Cần chuẩn hóa dịch vụ hỗ trợ tâm lý học đường

"Nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận thức được tầm quan trọng của dịch vụ hỗ trợ tâm lý học đường nhưng ở Việt Nam, công tác này vẫn bị xem nhẹ do chưa được nhìn nhận thấu đáo", PGS.TS Đặng Hoàng Minh, Ths Hồ Thu Hà (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) trao đổi với Tia Sáng.

Tư vấn tâm lý học đường tại một trường
THPT ở TP HCM. Nguồn: nld.com.vn

Tia Sáng: Xin các chị cho biết vai trò cũng như công việc cụ thể của cán bộ làm công tác hỗ trợ tâm lý học đường?

PGS.TS Đặng Hoàng Minh: Chúng ta đều biết, trẻ nhỏ và thanh thiếu niên có thể gặp phải nhiều vấn đề liên quan đến việc học tập, các mối quan hệ xã hội, quản lý cảm xúc, stress hay nặng hơn là các rối loạn tâm lý như trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi, v.v. Cán bộ tâm lý học đường có thể giúp các em cũng như gia đình, giáo viên và những người có liên quan hiểu và giải quyết những vấn đề này, đặc biệt, giúp các em vượt qua các trạng thái tâm lý bất ổn trong thời gian ngắn và tránh tái diễn. Đồng thời, họ phối hợp cùng gia đình, nhà trường và các cán bộ chuyên môn khác nhằm tạo ra một môi trường học tập an toàn và lành mạnh, hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện. Nếu cần một định nghĩa chuẩn thì có thể sử dụng định nghĩa đáng tin cậy nhất do Hiệp hội Tâm lý học đường Mỹ đưa ra: Cán bộ tâm lý học đường áp dụng các kiến thức chuyên môn trong các lĩnh vực sức khỏe tâm thần, sự học và hành vi để giúp học sinh thành công trên các phương diện học đường, xã hội, hành vi và cảm xúc.

Ths. Hồ Thu Hà: Cụ thể hơn, cán bộ tâm lý học đường có ba vai trò. Thứ nhất, hỗ trợ trực tiếp và tư vấn can thiệp với học sinh; thứ hai, tư vấn cho giáo viên, gia đình và các cán bộ khác trong nhà trường về các chiến lược – kế hoạch nhằm hỗ trợ học sinh phát triển một cách toàn diện. Thứ ba, họ cũng làm việc với ban lãnh đạo nhà trường để cải thiện các chính sách giáo dục trong phạm vi nhà trường, cộng tác với các tổ chức trong cộng đồng để cung cấp các dịch vụ giáo dục, tâm lý mang tính chất phòng ngừa và có lợi cho học sinh. Thông qua các hoạt động đó, cán bộ tâm lý học đường và các bên liên quan cần hợp tác sao cho dịch vụ hỗ trợ tâm lý học đường đạt được các mục tiêu chính là: nâng cao thành tích học tập của học sinh; đảm bảo sức khỏe tâm thần và hành vi tích cực ở học sinh; nhận diện và hỗ trợ nhu cầu của các nhóm học sinh đa dạng; tạo ra một môi trường học đường an toàn và tích cực.

Ngoài ra, cán bộ tâm lý học đường không chỉ hoạt động ở trường học (từ mẫu giáo tới bậc đại học) mà còn làm việc tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần liên quan đến trường học, cơ sở chăm sóc cộng đồng, chương trình giáo dưỡng, phòng khám tư hoặc các viện nghiên cứu và trường đại học.

Ngoài việc tiến hành sàng lọc và các trị liệu bước đầu, đối với các em học sinh bị khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng, liệu cán bộ tâm lý học đường có thể đảm đương việc trị liệu mang tính chuyên sâu?

PGS.TS Đặng Hoàng Minh: Thông thường, cán bộ tâm lý học đường sẽ là người can thiệp ban đầu, thực hiện các bước mang tính cơ bản. Trong trường hợp  các em bị khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng, vượt quá khả năng hỗ trợ của cán bộ tâm lý học đường thì cần có sự can thiệp của cán bộ tâm lý lâm sàng. Cán bộ tâm lý lâm sàng được đào tạo chuyên nghiệp và có các kĩ năng lâm sàng để giúp khách hàng đương đầu một cách hiệu quả hơn với các vấn đề trong cuộc sống và các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Cán bộ tâm lý lâm sàng có thể làm việc ở bệnh viện, phòng khám tư hay tất cả những cơ sở có chức năng hỗ trợ con người giải quyết các vấn đề về: rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu, xung động kéo dài; các trạng thái mãn tính ảnh hưởng tới cuộc sống hay sức khỏe thể chất như ở người mắc bệnh ung thư, tim mạch; các bất ổn tâm lý ngắn hạn như một số người bị suy sụp sau khi trải qua cái chết của người thân. Cán bộ tâm lý lâm sàng giúp khách hàng học cách đương đầu với các tình huống gây stress, điều hòa cuộc sống trong các tình huống mắc bệnh mãn tính, vượt qua các vấn đề về sức khỏe tâm thần và tự phá bỏ các rào cản ngăn họ đạt được mục tiêu của mình.

Cán bộ tâm lý học đường sau khi hoàn thành bậc cử nhân phải được đào tạo chuyên sâu cả về tâm lý và giáo dục. Một số nước yêu cầu ứng viên tối thiểu phải có bằng  thạc sĩ, nhiều nước khác yêu cầu bằng tiến sĩ và thời lượng thực tập lên tới 1200 giờ mới được tham dự kỳ sát hạch cấp chứng chỉ cán bộ tâm lý học đường.

PGS.TS Đặng Hoàng Minh.

Ths. Hồ Thu Hà: Khác với các bác sĩ, cán bộ tâm lý lâm sàng không điều trị các trạng thái bất ổn tâm lý nặng nề bằng thuốc hay các phương pháp y học khác. Họ xác định vấn đề của khách hàng bằng cách tiến hành các trắc nghiệm cần thiết, đánh giá tình trạng,  đưa ra chẩn đoán và định hình cơ chế hình thành vấn đề, từ đó, có kế hoạch trị liệu, chủ yếu là các liệu pháp tâm lý. Việc trị liệu bằng liệu pháp tâm lý cũng đã được chứng minh mang lại hiệu quả cao. Tùy thuộc vào từng trường hợp, cán bộ tâm lý lâm sàng có thể lựa chọn nhiều liệu pháp phù hợp, như: làm việc với cá nhân, cặp đôi, gia đình hay nhóm.. Nhiều nghiên cứu cho thấy,  hiệu quả trị liệu cho khách hàng thường đạt kết quả tốt nhất khi có sự tham gia của một nhóm các chuyên gia, bao gồm: bác sĩ tâm thần, cán bộ tâm lý, y tá…

PGS.TS Đặng Hoàng Minh: Ngoài ra, trong trường hợp cực kỳ đặc biệt, đối với  trẻ em có nghi ngờ tổn thương về não bộ sẽ cần tới cán bộ tâm lý thần kinh. Họ sẽ sử dụng các công cụ đánh giá để xác định chất lượng hoạt động chức năng của não bộ liên quan đến tổn thương não và từ đó, đưa ra các khuyến nghị cho kế hoạch trị liệu, bao gồm: liệu pháp tâm lý, thuốc hoặc phẫu thuật.

Như vậy, cán bộ tâm lý (ở nhiều cấp độ) có  vai trò rất quan trọng trong sự phát triển lành mạnh và toàn diện của trẻ em, thanh thiếu niên. Tại các nước dịch vụ hỗ trợ tâm lý học đường đã trở nên phổ biến, những người làm công tác hỗ trợ tâm lý phải trải qua  quy trình đào tạo như thế nào để được cấp chứng chỉ hành nghề?

PGS.TS Đặng Hoàng Minh: Đối với cán bộ tâm lý, để có được chứng chỉ hành nghề không hề đơn giản. Đào tạo bậc cử nhân thường dừng lại ở các kiến thức chung về tâm lý học. Ở các nước phát triển, sau khi hoàn thành bậc đại học, bạn trở thành cử nhân tâm lý học nhưng chưa được phép hành nghề tâm lý. Như ở Mỹ, để trở thành cán bộ tâm lý, bạn buộc phải trải qua một kỳ sát hạch (hoặc đáp ứng các yêu cầu do cơ quan có thẩm quyền ban hành) rồi mới được cấp chứng chỉ hành nghề (licence). Nhận được chứng chỉ có nghĩa là cán bộ tâm lý đã hoàn thành các yêu cầu về đào tạo (chương trình thạc sĩ, tiến sĩ kèm theo thời gian thực tập có giám sát ở các cơ sở cung cấp dịch vụ tâm lý), được quyền hành nghề và được pháp luật bảo vệ.

Quá trình đào tạo cán bộ tâm lý thường rất nghiêm ngặt, kéo dài và mỗi một lĩnh vực lại có một nội dung đào tạo khác nhau. Cán bộ tâm lý học đường sau khi hoàn thành bậc cử nhân phải được đào tạo chuyên sâu cả về tâm lý và giáo dục. Một số nước yêu cầu ứng viên tối thiểu phải có bằng  thạc sĩ, nhiều nước khác yêu cầu bằng tiến sĩ và thời lượng thực tập lên tới 1200 giờ mới được tham dự kỳ sát hạch cấp chứng chỉ cán bộ tâm lý học đường. Họ cần được trang bị các kiến thức về sức khỏe tâm thần của học sinh, mô hình can thiệp cho học sinh trong môi trường học đường, các chương trình nâng cao sức khỏe tâm thần học đường, hệ thống học đường và chính sách, đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt, cán bộ tâm lý lâm sàng còn phải trải qua quá trình đào tạo gắt gao hơn, thông thường lên tới 5-7 năm sau khi hoàn thành bậc cử nhân. Họ được đào tạo về đạo đức, các kiến thức tâm lý học liên quan tới cơ sở sinh học, nhận thức – cảm xúc và xã hội của hành vi, các rối loạn tâm thần, các kĩ năng cụ thể liên quan tới đánh giá và trị liệu tâm lý. So với các chuyên gia khác trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, họ phải trải qua một quá trình đào tạo vất vả và kéo dài hơn rất nhiều do tích hợp các học phần khác nhau về khoa học tâm lý cũng như thời gian thực tập.

Để đảm bảo về chuyên môn, ai sẽ là người giám sát các cán bộ tâm lý khi họ tiến hành công tác hỗ trợ tâm lý học đường?

Ths. Hồ Thu Hà: Theo đúng quy trình, việc giám sát quá trình hành nghề cũng rất nghiêm khắc, đòi hỏi cán bộ tâm lý phải nghiêm túc với công việc và không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn. Do nghề cán bộ tâm lý là nghề (professional) được pháp luật công nhận nên pháp luật sẽ ban hành luật, quy chế/ đạo đức hành nghề-cũng là công cụ để giám sát công việc của cán bộ tâm lý. Điều đó có nghĩa là nếu cán bộ tâm lý vi phạm đạo đức, quy chế hành nghề, cán bộ tâm lý sẽ bị kiện, dẫn đến bị treo bằng hoặc các hình thức kỉ luật khác. Ở nhiều nơi, quy chế hành nghề cũng quy định số giờ làm việc/tuần của cán bộ tâm lý, số giờ phải học tập/bồi dưỡng thêm theo năm, v.v. Thêm vào nữa, về mặt chuyên môn, cán bộ tâm lý chịu sự giám sát của các chuyên gia độc lập có chuyên môn sâu hơn, hoặc họ trao đổi chuyên môn và giám sát đồng đẳng lẫn nhau.

Xin cảm ơn sự chia sẻ của các chị!

Bảo Như thực hiện !

Tác giả

(Visited 19 times, 1 visits today)