Bụt chùa nhà không thiêng

Cách đây vài ngày khi sắp xếp lại giấy tờ, tài liệu của mình, tình cờ tôi nhìn thấy tập tài liệu có tên “Đại học và Nghiên cứu”, trong đó có nhiều bài báo của những tác giả như Hoàng Tụy với cái nhìn sắc sảo và những nhận xét xác đáng. Tập tài liệu cũng có nhiều báo cáo bao gồm tổng kết năm 1998 về Chính sách Khoa học, Công nghệ và Đổi mới của Việt Nam của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế Canada, do Keith Bezanson điều hành và báo cáo về Giáo dục Đại học Việt Nam của Đại học APEX do Vallelly và Wilkinson thực hiện năm 2008. Khi xem lướt lại tập tài liệu này, tôi bắt gặp vài dòng chữ viết vội bằng tiếng Pháp mà tôi không nhớ mình đã chép từ đâu. Những dòng chữ đó để lại ấn tượng trong tôi bởi chúng thể hiện rõ ràng và súc tích các nguyên tắc cơ bản để xây dựng Đại học và Nghiên cứu. Ban đầu, tôi nghĩ đã chép những dòng đó từ bài nói chuyện của Feynman cho các tân sinh viên tại Viện Công nghệ Caltech vào năm 1965, nhưng sau khi kiểm tra lại thì không phải vậy. Những dòng này được viết vào khoảng giữa năm 1947 và 1949 tại Việt Bắc và tác giả là Giáo sư Hồ Đắc Di. Tôi xin được mạn phép ghi lại những dòng đó dưới đây, và xin lỗi nếu bản ghi chép hoặc bản dịch của mình có vài lỗi nhỏ, nhưng tôi đảm bảo rằng những dòng dưới đây trung thành với nguyên văn của tác giả.

– Nếu cuộc đời mà từng giây phút trôi qua đều có ý nghĩa thì đó là cuộc đời cống hiến cho tương lai của con em chúng ta.
–  Một người thầy càng ngày càng trở nên giỏi hơn nhờ những người học trò của mình thì người thầy đó càng xứng đáng được tôn vinh.
– Giáo dục bậc cao và nghiên cứu như là hai anh em sinh đôi; việc học ở trường chỉ là bước đệm cho công việc nghiên cứu sau này.
– Đại học không chỉ là một tổ hợp gồm nhiều trường, một trung tâm truyền đạt kiến thức và kỹ thuật mà còn là một trung tâm nghiên cứu. Trong khoa học, sự tiến bộ gắn liền với sự kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu và giảng dạy, mà nếu không có điều đó thì chẳng khác gì xây nhà trên cát.

Giáo sư Hồ Đắc Di  (1900 – 1984) là người bác sĩ y khoa đầu tiên, người sáng lập Trường Đại học Y Hà Nội và là Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam từ ngày thành lập tới 1984. Trong thời gian ở Pháp, được tiếp xúc với đồng chí Nguyễn Ái Quốc và một số nhà trí thức Việt Nam yêu nước khác, Giáo sư đã cảm thấy nỗi đau đớn tủi nhục của người dân mất nước và muốn đem khả năng của mình phục vụ đồng bào. Trở về Tổ quốc, Giáo sư làm bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện Huế và Phủ Doãn. Sau Cách mạng tháng Tám, Giáo sư được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ giao nhiều trọng trách Tổng thanh tra Y tế, Tổng Giám đốc Đại học vụ, Hiệu trưởng Trường Đại học Y- Dược khoa và nhiều chức vụ quan trọng khác. Tuy bản thân tham gia công tác lãnh đạo, Giáo sư vẫn liên tục làm công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học…
Ông đã từng được Nhà nước ta tặng thưởng nhiều huân chương cao quý và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

– Trường đại học không chỉ là nơi giảng dạy kiến thức khoa học mà còn là nơi khoa học tồn tại và phát triển.
– Nghiên cứu là làm việc theo nhóm. Nó đòi hỏi sự chăm chỉ và nhẫn nại. Nó bao gồm những kỹ năng, đặc biệt đối với những người trẻ tuổi, luôn không ngừng tìm kiếm phát minh để có thể nắm bắt cơ hội. Cùng với công việc, trí tưởng tượng và  phương pháp, cơ hội và sự quan tâm sẽ đến trong tầm tay.
– Nghiên cứu khoa học tạo nên sự nhiệt tình cho những người trẻ tuổi. Và thực sự chúng ta mang ơn họ vì rất nhiều phát minh quan trọng.
 – Giảng viên có nhiệm vụ phát hiện ra những sinh viên yêu thích công việc nghiên cứu và giúp đỡ họ phát triển kỹ năng quan sát, khả năng phán xét, trí tò mò, đam mê tri thức, trực giác và trí tưởng tượng.
– Nhà khoa học phải có một phông văn hoá rộng để không chỉ như những người thợ thủ công lành nghề được đào tạo ở các trường trung học chuyên nghiệp. Đào tạo các nhà khoa học phải chú trọng phát triển cả về trí tuệ và đạo đức, bao gồm cả khoa học và nghệ thuật.
– Tinh thần học thuật là một đặc trưng của đào tạo giáo dục bậc cao so với bậc trung học và trung học chuyên nghiệp; đó là sự thỏa hiệp giữa sinh viên và giảng viên mà không có chỗ cho việc lạm dụng quyền hạn. Chỉ khi đó, thông qua mối quan hệ không áp đặt, năng lực phán xét mới có thể nở rộ hoàn toàn tự do-đó là bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa trí tuệ nhân loại, một yếu tố vô cùng quan trọng đối với khoa học.
– Học để biết Chân lý và quý trọng Cái đẹp, để từ đó giúp ta làm điều tốt.
– Học để biết Chân lý hàm ý việc vượt lên trên những đặc điểm cụ thể để tìm ra quy luật chung, điều đó đòi hỏi sự phân tích lô-gíc, chính xác, vô tư và trung thực trước sự thật.
– Chỉ sau khi học hỏi từ những nhà khoa học tiền bối chúng ta mới có thể đứng trên vai họ để nhìn qua bên kia bức tường, nơi cất giấu những điều chưa biết.
– Hãy thành thật với quá khứ như dòng sông chảy ra đại dương luôn thủy chung với nguồn cội. Bằng cách thừa hưởng truyền thống tốt đẹp, Đại học sẽ có thể tạo nên sức mạnh để đối mặt với những khó khăn hiện tại và tìm thấy niềm tin ở tương lai.
– Cái làm nên sự khác biệt giữa hai thứ, Phát minh và quá trình làm việc để đạt được nó, là chúng ta luôn bị ấn tượng bởi điều thứ nhất trong khi ngay lập tức quên điều thứ hai. Suy nghĩ theo lối mòn thì bị động còn sự sáng tạo đòi hỏi con người phải tự quyết.
– Khi học thì phải nghi ngờ và khi làm thì phải có niềm tin.
– Phải hành động có suy nghĩ và suy nghĩ tích cực.
– Hãy hình dung một nhà khoa học trở thành một nhân viên kế toán chịu nhiều áp lực từ các thủ tục hành chính, phải có mặt tại cơ quan vào những giờ cố định. Nếu anh ta không phản ứng lại điều đó thì anh ta sẽ quên hết những điều đã học khi còn là sinh viên. Người ta có thể hành chính hóa một nhà khoa học… chứ không thể hành chính hóa Khoa học. Hãy nhìn lại bản chất của Tự nhiên; có khi nào nó hành xử đúng thời gian và theo quy luật không?
– Thật quý giá cho nhà khoa học nào có một công việc kết hợp được cả Khoa học và Lương tâm. Có tài là chưa đủ; mà phải có đạo đức trong sáng.
– Trường đại học phải tự hào vì đã quyết tâm gìn giữ di sản trí tuệ của những người đang đấu tranh vì tự do.
***
Tôi cứ nghĩ trong việc xây dựng một nền KH&CN phát triển và đại học đẳng cấp quốc tế cho Việt Nam chúng ta đâu cần viết và thảo luận nhiều, chỉ cần thực thi những ý kiến trên của GS Hồ Đắc Di.

 

Tác giả

(Visited 20 times, 1 visits today)