Cái “bẫy” của bộ công cụ TVET toàn cầu
Các cải cách trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam vẫn đang diễn ra, nhưng hệ thống này dường như chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn mà bộ công cụ TVET đã chỉ ra cách đây hơn 40 năm.

Một công cụ lí tưởng…
Bộ “Công cụ giáo dục nghề nghiệp toàn cầu” – TVET ra đời từ các cải cách giáo dục nghề nghiệp trong những năm 1980, tại Anh và Úc. Thời bấy giờ, giới phê bình chỉ trích rằng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ tập trung vào những gì mà giảng viên hay nhân viên có thể dạy hoặc muốn dạy, thay vì đáp ứng nhu cầu của người học và nhà tuyển dụng. Điều này dẫn đến việc chương trình học trở nên lỗi thời và không phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Người ta kì vọng bộ công cụ TVET với bốn đặc điểm chính, sẽ thay đổi tình hình: (1) Tiếp cận dựa trên năng lực. Điều này nghĩa là, nhà trường sẽ xác định bằng cấp và trình độ đào tạo dựa trên vị trí công việc và kĩ năng chuyên môn cần thiết cho từng vị trí đó trong doanh nghiệp. (2) Doanh nghiệp dẫn dắt hình thành kĩ năng. Theo đó, nhà tuyển dụng có vai trò quan trọng hơn nhà trường trong việc thiết lập tiêu chuẩn đào tạo, thiết kế, phát triển chương trình giảng dạy và đánh giá kết quả học tập của học sinh. (3) Tài trợ dựa trên kết quả. Đây là mô hình phân bổ ngân sách cho các cơ sở đào tạo nghề dựa trên khả năng đạt được các kết quả cụ thể. Những kết quả này thường liên quan đến tỷ lệ việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp hoặc mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng với chất lượng lao động. Nói cách khác là nhà nước đặt hàng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, và ngân sách được cấp dựa vào chất lượng đầu ra dưới sự đánh giá của doanh nghiệp. (4) Tự chủ có quản lý cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công. Có nghĩa là, các trường công lập được phép tự quyết định và quản lý hoạt động của mình một cách độc lập hơn. Ví dụ, họ có thể tự thiết kế chương trình học, quản lý tài chính và tổ chức hoạt động giảng dạy. Tuy nhiên, để đảm bảo cho các cơ sở này hoạt động hiệu quả, họ phải tuân theo các mục tiêu về chất lượng đào tạo và quy định pháp lí nghiêm ngặt của chính phủ. Nói chung, có thể hiểu rằng “năng lực thực tế” là linh hồn của TVET, khác biệt với cách dạy truyền thống chỉ dựa trên lý thuyết.”
Mục đích của bộ công cụ TVET là tạo ra một khung pháp lý và quy trình quản lý, giúp chính phủ, hệ thống và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời đảm bảo rằng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Từng được áp dụng rộng rãi và thành công ở các quốc gia phát triển, các nước nghèo và đang phát triển nhìn bộ công cụ quyền năng này là cơ sở để tạo ra một nguồn nhân lực có kỹ năng cao đáp ứng như cầu của xã hội và các ngành công nghiệp cả trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự chuyển mình mạnh mẽ của nền kinh tế, các quốc gia này coi bộ công cụ TVET như một lời giải cho những loay hoay của mình trong việc cải tổ hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Sự ủng hộ cho kế hoạch truyền bá bộ công cụ TVET này chủ yếu đến từ các tổ chức quốc tế uy tín trên thế giới, như Ngân hàng Thế giới (WB), ADB, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hay UNESCO. Đây là những tổ chức đã cam kết hỗ trợ các quốc gia trong việc cải cách hệ thống TVET nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
… nhưng có hợp với Việt Nam?
Với viễn cảnh tươi đẹp mà các nước sử dụng bộ công cụ TVET vẽ nên và dưới sự cổ vũ nhiệt thành của các tổ chức quốc tế, Việt Nam mạnh dạn thực hiện cải cách theo các khuyến nghị của họ. Một trong những cải cách lớn nhất đó là Luật Giáo dục Nghề nghiệp được thông qua năm 2014 và toàn bộ hệ thống giáo dục nghề nghiệp được chuyển về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý.
Chính các địa phương mới cần được “phân quyền”, “trao quyền” trong việc quản lý, định hướng giáo dục nghề nghiệp để phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội của mình thì tiếng nói của họ lại hết sức mờ nhạt.
Liệu sự thành công của bộ công cụ ở các quốc gia khác liệu có thể bảo chứng cho việc áp dụng ở Việt Nam? Để sử dụng bộ công cụ TVET, cần phải hiểu rõ và áp dụng đúng nội hàm của các thuật ngữ, cụm từ và quy trình của bộ công cụ vốn xuất phát từ các nền văn hóa, luật pháp, thể chế và xã hội rất khác Việt Nam. Và đó là một thách thức cho hệ thống hiện tại trong nước. Nếu hiểu sai hoặc thực hiện sai, hoặc chỉ làm mang tính hình thức, chúng ta sẽ phải trả giá rất lớn.
Thực tế, đối chiếu bộ công cụ TVET với những cải cách giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam, chúng ta đều đang đan cài những đặc điểm của bộ công cụ toàn cầu này vào hệ thống của mình bằng nhiều cách. Nhưng những thay đổi này giống như một kiểu “đẽo cày giữa đường” hơn là một giải pháp có tính nền tảng, cốt lõi. Cuối cùng, hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam càng cố gắng điều chỉnh, lại càng loay hoay không phát triển được.

Sự khác biệt về thể chế
Trước hết, các nước khai sinh và triển khai bộ công cụ TVET thành công là những nước phát triển có thị trường tự do với những mặc định về vai trò của nhà nước và tư nhân, về sự tự chủ và độc lập giữa trung ương và địa phương. Là một nước có thể chế hoàn toàn khác, các khái niệm liên quan đến quản trị trong bộ công cụ TVET khiến Việt Nam lúng túng. Chẳng hạn, thế nào là phân quyền trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp? Đó có phải là giao cho một cơ quan độc lập với Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý? Kết quả là, việc đưa giáo dục nghề nghiệp vào sự quản lý của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã gây ra những “thách thức khó khăn trong đào tạo nhân lực cho đất nước”, theo lời TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp. Ông Vinh cho rằng, trong khi tất cả các cấp học, bậc học đều do Bộ Giáo dục và Đào tạo phụ trách, nhưng riêng giáo dục nghề nghiệp lại trực thuộc một cơ quan khác đã gây ra những xung đột nguồn lực đầu tư, làm rối rắm thêm các quy định pháp luật và khiến bộ máy nhà nước cồng kềnh không cần thiết. TS. Hoàng Ngọc Vinh cũng cho rằng, sự phân tách này làm mất tính cân đối hài hòa giữa các trình độ giáo dục đào tạo trong cơ cấu nguồn nhân lực. Ở thời điểm này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã được giải thể theo quyết định của Chính phủ. Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, vốn trực thuộc Bộ này, được chuyển sang Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, và đổi tên thành Cục Giáo dục Nghề nghiệp và Giáo dục Thường xuyên. Cuối cùng, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã quay lại đúng vị trí của nó, nhưng đó là sau khi chúng ta đã mất hơn một thập kỉ cho nỗ lực cải cách và loay hoay kể từ khi Luật Giáo dục Nghề nghiệp ra đời vào năm 2014.
Mặt khác, chính các địa phương mới cần được “phân quyền”, “trao quyền” trong việc quản lý, định hướng giáo dục nghề nghiệp để phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội của mình thì tiếng nói của họ lại hết sức mờ nhạt. Kết quả của dự án Skill for Industry – một nghiên cứu về hình thành kỹ năng gồm sáu nước là đào tạo nghề của Việt Nam và năm quốc gia có nền kinh tế phát triển tương đương (Ethiopia, Bangladesh, Lào, Campuchia, Nam Phi) do Thụy Sĩ tài trợ cho thấy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam được phân bố thiên lệch cả ở hai khía cạnh vị trí địa lí và đầu tư. Ở thành phố lớn, các cơ sở đào tạo tập trung với mật độ cao trong khi các trường tại địa phương thì rất khó khăn trong cả tuyển sinh và kinh phí.

Hơn thế, bộ công cụ ra sức cổ vũ cho mối quan hệ giữa nhà trường và nền công nghiệp, nhưng vấn đề là làm thế nào? Yếu tố “thị trường” dường như được nhấn mạnh trong cải cách hệ thống đào tạo nghề. Cụ thể, ở cấp độ vĩ mô, Luật Giáo dục Nghề nghiệp năm 2014 đã thiết lập một chương riêng về Quyền và Nghĩa vụ của Doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Ở cấp độ địa phương, tất cả 63 tỉnh thành đều có phòng Doanh nghiệp tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nhằm kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp. Ở cấp độ nhà trường, họ có các phòng ban riêng liên quan đến doanh nghiệp và các chương trình đào tạo luôn có một phần dành riêng cho thực tập tại doanh nghiệp và phần này chiếm 70% thời lượng thực hành. Tuy nhiên, những nỗ lực này là vô vọng bởi chiến lược phát triển công nghiệp của quốc gia dường như đang tách rời với chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Hơn thế nữa, chiến lược phát triển nguồn nhân lực cũng không có ảnh hưởng gì đến việc thiết kế chương trình đào tạo, vốn cần phải xuất phát từ yêu cầu của doanh nghiệp. Một trong những ví dụ minh họa cho vấn nan này đó là hiện nay quốc gia cần gấp hàng trăm nghìn nhân lực cho việc triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam nhưng các trường đại học không thể trở tay kịp. Ngoài ra, cách tiếp cận trong đào tạo nghề của Việt Nam vẫn là lấy nhà trường làm trung tâm (school-based). Theo quan điểm này, các trường nắm giữ vai trò chủ đạo, nếu không muốn nói là “độc quyền” trong việc đào tạo nghề. Nếu doanh nghiệp tự tổ chức các khóa học thì bằng cấp, chứng chỉ này sẽ không được công nhận chính thức. Người của doanh nghiệp, dù nhiều kinh nghiệm thực tế, cũng rất khó có thể trở thành giảng viên, giảng dạy thường xuyên ở các trường nghề. Cách tiếp cận school based này khiến việc bắt tay giữa các trường và doanh nghiệp rất khó đi vào thực chất.
Chiến lược phát triển công nghiệp của quốc gia dường như đang tách rời với chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Hơn thế nữa, chiến lược phát triển nguồn nhân lực cũng không có ảnh hưởng gì đến việc thiết kế chương trình đào tạo, vốn cần phải xuất phát từ yêu cầu của doanh nghiệp.
Sự khác biệt về môi trường pháp lí
Thứ hai, các nước từng thành công với TVET có xã hội dân chủ với nền tảng pháp luật vững chắc. Việc thúc đẩy mối quan hệ giữa khối đào tạo và khối công nghiệp không chỉ cần sự chủ động của các trường hay địa phương mà còn cần những quy định pháp luật rõ ràng. Phần Quyền và Nghĩa vụ trong Luật Giáo dục Nghề nghiệp mới chỉ dừng lại ở mức “khuyến khích” sự kết nối mà chưa có những phân định vai trò, nhiệm vụ của từng bên. Nếu phó mặc cho sự tự phát và tự nguyện, kết quả liên kết chưa chắc đã tốt đẹp. Ở Việt Nam, yếu tố thị trường được đưa vào chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và doanh nghiệp như mong muốn của bộ công cụ, lại thành ra làm méo mó hình ảnh của giáo dục nghề nghiệp. Đáng lẽ giáo dục nghề nghiệp phải đào tạo các học viên một kĩ năng “ra tấm ra món” để đảm trách lâu dài một vị trí, một quy trình trong một tổ chức thì giờ đây lại tập trung ồ ạt vào các khóa ngắn hạn để đáp ứng những kĩ năng tức thì, thời vụ của doanh nghiệp. Dữ liệu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho thấy số lượng tuyển sinh giai đoạn 2014 – 2023 đạt 21,238 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng đạt 1,716 triệu người (chiếm 8,1%), trình độ trung cấp đạt 2,4 triệu người (chiếm 11,6%), còn lại hơn 80% chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trường nghề là ngắn hạn. Điều này làm suy yếu khả năng xây dựng một hệ thống giáo dục nghề nghiệp mạnh mẽ và bền vững, ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong dài hạn.
Chưa hết, bộ công cụ TVET đòi hỏi cách quản lý khuyến khích sự tự chủ, tự do nhưng cũng đi kèm với trách nhiệm giải trình và năng lực đánh giá sắc sảo – kĩ năng mà các quốc gia phát triển đã thành thục nhưng vẫn còn mới mẻ với Việt Nam. Các tài liệu đánh giá từ nhiều tổ chức đã chỉ ra hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam đang đối mặt với một số điểm yếu nội tại có thể tạo điều kiện cho tham nhũng, mặc dù không có bằng chứng trực tiếp về vấn đề này.
Các chương trình tài trợ cho TVET thường thiếu minh bạch, có thể dẫn đến lạm dụng ngân sách hoặc thiên vị trong phân bổ tài nguyên. Ngoài ra, chi tiêu ở nhiều cơ sở TVET không được tối ưu hóa; một tỷ lệ lớn ngân sách thường được chi cho các chi phí hành chính thay vì cho các khoản chi trực tiếp như thiết bị và lương giáo viên. Trong khi đó, chất lượng giáo viên cũng là một vấn đề cần được xem xét. Việc định nghĩa không rõ ràng về “chứng chỉ kỹ năng chuyên nghiệp” có thể cho phép những người thiếu kinh nghiệm được làm giáo viên, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Đồng thời, sự thiếu chú trọng vào kinh nghiệm làm việc trong yêu cầu trình độ của giáo viên TVET dẫn đến khoảng cách giữa kỹ năng được dạy và nhu cầu thị trường lao động. Cuối cùng, cấu trúc trách nhiệm trong hệ thống TVET còn yếu, thiếu sự giám sát và các chỉ số hiệu suất rõ ràng, điều này khiến cho việc đánh giá hiệu quả của các chương trình đào tạo trở nên khó khăn. Đó cũng là một yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tham nhũng.
Nói cách khác, đáng lẽ Việt Nam nên rà soát và củng cố lại cơ chế của hệ thống giáo dục nghề nghiệp sao cho minh bạch, phân chia trách nhiệm rõ ràng hơn, quản lí tài chính và con người tốt hơn trước khi áp dụng bộ công cụ TVET.
Sự khác biệt về nguồn lực
Một điểm chung khác của các quốc gia thành công với TVET đó là họ đều có tiềm lực kinh tế, để thực hiện tất cả các hoạt động cải cách trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Bộ công cụ này ra đời dựa trên quan điểm cho rằng đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp tức là đầu tư cho nguồn nhân lực có kỹ năng đáp ứng nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp. Với niềm tin này, Việt Nam đã dồn nhiều ngân sách hơn cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chủ yếu là tập trung vào nâng cao trình độ giáo viên và cải thiện cơ sở vật chất. Nhưng theo cảm nhận của chúng tôi, rất có thể nguồn tài chính này vẫn không đủ. Cả nước có gần 2000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 60% là cơ sở công lập, với nhiều ngành nghề đào tạo cần được nâng cấp và cải thiện sẽ cần một nguồn vốn cực lớn, đặc biệt là với những ngành liên quan đến sản xuất lớn, tự động hóa…
80% chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trường nghề là ngắn hạn. Điều này làm suy yếu khả năng xây dựng một thệ thống giáo dục nghề nghiệp mạnh mẽ và bền vững, ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong dài hạn.
Việt Nam cần làm gì tiếp theo?
Các cải cách trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp vẫn đang diễn ra, nhưng dường như chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn mà bộ công cụ TVET đã chỉ ra cách đây hơn 40 năm. Nghiên cứu cho thấy Việt Nam đang thiếu hụt nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng càng nhấn mạnh thực tế này.
Thay vì tiếp tục lao theo yêu cầu của bộ công cụ TVET, có lẽ Việt Nam nên xác định mình đang có gì và thực sự muốn gì. Dường như vẫn chưa có một nghiên cứu tổng thể nào được thực hiện ở tầm vĩ mô để kết nối chiến lược phát triển kinh tế xã hội với sự phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng tương ứng. Hiện tại, hai chiến lược này vẫn chạy song song mà không có điểm giao nhau, từ tầm vĩ mô đến trung gian và vi mô.
Ngoài ra, chưa có nghiên cứu nào xác định rõ trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội cần ưu tiên ngành nghề nào và số lượng vị trí việc làm tương ứng, đặc biệt là các vị trí như Vận hành (trung cấp) và Kỹ thuật viên (cao đẳng), trong bối cảnh nền kinh tế mà 98% là siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Quan trọng hơn, hiện tại vẫn chưa có một hiệp hội hay ủy ban nào đủ quyền lực để theo dõi sát sao tình hình phát triển kinh tế và nguồn nhân lực tương ứng, cũng như ra quyết định nhanh chóng về những thay đổi cần thiết.
Theo nghiên cứu của D. Ashton, F. Green, J. Sung và D. James (2010) về vai trò của chính phủ trong việc hình thành kỹ năng tại ba nước có văn hóa tương đồng với Việt Nam là Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc, có ba điểm thú vị mà Việt Nam có thể học hỏi:
Ưu tiên yếu tố nội lực: Cả ba nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố nội lực khi thực hiện cải cách. Sự thành công của họ gắn liền với bối cảnh lịch sử độc đáo và các chính sách phù hợp với điều kiện nội bộ.
Hội đồng quyền lực: Cả ba nước đều có một hội đồng quyền lực để phối hợp giữa phát triển kinh tế và nguồn nhân lực. Singapore có Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI), Hàn Quốc có Ủy ban Kế hoạch Kinh tế, còn Đài Loan có Hội đồng Kế hoạch và Phát triển Kinh tế.
Phân chia rõ ràng lĩnh vực ưu tiên: Cả ba nước đều xác định rõ lĩnh vực kinh tế nào cần tập trung phát triển cùng với nguồn nhân lực tương ứng để đáp ứng nhu cầu của các ngành đó.□
Bài đăng Tia Sáng số 6/2025