Bảng xếp hạng Nature Index: ĐH Phenikaa tăng mạnh chất lượng nghiên cứu
Trong bốn năm liên tiếp, trường Đại học Phenikaa, một cơ sở giáo dục đại học tư nhân, đều có mặt ở vị trí dẫn đầu các tổ chức nghiên cứu và đào tạo của Việt Nam trong bảng xếp hạng Nature Index. Năm nay thêm một kết quả mới đáng ghi nhận: lần đầu tiên trường Đại học Phenikaa vào top 1000 các tổ chức nghiên cứu và đào tạo của thế giới. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến kết quả này?
Cách tính điểm của Nature Index
Trong số nhiều bảng xếp hạng các tổ chức nghiên cứu và đào tạo (có thể là trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ, hay công ty) và các quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới về khoa học, Nature Index (https://www.nature.com/nature-index/) được coi là một nguồn tham khảo uy tín và tin cậy. Tại sao một bảng xếp hạng mới xuất hiện từ năm 2014 lại được giới khoa học thế giới đánh giá cao như vậy?
Về cơ bản, Nature Index là một cơ sở dữ liệu mở về các địa chỉ tác giả (author affiliations) và các quan hệ/hợp tác giữa các địa chỉ đó (institutional relationships). Điểm cho các địa chỉ và sự hợp tác được xác định từ những đóng góp của chúng vào các bài báo nghiên cứu, gọi là các bài báo Nature Index, được xuất bản trong một nhóm các tạp chí chất lượng cao và danh tiếng, gọi là các tạp chí Nature Index, được chọn lọc bởi một nhóm các nhà nghiên cứu khoa học tích cực, độc lập với nhà xuất bản. Mỗi năm, Nature Index đều xếp hạng các tổ chức nghiên cứu và đào tạo, đồng thời các quốc gia/vùng lãnh thổ, dựa trên các điểm số về đóng góp và hợp tác thu được thông qua các công bố quốc tế. Việc xếp hạng này có thể được phân loại theo từng lĩnh vực nghiên cứu, như khoa học sức khỏe, khoa học sự sống, hóa học, vật lý, hay khoa học Trái đất.
Nếu ban đầu, Nature Index chỉ bao gồm 64 tạp chí khoa học tự nhiên nhưng sau đó, danh mục tạp chí đã được mở rộng thành 82 tạp chí khoa học tự nhiên (năm 2018), sau đó bổ sung 64 tạp chí khoa học sức khỏe (năm 2023). Cho đến hiện nay, Nature Index chứa tổng 145 tạp chí Nature Index về khoa học tự nhiên và khoa học sức khỏe, tuy công bố chỉ chiếm 4% tổng số các công bố trong hai lĩnh vực trên theo Clarivate (Web of Science) nhưng thu về số lượng trích dẫn thiết yếu, phản ánh dòng phát triển chính của khoa học. Việc lựa chọn được danh mục tạp chí có chất lượng như vậy cũng là cách để Nature Index loại ra khỏi danh sách tính điểm những bài báo kém chất lượng, những công trình nghiên cứu dễ dãi (nếu có) của các cơ sở nghiên cứu và đào tạo, không đóng góp vào phát triển của khoa học.
Vậy Nature Index dựa vào phương pháp đánh giá cụ thể như thế nào để xếp hạng các tổ chức và các quốc gia? Về cơ bản, điểm cốt lõi của phương pháp đánh giá và xếp hạng của Nature Index là dựa vào hai chỉ số “Count” (đếm) và “Share” (chia) cho mỗi cơ sở nghiên cứu, trong đó “Count” dùng để đếm số bài báo được công bố trong 145 tạp chí trên và “Share” tính tổng đóng góp từ mỗi bài báo.
Việc sử dụng “Count” và “Share” có phản ánh đúng thực chất chất lượng nghiên cứu và hợp tác khoa học của một viện nghiên cứu, một trường đại học? liệu cái đúng trong đánh giá một tổ chức nhỏ có đúng với đánh giá của một quốc gia, vùng lãnh thổ không? liệu cách làm này của Nature Index cũng chỉ là một cách đánh giá thiên về số lượng?
Để giải đáp những thắc mắc này, chúng ta hãy cùng xem Nature Index tính điểm “Count” và “Share” như thế nào.
Mỗi quốc gia, lãnh thổ, hay tổ chức nghiên cứu và đào tạo sẽ được trao 1 điểm “Count” cho mỗi bài báo có nhà nghiên cứu của mình tham gia, không kể đến số lượng các nhà nghiên cứu có mặt trong bài báo ấy. Ngoài ra, một bài báo do nhiều tác giả, làm việc ở nhiều nơi, có thể đem lại điểm “Count” cho nhiều quốc gia, lãnh thổ hoặc tổ chức nghiên cứu và đào tạo.
Để tìm được đóng góp của một quốc gia, lãnh thổ, hay tổ chức nghiên cứu và đào tạo vào một bài báo, “Share” một phép tính chia đều cho số tác giả tham gia vào bài báo, với giả định mỗi tác giả đều có đóng góp tương đương nhau. Tổng số “Share” cho mỗi bài báo là 1, chính là “Count”, ví dụ một bài báo có 10 tác giả thì có nghĩa là mỗi tác giả nhận được 0.1 điểm “Share” và tổng lên bằng 1. Mỗi tác giả có thể có một hoặc nhiều địa chỉ, do đó điểm “Share” này lại được chia đều cho mỗi địa chỉ. Tổng số điểm “Share” của một tổ chức nghiên cứu và đào tạo (nghĩa là một địa chỉ) được tính bằng tổng số “Share” của mỗi tác giả thành viên. Quá trình tính điểm “Share” cho mỗi quốc gia, lãnh thổ cũng theo cách tương tự.
Như vậy, điểm “Count” và điểm “Share” là tổng các đóng góp từ tất cả các bài báo công bố trên các tạp chí thuộc danh mục Nature Index. “Count” cho chúng ta biết số lượng công bố hay hợp tác về khoa học trong từng lĩnh vực của các tổ chức, các quốc gia. Nếu hợp tác càng tốt thì điểm “Count” càng lớn. “Share” cho chúng ta biết năng lực nghiên cứu nội lực và mức độ đóng góp trong hợp tác nghiên cứu về khoa học của các tổ chức, quốc gia đó. Nếu nội lực càng cao thì điểm “Share” càng lớn.
Ví dụ, xét một bài báo thuộc danh mục của Nature Index có hai tác giả, Phùng Văn Đồng (có hai địa chỉ là ĐH Phenikaa và Viện Vật lý) và Dương Văn Lợi (có địa chỉ duy nhất là ĐH Phenikaa). Điểm “Count” cho ĐH Phenikaa là 1 và điểm “Count” cho Viện Vật lý là 1. Điểm “Share” cho mỗi tác giả là 1/2=0.5, điểm “Share” cho ĐH Phenikaa là 0.5/2 (từ Đồng) + 0.5 (từ Lợi) = 0.75, trong khi điểm “Share” cho Viện Vật lý là 0.5/2 (từ Đồng) = 0.25. Tỷ lệ hợp tác khoa học giữa ĐH Phenikaa và Viện Vật lý là 0.75:0.25 = 3, được tính theo điểm Share. Ví dụ này cho chúng ta biết rằng, ĐH Phenikaa có nội lực tốt còn Viện Vật lý thì hợp tác tốt.
Top 10 Việt Nam trên Nature Index
Trong bảng xếp hạng Nature Index của Việt Nam, được công bố vào tháng sáu năm nay (Bảng 2024), điều không bất ngờ là sự xuất hiện của trường ĐH Phenikaa ở vị trí số một, xem Bảng 1. Thực vậy, trong bốn năm gần đây, trường ĐH Phenikaa liên tiếp xếp ở vị trí số một. Hình 1 so sánh điểm Nature Index của những tổ chức nghiên cứu mạnh của Việt Nam trong các năm qua.
Trong bảng xếp hạng mới, trường ĐH Phenikaa đạt điểm “count” là 17, chủ yếu từ các bài báo được xuất bản trên các tạp chí vật lý uy tín như Advanced Functional Materials, Applied Physics Letters, European Physical Journal C, Journal of High Energy Physics, Nature Physics, Physical Review A, Physical Review B, Physical Review D. Đáng chú ý hơn, trường ĐH Phenikaa vừa chạm đến điểm “Share” hai con số là 10.31, và bắt kịp Đại học Chulalongkorn danh tiếng của Thái Lan (xem Bảng 2).
Bắt đầu gia nhập cộng đồng nghiên cứu và đào tạo Việt Nam từ năm 2018, trường ĐH Phenikaa đã nỗ lực gây dựng năng lực nghiên cứu của mình từ con số không. Cho đến nay, những gì trường ĐH Phenikaa đạt được trên bảng Nature Index là hệ quả việc trường quy tụ và xây dựng được một cộng đồng nghiên cứu vật lý áp đảo, trong đó tập trung nhiều nhà nghiên cứu xuất sắc ở những chuyên ngành vật lý khác nhau, từ lý thuyết đến thực nghiệm.
Nếu dựa vào cách tính điểm của Nature Index thì có thể thấy, chỉ số “Count” sẽ tăng nếu bạn mở rộng hợp tác, tuy nhiên chỉ số “Share” do nội lực rất khó đạt được. Để có kết quả nghiên cứu đỉnh cao, dù ở cấp trường, viện hay cấp quốc gia, cần có một chương trình phát triển khoa học đúng đắn, được đặc cách phát triển dài hạn không bị ràng buộc bởi những cơ chế hành chính, đồng thời là tinh thần sẵn sàng chấp nhận rủi ro (vì bản chất của khoa học là thử và sai nhằm tiệm cận chân lý). Trong đó, hai yếu tố quyết định đến kết quả nghiên cứu là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, thực nghiệm hiện đại. Nếu có những chính sách đầu tư cho khoa học như vậy, khoa học sẽ phát triển như một tất yếu.
Chỉ số “Share” và “Count” trên bảng xếp hạng Nature Index của ĐH Phenikaa trong vòng những năm qua cho thấy, chính sách khoa học mà Phenikaa áp dụng trong thời gian qua đang khai thác rất hiệu quả sức mạnh nội lực của đội ngũ nghiên cứu. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là do phát triển khoa học mang tính kế thừa và có tính cộng đồng rất cao nên nếu Phenikaa khai thác thêm được chất lượng của hợp tác khoa học (collaboration) như ở chỉ số Count thì trong tương lai, có thể Phenikaa sẽ nhanh chóng chiếm được một vị thế nhất định trên bản đồ khoa học thế giới.
Mặt khác, thế mạnh của Phenikaa là lĩnh vực vật lý. Để duy trì thế mạnh này, Phenikaa sẽ phải có chính sách đầu tư vào các nhóm nghiên cứu vật lý của trường và hướng họ đến một tương lai phát triển xa hơn. Khi nhìn vào xu hướng phát triển của ngành vật lý thế giới, có một vấn đề đặt ra là các nghiên cứu thực nghiệm sẽ rất khó vươn tới đỉnh cao tại Việt Nam, vì chi phí thực hiện các công trình đó rất đắt đỏ. Trong khi đó, các nghiên cứu thuần lý thuyết rất khó thuyết phục, vì xa rời thực tiễn hoặc chưa có bằng chứng thực nghiệm. Do đó, các nghiên cứu lý thuyết kết hợp với thực nghiệm (phenomenology) sẽ là hướng khả thi nhất để các nhóm có thể đạt đến kết quả nghiên cứu đỉnh cao. Ví dụ, trong lĩnh vực vật lý năng lượng cao và vũ trụ học, thực nghiệm vô cùng đắt đỏ, lên đến hàng tỷ USD, do đó các nghiên cứu thực nghiệm thường được thực hiện thông qua sự liên hợp của các quốc gia hoặc các nước giàu và kết quả được công bố ra cộng đồng miễn phí, phục vụ cho nghiên cứu. Để có được những nghiên cứu ở tầm quốc tế, nhóm nghiên cứu vật lý năng lượng cao và vũ trụ học của Phenikaa sẽ phải trích xuất thông tin khoa học mới từ các số liệu đó hoặc đề xuất/cải tiến các lý thuyết giải thích chúng. Cơ hội vẫn có nhưng điều khó khăn ở đây là bạn cần đủ active, kiểm soát được biên giới của tri thức và hiểu được thực nghiệm. Kết quả sẽ đến nếu bạn không ngừng nghỉ nghiên cứu và khám phá những điều mới mẻ mà thế giới tự nhiên vẫn còn đang nắm giữ.□
——————————————————–
Chú thích
1 https://www.nature.com/articles/515S94a
2https://en.wikipedia.org/wiki/Nature_Index
3 https://www.nature.com/articles/d41586-024-00758-6
4 https://www.nature.com/nature-index/country-outputs/Vietnam
Bài đăng Tia Sáng số 10/2024