp” đó diễn ra như thế nào, với từng bước đi cụ thể ra sao, lại là điều đáng bàn mà trong đó có rất nhiều điểm chúng ta có thể học tập được từ mô hình kiểm định chất lượng của Mỹ.

Từ năm 2010, với việc phê duyệt “Đề án xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp giai đoạn 2011 – 2020” (Quyết định 4138/QĐ-BGDĐT), Bộ đã vạch ra nhiều bước cải cách mới về kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong tương lai gần. Cụ thể, trong năm 2013 vừa qua, trong khuôn khổ của Đề án nói trên, việc Bộ GD&ĐT thành lập hai trung tâm kiểm định chất lượng trực thuộc hai ĐH Quốc gia có thể xem là bước đột phá đáng chú ý, phù hợp với nguyên tắc “phi tập trung hoá” và “đồng nghiệp đánh giá” mà Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới đã áp dụng thành công. Rõ ràng, trong bối cảnh giáo dục đại học đại chúng, khi mà ngày càng nhiều chương trình đào tạo mới được mở ra trên khắp cả nước, một mình Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng đào tạo thuộc Bộ chắc chắn sẽ không đủ cả “sức” lẫn “chuyên môn” để có thể “kham nổi” nhiệm vụ trực tiếp đi kiểm định chất lượng đào tạo tại từng đơn vị, từng chương trình cụ thể. Nói cách khác, việc giao lại nhiệm vụ kiểm định chất lượng cho hai trung tâm thuộc hai ĐH Quốc gia (và nhiều trung tâm mới dự kiến sẽ được thành lập trong tương lai gần) là hướng đi đúng đắn của Nhà nước ta, phù hợp với nguyên tắc “phi tập trung hoá” và “đồng nghiệp đánh giá” như đã phân tích ở trên.

Tuy vậy, với việc tạm dừng 207 chương trình đào tạo đại học vừa qua – một quyết định mang tính “tập trung hoá” cao và hoàn toàn “hành chính” (không có“đồng nghiệp đánh giá”), có vẻ như Bộ đang vẫn chưa “yên tâm” giao phó hoàn toàn công tác kiểm định chất lượng cho các trung tâm kiểm định độc lập được thành lập theo Quyết định 4138/QĐ-BGDĐT kể trên.

Theo quan điểm của người viết, sẽ là phù hợp nếu việc tạm dừng 207 chương trình vừa qua chỉ là một quyết định tạm thời với mục đích cảnh báo cho các trường; còn về lâu dài, khi hai trung tâm kiểm định độc lập tại hai ĐH Quốc gia đã đi vào hoạt động ổn định; đồng thời nhiều trung tâm độc lập khác cũng đã được thành lập trên khắp cả nước, Bộ nên trả lại công việc trực tiếp kiểm định chất lượng cho các trung tâm kể trên. Bên cạnh đó, Bộ cần tập trung nhiều thời gian và nguồn lực hơn cho mục tiêu “cải tiến chất lượng liên tục”, vốn được xem như là mục tiêu khó khan nhất, mà nếu như không có sự đầu tư của Nhà nước, khu vực tư nhân khó lòng đảm nhiệm được.

* Nghiên cứu sinh, Đại học Văn hoá Trung hoa, Đài Loan

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)