Bỏ quy chế bình chọn “Học sinh 3 tốt”

Tháng 9 năm nay, giáo sư Cố Minh Viễn Chủ tịch Hội Giáo dục Trung Quốc (TQ) chính thức đưa ra kiến nghị đình chỉ việc bình chọn “Học sinh 3 tốt” trong các trường tiểu học và trung học. Theo ông việc bình chọn này vừa coi nhẹ cá tính của học sinh (HS), không có lợi cho việc đào tạo nhân tài, vừa nảy sinh tham nhũng trong nhà trường. Đề nghị đó đang gây ra một cuộc tranh luận rất ồn ào ở TQ.

Việc bình chọn “Học sinh 3 tốt” “phát triển toàn diện đức dục, trí dục và thể dục” bắt nguồn từ thập niên 50 thế kỷ XX, nhằm đào tạo đông đảo lớp người tiếp nối sự nghiệp của Đảng CSTQ, mang rõ rệt dấu ấn của thời đại Mao Trạch Đông. Các trường căn cứ theo tỷ lệ vào khoảng 10% để bình chọn “HS 3 tốt”, hy vọng số này sẽ phát huy được tác dụng “gương mẫu”. “HS 3 tốt” được hưởng nhiều quyền lợi. Thí dụ tại Bắc Kinh, “HS 3 tốt” cấp trường sẽ được dễ dàng vào học các trường nổi tiếng; “HS 3 tốt” cấp thành phố khi thi đại học được cộng thêm 10 điểm – đây là một ưu đãi có sức thu hút rất lớn khi mỗi điểm thi đều vô cùng quý giá.

5 ngày sau khi công bố kiến nghị của GS Cố Minh Viễn, một điều tra dư luận trên mạng cho thấy có 65% người tán thành hủy bỏ chế độ bình chọn “HS 3 tốt”; họ vô cùng ớn ghét hiện tượng phụ huynh HS biếu tiền và quà cáp cho thầy cô giáo càng ngày càng trầm trọng trong quá trình xét chọn “HS 3 tốt”. Số còn lại chủ trương duy trì chế độ đó cho rằng việc bình chọn ấy giúp HS phát huy được tác dụng gương mẫu.   

Ngoài danh hiệu “HS 3 tốt” ra, chức danh cán bộ lớp cũng rất hấp dẫn. Nhiều cán bộ lớp đều là “HS 3 tốt” mà thầy cô giáo đã nhắm trước, thực ra đây là một kiểu trau dồi “ý thức quan chức” cho trẻ em từ nhỏ. Môi trường giáo dục như vậy bất lợi cho việc trau dồi tính độc lập sáng tạo cho HS. Có thể nói các tệ nạn trong ngành giáo dục TQ là hình ảnh thu nhỏ của toàn bộ xã hội nước này.

GS Cố Minh Viễn có kể lại một chuyện như sau: Lần ấy ông cùng phái đoàn TQ dự cuộc thi Olympic toán quốc tế đến thăm một trường trung học ở Salt Lake (Mỹ), đoàn TQ làm quà cho nhà trường hai con búp bê gấu mèo, nói là nhờ nhà trường tặng cho một HS nam xuất sắc nhất và một HS nữ xuất sắc nhất. Ông hiệu trưởng rất ngạc nhiên và rất khó xử nói: Chúng tôi không có HS xuất sắc nhất, mà em nào của chúng tôi cũng xuất sắc cả, em thì xuất sắc về học tập, em thì xuất sắc về thể dục, em thì xuất sắc về lao động nghĩa vụ. Qua việc đó GS Cố càng thấy rõ việc chia trẻ em ra làm nhiều thứ hạng chỉ làm các em giảm lòng tự tin, tự cường, chỉ làm tổn thương đến tinh thần của các em không được chọn là “HS 3 tốt”; nhà trường phải coi tất cả các HS đều là xuất sắc cả và đối xử hoàn toàn như nhau với tất cả các em.

GS Cố Minh Viễn từng có nhiều đề xuất quan trọng nhằm cải cách giáo dục TQ. Sau “Cách mạng Văn hóa” ông đã phê phán quan điểm cực tả “Giáo dục là sản phẩm của đấu tranh giai cấp”, và đề xuất “Giáo dục hiện đại là sản phẩm của nền sản xuất hiện đại”. Nhằm chống lại quan điểm hồi đó rất thịnh hành “Kết hợp giáo dục với lao động sản xuất là nguyên tắc của giáo dục XHCN”, GS đề xuất “Kết hợp giáo dục với lao động sản xuất là quy luật phổ biến của giáo dục hiện đại”. Từ năm 2004, GS đã kêu gọi hủy bỏ quy chế bình chọn “HS 3 tốt” trong các trường phổ thông tiểu học và trung học ở TQ./. 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)