Bàn tròn giáo dục Việt Nam tại Pháp
Trong hai năm 2014 và 2015, Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam (AVSE) sẽ tiến hành tại Paris (Pháp), chuỗi bàn tròn về giáo dục Việt Nam bằng phương pháp so sánh quốc tế với các đồng nghiệp là những nhà nghiên cứu, giáo sư đại học, quan chức hoặc chuyên gia làm trong lĩnh vực giáo dục (của Pháp và châu Âu).
Bàn tròn đầu tiên, diễn ra vào ngày 10/5/2014, với chủ đề các nguyên tắc cơ bản trong giáo dục Việt Nam, vì đây có thể coi là “bộ não” chỉ huy sự vận hành của một nền giáo dục. Cuộc bàn tròn này trao đổi xung quanh ý nghĩa, giá trị và mục tiêu đào tạo con người và gây dựng một nền giáo dục.
Ông Roger-François Gauthier, diễn giả đại diện cho nước Pháp, khẳng định sự quan tâm trở lại, ít nhất là trong nước Pháp, đối với các nguyên tắc cơ bản của giáo dục, đặc biệt kể từ Luật Tái thiết nhà trường nền Cộng hòa ban hành năm 2013. Các diễn giả người Việt, thuộc hai thế hệ khác nhau, đều là những giáo sư giảng dạy và nghiên cứu ở cả hai môi trường giáo dục Việt và Pháp. Thực trạng, tồn đọng hay vấn nạn trong nền giáo dục đương đại Việt Nam được các vị phân tích đều là những điều không chỉ “mắt thấy tai nghe” mà thực sự còn là những trải nghiệm trong đời đi học của nhiều khán thính giả trẻ của bàn tròn, nay đang tiếp tục học tập và làm việc tại Pháp. Tuy nhiên, cách tiếp cận của các giáo sư người Việt để bình luận chủ đề này có khác nhau. Có vị lựa chọn hẳn hệ quy chiếu chính trị vào hiện trạng giáo dục, coi đó là mối quan hệ hữu cơ và coi giáo dục là công cụ của chính trị. Có vị khác dùng quan điểm thực tiễn và cái nhìn tổng quan, coi giáo dục như là một bộ phận của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của một quốc gia, nên nó chịu tác động từ tổng hòa các nhân tố đó.
Các diễn giả người Việt và ngoại quốc đều thống nhất một quan điểm là khi bàn về chủ đề này, cái cần tìm hiểu không phải là định nghĩa như thế nào về các nguyên tắc mà là đặt lại vấn đề hay chất vấn xung quanh khái niệm này bằng một câu hỏi tổng quát “Các nguyên tắc cơ bản của một nền giáo dục đã được lập ra như thế nào?”. Câu hỏi này được cụ thể hóa hơn như sau: “Ai là người lập ra các nguyên tắc: bộ trưởng, nhà lập pháp, chính trị gia hay giáo sư?, Dựa vào đâu để lập ra: từ đặc điểm của lịch sử quốc gia, từ phương diện chính trị hay pháp lý?, Chu trình thiết lập đi từ dưới lên hay từ trên xuống?, Trẻ em, gia đình hay xã hội có dự phần ý kiến trong quá trình dựng nên các nguyên tắc không?”…
Trước hết, các vị cùng đưa ra một nhận xét, đó là, ở Việt Nam hay trên thế giới (cụ thể là Âu châu), luôn có những chênh lệch và khoảng cách giữa nguyên tắc và thực tiễn. Thảo luận giữa các diễn giả và khán phòng, trong vòng hơn hai tiếng, giúp chúng ta khẳng định một điều: giáo dục và chính trị luôn có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau dù ở bối cảnh văn hóa, xã hội hay chính trị nào. Tuy nhiên, giáo dục cũng như một cơ thể con người, nó có những logic vận hành riêng bởi giáo dục là một môi trường trong đó các nhân tố, cá nhân và thiết chế, tương tác với nhau: học sinh, phụ huynh, giáo viên, nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục và toàn thể xã hội.
Vì vậy, muốn cải thiện các nguyên tắc cũ hay “cách mạng” hơn, tạo dựng nên những nguyên tắc mới, thì một trong những thao tác mang tính chỉ đạo là sự lựa chọn và phân bậc các yếu tố chính trị, pháp lý, văn hóa, xã hội… để sao cho các nguyên tắc cơ bản của một nền giáo dục là sự hợp thành từ các yếu tố này. Và để cho các nguyên tắc cơ bản không trở thành những lời hứa thì chúng phải được xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của chính học sinh, gia đình và nhà trường. Để làm được điều này, nền giáo dục của các quốc gia phải đặt cho mình một đài quan chiếu sâu trong lịch sử và xa trong tương lai, tìm ra cho mình một cái nhìn đa dạng và trong tính toàn thể, khi mà cả thế giới đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu và kết nối. Khi mà giáo dục và đào tạo vừa có thể là bệ phóng kinh tế xã hội cho một đất nước vừa có thể là nạn nhân của trào lưu thương mại hóa, nghĩa là giáo dục trở thành một thứ hàng hóa, mua – bán, ngã giá – mặc cả. Đây là lúc Nhà nước phải đóng vai trò của mình, không những chỉ ngăn chặn để không bán nền giáo dục quốc dân mà còn phải đảm bảo cho giáo dục trở thành một giá trị chứ không phải là cái giá phải trả.
Các diễn giả:
Luisa LOMBARDI, chuyên gia của Eurydice Roger-François GAUTHIER, Thành viên Hội đồng chương trình cấp cao, Tổng thanh tra giáo dục Pháp GS Lê Văn Cường, trường IPAG Business School & Paris School of Economics GS Nguyễn Khắc Nhẫn, Học viện Bách khoa quốc gia Grenoble, cựu cố vấn chiến lược của EDF GS Hà Dương Tường, Đại học Công nghệ Compiègne PGS Lại Ngọc Điệp, Đại học sư phạm Cachan |