Cải cách tuyển sinh tại TQ – nhưng chỉ một chút thôi*
Gần 10 triệu học sinh tốt nghiệp THPT Trung Quốc vừa trải qua kỳ thi tuyển sinh đại học căng thẳng vào đầu tháng 6 vừa qua. Kết quả của kỳ thi này không chỉ quyết định các em sẽ học ở đâu, mà sẽ ảnh hưởng đến suốt cuộc đời của các em.
Tổng cộng có đến 9.57 triệu học sinh vừa trải qua kỳ thi 2 ngày, trong số đó sẽ có 2/3 các em được nhận vào đại học, từ những trường đại học nghiên cứu nổi tiếng đến những trường cao đẳng nghề, tùy theo kết quả thi. Những em nào làm tốt và được nhận vào những trường đại học có tiếng sẽ có quyền mong đợi một cuộc sống phong lưu khi ra trường trong nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc, trong khi những em thi không được tốt sẽ phải chấp cuộc sống vất vả với những nghề lương thấp như giáo viên ở thôn quê hoặc làm phải làm việc chân tay trong các nông trại hoặc xí nghiệp.
Trước áp lực khủng khiếp của kỳ thi tuyển sinh đại học quan trọng này, Bộ Giáo dục Trung Quốc và chính quyền các địa phương cũng như lãnh đạo các trường đang tìm mọi cách làm giảm sự trầm trọng của kỳ thi, dù chỉ mới cải cách một cách khiêm tốn. Trong kế hoạch cải cách và phát triển giáo dục 10 năm (2011-2020) mới đây, quan chức Bộ Giáo dục Trung Quốc đã thừa nhận sự bất công của việc chỉ sử dụng một kỳ thi duy nhất để định đoạt số phận của các thí sinh”.
Mặc dù kỳ thi tuyển sinh vẫn sẽ là căn cứ chính để quyết định ai sẽ vào đại học, nhưng chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích các trường tự tạo ra các bài kiểm tra riêng nhằm xác định các thí sinh có tài năng đặc biệt. Nỗ lực này nằm trong mục tiêu chung của nhà nước là tạo ra một hệ thống giáo dục đại học có tính tự chủ cao hơn hệ thống hiện nay, vốn được đánh giá là khá cứng nhắc.
Các trường đại học tốt nhất của Trung Quốc hầu hết ở thành phố giàu có phía bờ đông Trung Quốc, vì vậy việc phân bố chỉ tiêu tuyển sinh theo địa phương trong từng trường và từng chuyên ngành đã làm tăng thêm những thuận lợi sẵn có của học sinh có hộ khẩu thường trú tại Bắc Kinh hoặc Thượng Hải, vì các chỉ tiêu này khiến các em đương nhiên có cơ hội cao hơn để được chọn vào một trường hàng đầu so với những người từ địa phương khác, dù họ đạt được điểm tốt hơn.
Mặc dù tình trạng bất công này sẽ khó thay đổi trong tương lai gần, nhưng gần đây một số tỉnh đã cải cách bằng cách tặng thêm điểm thưởng cho các thí sinh đã đoạt giải thưởng trong các kỳ thi Toán và Tiếng Anh. Những cuộc thi này rất phổ biến ở Trung Quốc và được đưa lên truyền hình. Tuy nhiên, những người phê phán việc sử dụng điểm thưởng đã cho rằng việc này sẽ tạo thêm áp lực cho thí sinh, đồng thời tạo ra một hệ thống giáo dục thậm chí còn chọn lọc khắt khe hơn hiện nay, khiến cho văn hóa dạy thêm – học thêm tại Trung Quốc càng trầm trọng hơn chứ không phải là giảm đi.
Hơn nữa, một số trường hiện nay đang tự ra đề thi và tổ chức phỏng vấn sinh viên, và dựa vào những kết quả này để gọi thí sinh nhập học. Tuy nhiên, thực tế vẫn là học sinh từ các tỉnh và thành phố giàu có đang được hưởng một nền giáo dục trung học tốt hơn nhiều so với ở thôn quê.
Một mô hình tuyển sinh khác cho phép một số trường, chủ yếu là trường ưu tú, nhận sinh viên vào học dựa trên thư giới thiệu của các vị hiệu trưởng trường trung học. Từ mùa thu năm rồi, Đại học Bắc Kinh bắt đầu nhận 3% sinh viên của mình dựa trên những thư giới thiệu này. Tuy nhiên chính sách này cũng gây tranh cãi, vì có người lo rằng nó sẽ tạo cơ hội cho tham nhũng len lỏi vào trong quá trình tuyển sinh. Vả lại nó cũng chẳng thể làm tăng sự đa dạng trong trường đại học, vì các vị hiệu trưởng thì cũng sẽ chỉ giới thiệu những học sinh có điểm thi tốt mà thôi.
Cải cách tuyển sinh ở Trung Quốc có lẽ sẽ vẫn còn là một chuyện dài nhiều tập.
Phương Anh dịch
———————–
* http://www.wes.org/ewenr/10june/asiapacific.htm