Bài 1: Từ xã hội hóa đến giáo dục

Như ở mọi nơi khác, công việc giáo dục thời xa xưa nhất ở Hy Lạp được thực hiện trong một khuôn khổ rộng lớn hơn gọi là xã hội hóa. Đây là quá trình qua đó một đứa trẻ tiếp thu cách suy nghĩ, cảm nhận, hành xử, sinh hoạt… của ông cha và kẻ xung quanh, để trở thành người Hy Lạp trọn vẹn. 

1/ Vai trò giáo dục của thần thoại và các thi sĩ

Do quá trình này xưa được thực hiện đầu tiên và chủ yếu thông qua thần thoại và huyền sử trước khi được tiếp nối bởi lịch sử, phong tục, tập quán, … đời sau cho rằng những nhà giáo dục Hy Lạp đầu tiên là các thi sĩ mà Hesiod và Homer chỉ là những người nổi tiếng nhất, chứ không phải là độc nhất (ngoài họ ra, ít nhất phải kể đến các thi sĩ của bộ Sử thi thành Thebes và bộ Sử thi thành Troy)1. Họ là những kẻ đã ghi lại và truyền bá bao mẩu chuyện truyền khẩu về các vị thần được xem là thủy tổ của loài người nói chung (Gaia – Uranus) và của chủng tộc Hy Lạp nói riêng (Hellen, Hellas)2.

Sự xã hội hóa này trải qua hai bước quyết định. Bước thứ nhất là khi thần thoại và huyền sử truyền khẩu được các thi sĩ định hình trong trước tác của họ (TK thứ VIII – VII tCn). Bước thứ hai là khi mọi du khách từ 4 phương đến Athens đều được yêu cầu đọc lại những phiên bản thần thoại mà họ biết và còn nhớ cho giới thư lại tại chỗ ghi chép, nhằm bước đầu chuẩn hóa dưới thời bá vương của Peisistratus và các con (560-507 tCn).

2/ Chính sách giáo dục của Athens thời quý tộc

Sau đó, một nền giáo dục theo nghĩa chính xác hơn (paideia) bắt đầu được phổ biến dưới chế độ đại tộc, khi nhu cầu gìn giữ đất đai, tài sản buộc giới quý tộc Athens phải cố gắng đào tạo ra những kẻ nối dõi xứng đáng.

Về cứu cánh, thứ giáo dục này được xây dựng trên lý tưởng mà giới quý tộc Athens thường dùng khi nói về bản thân họ, đấy là Kalokagathia (do Kalos kagathos, viết tắt của Kalos kai Agathos = Đẹp đẽ và Phẩm hạnh), đồng thời trên ý niệm người Hy Lạp gọi là aretê.

Có thể tóm tắt Kalokagathia như thứ lý tưởng hiệp sĩ của một nhân cách toàn vẹn. Bởi vì người Hy Lạp thời quý tộc luôn tin rằng cái đẹp bề ngoài biểu thị cái đẹp bên trong. Còn aretê thì chỉ sự hoàn hảo trong chức năng được xem là mục đích của một sự vật hoặc cơ quan nào đó. Chẳng hạn: aretê của cái kéo là sự cắt xẻ; của mắt là sự nhìn thấy. Áp dụng cho con người, aretê chỉ tập hợp những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người, sự hoàn hảo trong tính người, hay con người lý tưởng – cụ thể ở đây là những đức tính quý tộc như ý thức trách nhiệm, ý thức danh dự, sự cường tráng, lòng dũng cảm, quyền uy và năng lực điều khiển.

Để đạt đến cứu cánh trên, một nền giáo dục cơ bản chỉ dành riêng cho trẻ em nam lành mạnh khoảng từ 7 tuổi được giao cho thế hệ cha anh: trong khuôn khổ một thứ tình bạn rắn rỏi, thiếu niên con nhà quyền quý (gọi là eromenos) được uốn nắn theo loại phẩm hạnh quý tộc, dưới sự chăn dắt hay hướng dẫn của một đàn anh cao tuổi hơn (gọi là erastês)3. Ở loại trường lớp phôi thai này, paideia không nhằm trao truyền một nghề hay một kỹ năng (bị chê là máy móc, tầm thường) cho đứa trẻ, mà nhằm giáo huấn nó về thể dục (gymnastikê) và văn hóa (mousikê, hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả ngôn ngữ tự nhiên lẫn nhiều thứ ngôn ngữ biểu tượng khác hơn là âm nhạc theo nghĩa hẹp). Như vậy, nội dung trọn vẹn của thứ paideia thời đó (nay còn dấu vết trong từ encyclopedia, do enkyklios = vòng tròn, toàn vẹn + paideia) luôn luôn được thực thi trong khuôn khổ truyền thống gọi là sunousia (tiền tố sun- có nghĩa là “chung với”; sunousia chỉ sự kết hợp, cộng tác, cùng làm). Trong suốt quy trình giáo dục, qua sự cọ xát thực tế với các vấn đề hệ trọng của thành quốc, bậc cha anh sẽ từ thần thoại và sử thi mà nêu lên loại gương sáng trong quá khứ có khả năng giúp các thế hệ con em mở mang tâm trí.

Đến 18 tuổi, mọi thanh niên đều phải tham dự vào thời kỳ quân huấn do nhà nước quản lý gọi là ephebeia, bắt đầu bằng một biện pháp khai tâm tôn giáo: lớp công dân dự bị này được hướng dẫn hành hương tại các đền thờ của thành quốc. Sau thời kỳ tập luyện quân sự, các epheboi (sn của ephebos, kẻ đã trải qua khóa quân huấn) sẽ tuyên thệ trung thành với thành quốc, nhận lãnh vũ khí như một bộ binh, rồi được phân phối cho các trại quân trong khắp vùng Attica để làm nghĩa vụ quân sự và dân sự (xây thành lũy, làm đường sá, cầu cống, v. v…). Chỉ sau thời kỳ ephebeia nói trên, họ mới được xem là công dân trọn vẹn (epitimoi, kẻ có tất cả mọi quyền công dân: sở hữu nô lệ, đất đai, có người thừa kế, tham dự các nghi lễ tôn giáo, và tham gia vào các định chế chính trị theo điều kiện hiến định); ngược lại, họ phải luôn luôn sẵn sàng bị động viên (cho đến tuổi 60, theo một số tài liệu).

Ngoài hai thời kỳ giáo dục nói trên, căn cứ vào sự kiện là các triết gia lớn “trước Socrates” (thế kỷ thứ VI tCn) đều có một số đệ tử, và ngay cả vào giai thoại về các cuộc gặp gỡ của Socrates với Xenophon4 và với Plato5 (thế kỷ thứ V tCn), đời sau có thể phỏng đoán rằng truyền thống quý tộc ở Athens còn để chỗ cho một hình thức giáo dục không chính thức khác, dựa trên mô hình “tầm sư học đạo” hay “tâm truyền cho kẻ có căn cơ”, và chỉ bị giới hạn bởi tài sản hay ý chí học hỏi của giới thanh niên quý tộc cầu tiến.

Dù sao, bất kể nó là hồi ức hay tàn tích của một thời khói lửa xa xưa hơn, nền giáo dục quý tộc này ở Athens vẫn còn là mềm, so với thứ giáo dục hoàn toàn hướng về chiến tranh của chính quyền đại tộc Sparta, nơi mà mọi thiết chế đều nhằm vào mục đích duy nhất là chuẩn bị cho cuộc chiến tranh tự vệ chống mọi kẻ thù của thành quốc.



1. Nói chung, thần thoại Hy Lạp bao gồm 4 mảng sử thi chính sau đây (nay chỉ còn là những mảnh rời): 1) Cuộc Chiến chống các Thần Khổng lồ (Titanomachy) của Eumelus xứ Corinth và Thần phả (Theogony) của Hesiod; 2) Bộ Sử thi thành Troy (Trojan Cycle) của nhiều tác giả, 3) nổi tiếng nhất là Iliad và Odyssey của Homer; 4) Bộ Sử thi thành Thebes (Theban Cycle) của nhiều thi sĩ khác. Các mảng chính trên có thể được bổ túc với Danh mục Anh thư (dù tác giả là Hesiod hay ai khác), tập thơ cổ về phả hệ của những anh thư Hy Lạp, không phân biệt thần hay người phàm.

2. Gaia là Thần biểu thị Đất, Uranus là Thần biểu thị Trời, được xem là thủy tổ của loài người. Thần Hellen được xem là thủy tổ của giống dân Hellas (phiên âm thành Hy Lạp).

3.  Quan hệ erastes – eromenos ở cổ Hy Lạp là khá phức tạp và đã làm tốn không ít giấy mực. Cụ thể, đời sau không biết chắc chắn là nó có hay không có yếu tố đồng dâm.

4. Theo giai thoại, khi lần đầu tiên gặp Xenophon (lúc ấy chỉ độ 20 tuổi), Socrates hỏi: “Cần mua nhu yếu phẩm cho cuộc sống hằng ngày thì đi đâu?”. Xenophon trả lời: “Ra chợ”. Socrates lại hỏi: “Còn muốn nên người phẩm hạnh thì đi đâu?”. Xenophon ngẩn mặt, không trả lời được. Socrates bảo: “Không biết à? Theo ta sẽ biết”. Từ đó, Xenophon theo Socrates, xem Ông là thầy, rồi thành người đầu tiên ghi lại những lời lẽ cùng hành động của Ông, sau tập hợp thành tác phẩm Những điều đáng ghi nhớ (Memorabilia).

5. Sau khi thừa hưởng phần giáo dục gia đình căn bản kiểu truyền thống (mousikê và gymnastikê), Plato bắt đầu lui tới với Socrates khoảng năm 20 tuổi (408-407 tCn). Theo Diogenes Laertius, người ta kể lại rằng Socrates nằm mơ thấy một con thiên nga hạ cánh đậu trên đầu gối Ông rồi bay đi, đến hôm sau thì gặp Plato. Về phần Plato, sau khi gặp và đàm thoại với Socrates trước hội trường Dionysus, ông đã đốt hết các kịch bản mang đến nhà hát để ghi tên dự thi giải bi kịch, rồi theo Triết gia nghe tranh luận về triết học. 

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)