Băn khoăn về sách giáo khoa điện tử

Phiên bản sách giáo khoa điện tử tích hợp chương trình sách giáo khoa và sách tham khảo của 12 năm học mới ra mắt đã thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng. Tuy nhiên vẫn còn những e dè và lo ngại về tính phổ cập của sách giáo khoa điện tử này.

Sách giáo khoa điện tử quá đắt

Giá thành 4,8 triệu đồng cho một classbook với kích thước 8inch và pin dùng liên tục từ 8 giờ đến 10 giờ, nhiều ý kiến cho là quá đắt so với công nghệ hiện đại. Nếu so sánh một máy tính bảng giá rẻ thì classbook của Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng không có tính cạnh tranh về mặt giá thành.

Hiện nay, nhiều chương trình học được cập nhật trên các ứng dụng của Apple store hoặc google store với giá thành thường từ 0.99 USD trở lên. Với bất kỳ máy tính bảng giá rẻ thì phụ huynh cũng có thể cập nhật được các ứng dụng này vì nó sẽ bổ ích cho việc học của học sinh. Mặc dù không được quy chuẩn như sách giáo khoa nhưng điều quan trọng là nó được tùy ý lựa chọn để phù hợp với nhu cầu của con mình.

Hơn nữa vì đây là sách điện tử nên không thể bảo đảm là nó sẽ được dùng 12 năm. Tất cả các thiết bị điện tử đều có thời gian bảo hành, tuy nhiên không thể liên tục sử dụng và ổn định trong suốt quãng đời học sinh được. Chính vì vậy không thể lấy giá thành là 4,8 triệu chia đều cho 12 năm học để tính giá thành một năm dùng sách điện tử.

Một băn khoăn nữa, ứng dụng công nghệ điện tử sẽ luôn được cập nhật những phiên bản mới. Vậy với mỗi phiên bản mới được phát hành, phụ huynh sẽ tiêu tốn bao nhiêu tiền vào sách giáo khoa điện tử? Liệu có cơ chế nào cho việc mua lại phiên bản sách giáo khoa điện tử cũ và có giá mua ưu đãi phiên bản mới cho học sinh?

Tạo nên tình trạng phân biệt đối xử ở trường học

Với giá gần 5 triệu đồng, không phải ai cũng đủ tiền để trang bị sách giáo khoa điện tử cho con, dù không phủ nhận những bổ ích và hữu dụng của nó. Thế nên sẽ xảy ra tình trạng trong một lớp học có hiện trạng dùng sách giáo khoa thông thường và sách giáo khoa điện tử, dẫn đến việc học sinh không tránh khỏi tâm lý so sánh. Không khí trong lớp học sẽ bị xáo trộn vì sự tò mò của các em không có sách điện tử trước những hình ảnh sôi động và phong phú trong sách điện tử của bạn cùng lớp.

Sinh hoạt cùng nhau, cùng sắc màu đồng phục… các trường đang tạo môi trường bình đẳng cho tất cả học sinh, không phân biệt giàu nghèo. Tuy nhiên với việc trang bị sách giáo khoa không đồng đều trong lớp học thì mục tiêu này của trường học vô hình trung bị phá vỡ. Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng quan ngại khi tình trạng lớp học có hai hình thức sách giáo khoa sẽ gây khó khăn trong việc dạy và học.

Lo ngại về việc bảo quản tài sản

Mặc dù sách giáo khoa điện tử nhỏ gọn kích thước chỉ bằng quyển sách thông thường và có trọng lượng 0.5kg, nhưng việc bảo quản nó là cả một vấn đề đối với học sinh. Để cho các em mang một tài sản giá trị lớn như vậy trong cặp sách liệu có an toàn không? Đây là phân vân của rất nhiều phụ huynh.

Vấn đề an toàn cho bản thân các em học sinh và an toàn cho tài sản học sinh khi dùng sách điện tử là mối quan tâm không chỉ ở phụ huynh mà cả giáo viên đứng lớp. Cô Thanh, giáo viên tiểu học ở quận Từ Liêm, cho biết: “Các em ở trường còn quá bé để chịu trách nhiệm bảo quản sách điện tử giá trị như vậy. Nói thật, nếu có em nào trong lớp tôi mang sách đi học, tôi cũng lo lắm. Vì nhỡ có xảy ra mất mát hay các bạn tò mò, nghịch ngợm gây hỏng hóc gì thì cũng rất khó giải trình với phụ hụynh.”

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)